Tổng hợp tin tức đáng chú ý trong ngày
Thị trường Trung Quốc
Thông tin về việc Bắc Kinh khả năng sẽ nâng lãi suất thêm hai lần nữa trong quý Hai năm nay đang nhận được khá nhiều sự quan tâm từ dư luận. Mỗi lần nâng lãi suất là mỗi lần gây khó khăn cho các nhà sản xuất và nhà kinh doanh thép về vốn vay tín dụng, cũng như gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động đầu tư và xây dựng các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nâng lãi suất nữa hay không cũng không ảnh hưởng đến thị trường bởi thời gian này đang là mùa xây dựng cao điểm. Mặc dù đã được trấn an tâm lý, nhưng điều đó cũng khiến các nhà kinh doanh và tiêu dùng không khỏi quan ngại về việc mạnh tay của chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát rồi đây không nhiều thì ít sẽ phản ánh lên giá thép.
Dù tâm lý thị trường vẫn là sự e ngại đó, nhưng giá thép ở nước này vẫn tăng nhẹ, chủ yếu được hậu thuẫn bởi chi phí sản xuất đầu vào.
Thép hình V 50x50x5mm do Ma’anshan Iron & Steel (Magang) có giá bán tại Thượng Hải là 4.800-4.820 NDT/tấn (735-738 USD/tấn), bao gồm VAT 17%, tăng 50 NDT/tấn so với tuần trước. Thép hình U 16a cũng điều chỉnh lên mức 4.780-4.820 NDT/tấn từ 4.740 NDT/tấn hồi cuối tháng 03.
Thép ống hàn cũng tăng nhẹ, nhưng khả năng giá sẽ có sự biến động trong ngắn hạn do thị trường vẫn còn bất ổn.
Tại Thượng Hải, ống hàn kháng điện 114x3.75mm Q235 sản xuất tại Hà Bắc có giá chào bán 5.000-5.050 NDT/tấn (765-773 USD/tấn), bao gồm 17% VAT, tăng 50 NDT/tấn so với tuần trước.
Theo nhận định của một thương nhân ở Thượng Hải, nhu cầu đã bắt đầu nhích lên kể từ đầu tháng này, giúp giảm lượng hàng tồn kho và hỗ trợ cho giá cả. Tuy nhiên thị trường cũng đang e dè việc các nhà sản xuất nâng giá xuất xưởng do chi phí đầu vào cao sẽ làm giảm sức tiêu thụ trở lại. Theo thông tin, các nhà sản xuất ở thành phố Đường Sơn đã nâng giá xuất xưởng ống hàn ERW 114x3.75mm thêm 40 NDT/tấn lên 4.800 NDT/tấn vào ngày 14/04/2011.
Bất chấp lực mua thép tấm ở Trung Quốc vẫn chậm, nhưng không gây dao động đối với giá cả. Nguồn cung hạn hẹp bởi các nhà sản xuất đang trong quá trình bảo dưỡng nhà xưởng là yếu tố hỗ trợ và kìm giá không rớt xuống tại thời điểm này. Khả năng giá sẽ duy trì ổn định hết tháng 04.
Tại Thượng Hải, thép tấm Q235 14-20mm được chào bán ở mức 4.930-4.980 NDT/tấn (755-762 USD/tấn), bao gồm 17% VAT, tăng 100 NDT/tấn so với đầu tháng 04. Trong khi cùng loại sản phẩm tại Lecong (Quảng Đông) chào bán với giá 5.100-5.120 NDT/tấn, đã có VAT và tăng 150 NDT/tấn so với hai tuần trước.
Trong thời buổi giá cả tăng cao đang là bất lợi đối với các nhà sản xuất. Nhiều thương nhân thận trọng hơn đối với việc đặt hàng trong tháng 05 vì chính quyền Bắc Kinh mạnh tay hơn đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Để cạnh tranh các nhà sản xuất ắt phải đưa ra những chiến lược phù hợp.
Trong đó, Anshan Iron & Steel (Angang) đã thông báo đến các đại lý giao dịch sẽ hạ giá bán tháng 05 đối với một số sản phẩm thép công nghiệp. Trong đó có thép cuộn cán nóng HRC, CRC và HDG lần lượt giảm 150-200 NDT/tấn (23-31 USD/tấn), 480 NDT/tấn và 300 NDT/tấn. Angang cũng sẽ hoàn lại cho các thương nhân 200 NDT/tấn và 330 NDT/tấn các hợp đồng HRC và tấm cán nguội đặt mua tháng 03.
Tin đồn về chỉ số tiêu dùng CPI của Trung Quốc trong tháng 03 đã leo lên 5,5%, mà có thể dẫn tới việc nâng tỉ lệ dự trữ vốn bắt buộc ở các Ngân hàng thương mại một lần nữa, cũng như Ngân hàng Trung Ương sẽ tiến đến nâng lãi suất cho vay qua đêm để xoa dịu lạm phát.
Trong bối cảnh tình hình tiêu thụ trong nước yếu, nguồn cung có dấu hiệu tăng lên đã làm chùn tư tưởng của các nhà nhập khẩu ở miền nam Trung Quốc. Phần lớn họ đã bắt đầu lui về trạng thái án binh bất động sau khi một số nhà cung cấp ở khu vực châu Á phát tín hiệu nâng giá chào bán cho các hợp đồng HRC giao tháng 05 và tháng 06.
