Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tính toán chiến lược trên bàn cờ thương mại Mỹ-Trung

 Tranh chấp thuế quan là một phần của cuộc tranh chấp thương mại lớn giữa Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Trung Quốc đệ đơn kiện Mỹ lên WTO về thuế nhôm, thép nhập khẩu. Ảnh: EPA

Hãng tin Reuters dẫn nguồn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết ngày 10/4, Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên WTO về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.

Trước đó, Tổng thống Trump còn đe dọa tăng thuế lên 50 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc trong một cuộc xung đột khác về chính sách công nghệ.

Theo WTO, Trung Quốc đã yêu cầu 60 ngày tham vấn với Mỹ về tranh chấp thép và nhôm. Nếu thất bại, bước tiếp theo có thể là Bắc Kinh sẽ yêu cầu một phán quyết từ một hội đồng chuyên gia thương mại. Bắc Kinh nói rằng quyết định của ông Trump áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.

Thép và nhôm nằm trong số các ngành công nghiệp của Trung Quốc có cung vượt quá cầu. Các đối tác thương mại của Trung Quốc than phiền rằng các nhà máy của nước này đang xuất khẩu vượt mức cầu và bán sản phẩm ra với giá rẻ một cách phi lý, đe dọa đến việc làm ở Mỹ và châu Âu.

Mỹ đã mua số lượng ít thép và nhôm của Trung Quốc sau khi tăng thuế quan trước đó để bù lại những gì mà Washington nói rằng Bắc Kinh trợ giá không chính đáng cho các nhà sản xuất của họ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng Bắc Kinh phản ứng để cho thấy nước này sẽ tự vệ.

Ngày 23/3, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra một danh mục hàng hóa của Mỹ, bao gồm thịt lợn, táo và ống thép, có thể sẽ là mục tiêu trả đũa nếu ông Trump không thương lượng giải quyết tranh chấp về thuế nhôm, thép.

Phân tích về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định rằng từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu gay gắt về quan hệ thương mại bất lợi giữa Mỹ với Trung Quốc vào ngày 16/2 và 22/3 vừa qua, người ta lo ngại rằng trận chiến thương mại giữa hai nước sẽ bùng nổ.

Thực tế, giới hữu trách hai bên đang lặng lẽ đàm phán với nhau để tìm giải pháp thỏa hiệp mà chưa có kết quả. Người ta chờ đợi lời tuyên bố chính thức của Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao mà quên rằng đó chỉ là một diễn đàn dành cho quốc tế và bài phát biểu mang nội dung tuyên truyền chứ không phải đưa ra chính sách mà họ sẽ áp dụng. Chính phủ Trung Quốc đang đàm phán rất chặt chẽ với Mỹ và đôi bên chưa hề nhượng bộ chút nào.

Khi hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Thái Bình Dương có xung đột về thương mại, hậu quả sẽ ra sao đối với các nước và khu vực? Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng các nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và thậm chí Đức có khả năng hứng chịu hậu quả vì các nước và khu vực đó góp phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa được Trung Quốc bán cho Mỹ, nhất là các mặt hàng điện tử.

Nếu các mặt hàng đó bị Mỹ áp thuế thì các nước và khu vực đó sẽ bị thiệt hại, mà họ lại là đồng minh chiến lược về an ninh của Mỹ. Chính vì vậy mà Mỹ phải cân nhắc vì chính quyền Trump coi an ninh là một phần trọng yếu trong quan hệ kinh tế. Nước hưởng lợi là Brazil, nước xuất khẩu đậu nành số một cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu của Trung Quốc, vượt Mỹ và Argentina.

Nếu Trung Quốc gây khó cho đậu nành Mỹ thì Brazil sẽ có lợi. Tương tự, nếu rượu nho của Mỹ bị áp thuế thì Australia sẽ có cơ hội bán rượu nhiều hơn. Nhìn chung, nếu trận chiến thương mại bùng nổ giữa hai nước, kinh tế thế giới có thể bị suy trầm và các nước Đông Á đều bị ảnh hưởng bất lợi.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định Mỹ đang muốn làm Trung Quốc thay đổi chứ không chỉ muốn tranh cãi về vấn đề xuất nhập khẩu. Trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong vì còn phải thanh lọc nội bộ. Hiện mới là thời điểm để Tập Cận Bình giải quyết các bài toán kinh tế tài chính và loại trừ nguy cơ chính trị.

Vì vậy, Mỹ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải cách mạnh hơn và áp dụng quy luật tự do của thị trường thay vì duy trì chế độ bảo hộ thương mại. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Donald Trump chuẩn bị những bước đi rất kỹ khi đọ sức với Bắc Kinh, trừng phạt hàng hóa Trung Quốc. Washington gây chia rẽ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh”.

Trong 6 tuần qua, trên "bàn cờ" thương mại, Trung Quốc và Mỹ đã thu hút sự chú ý của báo chí cho dù trên thực tế, chưa một bên nào đánh thuế lên đối phương. Dù vậy, cuộc đọ sức thương mại hiện nay giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới không chỉ thu hẹp ở góc độ kinh tế hay thương mại.

Đây trước hết là một "ván cờ" chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh với những “tác động phụ” ảnh hưởng tới toàn thế giới. Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng trong mọi trận chiến, đôi bên đều bị thiệt hại và thật ra đều muốn tránh. Trước mắt, Mỹ thiệt hơn vì bị Bắc Kinh nhắm vào sản phẩm của các tiểu bang ủng hộ ông Trump.

Nhưng trong dài hạn, Trung Quốc có thể thua vì kinh tế bị lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn Mỹ. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng yếu tố quan trọng nhất là lãnh đạo Bắc Kinh đang phải cải cách và chuyển hướng kinh tế để tránh một cuộc khủng hoảng như đã chứng kiến tại Nhật Bản từ mấy chục năm qua, khi đà tăng trưởng không còn ngoạn mục như trước.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM