Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

TKV lùi dự án thép 2 triệu tấn/năm: Công nghệ Trung Quốc?

 Việc TKV tạm dừng dự án thép để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý là phù hợp trong điều kiện có nhiều bất lợi.

Bắt buộc phải dừng

Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Tổ hợp dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư.

Theo đó, TKV đề nghị tạm dừng thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý.

TKV cho biết, theo kết quả thẩm định của cơ quan tư vấn và ý kiến các cổ đông cho thấy dự án có suất đầu tư lớn và theo công nghệ chưa phù hợp với nguồn quặng sắt mỏ Thạch Khê. Ngoài ra, hiện tại thị trường phôi thép trong nước và trên thế giới có biến động nên cần được tiếp tục nghiên cứu và xem xét đầu tư sau năm 2020.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Theo ông Cường, thời điểm TKV triển khai dự án này thì khu vực Hà Tĩnh có thêm 3 dự án là: Formosa, dự án Tata của Ấn Độ đang làm dở giữa chừng và nhà máy thép của doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi.

“Tôi thấy ngạc nhiên và rất dở khi một tỉnh miền Trung chưa giàu, cơ sở hạ tầng như Hà Tĩnh mà làm liền 1 lúc 4 dự án. Như vậy là rất vô lý. Chúng ta không thể có đủ cơ sở hạ tầng để làm 4 dự án đó cùng một lúc được.

Bây giờ chỉ còn Formosa là lớn nhất. Còn những dự án khác đều chết hết. Tata của Ấn Độ thì rút lui về nước, nhà máy Vạn Lợi thì đắp chiếu hoen gỉ. Còn TKV thì rất lạc hậu vì công nghệ đều của Trung Quốc, mọi thứ đều làm dở dang. Việc họ tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý là đúng. Tôi nghĩ không cho làm thì càng tốt chứ đừng nói là kéo dài”, ông Cường khẳng định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, ngoài vấn đề công nghệ thì một tồn tại rất lớn mà TKV chưa thể khắc phục được thời gian qua đó là tìm cách để khai thác hiệu quả quặng sắt mỏ Thạch Khê.


Các chuyên gia đều khẳng định việc TKV tạm dừng dự án thép để tiếp tục
nghiên cứu lựa chọn công nghệ, suất đầu tư hợp lý là phù hợp.

“Vấn đề nguồn gốc sâu xa là mỏ Thạch Khê không khả thi nên dự án thép, phôi, sắt thép dựa vào mỏ Thạch Khê phải tạm dừng. Nếu cố làm thì chúng ta tốn phí vào việc bơm nước, vào việc duy trì mỏ cao và rất đắt.

Hơn nữa, chất lượng quặng ở đó rất xấu, nếu so với quặng của Úc, Brazil hay các nước thì không thể cạnh tranh được.

Thực tế từ thời chưa thành lập Tổng công ty than thì đã có các dự án đánh giá người ta đã nói là không có khả thi về mặt kỹ thuật. Đây là bản thân mỏ Thạch Khê chứ chưa nói gì đến các dự án thép”, TS Sơn nhấn mạnh.

Nói thêm về việc khai thác mỏ Thạch Khê, GS.TS Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn thừa nhận: “Tình hình khai thác mỏ Thạch Khê không phải dễ dàng. Bởi vì nước ngầm, nước biển xâm nhập vào. Khi khai thác như vậy phải đắp đê rất lớn để ngăn nước biển, nếu không công nhân sẽ bị chết. Công nghệ để khai thác đầu tư mỏ đó phải rất lớn. Mà khả năng nước ngoài làm chứ khả năng của TKV thì không thể làm nổi. Họ quản lý nhưng chuyên môn rất yếu. Chủ yếu họ đi vào than và boxit thôi. Ngay boxit cũng rất nhiều vấn đề”.

Mỏ Thạch Khê rất khó khai thác

Một vấn đề khác được TS Nguyễn Thành Sơn đưa ra, đó là tuyên bố của TKV hoàn toàn trái ngược với sự kỳ vọng của đại diện Bộ Công Thương về dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Theo TS Sơn, Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035 để xin ý kiến các Bộ, ngành. Đáng chú ý, dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh vẫn nằm trong những danh sách được chú trọng đầu tư phát triển.

Đặc biệt, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khi trao đổi với báo chí còn khẳng định nếu được khai thác hiệu quả mỏ Thạch Khê sẽ đóng góp đáng kể cho GDP cả nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Với những kinh nghiệm và sự tìm hiểu của mình, TS Sơn khẳng định, tuyên bố trên là phiến diện, không khả thi về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế.

Ông lập luận: “Chỉ có những ai không am hiểu về ngành khai khoáng thì mới nói từ “nếu” và hi vọng vào mỏ Thạch Khê. Còn những người có kiến thức về khai thác, khai khoáng, không ai dám nói mỏ Thạch Khê nên khai thác. TKV đầu tư vào đó hơi nhiều rồi nên giờ họ bắt buộc “đâm lao phải theo lao”. Nói “nếu” khai thác tốt thì ai cũng nói được. Nhưng người quản lý thì phải có quan điểm rõ ràng. Nếu nói một cách dựa như thế là không thể được. Đã là cơ quan quản lý nhà nước thì phải nghiên cứu lịch sử để đưa ra biện pháp rõ ràng”.

Là người từng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về mỏ Thạch Khê, ông Phạm Chí Cường khẳng định, đây là một mỏ rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã khảo sát và đi đến khẳng định không có kinh nghiệm gì làm ở 1 mỏ có đặc thù như Thạch Khê.

