Lãi suất đã hạ về gần mức trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thế nhưng, tín dụng tăng chưa đáng kể. Lâu rồi, ngân hàng mới có tiền thừa, tiền rẻ.
Cần gói kích cầu
Tại ACB, 3 tháng đầu năm tín dụng chỉ mới tăng hơn 4% trong tổng chỉ tiêu được giao 12%. Đây là trường hợp “ngoại lệ” bởi vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung. Điều này có thể do cơ cấu tín dụng của ACB có tỷ trọng khá lớn là khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh trường hợp “ngoại lệ” trên, hàng loạt ngân hàng vẫn báo tăng trưởng tín dụng âm hoặc tăng không đáng kể sau những tháng đầu năm nay.
Tại Eximbank, dư nợ tín dụng tăng chưa tới 2% trong quý một đầu năm nay. Đáng chú ý hơn, ở các ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank và VietinBank, tín dụng âm trên 3% trong 3 tháng đầu năm 2013. Các nhà băng quy mô nhỏ hơn cũng cho biết, không dễ khơi dòng tín dụng, cho dù lãi suất đã được giảm dần.
Tại Sacombank, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng có phần khá hơn, đạt 6%, song phần lớn dư nợ chủ yếu tăng từ cho vay nhỏ, lẻ phân tán, chiếm trên 50% tổng dư nợ của Ngân hàng trong hơn 1 quý đầu năm. Còn với doanh nghiệp, nhu cầu vốn có nhưng tìm kiếm được khách hàng tốt cho vay trong lúc này theo Sacombank là rất khó.
Khó có thể coi lãi suất là nguyên nhân chính bởi khá nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay khá “mềm” với chỉ 7 - 8%/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu và 8 - 10%/năm cho các khách hàng duy trì được tình hình sản xuất kinh doanh.
Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, hiện nay, ngân hàng chỉ có thể đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác, rất khó để khơi dòng chảy vốn.
Vì thế, theo vị giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của nhà băng trên, trong 5 tháng đầu năm hầu như tín dụng khối doanh nghiệp của ngân hàng không tăng.
“Chỉ tiêu tín dụng ngân hàng chúng tôi nhận được năm nay ở mức 9%, thấp hơn mức 15% của năm trước. Nhưng do 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng chỉ mới đạt trên 2% nên khả năng khó đạt mục tiêu”, vị giám đốc trên nói và cho biết: “Để có thể đẩy mạnh được tăng trưởng dư nợ trong lúc này cần giải pháp kích cầu bên cạnh giảm lãi suất”
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Định, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho rằng, tín dụng khó tăng trưởng là do hàng tồn kho doanh nghiệp tăng, trong khi sức mua của thị trường yếu dẫn đến nhu cầu vay vốn rất thấp.
“Trước hết phải giải quyết được bài toán hàng tồn kho. Doanh nghiệp bán được hàng thì mới vay vốn ngân hàng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới. Còn nếu doanh nghiệp vẫn không bán được hàng, dù lãi suất giảm và giảm thêm nữa, đồng thời ngân hàng đẩy mạnh cho vay thì dư nợ tín dụng cũng không thể tăng”, ông Định cho biết.
Chờ đợi!
Thị trường hiện đang tập trung sự chú ý vào gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đối với một số ngân hàng cổ phần thì không có tác động trực tiếp bởi hiện mới có 5 ngân hàng thương mại nhà nước được triển khai.
Theo một số ngân hàng, có một giải pháp dù gián tiếp nhưng cũng góp phần đẩy được tín dụng của các ngân hàng lên chính là Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Nếu VAMC sớm được vận hành, giúp các ngân hàng giảm bớt khối nợ xấu, sẽ có tác dụng giảm thêm nữa lãi suất cho vay.
”Hiện khoảng cách lãi suất huy động và cho vay còn khá lớn, một phần bởi ngân hàng phải bù đắp cho các khoản nợ xấu khó thu hồi, trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết. ”Nếu nợ xấu của ngân hàng được xử lý bớt, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm thêm, từ đó kích thích tăng nhu cầu vay vốn”.
Tất nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp hỗ trợ. Theo nhận định của các ngân hàng, vấn đề của nền kinh tế nói chung và tín dụng nói riêng là sức khỏe của doanh nghiệp. Phải có giải pháp, có thể là kích cầu, có thể là ưu đãi,… để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank khẳng định, chỉ những doanh nghiệp có lý lịch không tốt thì ngân hàng mới không dám trao vốn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tốt, ngân hàng không cho vay thì người chết trước chính là ngân hàng chứ không phải doanh nghiệp.
Nhưng theo ông Dũng, điểm nghẽn lớn nhất khiến dòng chảy tín dụng khó có thể khơi thông vẫn chính là tồn kho, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không bán được. Vì thế, dù lãi suất đã điều chỉnh giảm nhiều so với trước, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng như kỳ vọng.
Hiện ngoài gói hỗ trợ bất động sản, VAMC, các doanh nghiệp đang kỳ vọng khá nhiều vào các giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT. Mỗi giải pháp hỗ trợ đều có những tác dụng nhất định, vấn đề là mức độ quyết liệt trong triển khai.
Nguồn: ĐTCK