Tổng hợp thị trường thép thế giới trong tuần 51
Sau khi thị trường thép châu Á lắng đọng hơn trong tuần này, thị trường thép các khu vực khác dù vẫn giữ được đà tăng nhưng đã bắt đầu chậm dần.
Thời gian này đang là thời điểm sôi động nhất của các cuộc thương lượng về giá giao quý Một năm sau trước khi các nước bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, đây như là cơ hội cuối cùng cho các giao dịch trong năm nay.
Tuy nhiên sự nhập nhằng về giá bán lẫn giá mua khiến thị trường trở lên căng thẳng hơn, bên xuất thì muốn nâng giá bán để phù hợp với xu hướng leo thang của giá nguyên liệu thô, nhưng bên nhập thì e dè cho rằng giá quá cao nên không chấp nhận. Các nhà sản xuất của châu Âu tỏ ra sốt ruột, nhiều trong số họ nói sẽ không nghỉ lễ để tập trung cho xuất khẩu.
Hơn nữa, thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về giá nhất là các nước thuộc khối CIS. Nếu CIS thỏa thuận bán theo giá CFR, chắc chắn sẽ là khó khăn cho giao hàng đúng hạn vì tuyết đóng băng dày đặc, nếu vận chuyển bằng đường tàu biển, ít nhất sẽ phải cần thêm tàu phá băng, đồng nghĩa chi phí sẽ tăng thêm.
Thị trường thép châu Á
Thị trường thép châu Á trong tuần này đã không còn giữ được nhiệt độ như những tuần trước đó do giao dịch đã giảm nhiều. Hầu hết các mặt trận thị trường vẫn đang theo dõi khá sát mặt hàng thép xây dựng của Trung Quốc, bởi nó quyết định giá cả đối với những chủng loại khác.
Giá thép xây dựng Trung Quốc hầu như bình ổn trong tuần này do hoạt động xây dựng đã chậm lại vì thời tiết ngày một khắc nghiệt hơn. Giới chuyên môn nhận định tuần này sẽ đánh dầu điểm dừng để bắt đầu một xu hướng đi xuống sau khoảng thời gian miệt mài chạy theo xu hướng của giá nguyên vật liệu thô mà không có sự trợ sức của nhu cầu.
Chính sách thắt chặt tín dụng của chính phủ Trung ương làm nguội lạnh sức nóng của thị trường bởi nó bóp nghẹt sự đầu cơ và làm giảm sức hút đầu tư của thị trường xây dựng.
Song song đó, nguy cơ sản lượng thép tăng trở lại sau khi chương trình tiết kiệm điện dần mãn hạn. Giá thép tăng gần đây đang khuyến khích các nhà máy Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất trở lại để hưởng lợi, nhưng tái sản xuất là con dao hai lưỡi nó có thể cứu sống nhà sản xuất đấy, nhưng nó cũng có thể kết liễu thị trường khi nguồn cung dư thừa.
Tuy nhiên, số khác thì vẫn lạc quan về triển vọng tương lai và cho rằng tuần này chỉ là giai đoạn tạm thời nghỉ ngơi để giá thép lấy lại sức bật tiếp tục chinh phục mức cao mới. Hơn nữa, phía trước Trung Quốc đang đối mặt với một chuỗi khó khăn về chính sách thuế của chính phủ Trung ương khi đưa ra quyết định không hoàn lại một nửa thuế VAT 17% hóa đơn mua phế liệu cho nhà các nhà sản xuất thép vào đầu năm tới.
Trong khi đó, các nguyên liệu thô như than, quặng nhập khẩu đã được đánh tiếng tăng từ 8-13% trong quý Một 2011. Chi phí đầu vào sẽ là gánh nặng của các nhà sản xuất.
Nhật Bản
Cuộc chạy đua nước rút nâng giá thu mua phế liệu trong mùa đông từ các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn đang diễn ra. Tình hình leo thang của giá phế trong nước, cộng với việc các nhà cung cấp nguyên liệu thô nước ngoài nâng giá quặng và than đá đang mở ra triển vọng tăng của thị trường thép của nước này vào đầu năm tới.
Đầu tuần này, Tokyo Steel một lần nữa tiếp tục nâng giá thu mua phế thêm 1.000 Yên/tấn (12 USD/tấn) lên mức 35.000-36.000 Yên tấn.
Đồng nghĩa với việc nâng giá mua phế, nhà sản xuất này cũng đang nhắm đến nâng giá thép dầm hình H giao tháng 01 tới qua mức 70.000 Yên/tấn sau khi duy trì giá bán tháng 12 ở mức 67.000 Yên/tấn.
Hiện giá thép dầm hình H loại cao cấp giao ngay tại thị trường Tokyo là 70.000-71.000 Yên/tấn, và tại thị trường Osaka là 66.000-67.000 Yên/tấn.
Hàn Quốc
Tuần này, thị trường thép Hàn Quốc không có nhiều thông tin đáng chú ý ngoài tin Hyundai Steel công bố chính sách giá xuất khẩu mới các sản phẩm thép dài cho tháng 01 năm tới.
