Nối tiếp chuỗi ảm đạm của tháng 9, số liệu vừa được một số doanh nghiệp công bố cho thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ thép tiếp tục đi xuống trong tháng 10.2022.
Tiêu thụ thép xây dựng tại doanh nghiệp tiếp tục giảm xuống trong tháng 10.2022. Ảnh: DN
Tháng 10.2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10.2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, chỉ bằng 45% so với cùng kỳ.
Từ quý III đến nay, sản lượng sản xuất và bán hàng của Hòa Phát giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu.
Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.
Tín hiệu khả quan là thép HRC vẫn tăng trưởng so với tháng 9.2022 và tháng 10.2021 nhờ một số lô xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Malaysia.
Như vậy lũy kế 10 tháng 2022, Hòa Phát sản xuất 6,6 triệu tấn thép thô, giảm 2%. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 6,2 triệu tấn, giảm 3% so với 10 tháng 2021.
Doanh nghiệp này cho biết, tới đây sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.
Trước đó theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung 9 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, cũng giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài những biến động của thị trường, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm được cho là một nguyên nhân quan trọng khiến tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn.
Theo một số liệu được Bộ Tài chính báo cáo, ước đến cuối tháng 10.2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỉ đồng, bằng 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, hơn 290.800 tỉ đồng là vốn trong nước, bằng 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 6.960 tỉ đồng vốn nước ngoài, đạt 20,14% kế hoạch. Với kết quả trên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng qua tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một diễn biến đáng lo ngại khác là số lượng dự án chậm tiến độ ngày càng có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong một báo cáo gần đây lên Chính phủ về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ riêng trong năm 2021, có tới 1.962 dự án bị chậm tiến độ, trong đó 1.145 dự án do giải phóng mặt bằng; ngoài ra là do chuẩn bị dự án, thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, nhu cầu thép trong thời gian tới đây có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.
Thực tế với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, lượng hàng tồn kho kỷ lục đang là một thách thức rất lớn. Dù rằng trước nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, các doanh nghiệp đã giảm lượng hàng tồn kho xuống còn 85.000 tỉ đồng để giảm đi áp lực kinh doanh trong giai đoạn quý cuối năm.
Nguồn tin: Lao động