Với hàng loạt chính sách kích cầu hạ tầng trong năm 2021, cổ phiếu của các doanh nghiệp thép được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công và sự phục hồi theo ngành bất động sản.
So với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tháng 4/2020, cổ phiếu ngành thép các nước kiểm soát dịch tốt như Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) hay Malaysia đều có mức lợi nhuận vượt trội.
Tháng 11/2020, xuất khẩu thép các loại đạt 478.375 tấn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo thống kê của Mirae Asset Việt Nam, tăng trưởng giá cổ phiếu ngành thép Việt Nam tính tới hết tháng 11/2020 đạt 47.5%, cao nhất so với các nước trong khu vực như Thái Lan đạt 35%, Đài Loan (Trung Quốc) đạt 42%, hay Indonesia đạt 31%
Riêng tháng 11/2020, xuất khẩu thép các loại đạt 478.375 tấn, tăng 21,52% so với tháng trước, và tăng 40,0% so với cùng kỳ tháng 10/2019. Trong đó, sản xuất thép các loại đạt 2.454.736 tấn, tăng 4,34% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019; bán hàng thép các loại đạt 2.455.845 tấn, tăng mạnh 36,88% so với tháng 10/2020, và tăng 20,9% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2020 cũng là năm các công ty thép lần lượt đưa vào thêm các lò cao mới, bao gồm 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) từ lò cao 3 và 4 thuộc dự án Dung Quất và 1,1 triệu tấn thép xây dựng từ dự án Pomina Phú Mỹ.
Cầu của ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản nhưng, do diễn biến dịch COVID-19 khiến ngành bất động sản không thực sự sôi động trong năm 2020. Điểm sáng nhất của ngành giúp cho sản lượng không bị suy giảm quá sâu đến từ việc kích cầu đầu tư công của Chính phủ, cũng như nhu cầu lớn đến từ Trung Quốc.
Về phía Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh số và lợi nhuận trong năm 2020. Khi Chính phủ đã công bố kích cầu đầu tư công, với hàng loạt dự án lớn thuộc thành phần Cao tốc Bắc Nam, cũng như xây dựng mới sân bay Long Thành. Ngoài ra, các dự án lớn về điện khi LNG cũng như cơ sở hạ tầng sẽ được triển khai từ năm 2021.
Lũy kế 11 tháng năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng sản xuất gần 5,2 triệu tấn thép thô, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Về tiêu thụ, Hòa Phát đạt trên 3 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng xuất khẩu thành phẩm đạt 480.000 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng yếu tố ngành bất động sản hồi phục sau một năm trì trệ, nhóm chuyên gia của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự kiến sản lượng thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát năm 2021 đạt 4,1 triệu tấn, tăng 24% so với dự kiến đạt được năm 2020.
Thực tế, biên lợi nhuận các công ty tôn thép còn đang được mở rộng theo chiều hướng tăng giá quặng và HRC. Hiện, giá HRC tăng 37% từ mức đáy từ tháng 4/2020, lên mức 685 USD/tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp thép nói chung, và Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG), khi giá HRC giao ngay tăng mạnh có khả năng sẽ đẩy cao giá bán của Thép Nam Kim.
Các nhà máy Thép Nam Kim cũng đang vận hành ở mức công suất tối đa nhờ nhu cầu mạnh từ thị trường châu Âu. Trong cơ cấu doanh thu quý IV/2020, xuất khẩu sang thị trường này dự kiến sẽ đóng góp khoảng 45%.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết, thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc trước đây. Các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp cho các doanh nghiệp ngành thép có thêm cơ hội xuất khẩu.
“Tuy nhiên, để vào được thị trường Anh cũng như khối EU, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật, thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh”, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khuyến nghị.
Với kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công và sự phục hồi theo ngành bất động sản, cùng mức giá quặng sắt và HRC không ngừng tăng thời gian qua, nhóm chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam ước tính tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành thép 2021 đạt 15,7%.
Trong đó, mảng HRC ước tính sẽ tăng mạnh nhất với 2 triệu tấn công suất thêm vào từ lò cao 3 và 4 của Dự án Dung Quất Hòa Phát. Như vậy, năm 2021, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 16% đối với Tập đoàn Hòa Phát, và mức 30.4% đối với Thép Nam Kim so với năm 2020.
Trên thị trường, ngày 6/1, cổ phiếu lớn của ngành tôn thép như HPG giao dịch ở mức 42.350 đồng/cổ phiếu, hệ số P/E (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 13,13; cổ phiếu NKG giao dịch ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, hệ số P/E là 19,43; lần lượt tăng 145% và 246% so với thời điểm dịch COVID-19 tháng 4/2020./.
Nguồn tin: Bnews