Hyundai Steel đã quyết định nâng giá thép dầm hình H, ván cọc cừ và thép cây thêm 30 USD/tấn vào các nước Đông Á lần lượt 750 USD/tấn cfr, 750 USD/tấn cfr và 660 USD/tấn cfr.
Việc nâng giá của Hyundai Steel cũng để bắt kịp xu hướng của giá phế liệu, tuy nhiên nhà sản xuất này cho rằng mức tăng này cũng vẫn còn chậm và thấp hơn so với giá của các nhà xuất khẩu khác. Điển hình như Thổ Nhĩ Kỳ gần đây chào bán thép cây vào Singapore với giá 630-650 USD/tấn fob, tương đương với 680-690 USD/tấn cfr, do vậy Hyundai Steel đang đặt ra mục tiêu nâng giá chào lên 680 USD/tấn cfr.
Đài Loan
Sự đắt đỏ của giá phế liệu đang khuyến khích các nhà sản xuất thép của Đài Loan nâng giá. Giá phế liệu không chỉ ở Đài Loan mà trên thế giới liên tục leo thang do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu như tuyết phủ gây ảnh hưởng đến hoạt động thu gom và vận chuyển. Nguồn phế nhập khẩu truyền thống của Đài Loan chủ yếu từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, mà thời gian này đang là cao điểm mùa đông vì vậy nguồn cung càng thắt chặt hơn do vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Feng Hsin thông báo nâng giá bán cơ bản trong tuần này, gồm thép cây và thép hình 500 Đài tệ/tấn (17 USD/tấn) lên lần lượt 20.200 Đài tệ/tấn (671 USD/tấn) và 21.600-21.800 Đài tệ/tấn (718-724 USD/tấn).
Hai Kwang cũng nâng giá 500 Đài tệ/tấn lên 19.700 Đài tệ/tấn.
Trong khi đó ngoài thị trường tự do, giá thép dây mạ kẽm của Đài Loan đã tăng lên 25.500 Đài tệ/tấn, thậm chí có nhà sản xuất điều chỉnh lên mức 26.000 Đài tệ/tấn do giá phế đã là 435 USD/tấn. Còn thép cuộn cán nóng HRC đã điều chỉnh lên mức 19.800-22.000 Đài tệ tấn. Khả năng giá sẽ còn tăng nữa.
Hai nhà sản xuất thép không gỉ của Đài Loan bao gồm Yieh United Steel Corp (Yusco) và Tang Eng Iron Works đã quyết định duy trì giá bán không đổi đến cuối tháng 12 này để cạnh tranh lại với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đang tràn vào nước này, bất chấp giá nickel tăng thêm 1.000 USD/tấn kể từ đầu tháng.
Như vậy, thép cuộn cán nóng không gỉ HRC 304 2B 2mm của Yusco sẽ có giá 109.000 Đài tệ/tấn (3.652 USD/tấn) và thép cuộn cán nguội CRC 304 2B 2mm có giá 113.000 Đài tệ/tấn. Cùng loại sản phẩm của Tang Eng có giá lần lượt là 107.000 Đài tệ/tấn và 111.000 Đài tệ/tấn.
Hiện giá xuất khẩu mới nhất thép không gỉ 304/No.1 của Baosteel vào Đài Loan là 3.200 USD/tấn và 304/2B là 3.400 USD/tấn. Trong khi giá xuất khẩu của Tisco đối với sản phẩm 304/No.1 là 3.280 USD/tấn và 304/2B là 3.380 USD/tấn.
Ấn Độ
Do cũng kỳ vọng giá than đá, quặng sắt sẽ tăng giá trong tương lai gần, các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã đồng ý nâng giá thép thêm từ 1.000-1.200 Rs/tấn vào tháng 01 năm tới.
Gần đây nhất, nhà sản xuất Steel Authority of India (SAIL) đã nâng giá thép 300-500 Rs/tấn, còn JSW Steel nâng giá thép cuộn cán nóng HRC thêm 1-1,5%.
Đông Nam Á
Tuần này, thông tin về nhập khẩu ở Đông Nam Á vẫn khá kín tiếng, bởi các nhà nhập khẩu trong khu vực vẫn chưa sẵn sàng đàm phán giá mới giao đầu năm tới vì giá cả thời điểm này vẫn cao do các nhà cung cấp tiếp tục nâng giá chào. Và lại thời điểm cuối năm đang đến gần nhiều trader đang muốn hạn chế, hoặc tất toán dần các trạng thái giao dịch với nước ngoài, bởi nhu cầu trong nước không mấy khả quan vì giá đã tăng quá khả năng chi trả của người tiêu dùng. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng cao và biến động tỉ giá USD ở một số nước cũng làm giảm nhu cầu hàng nhập khẩu.
Theo một số tin gần đây, Trung Quốc có kế hoạch nâng giá xuất khẩu mà khả năng là Đông Nam Á để hưởng ứng cùng xu hướng tăng của thị trường trong nước. Khả năng các nhà xuất khẩu nâng giá thép cuộn cán nóng HRC khoảng 40-50 USD/tấn lên mức 650-680 USD/tấn C&F.