Hàn Quốc hiện đang chào bán HRC tiêu chuẩn thương mại sang miền nam Trung Quốc với giá 760-790 USD/tấn fob, nhưng mục tiêu mà họ đang hướng tới là 800 USD/tấn fob, hoặc cao hơn nữa trong tháng tới đây. Chi phí nguyên vật liệu thô là gánh nặng đối với họ, dẫn đến sự điều chỉnh giá. Hơn nữa, sự e dè của các nhà nhập khẩu cũng với lý do giá nhập khẩu đắt hơn so với hàng sản xuất trong nước. HRC Q235 5.5mm tại Quảng Châu có giá rất mềm 752-758 USD/tấn, đã gồm VAT 17%.
Thị trường thế giới
Cũng tương tự như thị trường Trung Quốc, tình hình tiêu thụ thép ở Ấn Độ cũng không lấy gì sáng sủa, nhưng điều bất ngờ là các nhà nhập khẩu Ấn Độ vẫn nâng giá chào mua từ Trung Quốc khoảng 20 USD/tấn trong hai tuần qua. Sở dĩ có sự ngược ngạo này là do giá thép từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với giá bán của các nhà sản xuất trong nước dù có nâng giá mua.
Trung Quốc hiện đang chào bán HRC SS400 mm có boron tiêu chuẩn thương mại vào Ấn Độ là 750 USD/tấn cfr, thậm chí giá thấp hơn chỉ 730-735 USD/tấn cfr, trong khi các nhà sản xuất Ấn Độ chào bán xuất xưởng cùng loại sản phẩm với giá 776-798 USD/tấn.
Cũng do giá nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, như giá điện quá cao, các nhà sản xuất phôi Ấn Độ cũng đã nâng giá bán để duy trì lợi nhuận, tổng cộng 500-700 Rs/tấn (11-15 USD/tấn) hai tuần qua. Hiện phôi 100x100mm được các nhà sản xuất tuyến hai điều chỉnh giá lên 29.500-30.800 Rs/tấn (662-691 USD/tấn).
Tại Nhật, sau khi có tin chính phủ nước này đã chuẩn bị một khoản ngân sách 500 tỉ Yên (5,95 tỉ USD) để xây nhà ở dự phòng sau trận động đất và sóng thần hồi tháng trước, nhiều nhà sản xuất thép ở nước này đang đẩy mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu.
Hiện các nhà thầu xây dựng cũng đang theo dõi xem liệu các nhà sản xuất trong nước có nâng giá bán hay không sau khi Tokyo Steel nâng giá thu mua phế 2.000 Yên/tấn (24 USD/tấn).
Hồi đầu tuần, Tokyo Steel đã nâng giá thép cây và thép dầm hình H dùng trong xây dựng thêm 1.000 Yên/tấn, áp dụng cho các hợp đồng đặt mua trong hai ngày 11 và 12/04/2011.
Vào ngày 13/04, Tokyo Steel đã bán thép cây khổ 16~25mm cho các nhà thầu xây dựng là 68.000 Yên/tấn (810 USD/tấn) và thép dầm hình H khổ lớn là 84.000 Yên/tấn (1.000 USD/tấn).
Tại Đông Nam Á, tình hình nhập khẩu phôi ở khu vực vẫn không có gì cải thiện. Các nhà sản xuất đã hạ giá chào bán khoảng 5-10 USD/tấn xuống mức 660-675 USD/tấn cfr, nhưng các nhà nhập khẩu cũng chẳng màng.
Hiện Hàn Quốc đang chào bán vào Philipine với giá 660-665 USD/tấn cfr, còn chào bán từ Nga là 660 USD/tấn cfr. Việt
Nam cũng đang nhận được chào giá từ Nga 660 USD/tấn, nhưng theo các thương nhân trong nước nếu giá không ở mức 645 USD/tấn cfr khó lòng có giao dịch xảy ra.
Một thương nhân địa phương nói rằng, cho dù giá có giảm xuống 640 USD/tấn cfr đi chăng nữa, thì cũng chẳng có ai mua vì thị trường thép thanh vằn trong nước vẫn đang đi xuống.
Tại Đài Loan, các nhà cung cấp thép không gỉ cán nguội cũng bắt đầu nâng giá bán trong tuần này sau khi các nhà cung cấp Trung Quốc nâng giá chào bán 50-100 USD/tấn. Như vậy, Đài Loan đã nâng giá lên 3.650-3.750 USD/tấn cfr, tăng 50 USD/tấn so với tuần trước. Tuy nhiên theo nhận định, giao dịch thép không gỉ trong ngắn hạn vẫn yếu do xu hướng giá nickel chưa rõ ràng.
Trong khi đó tại châu Âu, lực cầu từ người tiêu dùng trực tiếp chưa có gì khởi sắc, nhưng giá cả ở hai nơi bắc và nam Âu lại đi trái chiều. Tại nam Âu, giá thép tấm S235 của các nhà sản xuất đã hạ xuống dưới 700 EUR/tấn (1.014 USD/tấn), nhưng tại bắc Âu giá tăng lên 780-790 EUR/tấn.
Về thép hình, tiêu thụ chủ yếu trong giới tích trữ vì hầu hết họ đều tạm ngưng giao dịch trong tháng 02 và tháng 03. Một nhà sản xuất lớn cho biết giá giao ngay tháng Tư đối với sản phẩm thép hình loại một là 650-660 EUR/tấn (941-956 USD/tấn).
Tuần này, các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ tái nhập khẩu phế trở lại để bổ sung nguồn dự trữ. Theo số liệu nhập khẩu mới nhất, phế HMS 1&2 80:20 được Thổ Nhĩ Kỳ mua với giá 445 USD/tấn cfr, phế vụn là 450 USD/tấn cfr và phế tảng lớn là 455 USD/tấn cfr.