Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thông tin kinh tế thế giới ngày 6/10

Ngân hàng Nhật Bản cũng quyết định đưa ra một biện pháp tạm thời là dùng 5 nghìn tỷ yên để mua các tài sản từ trái phiếu chính phủ và chứng khoán chính phủ ngắn hạn đến giấy tờ thương mại và trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời sẽ chấp nhận thêm lượng tài sản trị giá 30 nghìn tỷ yên nữa làm bảo lãnh trong một chương trình cho vay.

Nhật Bản bất ngờ giảm lãi suất xuống còn 0 

Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm qua chính thức đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0 do ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy việc đồng yên mạnh lên đang ảnh hưởng tới nền kinh tế còn yếu ớt của nước này. Đây là một động thái gây bất ngờ cho thị trường.

Ngân hàng Nhật Bản cũng quyết định đưa ra một biện pháp tạm thời là dùng 5 nghìn tỷ yên (60 tỷ đôla) để mua các tài sản từ trái phiếu chính phủ và chứng khoán chính phủ ngắn hạn đến giấy tờ thương mại và trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời sẽ chấp nhận thêm lượng tài sản trị giá 30 nghìn tỷ yên nữa làm bảo lãnh trong một chương trình cho vay.

FED và ECB đẩy thế giới vào trạng thái hỗn loạn 

Ông Joseph Stiglitz, kinh tế gia đạt giải Nobel, cho rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của FED và ECB đang đẩy thế giới vào hỗn loạn thay cho hỗ trợ cho đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu mới nhất tại đại học Colombia, khi cho rằng hoạt động bơm thanh khoản ồ ạt từ FED và ECB đang mang đến bất ổn cho thị trường ngoại hối, buộc nhiều nước như Nhật và Braxin phải bảo vệ các công ty xuất khẩu, ông nói: “Đáng mỉa mai ở chỗ FED đưa ra mọi chương trình thanh khoản với mục tiêu hy vọng nó sẽ vực dây kinh tế Mỹ. FED thực tế không làm được gì cho kinh tế Mỹ mà lại tạo ra sự hỗn loạn ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Họ đang theo đuổi chính sách lạ thường.”

Châu Âu nối tiếp Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề tỷ giá 


Trong buổi gặp gỡ tại Brussels, Bỉ với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, bộ trưởng eurozone ông Jean-Claude Juncker đã lên tiếng kêu gọi để đồng nhân dân tệ tăng mạnh mẽ hơn. Ông Juncker tuyên bố trong cuộc họp báo rằng: "Tỷ giá thực tế của Trung Quốc vẫn thấp. Châu Âu hoan nghênh quyết định của Trung Quốc hôm 19 tháng Sáu năm nay tăng tính linh hoạt cho tỷ giá tiền tệ Trung Quốc, tuy nhiên quyết định này chưa được triển khai đầy đủ".

George Soros: Kích thích tài khóa là chìa khóa giúp Mỹ và châu Âu thoát khủng hoảng

 Trong bài phát biểu mới nhất tại đại học Colombia, nhà đầu tư tỷ phú George Soros nói: đối với châu Âu và Mỹ, để thoát ra khỏi khủng hoảng, cần đưa ra thêm chính sách kích thích tài khóa chứ không phải liên tục thắt chặt.

Ông nói: “Việc chính phủ nước chủ nợ như Đức đưa ra biện pháp giảm thâm hụt ngân sách trên thực tế đối ngược với bài học mà chúng ta cần rút ra từ Đại Khủng hoảng 1930. Châu Âu sẽ bị đẩy vào thời kỳ trì trệ kéo dài hay tồi tệ hơn thế.”

Kinh tế thế giới sẽ phục hồi mà không cần tới Mỹ 

Các nhà kinh tế học phố Wall cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trụ vững ngay cả khi kinh tế Mỹ trì trệ lại. Chuyên gia của Merrill Lynch thì nhấn mạnh rằng tỷ trọng kinh tế Mỹ trên GDP toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 24% kể từ mức 31% trong năm 2000. Không như Mỹ, nhiều nước đã tránh được tình trạng bong bóng tài sản, giữ cho hệ thống ngân hàng vững chắc, cải thiện thương mại và tình hình ngân sách.

Warren Buffett: Cổ phiếu đang rẻ hơn trái phiếu 

Tỷ phú Warren Buffett cho rằng hiện khá rõ ràng để thấy cổ phiếu đang rẻ hơn trái phiếu, tuy nhiên ông nhấn mạnh mối quan hệ trên sẽ thay đổi khi niềm tin vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu được củng cố.

Ông nói: “Rõ ràng cổ phiếu đang rẻ hơn trái phiếu. Tôi không thể tưởng tượng nhà đầu tư nào đó nắm trái phiếu trong danh mục đầu tư trong khi đó họ có thể mua cổ phiếu, nhiều loại cổ phiếu khác nhau. Thế nhưng người ta làm vậy bởi thiếu niềm tin. Chính yếu tố đó khiến giá trở nên hấp dẫn hơn. Khi niềm tin trở lại, chắc chắn họ không bán với mức giá hiện nay. Và tin tôi đi, điều đó sẽ đến.”

Nguồn: Giavang.net

ĐỌC THÊM