Được biết, giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC của Hàn Quốc đã nâng lên mức 660-670 USD/tấn C&F, trong khi nhà sản xuất thép Nhật Bản đã lên kế hoạch nâng giá xuất khẩu ít nhất từ 80-100 USD/tấn lên mức 700 USD/tấn.
Tại Việt Nam
Để giảm tình trạng xuất khẩu quặng ra nước ngoài, Bộ tài chính Việt Nam sẽ tăng đánh thuế xuất khẩu lên mức 30%. Có lẽ Việt Nam đang học tập một số nước như Ấn Độ và Iran nhằm hạn chế chảy nguồn cung nguyên liệu thô ra nước ngoài, thay vào đó ưu tiên cho sản xuất trong nước.
Cũng trong tuần này, công ty TNHH POSCO VST vừa khởi công xây dựng nhà máy mới chuyên sản xuất thép không gỉ cán nguội tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai với công suất 150.000 tấn/năm trị giá 130 triệu USD.
Dự kiến quá trình xây dựng sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động trong tháng 2/2012. POSCO VST sẽ là nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội đầu tiên của Tập đoàn POSCO và là nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội lớn nhất tại Việt Nam.
Các sản phẩm của nhà máy bao gồm thép không gỉ cán nguội 2B dạng tấm, cuộn với độ dày từ 0.1 – 3 mm. Đây là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp xây dựng, hàng gia dụng, trang trí nội thất và sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật khác, không chỉ đáp ứng cho thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á.
Thị trường thép Châu Âu
Trong tuần này, thị trường thép châu Âu vẫn giữ được nhịp tăng, nhưng tốc độ đã chậm hơn so với tuần trước chủ yếu do sự chi phối của giá nguyên vật liệu thô và một phần đầu cơ.
Một số người cho rằng giá thép tại châu Âu độc diễn vì nhu cầu ở khu vực này rất thấp trong mùa đông, cộng thêm tình hình khủng hoảng nợ công của các nước vẫn chưa lắng xuống.
HRC
Các nhà sản xuất thép cuộn ở khu vực bắc Âu thông báo nâng giá bán 10-30 EUR/tấn cho các hợp đồng giao tháng 02 và 03 năm 2011 sau khi nhận được nhiều đơn đặt hàng giao tháng 01.
Hồi cuối tháng 11, các nhà sản xuất ở khu vực thông báo nâng giá xuất xưởng cơ bản thép cuộn cán nóng HRC giao tháng 01/2011 thêm 20-30 EUR/tấn lên 500-510 EUR/tấn và đã nhận được phản ứng tốt từ khách hàng, bằng chứng là hợp đồng tháng 01 đã được đặt kín sau đó.
Tuy nhiên đợt nâng giá mới lần này không biết có còn duy trì được nhu cầu đặt hàng như tháng 01 hay không.
Thép tấm
Giá thép tấm ở khu vực Tây Bắc Âu đã kịp thời tăng trở lại trước thời điểm kết thúc năm sau hai tháng ảm đạm trong tháng 10 và 11. Hiện tại, giá thép tấm S235 xuất xưởng của các nhà sản xuất lớn trong khu vực đã hồi lên mức 620-650 EUR/tấn từ mức 600 EUR/tấn trong tháng 11, còn những nhà sản xuất nhỏ hơn, giá điều chỉnh tăng từ 10-20 EUR/tấn.
Thị trường thép CIS
Trong tuần này, mặc dù các nước khối CIS vẫn nhận được đơn đặt hàng mua thép và phôi, giá cũng vẫn tăng nhưng nhu cầu từ các nước đã chậm lại.
Phôi
Hiện phôi của Nga và Ukrainian bán tại Biển Đen có giá là 590-595 USD/tấn fob.
Phôi chào bán của Nga tại các nước Trung Đông đã bắt đầu gặp trở ngại vì bị cạnh tranh của một số nước như Hàn Quốc, Malaysia thậm chí cả Việt Nam với giá gần tương đương đương ở mức 610 USD/tấn fob.
Thép xây dựng
Tuần này CIS tiếp tục duy trì nâng giá xuất khẩu thép cây và cuộn trơn tại các nơi, riêng khu vực Đông Á việc nâng giá đã gặp thất bại.
Metinvest International S.A lại nâng giá bán cuộn trơn đến Trung Đông 5-10 USD/tấn lên mức 620-625 USD/tấn fob vào tháng 01 năm tới.
Tại các cảng biển ở Caspian Sea, các nhà sản xuất của Nga vẫn đang đang chào giá thép cuộn trơn không quá 625 USD/tấn fob. Đơn đặt hàng mới nhất giao tháng 01 năm sau từ EvrazHolding có giá 620 USD/tấn fob.
Còn ở vùng Đông Á, hầu như vẫn chưa có sự thay đổi nào về giá chào. Trong đó cuộn trơn từ Nga vẫn chào ở mức 605-610 USD/tấn fob (630-635 USD/tấn cfr).