Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp tin hàng hóa trong nước tuần 30/5 - 5/6

 

Những thông tin đáng chú ý trên thị trường hàng hóa tuần từ 30/5 đến 5/6.

* Sau hai lần giảm giá vào đầu tháng và giữa tháng,trong tuần cuối tháng 5, hàng loạt công ty thép đồng loạt giảm giá từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tấn tùy loại thép. Ðợt giảm giá này nhẹ hơn hai lần giảm trước, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào (phôi và thép phế) giảm 40 - 50 USD/tấn, mặt khác thị trường xây dựng đang chững lại do bắt đầu bước vào mùa mưa.

Hiện hầu hết giá thép giao tại nhà máy đối với thép cuộn và thép cây dao động quanh mức 12,55 đến 13,2 triệu đồng mỗi tấn (chưa bao gồm thuế VAT), tùy vào mỗi loại thép. Được biết, lượng phôi thép dự trữ sản xuất cho tháng 5/2010 của toàn bộ các nhà máy sản xuất trong nước được Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo đang ở mức 490.000 tấn, cùng lượng thép thành phẩm còn tồn gần 300.000 tấn.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng gạo xuất khẩu lên gần 2,7 triệu tấn, giá xuất bình quân 454,03 USD/tấn, tăng 42,54 USD/tấn so với năm 2009. Hội đồng quản trị Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã thống nhất dự kiến trong tháng 6, VFA sẽ xuất khẩu 700.000 tấn gạo, nâng tổng sản lượng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm đạt 3,35 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 300.000 tấn.

* Do việc giải ngân nguồn vốn chỉ tập trung vào 1 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) khiến tiến độ giải ngân chậm nên nhiều khả năng kế hoạch thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê có thể bị phá sản. Cho đến thời điểm này những doanh nghiệp có nhiệm vụ thu mua cà phê tạm trữ chỉ mua được số lượng rất ít (có doanh nghiệp mới mua được 4.000 tấn hoặc 5.000 tấn) trong 200.000 tấn cà phê theo kế hoạch. Thậm chí có công ty đã hơn 1 tháng kể từ quyết định hỗ trợ mua tạm trữ cà phê của Thủ tướng có hiệu lực vẫn chưa mua được tấn cà phê dự trữ nào.

Tính đến hết tháng 5/2010, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm này, giá bán của nhiều doanh nghiệp tăng khoảng 10%-15% so với cùng thời điểm năm 2009. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tuy chưa đạt được nửa mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm 2010, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều lạc quan vì mùa xuất khẩu chính, đơn hàng có giá trị cao chủ yếu được xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

* Theo Bộ Công thương, cuối tháng 5, giao dịch quặng kim loại diễn ra nhộn nhịp giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng. Các doanh nghiệp Trung Quốc chào mua khoảng 10 chủng loại quặng kim loại (hầu hết là kim loại màu), hợp đồng thực hiện từ nay đến hết quý 3/2010 với giá khá cao.

Cụ thể: quặng nhôm chế biến, hàm lượng 50%, giá 1.700 NDT/tấn; quặng titan chế biến hàm lượng 53%, giá 2.100 NDT/tấn; quặng sắt có từ sơ chế, hàm lượng 60%, giá 1.000 NDT/tấn; quặng măng-gan chế biến công nghiệp, hàm lượng 52%, giá 1.650 NDT/tấn…

Tháng 5, lượng xi măng tiêu thụ của cả nước chỉ đạt khoảng 4,3 triệu tấn, giảm 14,17% so với con số 5,01 triệu tấn của tháng trước đó. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2010, lượng tiêu thụ xi măng mới đạt khoảng 19,67 triệu tấn, bằng 39% so với kế hoạch năm. Trong khi sản xuất của toàn ngành đã đạt 20,15 triệu tấn, bằng 40,3% so với kế hoạch.

Nguyên nhân khiến lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 5 giảm là do cuối tháng 4 và đầu tháng 5 giá thép tăng đột biến, khiến cho nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công. Mặc dù vậy, về giá bán xi măng nhìn chung vẫn ổn định trong phạm vi cả nước.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép.Thuỷ sản ước đạt 1,28 tỷ USD; gạo ước đạt trên 1,12 tỷ USD; dầu thô hơn 1,78 tỷ USD; sản phẩm gỗ trên 1 tỷ USD; dệt may đạt 3,8 tỷ USD; da giày ước đạt 1,36 tỷ USD.

Từ 7 giờ 30 sáng ngày 1/6, giá gas cả nước sẽ giảm 13.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm giá gas trong nước giảm (lần đầu vào tháng 2, giảm 4.000 đồng/bình). Nguyên nhân chính là do giá gas nhập khẩu tháng 6 giảm 50 USD/tấn.

cafef

ĐỌC THÊM