Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước vẫn ở mức thấp, cộng thêm xuất khẩu giảm mạnh khiến sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 9 giảm 16,45% so với tháng 8.
TỒN KHO THÉP TĂNG CAO, XUẤT KHẨU SỤT GIẢM MẠNH
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9 sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 1.095.745 tấn, tăng 11,91% so với tháng trước và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng chỉ đạt 920.248 tấn, giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9/2021.
VSA cho biết, từ cuối tháng 8/2022 các nhà máy đã xóa bỏ chính sách bảo lãnh giá nên thị trường thép xây dựng đã có chút khởi sắc hơn các tháng trước, các nhà thương mại và cửa hàng đã tái tạo tồn kho vốn đã giảm xuống mức rất thấp trước đây. Song nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế vẫn ở mức thấp, hơn nữa xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.
Các yếu tố trên khiến sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 9 giảm 16,45% so với tháng 8. Các nhà máy đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại và cửa hàng giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm.
Nguồn: VSA
Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 4,562 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VSA, sản lượng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 9 đạt 347.187 tấn, tăng 35,67% so với tháng 8/2021. Tuy bán hàng đạt 299.326 tấn, tăng 11,26% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 41,6% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, xuất khẩu đạt 104.494 tấn, giảm mạnh 72,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 3,499 triệu tấn, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Bán hàng đạt 3,238 triệu tấn, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 1,654 triệu tấn, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2021.
LỢI NHUẬN NĂM 2022 DỰ BÁO SỤT GIẢM MẠNH
Việc tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép, trong quý 2/2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong 110.000 tỷ đồng tồn kho này, riêng Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã chiếm hơn một nửa với hơn 57.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỷ đồng), tăng 17.500 tỷ đồng so với cuối quý 1 và cao hơn 11.500 tỷ đồng so với đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.
Thời điểm cuối quý 2, tồn kho của 15 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm đến 95% tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép, trong đó có 10 doanh nghiệp ghi nhận giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Cuối quý 2, tồn kho của Hoa Sen Group (mã HSG) cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo VSA, sang quý 3, ngành thép vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tồn kho vẫn tăng cao. Thậm chí, mới đây CTCP Thép Pomia (mã POM) - công ty hiện chiếm 4,29% thị phần do thua lỗ nặng đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.
Theo POM, lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát - nhà sản xuất thép dẫn đầu thị trường với 35,78% thị phần cũng bị giảm sản lượng tiêu thụ trong tháng 9. Cụ thể, trong tháng 9, tập đoàn đã sản xuất 540.000 tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 555.000 tấn. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, song sản lượng bán hàng thép xây dựng lại giảm 3% so với cùng kỳ, đạt 318.000 tấn.
Theo lý giải của Hòa Phát, trong tháng 9, nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Bù lại, sản lượng bán hàng ống thép Hòa Phát khả quan hơn khi đạt gần 76.000 tấn, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản lượng tôn mạ tại thị trường trong nước cũng tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.
Trong báo cáo mới cập nhật, VNDirect đã điều chỉnh giảm dự phóng biên lợi nhuận gộp của HPG trong năm 2022-2024 |
VSA cho biết, ngành thép toàn cầu sau khi giảm 6,5% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7 đã tiếp tục giảm thêm 3% sản lượng thép thô trong tháng 8. Tại châu Âu, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới ArcelorMittal đã ngừng hoạt động các lò cao ở Đức, Pháp, ba Lan và Tây Ban Nha và dự báo sản lượng ở châu Âu sẽ thấp hơn 17% so với năm ngoái. |
Cùng với đó, giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh, cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý 2 và quý 3 đến nay liên tục giảm với mức giảm 50% so với quý 1/2022, đã khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Với hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép dự báo cũng sẽ sụt giảm mạnh so với mức đỉnh của cùng kỳ.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, Hoà Phát đưa ra dự báo biên lợi nhuận của quý 3 có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý 2. Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý 3 sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý 4.
Trong dự báo về kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp vừa công bố ngày hôm qua (11/10), SSI Research hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của Hòa Phát còn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.
SSI Research dự báo lợi nhuận của HPG có thể chạm đáy trong quý 3/2022 và phục hồi từ quý 4 (tăng trưởng so với quý trước), mặc dù công ty có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm (so với cùng kỳ năm liền trước) cho đến quý 1/2023.
Trước đó, SSI Research cũng dự phóng, lợi nhuận năm 2022 của Hoa Sen Group là 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2021 và Tôn Nam Kim (mã NKG) là 1.350 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái,…
Nguồn tin: Cafef