Giá vàng tăng mạnh khiến thị trường nóng lên trong khi giá thép lại chịu áp lực giảm. Đây là những thông tin quan trọng trong bản tin hàng hóa tuần qua.
* Sau những ngày đầu tuần dao động trong khoản 26,65 - 25,8 triệu đồng/lượng, đến ngày 7/5, giá vàng trong nước bất ngờ tăng mạnh thêm hơn 500.000 đồng/lượng, bỏ xa mức 27 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân khiến vàng trong nước có bước nhảy vọt nhờ vàng thế giới bứt phá qua mốc 1.200 USD mỗi ounce.
Việc giá vàng bất ngờ vọt qua ngưỡng 27 triệu đồng/lượng sau hơn ba tháng ròng lình xình dưới mốc giá này đã thúc đẩy hoạt động bán ra của người dân, đưa thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng trong một thời gian thiếu sóng. Trước tình hình giá vàng trong nước hiện đang rẻ hơn giá thế giới trên dưới 600.000 đồng/lượng, có khả năng một số doanh nghiệp sẽ cân nhắc xuất khẩu vàng. Dự đoán, giá vàng sẽ còn tiếp tục còn tăng cao trong thời gian tới.
* Sau 8 lần tăng giá dồn dập trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, đây là lần đầu tiên các công ty thép chính thức hạ giá cho thấy tín hiệu thị trường thép đang co lại. Theo một số chuyên gia, cơn nóng lạnh bất thường trên của thép là do giới đầu cơ thao túng.
Những ngày đầu tháng 5, nhiều doanh nghiệp thông báo giảm giá thép với mức giảm trung bình từ 200.000- 500.000 đồng/tấn. Giá thép xây dựng giao ngay tại nhà máy hiện chỉ còn dao động từ 13,6 - 14,2 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu (chưa bao gồm thuế VAT).
Tính đến thời điểm hiện nay, lượn thép tồn trong các nhà máy lên tới 315.000 tấn và lượng phôi chuẩn bị cho tháng 5 sẽ có 490.000 tấn cho thấy không thiếu phôi, cũng không thiếu thép cho quí II. Bên cạnh đó, sản lượng thép trong 4 tháng đầu năm tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái cùng với lượng thép xây dựng từ ASEAN và Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ hơn sẽ là những yếu tố cho thấy khả năng giá thép sẽ còn đi xuống.
* Trong khi thép chịu áp lực giảm giá, xi măng lại có khả năng tăng giá thêm 50.000 đồng/tấn do cung vượt cầu trong khi lại sắp bước vào tháng cao điểm xây dựng. Bên cạnh đó là tác động của những chi phí đầu vào. Tuy nhiên, việc tăng giá xi măng chắc chắn không gây sốt và sẽ không xảy ra ngay.
* Tháng 3, xuất khẩu các mặt hàng cao su đạt kim ngạch đạt 58 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu ba tháng đầu năm đạt kim ngạch 251 triệu USD. So cùng kỳ năm trước tăng 54,24% về kim ngạch dù giảm hơn 8% về lượng. Điều này là nhờ giá cao su xuất khẩu đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Trong hai tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cao su đạt bình quân 2.524 USD/tấn, tăng 87,62% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), kỳ vọng giá giảm mạnh là khó xảy ra và khả năng giá cao su sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay.
* Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng mía đường niên vụ 2009-2010 vừa kết thúc vào cuối tháng 4 vừa qua chỉ đạt 904.000 tấn, thấp hơn 35.000 tấn so với dự kiến của các nhà máy đường khi bước vào vụ tháng 9 năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến năng suất lẫn lượng trữ đường. Hiệp hội mía đường cũng dự báo khô hạn trên diện rộng sẽ còn ảnh hưởng tới vụ mía 2010-2011. Niên vụ 2010-2011, dự báo giá đường thế giới sẽ giảm do nguồn cung từ Ấn Độ tăng.
* Trong hai tháng 5 và 6/2010, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 1,3 triệu đến 1,4 triệu tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm lên khoảng 3,3 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300.000 đến 350.000 tấn và thấp hơn số lượng trong hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài. Nguyên nhân là do đồng euro giảm mạnh khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, sức mua gạo hạn chế cùng với gạo tồn kho tại nhiều nước châu Phi vẫn còn nhiều.
cafef