Thị trường chứng khoán Châu Á tăng điểm trong phiên đầu tuần nhờ thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ và triển vọng về nợ xấu của Hy Lạp trở nên sáng sủa hơn sau khi Pháp cân nhắc khả năng hỗ trợ.
Tuy nhiên, thị trường liên tục có những diễn biến trái chiều sau đó. Thặng dư thương mại Trung Quốc tháng 2/2010 rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm. Nhập khẩu tăng mạnh hơn dự báo của giới chuyên gia. Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong vai trò điểm đến của hàng hóa xuất khẩu thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 của Trung Quốc tăng 2,7% so với 1 năm trước, mức tăng này cao hơn dự báo 2.5% của giới chuyên gia. Nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao có thể một phần bởi kỳ nghỉ lễ kéo dài. Sản xuất 2 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng 20.7% so với mức tăng trưởng 18.5% của tháng 12/2009.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc hai tháng đầu năm nay tăng 17,9% so với 1 năm trước, đầu tư vào tài sản cố định tăng 26,6%. Doanh số bán lẻ tháng 2/2010 tăng 22.1%.
Chỉ số NIKKEI 225 tuần qua đã tăng 165.34 điểm, tương đương 1.56%, lên mức 10,751.26 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 12.87 điểm lên mức 21,209.74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1.76 điểm xuống còn 3,051.47 điểm. Chỉ số KOSPI tăng 6.55 điểm lên mức 1,666.59 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 tăng 6.4 điểm lên mức 4,814.30 điểm.
Thị trường chứng khoán Châu Âu có một tuần giao dịch khá thành công với hai phiên tăng điểm mạnh.
Đầu tuần, Pháp công bố sẽ giúp đỡ Hy Lạp nếu cần vào hôm chủ nhật và Bồ Đào Nha thông báo sẽ có một số biện pháp để hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách đang leo thang của nước này trong ngày hôm qua.
Liên minh Châu Âu cũng cho biết sẽ đề xuất phương án để giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone.
Thị trường tăng điểm mạnh do thị trường có khả năng chứng kiến các cuộc sáp nhập đình đám và vấn đề khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có thể được giải quyết.
Vào phiên cuối tuần, thị trường đã chạm mức cao nhất trong 7 tuần nhờ được hỗ trợ từ thông tin khả quan về doanh số bán lẻ của Mỹ và sản lượng công nghiệp tại khu vực Eurozone. Duy nhất cổ phiếu của Pháp giảm do số lượng người thất nghiệp loại A của Pháp đã lên hơn 2.66 triệu người.
Chỉ số FTSE 100 tăng 18.93 điểm lên mức 5,625.65 điểm. Chỉ số CAC 40 tăng 23.86 điểm lên mức 3,927.40 điểm. Chỉ số DAX tăng 69.2 điểm lên mức 5,945.11 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua tăng giảm không nhiều do liên tục đón nhận thông tin trái chiều từ thị trường.
Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua gói hỗ trợ việc làm và giảm thuế trị giá 149 tỷ USD. Đây là thành công bước đầu của chính quyền Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ khi họ đang nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống trước khi bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 11/2010.
Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số hàng tồn kho bán sỉ tháng 1 giảm nhẹ 0.2% sau khi sụt giảm tới 1% trong tháng trước, từ đó làm gia tăng niềm tin rằng nhu cầu tiêu dùng đang cải thiện.
Bộ Lao Động cho biết số lượng việc làm vào tháng 1 tăng khoảng 7,6%, tới mức 2,7 triệu việc làm so với tháng 12. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2009.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách đã leo thang thêm 220.9 tỷ USD trong tháng 2, cao hơn rất nhiều so với mức 42.6 tỷ USD trong tháng 1 đồng thời đánh dấu tháng thứ 17 liên tiếp ngân sách Mỹ bị thâm hụt.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm xuống mức 72.5 điểm trong tháng 2/2010 từ mức 73.6 điểm vào tháng 1, thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia là 74 điểm.
Doanh số bán lẻ trong tháng 2/2010, không tính các mặt hàng ôtô và xăng dầu, đã tăng 0,9%, gần gấp đôi so với với mức tăng 0,5% của tháng 1.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 72.17 điểm, tương đương 0.68%, lên mức 10,624.69 điểm. Chỉ số NASDAQ tăng 50.45 điểm, tương đương 2.16%, lên mức 2,376.07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13.31 điểm, tương đương 1.17%, xuống còn 1,151.71 điểm.
Tuần qua đánh dấu sự gia tăng trở lại của đồng EURO khi đón nhận nhiều thông tin kinh tế tích cực từ khu vực kinh tế chung Châu Âu. Những mối lo lắng về khoản nợ tài chính công ở Hi Lạp đã được xoa dịu, cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp của 16 quốc gia Châu Âu tăng 1.7% so với tháng 12 năm 2009 đã giúp đồng EURO phục hồi mạnh mẽ lên mức 1.376 USD/EURO trong ngày cuối tuần so với mức 1.36 USD/EURO trong ngày đầu tuần.
Trong khi đó, đồng bạc xanh lại giảm điểm so với các giỏ tiền tệ khác do ảnh hưởng một phần của sự tăng trở lại của đồng EURO. Chỉ số USD Index đã giảm xuống mức 79.8 điểm so với mức 80.4 điểm ghi nhận được trong ngày thứ hai đầu tuần. Đồng YÊN trong tuần này đã tăng lại so với đồng USD do dòng tiền từ các công ty xuất khẩu của Nhật Bản ở các quốc gia khác đang đổ về nước này trước khi kết thúc năm tài chính đã làm tăng giá đồng YÊN lên mức 89.94 JPY/USD so với mức 90.27 JPY/USD hôm đầu tuần.
Thị trường vàng đã tụt giảm từ mức cao 1,124 USD/ounce xuống mức 1,108 USD/ounce trong 4 ngày liên tiếp. Nguyên nhân là do những dấu hiệu hồi phục từ nền kinh tế 16 nước khu vực Châu Âu đã đẩy đồng EURO mạnh lên, khiến vàng đã không còn hấp dẫn nhiều với các nhà đầu tư. Ngoài ra, tác động của thông tin Trung Quốc có thể thắt chặt chính sách tiền tệ, và sự biến động của thị trường này đã làm cho các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc chơi. Tuy nhiên, vàng bất ngờ vực dậy trong ngày thứ sáu cuối tuần. Giá vàng giao ngay vượt lên ngưỡng 1,115 USD/ounce .
Thị trường dầu tuần qua nhìn chung không có nhiều biến động. Giá dầu giằng co quanh ngưỡng 82-81 USD/thùng. Giá dầu đã tăng cao trong ngày thứ hai, chạm mức 82 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 8 tuần qua. Những dấu hiệu kinh tế lạc quan đã hỗ trợ cho giá dầu đi lên. Thị trường việc làm Mỹ đã được cải thiện nhiều cùng với niềm tin thị trường về sự hồi phục kinh tế khu vực Châu Âu. Nhưng sang đến ngày thứ năm và thứ sáu, sự gia tăng về hàng tồn kho dầu thô tại Mỹ và sự không chắc chắn trong chính sách thắt chặt tiền tệ của đất nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đã cản trở đến sự lên giá của thị trường này. Giá dầu ngay sau đó về mức 81 USD/thùng. Điều này đã phản ánh một sự sụt giảm trong lòng tin tiêu dùng nhiên liệu trên thị trường Mỹ.
Sacom