Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI TRONG TUẦN (25/9-30/9/2009)

I) THỊ TRƯỜNG BẮC MỸ

Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Sắt Thép Mỹ (AISI), sản lượng thép và giá thép tại thị trường Mỹ hiện vẫn đang tăng. Vào ngày cuối tuần 26/9/2009, sản lượng thép thô trong nước đạt 1,392,000 tấn thuần ở mức công suất 58.3%, tăng 0.5% so với sản lượng 1,386,000 tấn ở mức công suất 58.1% của ngày 19/9/2009 (đây là tuần tăng thứ 14 liên liếp), nhưng giảm 31.0% so với sản lượng 2,017,000 tấn ở mức công suất 84.5% của ngày 26/9/2008.

Cục dự trữ Liên Bang cho biết: mặc dù Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Thế Giới kể từ tháng 9/2008, nhưng sau 1 năm điều chỉnh, đến nay nền kinh tế Mỹ đã dần khôi phục trở lại và đang có khuynh hướng tăng lên trong nửa cuối năm 2009. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư không thấy khả quan đối với ngành công nghiệp thép của Mỹ. Goldman Sachs đã cắt giảm tối đa tỉ lệ của ngành công nghiệp thép Mỹ. Ông Sal Tharani cho biết, “chúng tôi tin rằng mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy giá thép tăng từ US$380/tấn lên US$560-580/tấn trong tháng 6/2009 vào thời điểm lượng cầu đang giảm, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan hướng tới thị trường thép trong tương lai”.

II) THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU

Hiện nay, nhiều nhà máy thép tại Châu Âu lại tiếp tục tăng giá; điển hình là công ty GSW tại Tây Ban Nha, còn tập đoàn ArcelorMittal thì tăng giá thép cuộn xây dựng thêm 40-60 Euro/ tấn (tương đương US$44-87/ tấn). Một số nhà phân tích thị trường cho biết, người mua đã chấp nhận mức giá tăng trung bình 40-60 Euro /tấn, nhưng giá thép tại Đức và Pháp sẽ tăng cao hơn các khu vực phía Nam và phía Đông Châu Âu. Tương tự, tập đoàn thép Corus cũng tuyên bố tăng giá thép nội địa và giá thép xuất khẩu thêm 50 Euro/tấn đến 200 Euro/tấn so với mức giá cơ bản ban đầu kể từ 1/10/2009.

Tại các nước CIS (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập): hầu hết những người mua hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia giao dịch trở lại sau tháng nhịn ăn ban ngày Ramadan, điều đó đã giúp các nhà máy thép tại CIS tăng mức giá xuất xưởng. Hiện nay, giá của phôi thép và thép cuộn cán nóng chào trong tháng 10/2009 đều tăng US$20/tấn; như vậy, giá mới nhất của phôi thép và thép cuộn cán nóng lần lượt là US$460-465/tấn và US$570-580/tấn (theo điều kiện CFR). Các nhà cung cấp của Nga đang có nguy cơ bị thay thế bởi các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc (vì giá thép Trung Quốc đã giảm từ đầu tháng 8/2009), nên Nga buộc phải quay trở lại thị trường nội địa, việc này sẽ gây áp lực về giá và lượng cung quá tải tại thị trường Nga.

III) THỊ TRƯỜNG CHÂU Á

Đến nay, thị trường thép Châu Á đã thu được nhiều lợi nhuận và các nhà sản xuất thép hàng đầu cũng tăng sản lượng trở lại bằng mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính là nhờ sự khôi phục nhanh chóng của nền kinh tế.

Tại Nam Hàn: trong nửa đầu năm 2009, công suất sản xuất của các nhà máy đạt khoảng 60-70% và tăng đến 100% vào tháng 8/2009. Nhà máy POSCO Kwangyang đã nâng cấp 1 lò luyện thép từ 4800 mét khối lên 5500 mét khối, việc đó làm tăng thêm năng suất hàng năm từ 4 tấn/ năm lên 5 tấn/ năm. Tỉ lệ sử dụng năng suất của tập đoàn POSCO tăng 100%; nhà máy thép Dongkuk tăng từ 70% lên 100%; các nhà máy thép khác tăng từ 65% lên hơn 90%.

Lượng cầu của ngành công nghiệp sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng tăng đã làm tăng lượng tiêu thụ thép cuộn cán nguội và công suất sản xuất của các nhà máy hàng đầu từ 50% lên hơn 90%.

Tại Nhật Bản: cũng trong nửa đầu năm 2009, công suất sản xuất của các nhà máy đã giảm dưới 60%. Nhiều nhà máy thép hàng đầu như Wakayama Steel, Tokyo Steel Okayaua, Nippon Steel và JFE Steel đã lần lượt tái hoạt động các lò luyện thép của mình trong nửa cuối năm 2009.

Mới đây, các nhà máy tại Nam Hàn và Nhật Bản đều đã tăng giá thép. Tập đoàn thép POSCO đã tăng giá xuất xưởng của thép cuộn xây dựng và thép thanh không gỉ lần lượt là 350,000 Won và 300,000 won; các nhà máy thép tại Nam Hàn đã điều chỉnh giá xuất khẩu của thép tấm mạ kẽm là US$750-760/tấn (theo điều kiện FOB), thép tấm có sơn phủ là US$870-880/tấn (theo điều kiện FOB); còn nhà máy thép Nippon dự tính tăng giá thép tấm mạ thiếc dùng đóng hộp lên US$950/tấn và thép tấm mạ thiếc dùng làm bản đế là US$820-850/tấn (theo điều kiện FOB).

Các nhà máy thép cuộn cán nguội của Nam Hàn và các nhà sản xuất thép cuộn cán nóng của Nhật sẽ thỏa thuận mức giá thép cuộn cán nóng cho Quý 4/2009 trước ngày Trung Thu của Trung Quốc. Nhật Bản muốn đưa ra mức giá thép cuộn cán nóng là US$ 520/tấn cho tháng 10/2009, US$ 550/tấn cho tháng 11/2009 và US$ 580/tấn cho tháng 12/2009; như vậy, giá trung bình trong Quý 4 /2009 sẽ là US$ 550/tấn (theo điều kiện FOB). Còn phía Nam Hàn thì chấp nhận giá nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Nhật ở mức US$ 530-540/tấn (theo điều kiện FOB).

Tại khu vực Trung Đông: mặc dù lượng nhập khẩu phôi thép và thép tròn tại vịnh Persian còn thấp, nhưng giá thép vẫn tăng nhẹ. Giá thép tròn (đã được sản xuất và bán trong tháng 10/2009) là US$515/tấn, tăng so với giá US$500-510/tấn của tháng 9/2009. Giá thép tròn tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là US$520/tấn và tại Emirates là US$530/tấn.

Tại Iran: sau vài tuần ế ẩm tại thị trường nội địa, giá thép tròn đã bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại; cụ thể: giá thép tròn loại 12 mm và 25 mm được chào từ 5.5 triệu IRR/tấn đến 5.7 triệu IRR/tấn (tương đương US$550-570/ tấn).

 

(Citicom)

ĐỌC THÊM