“Nói như đại diện Vụ công nghiệp nặng thì không khả thi. Năng lực của Việt Nam chính tôi đã báo cáo với thời phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là chúng ta không thể làm được. Khi đó TKV trình các dự án lên phó Thủ tướng và đã bị trả về vì làm quá sơ sài. Đây là một mỏ hết sức phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Vị trí của Thạch Khê rất khác biệt. Tất cả các nước, chưa nước nào có mỏ sắt đặc thù giống như Thạch Khê. Trước đây Nam Phi, Đức, Nhật vào làm nghiên cứu và cuối cùng dừng lại”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, với cách quản lý như hiện nay thì để khai thác được mỏ sắt Thạch Khê đưa vào làm dự án nhà máy phôi thép là cực kỳ khó khăn.

“Chúng ta phải chống thấm nước biển vào và dưới mặt nước biển 500 m. Nếu như khai thác thì chỉ khai thác được 300m và chỉ vào mùa khô. Còn mùa mưa thì không thể khai thác được. Cho nên đây chỉ là một mỏ để ngắm chứ rất khó để làm”, ông Cường nhấn mạnh thêm.

Nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc rất cao

Tiếp tục phân tích, TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định, thế mạnh của Việt Nam không phải là sản xuất thép. Ngoài vấn đề công nghệ, vấn đề môi trường thì nguồn tài nguyên khoáng sản của chúng ta cũng không nhiều.

Đặc biệt, để tăng dự án và sản lượng thép, Việt Nam bắt buộc sẽ phải nhập khẩu quặng từ các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Úc hay Brazil.

“Nếu cứ tiếp tục phát triển các dự án thép thì hệ lụy rất khó lường. Nó sẽ làm trầm trọng thêm mất cân bằng năng lượng của Việt Nam, về điện, về than. Chúng ta than mỡ hoàn toàn không có. Than mỡ dùng cho thép thì toàn phải nhập hết từ nước ngoài, mà chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó chúng ta không chỉ phụ thuốc về công nghệ, thiết bị mà cả than cũng phụ thuộc Trung Quốc nữa”, TS Sơn nói.

Tuy nhiên, điều vị chuyên gia băn khoăn nhất, đó là hiện nay thị trường thép có nhiều biến động và xuống rất nhanh. Nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc đang thừa hàng mấy trăm triệu tấn thép. Các nước phát triển không ai đầu tư vào lĩnh vực luyện thép mà chuyển sang công nghệ thân thiện hơn.

“Quặng sắt trên thế giới đều rất rẻ. Ở Brazil hay Úc đều rất rẻ. Thậm chí nhập về đây còn rẻ hơn quặng của Thái Nguyên. Vì vậy không ai nghĩ đến chuyện phát triển, khai thác quặng sắt Thạch Khê cả.

Chúng ta phải biết thế mạnh quốc gia là gì và tranh thủ khai thác lợi thế của các nước khác trên tinh thần trao đổi “anh có cái này, tôi có sở hữu cái kia”. Không ai phát triển kinh tế theo kiểu Việt Nam và tư duy như của chúng ta, nhất là ngành khai khoáng không nên phát triển”, TS Thành nêu quan điểm.

Cũng bày tỏ băn khoăn về dự thảo ngành thép của Bộ Công Thương, ông Bùi Chí Cường thẳng thắn: “Việt Nam phát triển ngành thép thì không có ưu thế. Than phải nhập, quặng có mỗi mỏ Thạch Khê, còn các mỏ khác bé tí ti và ở vùng heo hút. Khai thác không kinh tế và có vận chuyển thì cũng không tính được giá thành thích hợp. Cho nên có làm luyện kim thì đừng nghĩ rằng Việt Nam có lợi thế”.

Phát triển công nghiệp thép chế tạo

Đánh giá về dự thảo ngành thép được Bộ Công Thương đưa ra xin ý kiến, GS.TS Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn khẳng định chưa đầy đủ và mang tính chất phiến diện.

“Bộ Công Thương nếu thiên về thép xây dựng, phôi thép là không được. Chúng ta phải đi vào thép chất lượng như thép hợp kim phục vụ cho cơ khí, năng lượng, phục vụ đóng tàu thì mới được.

Tôi cho rằng chúng ta nên phải đi sâu phát triển thép phục vụ cho các ngành kinh tế. Ví dụ để sản xuất vũ khí chúng ta cần một số lượng rất lớn thép chất lượng cao, thép hợp kim. Hay như đóng tàu cần thép titan. Với lĩnh vực năng lượng phải cần thép chịu bền nhiệt. Hay các giàn khoan để khai thác dầu thì phải chịu được sự ăn mòn của nước biển. Những cái đấy thì Bộ Công Thương không nghĩ đến. Dự thảo đưa ra tôi cho rằng phiến diện và chưa đủ”, GS.TS Phố nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng ngoài việc phát triển công nghiệp thép chế tạo, Bộ Công Thương cần phải thay đổi tư duy về phát triển kinh tế.

Theo vị chuyên gia, phát triển kinh tế không phải dựa vào tài nguyên khoáng sản, khai thác tài nguyên khoáng sản mà bây giờ phải chuyển sang tư duy khai thác tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên của Việt Nam.

“Thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta như nắng, nông nghiệp, độ ẩm cao đến 2000h/năm, nước nhiều... Chúng ta phải đi vào khai thác triệt để phát triển lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đó là cái chúng ta tận dụng được điều kiện thiên nhiên, ánh sáng mặt trời... thay vì chỉ tập trung phát triển gang, thép dựa vào tài nguyên khoáng sản như hiện nay”, ông Sơn nhấn mạnh.

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM