Tổng lượng tiêu thụ thép toàn ngành tháng 10 giảm về mức thấp nhất hai năm trong bối cảnh các dự án bất động sản và đầu tư công chậm lại.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát báo cáo sản xuất 384.000 tấn thép thô trong tháng 11, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30%. Trong đó, thép xây dựng tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2021, còn thép cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh hơn, khoảng 12%.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại Thép Nam Kim (NKG). Theo Chứng khoán DSC, sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong quý III của công ty đạt 131.121 tấn, giảm hơn 49%. Trong đó, sản lượng xuất khẩu - vốn chiếm hai phần ba tỷ trọng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý vừa qua, sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm 44% so với cùng kỳ 2021, xuống 313.000 tấn, theo SSI Research. Trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 76%, còn sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 32% từ mức nền thấp của kỳ trước....
Không chỉ Hòa Phát, Nam Kim hay Hoa Sen, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tình hình kém khả quan của toàn ngành. Trong tháng 10, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn hai triệu tấn, giảm 16% so với tháng 9 và giảm gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt gần 1,9 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng giảm tới 29% so với cùng kỳ 2021. Sức tiêu thụ thép các loại thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vào khoảng 158.000 tấn.
triệu tấnTình hình sản xuất và tiêu thụ thép từ tháng 10/2020 tới naySản xuấtTiêu thụ10/202011/202012/20201/20212/20213/20214/20215/20216/20217/20218/20219/202110/202111/202112/20211/20222/20223/20224/20225/20226/20227/20228/20229/202210/202201234VnExpress | Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam1/2022● Tiêu thụ: 2.44
Theo VSA, kinh tế Việt Nam trong 10 tháng đầu năm khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt nhiều khó khăn có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Lượng tiêu thụ thép về đáy trái với dự báo khả quan trong mùa cao điểm cuối năm. Giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình... ngày càng cao, tuy nhiên nhóm này chiếm tỷ trọng không quá lớn.
Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản... Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng qua mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (63,86%).
Với xuất khẩu, biến động kinh tế thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh. Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết có doanh nghiệp gần như không còn đơn hàng đặt tại một số quốc gia. Nhiều công ty như Pomina, Hòa Phát, Hoa Sen... đã phải dừng một số nhà máy để giảm áp lực tồn kho. Các công ty chứng khoán lần lượt duy trì quan điểm thận trọng hoặc kém khả quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong cuối năm nay đến đầu năm sau.
Gần đây, một số thương hiệu thép cũng rục rịch tăng giá bán thép D10 CB300 với biên độ 30.000-50.000 đồng lên quanh 14,7 triệu đồng một tấn. Riêng Thép Mỹ, Việt Sing và Việt Mỹ tăng mạnh hơn 100.000-200.000 đồng lên vùng giá 14,6 triệu đồng một tấn. Trong khi đó, thép cuộn CB240 lại giảm giá khoảng 40.000-70.000 đồng về khoảng 14,2-14,4 triệu đồng một tấn.
Đại diện Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina..., cho rằng nhu cầu thị trường hiện ở mức yếu. Chưa kể, giai đoạn này kề cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thắt chặt việc phát sinh công nợ, chủ yếu tập trung vào thu hồi. Những yếu tố trên khiến tình hình bán hàng kém khả quan trong thời gian tới.
Nguồn tin: vnExpress