Giữa bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng hẹp cửa, thị trường trong nước cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn.
Nguồn ảnh: Báo đầu tư.
Ngày 8.5 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia kết luận mức thuế chống bán phá giá rà soát áp dụng đối với sản phẩm thép cán nguội ở một số mã HS từ các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là 2 - 13,68%. Mức thuế này sẽ áp dụng trong 2 năm, điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm thép của Việt Nam khó vào thị trường này.
Vài năm trở lại đây, sản phẩm thép Việt Nam liên tục bị các nước trong khu vực và nhiều nước khác tại châu Âu, Mĩ… áp thuế Chống bán phá gía, khiến tình hình xuất khẩu thép khó khăn.
Cộng thêm tình hình chiến tranh thương mại kéo dài, nhiều doanh nghiệp thép tại Trung Quốc tìm đường xuất khẩu vào Việt Nam, khiến cho sản phẩm thép sản xuất trong nước khó tiêu thụ. Trong tình hình kinh doanh quý I/2019, nhiều doanh nghiệp trong ngành tôn thép tăng trưởng doanh thu chậm hoặc giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong quý I/2019 vừa qua, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE:NKG) báo lỗ 102 tỉ đồng, nguyên nhân được Nam Kim giải trình là do biến động của giá nguyên vật liệu. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp NKG báo lỗ, trước đó vào quý IV/2018 NKG đã bất ngờ báo lỗ tới 173 tỉ đồng. Do khó khăn trong xuất khẩu nên doanh thu quý I/2019 của Thép Nam Kim giảm 18%. Trước 2 quý lỗ liên tiếp, trong báo cáo gửi cổ đông, NKG đang cố gắng cấu trúc lại sản xuất và đầu tư.
Còn Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) công bố doanh thu tăng nhẹ nhưng giảm lợi nhuận so với cùng kỳ 2018. Theo đó, với doanh thu thuần đạt 3.121,4 tỉ đồng, tăng 2,7% so với quý I/2018. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu tiêu thụ hàng nội địa đạt 2.230 tỉ đồng, đóng góp gần 72% tổng doanh thu. Doanh thu thép xuất khẩu đạt 882 tỉ đồng chiếm 28,25% doanh thu, còn lại gần 9 tỉ đồng doanh thu từ phế liệu.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận của quý I/2019, Công ty Cổ phần Thép Pomina, cho biết nguyên nhân lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty mẹ lỗ tới 83,66 tỉ đồng là do giá vốn tăng cao lên 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý lỗ đầu tiên sau 4 năm doanh nghiệp này có lợi nhuận. Trong quý I/2018, Pomina cũng lãi 209 tỉ đồng.
Cũng trong giải trình này, Pomina cũng bị ảnh hưởng từ giá nguyên vật liệu giảm từ quý IV/2018, nên giá bán của công ty phải giảm theo, nhưng tốc độ giảm giá bán nhanh hơn tốc độ giảm giá nguyên vật liệu tồn kho đã khiến công ty bị lỗ trong quý I/2019 vừa qua.
Về Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, dù doanh thu quý I/2019 tăng 27% so với quý I/2018 nhưng lợi nhuận của công ty giảm gần 50% so với quý I/2018. Doanh thu 3 tháng đầu năm 2019 đạt 4.157 tỉ đồng cao hơn doanh 3.267 tỉ đồng của 3 tháng đầu năm 2018. Nhưng lợi nhuận quý I.2018 đạt 73,5 tỉ đồng thì đến quý I.2019 chỉ còn 35,4 tỉ đồng.
Theo thông tin từ SMC, tình hình kinh doanh trong quý II/2019 sẽ được khắc phục do công ty có chính sách nhập nguyên liệu, hàng hóa và sản xuất hợp lý. Hiện tại, nguồn hàng dự trữ trong kho của SMC hiện khá dồi dào có giá vốn tương đối tốt. Nên sẽ ít chịu tác động đến sự biến động giá của thị trường, đáp ứng cho hoạt động thương mại và sản xuất ổn định trong thời gian tới.
Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc ngành tôn thép là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE:HSG) cũng gặp nhiều khó khăn.
Doanh thu liên tục sụt giảm, từ quý III/2018 đến quý I/2019. Doanh từ mức 10.350 tỉ đồng trong quý III/2018 giảm xuống còn 8.561 tỉ đồng quý IV/2018, và chỉ còn 7.557 tỉ đồng quý I/2019. Mức lợi nhuận cũng giảm từ 82 tỉ đồng xuống âm 101,8 tỉ đồng quý IV/2018. Đến quý I/2019, lợi nhuận đạt 60,6 tỉ đồng.
Như vậy, tình hình kinh doanh của Hoa Sen cũng khó khăn nhưng so với các doanh nghiệp trong ngành thì có khởi sắc hơn. Theo đại diện Hoa Sen, dự kiến tình hình kinh doanh quý II/2019 của công ty sẽ cải thiện hơn.
Từ đầu tháng 3.2019, Hoa Sen cho biết hoạt động kinh doanh của công ty đã ổn định cùng với các hoạt động tiết giảm chi phí được thực hiện trong thời gian qua, nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong các tháng tới dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Trong chiến lược kinh doanh, HSG vẫn sẽ phụ thuộc vào giá nguyên liệu thép cán nóng. Nếu giá HRC tiếp tục giảm, HSG thậm chí sẽ thua lỗ. Tập đoàn trình cổ đông kế hoạch 2018-2019 là 31.500 tỉ đồng doanh thu, giảm 8% so với niên độ trước và mục tiêu 500 tỉ lợi nhuận sau thuế.
Nguồn tin: Nhipcaudautu