Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tìm cơ hội trong khủng hoảng

Năm 2008, nền kinh tế có những biến động khó đoán. Giá nguyên vật liệu, lãi suất, tỷ giá biến động liên tục… và gần đây là suy thoái kinh tế, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không biết xoay xở ra sao, bởi họ không có được sự chuẩn bị tốt trước những biến động trên.
Nay tình hình có vẻ đã khác, nhiều doanh nghiệp đã tự chuẩn bị cho mình những kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Có doanh nghiệp chọn cách “nằm im, thở khẽ”, chờ cho qua giai đoạn khó khăn. Một số khác cho rằng trong “nguy có cơ”, chọn cách “bơi ngược dòng”… Tất cả đều vì mục đích cuối cùng là làm sao nắm bắt tốt mọi cơ hội, chuẩn bị sẵn sàng cho thời hậu suy thoái.
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh là một trong những doanh nghiệp đang chọn cách “bơi ngược dòng”. Ngay từ cuối năm 2008, HĐQT công ty đã đề ra các giải pháp đối phó với suy giảm kinh tế, cụ thể là phát động phong trào thi đua toàn công ty, nhằm tạo động lực để công nhân tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất. Điều này còn là chất xúc tác kết dính tinh thần đoàn kết giữa người lao động, mang lại hiệu quả thực cho doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh còn tăng cường nhân lực cho khâu dịch vụ thị trường, củng cố hệ thống đại lý, chăm lo cho khách hàng tốt hơn. Vì theo ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT công ty, khách hàng là “nồi cơm” của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc phát động phong trào thi đua, Nhựa Bình Minh còn thực hiện chính sách tiết kiệm, kiểm soát, tinh giảm lực lượng lao động dư thừa, bố trí lại khâu sản xuất cho hợp lý. Tất cả những việc làm trên đều được triển khai theo tiêu chuẩn ISO một cách rõ ràng, nghiêm túc.
Nhờ đó, sau ba tháng thực hiện, doanh số bán hàng của Nhựa Bình Minh đã khởi sắc rõ rệt. Trong tháng 1-2009, doanh số của công ty chỉ khoảng 20 tỉ đồng (một phần do là tháng Tết), nhưng sang tháng 2 và tháng 3 doanh số đạt trung bình 80 tỉ đồng/tháng. Ông Doanh hy vọng với việc triển khai đồng bộ kế hoạch như trên, kết quả kinh doanh năm 2009 của Nhựa Bình Minh sẽ tiếp tục ổn định như những năm trước mặc dù kinh tế đang suy thoái, đồng thời điều đó sẽ trở thành thế và lực để công ty phát triển mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế hồi phục.
Giống như một số doanh nghiệp khác cũng đang “bơi ngược dòng”, Công ty cổ phần Vinamit, May An Phước, tập đoàn Nguyễn Hoàng… xem suy thoái là cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường ra khu vực phía Bắc. Còn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty cổ phần Nam Việt… thì củng cố thị trường sẵn có, phát triển thị trường mới như Mỹ, EU, Nhật, Nga, Trung Đông…
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn, cho biết ngay thời điểm cuối năm 2008, khi dấu hiệu suy thoái kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, cụ thể là đơn hàng doanh nghiệp suy giảm, công ty đã đề ra hẳn một “chương trình hành động phòng chống khủng hoảng thị trường năm 2009”.
Theo đó, công ty tiến hành tái cơ cấu tổ chức sản xuất, nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tập trung hóa sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục cải tiến công tác điều hành nhằm đạt hiệu quả cao hơn, có thể thích ứng kịp thời với tình hình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội có được trong khủng hoảng.
Khi khủng hoảng chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm sản xuất, co cụm hoạt động, thì Công ty cổ phần Tôn Đông Á lại coi bơi ngược dòng là cơ hội để chiếm lĩnh thị phần. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tôn Đông Á, cho rằng trong giai đoạn này co cụm chưa chắc đã là hay, vì co cụm đồng nghĩa với việc tăng giá thành, khó cạnh tranh thì sẽ không tìm được lối ra.
Ông Trung ví dụ sản lượng công ty là 1.000 tấn/tháng, nếu giảm xuống còn 500 tấn chẳng hạn thì vốn đầu tư cho dây chuyền sản xuất qua đó cũng tăng, chưa kể việc giảm lao động. Do vậy, trong giai đoạn này, Tôn Đông Á chọn cách phòng thủ chống rủi ro chứ không co cụm, tốt nhất là giữ vững sản xuất.  Hiện Tôn Đông Á đang tập trung vào việc chăm sóc khách hàng. Theo ông Trung, “có thể cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, nhưng riêng khoản chăm sóc khách hàng, chăm sóc thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thì dù khó khăn cũng khôngthể giảm”.
Bên cạnh đó, Tôn Đông Á còn cân đối, sắp xếp lại nhân sự sao cho không thừa, không thiếu, đồng thời rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, giảm tối đa hàng tồn kho, phân cấp phân nhiệm quyền hạn rõ ràng cho các phòng ban để khi có việc xảy ra, nhanh chóng biết được ách ở khâu nào để có giải pháp xử lý được ngay. Chính nhờ kinh tế suy thoái mới thấy rõ hơn năng lực của doanh nghiệp, qua đó nâng cao được năng lực trong công tác quản lý, ông Trung cho hay.
 
LTS: Giữ vai trò lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp trong thời kinh tế suy thoái là điều không dễ. Làm thế nào giữ vững tinh thần cho mình và cho nhân viên? Làm thế nào quản trị tốt? Đâu là những kinh nghiệm, bài học hay của những nhà lãnh đạo giỏi?...
Chuyên mục “Vượt khủng hoảng” trên TBKTSG và TBKTSG Online sẽ là người bạn đồng hành cùng giới doanh nhân trong thời kỳ khó khăn này. Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn hoặc đóng góp bài vở cho chuyên mục xin vui lòng gửi về địa chỉ: vuotkhunghoang@kinhtesaigon.vn
Nguyễn Ái Hữu, Tổng giám đốc tập đoàn Worldsoft, cho rằng khủng hoảng là khó khăn đối với người này, nhưng lại là cơ hội đối với người khác.
Khủng hoảng khiến không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công phần mềm bị giảm hợp đồng, dẫn đến việc sa thải nhân sự ngày càng nhiều.
Trong khi hiện nay Worldsoft đang cần nhiều nhân sự để thực hiện các chiến lược của mình tại Việt Nam thì việc một số doanh nghiệp sa thải nhân viên là cơ hội để công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Vì nếu tuyển người chưa biết nghề, Worldsoft phải đào tạo chuyên sâu về quy trình sản xuất phần mềm tối thiểu từ 6-8 tháng, và như vậy sẽ trễ hợp đồng.
Hiện tại số nhân viên ở Worldsoft đã tăng lên 76 người, và đang tiếp tục đăng tuyển nhân sự. Từ nay đến cuối năm, Worldsoft sẽ tăng lên ít nhất là 120 người. Đồng thời, trong tháng này Worldsoft sẽ ra Huế để mở chi nhánh và tuyển thêm 30 nhân sự.
(TBKTSG Online)

ĐỌC THÊM