Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ tác động đến nhiều nhóm doanh nghiệp khác nhau, đồng thời làm tăng giá thép trên thị trường. Tuy nhiên, việc tăng giá thép những ngày qua là tăng ảo, vì nó không xuất phát từ yếu tố cung cầu thị trường. Nhận định này được ông NGUYỄN VĂN SƯA (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tình trạng tăng giá thép trên thị trường những ngày qua xuất phát từ những nguyên nhân nào, và quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương đã ảnh hưởng thế nào đến giá thép trên thị trường?
Theo quyết định này, kể từ ngày 22-3 sẽ tạm thời áp dụng mức thuế tự vệ 23,3% với phôi thép nhập khẩu và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu. Biện pháp tự vệ này được áp dụng trong 200 ngày. Quan điểm của VSA là việc tăng giá thép trong thời gian qua do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản vẫn là giá thép, phôi thép và nguyên liệu quặng trên thế giới tăng, nhất là từ tháng 1 trở lại đây. Hiện giá phôi thép giao dịch trên thị trường đang ở mức 330USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1; giá thép phế liệu ở mức 220USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó.
Ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều bởi biến động giá cả trên thị trường thép thế giới. Thí dụ, năm 2015 ngành thép Việt Nam sản xuất được hơn 15 triệu tấn thép nhưng lại nhập khẩu gần 19 triệu tấn thép, phôi thép và quặng. Riêng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 8,4 triệu tấn và tình trạng này dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Vì vậy nhiều doanh nghiệp ngành thép trong nước đã có kế hoạch tăng giá trong tháng 3. Tuy nhiên, nó lại trùng với thời điểm Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời vào ngày 7-3. Vì vậy, khi một số doanh nghiệp ngành thép tăng giá kéo theo khâu phân phối trung gian cũng găm hàng, tích trữ để tăng giá theo. Cả 2 nguyên nhân này đã dẫn đến sự tăng giá bất hợp lý trên thị trường.
Việc áp thuế tự vệ tạm thời không phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép nhảy múa trên thị trường những ngày qua, mà do các nhà kinh doanh muốn găm hàng, đầu cơ, đẩy giá trên thị trường để kiếm lời. Tuy nhiên, giới đầu cơ sẽ không thể găm hàng lâu. Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước giá ảo này để có quyết định thời điểm mua hàng hợp lý, nhất là chủ đầu tư các công trình xây dựng. |
- VSA vừa khuyến cáo các doanh nghiệp ngành thép trong nước nên tập trung nâng công suất để bình ổn thị trường, đi kèm với đó là cam kết giảm giá của các doanh nghiệp ngành thép. Hai động thái này liệu có giúp bình ổn giá thép trong thời gian tới, thưa ông?
- Trong thời gian tới giá thép không thể xuống thấp như trước do giá thép, phôi thép và quặng trên thế giới đã tăng khá nhiều. Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài trong thời điểm hiện tại là vì lợi ích của toàn ngành thép và nền kinh tế. Những ngày qua người tiêu dùng, các nhà thầu tiêu thụ thép trên thị trường có thể chịu ảnh hưởng do giá thép tăng từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/tấn thép. Nhưng biện pháp này nhằm đảm bảo cho sự phát triển ngành thép Việt Nam về lâu dài.
Hiện nay, giá thép của Việt Nam không thể cạnh tranh được với thép Trung Quốc. Vì vậy nếu chúng ta không kịp thời áp dụng các biện pháp tự vệ ngành thép trong nước sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì sản xuất. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn phôi thép từ Trung Quốc, trong khi các nhà máy sản xuất phôi thép trong nước chỉ đạt một nửa công suất thiết kế. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay cả nước nhập khẩu 2,84 triệu tấn thép, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 2 tháng qua 922.600 tấn, tăng 37,5%; nhập khẩu từ Nhật Bản 231.700 tấn (tăng 60%); nhập khẩu từ Hàn Quốc 138.000 tấn… Việc tăng công suất ngành thép trong thời gian tới hoàn toàn khả quan bởi nhiều nhà máy thép trong nước chưa khai thác hết công suất. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp thép lớn cũng sẽ góp phần bình ổn giá thép trên thị trường. Tôi khẳng định rằng thời gian qua nguồn cung thép trên thị trường không hề thiếu.
- Rõ ràng giá phôi thép trong nước đang đắt hơn giá nhập khẩu, điều này sẽ khiến doanh nghiệp chỉ cán thép chứ không thể sản xuất phôi. Vậy theo ông vấn đề này nên điều chỉnh thế nào để tạo sự cạnh tranh bình đẳng?
- VSA rất chia sẻ với những doanh nghiệp chỉ tập trung vào cán thép nhưng không sản xuất phôi. Một quyết định áp dụng biện pháp tự vệ sẽ tác động đến nhiều nhóm doanh nghiệp khác nhau, nhưng mọi quyết định đều phải dựa trên lợi ích chung là sự phát triển toàn ngành thép. Chúng ta áp dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước là đúng với các cam kết hội nhập. Nhưng ở đây cũng cho thấy một điều là các nhà sản xuất phôi thép trong nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa, phải có chiến lược sản xuất và phân phối hợp lý, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của phôi thép sản xuất trong nước mới có thể tồn tại trên thị trường.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn tin: ĐTTC