Thị trường chứng khoán Châu Á bao trùm bởi sắc xanh tăng điểm, riêng thị trường Thượng Hải giảm điểm.
Đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất trong 11 tháng bởi dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn khi xuất khẩu hồi phục. Doanh số xuất khẩu tháng 12/2009 và tháng 1/2010 tăng trưởng trở lại sau chuỗi thời gian suy giảm kéo dài 13 tháng do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế Mỹ và Châu Âu. Điều này đã khiến sức ép buộc Trung Quốc tăng giá đồng Nhân Dân Tệ ngày một cao hơn. Bên cạnh đó, những lo ngại về việc ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm tính thanh khoản cũng khiến thị trường giảm điểm.
Chỉ số MSCI Thái Bình Dương tăng 2.4% lên mức 118.1 điểm tại thị trường Tokyo, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2009. Chỉ số NIKKEI 225 của Nhật tăng 276.89 điểm, tương đương 2.74%, lên mức 10,400.47 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 33.20 điểm, tương đương 2.08%, lên mức 1,627.10 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 488.76 điểm, tương đương 2.46%, lên mức 20,382.78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 14.73 điểm, tương đương 0.49%, xuống còn 3,003.40 điểm.
Thị trường chứng khoán Châu Âu lần đầu tiên giảm điểm sau 5 phiên tăng liên tiếp, dẫn đầu là khối ngành dược phẩm và bán lẻ.
GlaxoSmithKline giảm 2.6%, AstraZeneca, Merck, Novartis, Novo Nordisk, Roche Holding, và Sanofi-Aventis giảm từ 0.1 đến 1.3%. Unilever, Danone, Kerry Group giảm từ 0.9 đến 2%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 6.10 điểm, tương đương 0.11%, xuống còn 5,352.07 điểm. Chỉ số CAC 40 giảm 12.84 điểm, tương đương 0.34%, xuống còn 3,756.70 điểm. Chỉ số DAX giảm 33.61 điểm, tương đương 0.59%, xuống còn 5,688.44 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào cuối phiên dẫn đầu là khối ngành sản xuất, năng lượng và khai mỏ. Tuy nhiên, khối ngành ngân hàng vẫn tăng điểm mạnh trước dự đoán FED sẽ vẫn duy trì lãi suất cơ bản.
Cổ phiếu của Exxon Mobil Corp. và Newmont Mining giảm do giá đồng và khí gas tự nhiên giảm ít nhất 1.5%.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 18.97 điểm, tương đương 0.18%, xuống còn 10,383.38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1.16 điểm, tương đương 0.10%, xuống còn 1,108.01 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1.84 điểm, tương đương 0.08%, xuống còn 2,242.03 điểm.
Đồng USD hôm qua tiếp tục đà tăng của ngày thứ sáu tuần trước, nhưng trong phiên giao dịch đầu sáng nay đã có dấu hiệu giảm nhẹ sau khi các nhà đầu cơ đang đứng ngoài cuộc chơi do lo ngại về việc FED sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Những lo lắng này khiến đồng USD sụt giảm so với đồng YÊN xuống mức 91.11JPY/USD so với mức 91.25JPY/USD chốt phiên hôm qua.
Chỉ số US Index hôm qua vẫn giữ mốc 80.526 điểm. Trong khi đó, những nỗi lo về nợ tài chính công ở khu vực châu Âu vẫn chưa qua khỏi và tiếp tục đè gánh nặng lên đồng EURO, đẩy đồng tiền này giảm xuống mức 1.3598USD/EURO.
Thị trường vàng hôm qua vào cuối phiên đã tháo lui khỏi mức tăng trong đầu phiên giao dịch, do những lo ngại về sự bất ổn của kênh tiền tệ và chính sách thắt chặt tiền tệ của FED trong thời gian tới. Cùng với những dấu hiệu về việc FED sẽ có thể sẽ rút lại các chương trình kích cầu kinh tế cũng đã tác động tiêu cực đến công cụ phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Giá vàng giao ngay kết phiên ở mức 1,115.20USD/ounce, giảm mạnh so với đầu phiên là 1,130.65USD/ounce. Vàng nén tính từ mức cao kỷ lục 1,200USD/ounce thiết lập từ đầu tháng 12 năm 2009 đến nay đã giảm hơn 8%. Vàng giao tháng 4 trên thị trường Mỹ cũng đã giảm thêm 9USD xuống mức 1,113.10USD/ounce.
Thị trường dầu đã tăng nhẹ trong ngày thứ hai chạm mức 80USD/thùng do ảnh hưởng của cuộc đình công tại nhà máy lọc dầu ở Pháp và những xung đột xung quanh chương trình hạt nhân tại Iran. Các chuyên gia dự đoán rằng khả năng dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa vì những căng thẳng trên vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới. Bên cạnh đó, thời tiết giá lạnh đang dần chấm dứt và nhu cầu đi lại trên thị trường Bắc Mỹ sẽ tăng nhiều hơn cũng hỗ trợ cho giá dầu tăng thêm.
Các hợp đồng dầu giao tháng 3 đã hết hạn vào hôm qua, tăng cao hơn 35 cent đạt mức 80.16USD/thùng sau khi chạm mức 80.51USD/thùng lúc đầu phiên.
Sacom-ste