Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tình hình giá cả thị trường tháng 7/2017

Các mặt hàng có xu hướng giảm: giá thóc gạo tại miền Bắc, giá bán buôn đường, LPG. Giá thực phẩm tươi sống (trừ thịt lợn và thịt gia cầm), giá bán lẻ đường, thức ăn chăn nuôi, phân bón urê, xi măng ổn định. Các mặt hàng tăng giá: thóc gạo tại miền Nam, muối, thép.
Cụ thể diễn biến tình hình giá một số mặt hàng như sau:
Thóc, gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 6/2017. Giá thóc tẻ thường ở mức 6.500-7.200 đồng/kg (giảm 150 đồng/kg), giá một số loại thóc chất lượng cao ở mức 8.000-9.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường ở mức 8.500-13.000 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg).
Tại miền Nam, giá thóc gạo có xu hướng tăng do gần đây giá gạo xuất khẩu tăng và hoạt động thu mua của nhiều doanh nghiệp tăng so với trước. Giá thóc tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường ở mức 5.300-5.800 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg). Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 8.300-8.600 đồng/kg (tăng 700-850 đồng/kg), gạo 25% tấm khoảng 7.850-7.950 đồng/kg (tăng 500-600 đồng/kg).
Thực phẩm tươi sống: Trong tháng 7/2017, giá hầu hết các loại thực phẩm tươi sống đều ổn định so với cùng kỳ tháng 6/2017. Riêng giá thịt lợn giảm nhẹ vào tuần đầu tháng nhưng từ giữa tháng đến nay, giá đã tăng mạnh do Trung Quốc đẩy mạnh thu mua để phục vụ thị trường nội địa khi nhiều tỉnh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt. Mặt khác, do nguồn cung trong nước không nhiều cũng tác động làm giá thịt lợn tăng mạnh. Tính chung trong tháng 7/2017, giá thịt lợn tăng mạnh so với cùng kỳ tháng 6/2017. Cụ thể: Thịt lợn hơi: Tại miền Bắc, giá khoảng 37.000-40.000 đồng/kg (tăng 13.000-15.000 đồng/kg), tại miền Nam, giá khoảng 35.000-40.000 đồng/kg (tăng 13.000-14.000 đồng/kg).
Giá thịt gia cầm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào, nhu cầu trong nước giảm do thời tiết nắng nóng. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giảm khoảng 5.000 đồng/kg, giá ở mức 90.000-100.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg.
Thịt bò thăn ổn định, giá khoảng 260.000-275.000 đồng/kg.
Giá hầu hết các loại rau, củ, quả ổn định. Bắp cải ở mức 5.000-7.000 đồng/kg; khoai tây ở mức 7.000-10.000 đồng/kg; cà chua ở mức 7.000- 10.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ, hải sản ổn định: Cá chép khoảng 65.000- 75.000 đồng/kg; tôm sú khoảng 200.000-205.000 đồng/kg; cá quả khoảng 120.000-127.000 đồng/kg.
Phân bón urê: Giá phân bón urê trong nước tháng 7/2017 ổn định so với cùng kỳ tháng 6/2017 do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Tại miền Bắc, mức giá khoảng 6.500-6.800 đồng/kg; tại miền Nam, giá khoảng 6.100-6.800 đồng/kg.
Muối: Giá muối tăng nhẹ khoảng 100 đồng/kg so với tháng trước tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và Nam Bộ do thời tiết mưa nhiều, nguồn cung giảm. Cụ thể: miền Bắc 1.300-2.500 đồng/kg; Nam Trung Bộ: muối thủ công 1.000-1.400 đồng/kg; muối công nghiệp 900-1.200 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long 700-1.200 đồng/kg.
Đường: Giá bán buôn đường trên thị trường tháng 7/2017 giảm so với tháng 6/2017. Giá bán buôn đường RS khoảng 14.300-16.000 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg); giá bán buôn đường RE khoảng 16.000-17.000 đồng/kg (giảm 300 đồng/kg). Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định ở mức 18.000-21.000 đồng/kg.
Thức ăn chăn nuôi: Giá bán thức ăn hỗn hợp tháng 7/2017 ổn định so với tháng 6/2017. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt ở mức 7.800 đồng/kg, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt ở mức 9.010 đồng/kg.
Xi măng: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 7/2017 cơ bản ổn định so với tháng 6/2017. Cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện ở mức 1.050.000-1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam ở mức 1.460.000-1.850.000 đồng/tấn.
Giá xi măng xuất khẩu tại Hòn Gai ở mức 46,5 USD/tấn; giá clinker xuất khẩu ở mức 30 USD/tấn FOB Cẩm Phả.
Thép: Giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung ở mức 10.100-12.500 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam ở mức 10.200-12.800 đồng/kg.
LPG: Theo tin Reuters, giá CP (contract price) trên thị trường thế giới của LPG nhập khẩu tháng 07/2017 do Công ty Aramco của Ả Rập công bố giảm so với tháng 06/2017. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh LPG cũng điều chỉnh giảm giá bán LPG thị trường trong nước ở mức tương ứng: Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá LPG tại Bộ Tài chính điều chỉnh giảm giá bán lẻ là 10.000 đồng/bình 12kg. Mức điều chỉnh giá bán buôn giảm 833- 944 đồng/kg.
Xăng, dầu: Trong tháng 7/2017, Bộ Công thương đã có 02 lần điều chỉnh giá xăng dầu (ngày 5/7 và ngày 20/7/2017), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tháng 7 được điều chỉnh so với tháng trước như sau: Xăng Ron 92 giảm khoảng 78 đồng/lít, xăng E5 giảm khoảng 98 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S tăng khoảng 494 đồng/lít, dầu hỏa tăng khoảng 556 đồng/lít, dầu madút 180CST 3,5S tăng khoảng 167 đồng/kg.
Hiện giá bán lẻ các loại xăng, dầu từ sau thời điểm 15 giờ 00 ngày 20/7/2017 như sau: Xăng RON 92 là 16.426 đồng/lít, xăng E5 là 16.250 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S là 13.320 đồng/lít, dầu hỏa là 11.930đồng/lít, dầu madút 180CST 3,5S là 10.830 đồng/kg.
 
Dự báo: Trong tháng 8/2017, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá như: Nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018 dự báo sẽ ở mức cao trong tháng tới, từ đó có khả năng đẩy giá một số mặt hàng như: đồ dùng học tập, quần áo, giầy dép, mũ nón, dịch vụ may mặc... tăng. Nhóm thực phẩm có thể tăng giá do tác động mưa bão theo quy luật hàng năm; giá trứng có thể tăng do các doanh nghiệp thu mua để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bánh Trung Thu. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng nhẹ cũng sẽ có tác động làm tăng giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại một số địa phương (Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Phú Thọ, Sóc Trăng…) có thể làm ảnh hưởng gây sức ép lên mặt bằng giá chung. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết còn nắng nóng sẽ tiếp tục làm tăng giá điện sinh hoạt lũy tiến, nước sinh hoạt lũy tiến.
Trong khi đó, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng tới như mặt hàng đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng vẫn có xu hướng giảm hoặc ổn định do nhu cầu thấp... Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2017-2018 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương (điển hình là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…).
Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM