Theo báo cáo của Bộ Công thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại ngành công thương 7 tháng qua, ngành thép nằm trong danh mục ngành vật liệu xây dựng “khủng hoảng” nhất và đang đối mặt với không ít khó khăn khi thị trường bất động sản - đầu ra chính của ngành thép đang đóng băng. Còn Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam Trần Văn Huỳnh phát đi thông điệp: Bên cạnh các giải pháp chủ động như đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường, ngành sẽ không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường vì hiện nay các mặt hàng này đã đủ để cung cấp cho thị trường đến năm 2015. Qua đây, có thể thấy bức tranh u ám đang bao trùm lên ngành VLXD.
Trước thực trạng này, Hội VLXD khuyến nghị các đơn vị trong ngành nên tìm hướng đi mới: không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất; hạ giá thành và đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi trên thực tế, trong thời gian vừa qua, thị trường VLXD đang tồn tại một nghịch lý: sức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều nhưng nhiều loại sản phẩm như xi măng, thép, giá lại không giảm, ngược lại luôn có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, giải pháp quan trọng cần làm thế nào để hạ giá thành và đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt với giá hợp lý nhất. Các doanh nghiệp VLXD phải bố trí mạng lưới kinh doanh để đừng qua nhiều khâu trung gian sẽ dẫn đến giá thành quá cao khi đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp nên phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để giảm chi phí không cần thiết. Việc giảm các chi phí gián tiếp, hợp lý hóa tổ chức sản xuất là một trong những khâu quan trọng nhất hiện nay. Ngoài ra, từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất VLXD còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20% - 30%, do vậy phải đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, theo thứ tự các mặt hàng xuất khẩu như xi măng từ 10 - 15 triệu tấn, gạch ốp lát ceramic, granite 120 - 130 triệu m2, sứ vệ sinh 3 - 4 triệu sản phẩm, kính xây dựng từ 40 - 50 triệu m2, đá ốp lát 5 - 6 triệu m2…, đưa kim ngạch xuất khẩu lên 2 tỷ USD, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất. Ngành VLXD cũng cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu VLXD vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài.
Để ngành VLXD có thể phát triển bền vững, ngoài nỗ lực của cộng đồng, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển đến triển khai thực hiện. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đưa Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ vào cuộc sống. Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, khai thông thị trường bất động sản, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng… để tăng thị trường cho VLXD. Khẩn trương triển khai làm đường cao tốc bằng bê tông. Việc làm này vừa kích thích tiêu thụ xi măng, hạn chế nhập khẩu nhựa đường vừa tiết kiệm ngân sách vừa bảo đảm chất lượng đường bền vững lâu dài… Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Công trình xây dựng Việt Nam sử dụng VLXD sản xuất trong nước”… tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất trong nước, tiết kiệm được kim ngạch nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Sớm nghiên cứu ban hành chính sách “phòng vệ thương mại”, chống bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh, sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài... Đồng thời, xây dựng các hàng rào kỹ thuật để loại bỏ nhập khẩu hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên, ngay bây giờ cần những biện pháp bài bản hơn, cụ thể hơn trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Trong đó, việc tái cơ cấu ngành nghề để dám hy sinh những công trình, dự án khiến cho ngành nghề lĩnh vực đó dư thừa công suất lớn như thép xây dựng, hay việc tái cơ cấu vùng, lãnh thổ để giảm bớt những gánh nặng nhãn tiền từ các dự án xi măng hay mía đường… là những điều hết sức cần thiết.
Nguồn tin: SGGP