Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp tin hàng hóa trong nước tuần 16/5 - 22/5

 

Giá vàng giảm 900.000 đồng/lượng trong khi giá thép tiếp tục hạ thêm 200.000-500.000 đồng/lượng.

* Sau khi leo thang mạnh mẽ trong tuần trước, giá vàng tuần qua đã trượt dốc liên tiếp khi giảm xuống chỉ còn 27,4 triệu đồng/lượng vào lúc cuối tuần. So với thời điểm đầu tuần, giá vàng đã giảm 900.000 đồng/lượng. Có thời điểm trong tuần, giá vàng thậm chí còn hạ xuống mức 27,2 triệu đồng/lượng. Theo giới kinh doanh vàng, yếu tố chính tác động tới giá vàng trong nước là sự biến động của giá vàng thế giới.

Giá vàng giảm mạnh cũng khiến giao dịch vàng vật chất đã chùng xuống. Nếu như khi giá vàng tăng mạnh, hoạt động chính là bán ra thì tới khi giá giảm, khách mua và khách bán đều thưa thớt.

* Sau đợt giảm giá vào đầu tháng 5, trong tuần vừa qua, giá thép xây dựng lại tiếp tục giảm mạnh khi hạ thêm 200.000 -500.000 đồng/tấn chỉ trong 3 ngày đầu tuần. Trong đó, các doanh nghiệp thép phía Bắc giảm mạnh nhất, từ 300.000- 500.000 đồng/tấn, chưa kể mức chiết khấu cho đại lý. Phía Nam, các nhà máy giảm nhẹ hơn với mức 200.000 đồng/tấn. Hiện nay, mức giá giao dịch tại các nhà máy, chưa gồm VAT dao động trong khoảng từ 13,2- 13,8 triệu đồng/tấn. Giá thép từ đại lý thậm chí còn thấp hơn từ 100.000 – 300.000 đồng/tấn so với giá mua tại nhà máy.

Trong 20 ngày qua, giá thép tại các nhà máy đã giảm cao nhất là 1 triệu đồng/tấn và thấp nhất là 600.000 đồng/tấn. So với thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 4, khi giá thép leo lên tới mức 16,3- 17 triệu đồng/tấn thì tới nay, giá thép bán lẻ đã giảm nhiệt tới 2 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân chính để lý giải cho việc giảm giá vẫn là tình hình tiêu thụ thép quá chậm trong khi giá phôi thép trên thế giới có xu hướng hạ. Tiêu thụ thép tháng 5 giảm thấp hơn so với con số 299.000 tấn thép trong tháng 4 và chắc chắn, thua xa so với sản lượng tiêu thụ tới 568.000 tấn thép hồi tháng 3. Doanh nghiệp và đại lý bán lẻ đều “cắn răng”chịu lỗ giảm giá bán để tránh tình trạng tồn hàng.

* 20 ngày đầu tháng 5, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gần 400.000 tấn gạo sang các quốc gia châu Phi, với mức giá trên 350 USD/tấn gạo 5% (FOB), tăng 20 USD so với tháng 4. Dự kiến, trong cả tháng 5 sẽ ký bán khoảng 600.000 tấn gạo sang châu Phi, nâng tổng số gạo có hợp đồng của Việt Nam từ đầu năm 2010 đến nay lên trên 4,6 triệu tấn. Tổng công ty Lương thực Miền Nam cũng mới trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo cho Philipines với giá bán 480 USD/tấn. Sắp tới, gạo Việt Nam có cơ hội lớn xâm nhập thị trường Brazil khi nước này thông báo sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam gặp phải vấn đề luôn có giá thấp nhất nếu so với gạo cùng loại của các nước khác. Nhà nhập khẩu khó mua giá cao do chất lượng gạo Việt Nam không đồng đều do chỉ chú trọng thị trường giá thấp. Nhưng nhu cầu và giá gạo thế giới đang trên đà tăng có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu.

* Theo hiệp hội Cao su Việt Nam, do thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa đến muộn khiến cao su ra lá chậm là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng mủ cao su đầu vụ 2010 giảm mạnh so với năm ngoái. Sản lượng mủ hàng ngày giảm tới trên 70% trong khi giá bán cao su giảm từ 18.000 - 20.000 đồng/kg đầu vụ nay còn 12.000-14.000 đồng. Giá mủ cao su xuất khẩu cũng giảm từ trên 70 triệu đồng/tấn hồi cuối tháng 2, đến giữa tháng 5 còn 55,5 triệu đồng/tấn.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thị trường nhập khẩu ngày càng thu hẹp. Tại thị trường EU, những rào cản từ quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU), thủ tục phức tạp khi nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khiến sức cạnh tranh khi xuất khẩu bị giảm sút.

Tại thị trường Nhật, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước cùng khu vực, tương đương 7,2% sang thị trường Nhật và không được cắt giảm hàng năm đến 0% như những nước này nên cá ngừ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước cùng khu vực.

Thuế xuất khẩu titan lên tới 18% bốn doanh nghiệp đầu tư sản xuất hậu titan tại Bình Định hiện còn tồn kho 7.000 tấn xỉ titan với giá trịảng 4,5 triệu USD. Giá thành của sản phẩm xỉ titan tại nhà máy khoảng 600 USD/tấn, trong khi giá xỉ titan trên thị trường thế giới 650 USD/tấn, trừ thuế xuất khẩu doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Mặc dù đã UBND tỉnh Bình Định và Bộ công thương đã có văn bản đề nghị giảm thuế xuất khẩu cho sản phẩm hậu titan nhưng bộ Tài chính vẫn quyết định áp dụng mức thuế xuất khẩu 18%.

* Riêng trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009 do tăng trưởng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu truyền thống dẫn đầu là Mỹ, Nhật, Trung Quốc… cùng với giá bán tăng 3% so với năm 2009. Trong quý 1 có nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng và đơn hàng cho đến cuối năm 2010. Bên cạnh đó, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng nhưng đa số doanh nghiệp đã tranh thủ thời điểm đầu năm để mua vào tích trữ nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá tiêu đã tăng thêm 9.000 đồng/kg, lên 53.000 đồng/kg.Mức tăng này cao hơn 70% so với mức tăng cùng thời điểm này năm ngoái. Nguyên nhân là do vụ tiêu năm nay, sản lượng tiêu của Việt Nam giảm khoảng 30%, ước đạt 90.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ tiêu của thế giới vào khoảng 300.000 tấn, phần nào đẩy giá tiêu trong nước tăng cao.

 cafef

 

ĐỌC THÊM