Chính phủ đã dành cả ngày 30 và nửa ngày 31.3 để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong những tháng tới.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 3,1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 7,49% và thấp nhất trong nhiều năm qua. Các trung tâm công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM đều có mức tăng thấp. Hoạt động xuất nhập khẩu giảm 6,5% so với tháng 2.2009, ước đạt 4,7 tỉ USD. Tổng số vốn đầu tư FDI thực hiện trong quý I đạt 1,44 tỉ USD. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, tốc độ tăng trưởng 3,1% là sự cố gắng lớn của Chính phủ và doanh nghiệp. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định: “Tình hình kinh tế mặc dù đang rất khó khăn nhưng bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực khá rõ nét trong hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế”. Riêng lĩnh vực xây dựng có bước chuyển biến nhanh, nhờ tận dụng được cơ hội giá vật liệu xuống thấp, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục. Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành xây dựng quý I đạt mức cao 6,9% (năm 2008 giảm 0,4%). Ông Sinh cho biết thêm, tình hình giải ngân cho đầu tư đã có tiến triển tốt hơn. Với những tín hiệu khả quan trên, Thứ trưởng Cao Viết Sinh dự báo: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ đạt khoảng 3,5 - 4%”.
Đột phá về nhà ở cho sinh viên, người lao động
Tại phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Theo Đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên đã được Thủ tướng phê duyệt thì đến năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn có nhu cầu nội trú được ở ký túc xá. Tình hình nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp cũng rất nan giải. Hiện nay cả nước có gần 200 khu công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1 triệu lao động làm việc trực tiếp và khoảng 1,2 - 1,5 triệu lao động gián tiếp. Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn phải thuê chỗ ở tạm. Tình hình nhà ở đối với người thu nhập thấp cũng không khá hơn. Trên cả nước đang có gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhưng mới có 2/3 số này là tự lo được nhà ở, gần 700.000 (khoảng 1/3) chưa có chỗ ở ổn định.
Để cải thiện tình trạng nhà ở, Bộ Xây dựng kiến nghị: đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên thì sẽ do Nhà nước bỏ quỹ đất và tiền ra để xây dựng. Chi phí cho học sinh, sinh viên thuê chỉ tính đủ cho chi phí điện nước, không tính chi phí thu hồi vốn. Bộ Xây dựng đề nghị, từ nay đến năm 2011 sẽ dành 8.000 tỉ đồng để tạo ra 200 nghìn chỗ ở cho sinh viên. Nhà cho công nhân ở các khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Khi lập dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư phải lập luôn hạ tầng chỗ ở. Doanh nghiệp bỏ tiền ra làm, sau khi hoàn thành sẽ tính vào chi phí cho thuê đất để làm nhà máy. Nhà cho người thu nhập thấp thì sẽ xây dựng rồi cho thuê. Người thu nhập thấp có thể thuê, giá thuê tối đa bằng 20% mức thu nhập hằng tháng, hoặc có thể mua đứt được sự hỗ trợ của ngân hàng. Khi mua đứt, người mua sẽ không được chuyển nhượng tự do, chỉ được phép chuyển nhượng cho người có chung sổ hộ khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hầu hết các thành viên Chính phủ đều nhất trí với các phương án và đề xuất của Bộ Xây dựng.
Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nhận thấy những tồn tại, yếu kém trong việc giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào ngăn chặn suy giảm kinh tế, tập trung chỉ đạo trong nông nghiệp không để dịch bệnh tràn lan, không để xảy ra tình trạng trúng mùa nhưng rớt giá. Hỗ trợ nông dân kích cầu, cho nông dân vay để mua thiết bị. Ông Phúc cho biết, Thủ tướng nhấn mạnh, đối với sản xuất công nghiệp và xây dựng thì tháo gỡ bằng thuế và thủ tục đầu tư để giải ngân tốt hơn.
Về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính rà soát lại các tiêu chí theo hướng mở rộng hơn, làng nghề cũng vay được vốn ưu đãi. Trong 10 ngày đầu tháng 4, các bộ, ngành phải ra được các quyết định mới trong việc mở rộng diện vay ưu đãi, hỗ trợ kích cầu cho nông dân. Trong thời gian tới, các thành viên Chính phủ sẽ đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương về việc triển khai Nghị quyết 32 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Chính phủ thống nhất sẽ kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%, bội chi ngân sách không quá 8% GDP.