Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc giới thiệu các cơ hội kinh doanh và đầu tư vào thị trường kim loại phế liệu ở quốc gia này.
Năm 2006, Ma-rốc đã bán ra nước ngoài 1,13 tỷ điham (133 triệu USD) sắt thép phế liệu, gần bằng doanh thu xuất khẩu cà chua là 1,23 tỷ điham (145 triệu USD). Liên đoàn các ngành công nghiệp và luyện kim đang kêu gọi Chính phủ Ma-rốc hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu này để giúp các nhà công nghiệp trong nước. Năm 2006, Việt Nam nhập khẩu từ Ma-rốc 239 tấn sắt vụn, trị giá 667.754 USD. Liên đoàn các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim của Ma-rốc (FIMME) cho biết các nhà máy địa phương đang bị thiếu sắt thép phế liệu. FIMME vừa báo cáo với Chính phủ về các vấn đề do việc xuất khẩu nguyên liệu này đặt ra, trong đó đánh giá Ma-rốc đang bị chảy máu sắt thép phế liệu, ảnh hướng xấu đến các nhà công nghiệp trong nước.
Trên thực tế, việc giá trên thị trường thế giới quá cao đã tạo điều kiện cho sắt thép vụn của Ma-rốc xuất khẩu một cách ồ ạt. Năm 2006, gần 274.000 tấn phế thải kim loại đã được bán ra nước ngoài trong khi năm 2002 con số này mới là 130.000 tấn. Sắt vụn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 250.000 tấn xuất khẩu mỗi năm.
Tuy nhiên, mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà xuất khẩu vẫn là kim loại mầu. Theo thông báo của FIMME, 5000 tấn vụn đồng, 6000 tấn đồng thau, 10.000 tấn nhôm và 3000 tấn vụn chì được xuất khẩu mỗi năm. Nguyên nhân của sự chạy xô xuất khẩu này là giá trên thị trường thế giới tăng mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Kẽm là một ví dụ điển hình của mặt hàng kim loại màu với giá bán năm 2006 vượt 34.000 USD/tấn, tức là tăng 160%/năm.
Tương tự đối với các sản phẩm chì, thiếc và nhôm. Giá bán nhôm đã đạt con số 3000 USD/tấn. Đồng cũng tăng đến 8.800 USD/tấn. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2006, giá bán đồng đã giảm 35% ổn định ở mức 5.500 USD/tấn.
Theo giải thích của các chuyên gia, xu hướng tăng xuất khẩu này là do cầu trên thế giới tăng mạnh. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế thế giới quá cao (nhất là Trung Quốc luôn thiếu vật liệu xây dựng), những vấn đề cung ứng (thời hạn đưa vào sử dụng các cơ sở hạ tầng…) và lượng sắt thép dự trữ trên thế giới thấp ở mức kỷ lục.
Những thị trường tiêu thụ chính của Ma-rốc là châu Âu và Đông Nam Á. Trong vòng 6 năm, châu Á đã trở thành thị trường tiêu thụ sắt vụn số 1 của Ma-rốc, tăng từ 5% năm 2000 lên tới 95% năm 2006.
Các nguồn cung sắt thép vụn tại Ma-rốc
Sắt thép vụn của Ma-rốc trước tiên lấy từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Những người bán sắt vụn đi thu gom những mảnh vụn và những đồ công nghiệp bỏ đi. Nguồn cung thứ hai có lẽ còn chưa thể cạn trong tương lai gần đó là tính trung bình 6% chất dùng để sản xuất dây cáp điện và 15% chất sử dụng làm thép hình được đem tái chế.
Trong số những nhà cung cấp lớn có Cục Điện lực quốc gia (ONE), Cục Đường sắt quốc gia (ONCF), Công ty quản lý Les Régies và Tổng Cty viễn thông Ma-rốc Telecom. Mỗi năm, những cơ quan này lại đổi mới phần lớn trang thiết bị và đem bán các thiết bị đã thanh lý bằng cách gọi thầu như máy móc cũ. Một nguồn cung quan trọng thứ ba là những thùng rác và những bãi rác thành phố. Theo các thợ luyện kim, 90% các hoạt động thu gom sắt thép phế liệu thuộc thị trường không chính thức.
Phần lớn các kim loại tái chế này được bán ra nước ngoài và điều này rất thiệt thòi cho những nhà luyện kim trong nước vì họ lại phải nhập nguyên liệu đầu vào với giá cao hơn. Chính các khoản tiền chênh lệch cho các trung gian châu Âu và chi phí vận chuyển làm tăng giá nhập khẩu vào Ma-rốc.
Việc bán sắt vụn đã làm cho Ma-rốc thiệt hại 2 tỷ điham (235 triệu USD) mỗi năm, tương đương giá trị gia tăng của 274.000 tấn kim loại xuất khẩu nếu được chế biến tại chỗ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với các nhà công nghiệp Ma-rốc lại là phải đối phó với cuộc cạnh tranh của các sản phẩm làm bằng kim loại mầu đến từ Tuy-ni-di và Ai Cập. Những nước này do trước đây từng hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu sắt vụn nên những nhà thu gom sắt thép phế liệu đã phải giảm giá bán vì thiếu thị trường tiêu thụ. Đây là một lợi thế so sánh mà các nhà xuất khẩu của Ma-rốc không tận dụng được, ngược lại trở thành một mối lo khi Hiệp định Agadir về tự do mậu dịch giữa Ma-rốc với Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Tuy-ni-di đã được áp dụng từ ngày 27/3 vừa qua.
Trước mối đe doạ đó, FIMME đòi Chính phủ xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu sắt thép phế liệu giai đoạn từ 3 đến 5 năm, cụ thể là tạm ngừng xuất khẩu hoặc đánh thuế cao.
Các nhà chuyên nghiệp cũng muốn những nhà thu gom kiêm xuất khẩu sắt vụn phải chịu thuế công ty.
Tất cả những biện pháp trên sẽ có tác dụng thúc đẩy việc sử dụng sắt vụn trong nước của các ngành công nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, việc tạo điều kiện dễ dàng mua được sắt vụn trong nước có thể khuyến khích việc thành lập những đơn vị mới đặc biệt ở cấp độ vùng.
Vẫn theo Liên đoàn các ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim của Ma-rốc (FIMME), hoạt động của những người thu gom sắt vụn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cấu trúc thị trường mới vì những quy trình thu gom sẽ vẫn được giữ nguyên để dể dàng tập hợp và lựa chọn nguyên liệu.
(Vinanet)