Thị trường Trung Quốc
Sản lượng thép cuộn và thép tấm cán nóng của Trung Quốc trong tháng 04 đã giảm nhẹ so với tháng 03, nhưng dường như vẫn không xoa dịu được nỗi lo của nhà đầu tư về áp lực nguồn cung trong những tháng tới vì nhu cầu trong nước và nước ngoài đều rất yếu.
Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia, Trung Quốc đã sản xuất 12,81 triệu tấn tấm và cuộn cán nóng, tương đương 427.000 tấn ngày, giảm 6% so với sản lượng bình quân theo ngày trong tháng 03.
Lượng tồn kho HRC tại Thượng Hải và Lecong có chiều hướng tăng lên trong tuần qua lần lượt 3.000 tấn và 6.000 tấn lên mức 1,6 triệu tấn và 836,000 tấn.
Trong khi đó, sản lượng thép thô của nước này cũng có dấu hiệu tăng những ngày đầu tháng 05 dù nhiều người kỳ vọng sẽ giảm do thiếu điện sản xuất.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội gang thép Trung Quốc, trong 10 ngày đầu tháng 05, sản lượng thép thô đạt 19,47 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 19,41 triệu tấn trong 10 ngày cuối tháng 04.
Nhìn chung thị trường thép Trung Quốc gần đây khá yếu kém trên tất cả các mặt trận. Thép cuộn cán nguội CRC cũng đang rơi vào vòng xoáy dù trước đây mặt hàng này luôn bán chạy nhất. Tại Lecong và Quảng Châu, giá CRC giảm 20-30 NDT/tấn (3-4,5 USD/tấn) vào thứ Năm hôm qua.
Cụ thể, SPCC 1.0mm CRC do Shougang sản xuất giảm xuống 5.460 NDT/tấn (836 USD/tấn), gồm 17% VAT tại Quảng Châu, còn tại Lecong, giá cũng hạ xuống còn 5.470 NDT/tấn, cũng bao gồm VAT. Tất cả đều giảm 30 NDT/tấn.
Tuy nhiên thị trường phôi ở nước này thì đã bình ổn hơn sau một tuần rớt giá hồi tuần trước. Nhưng nhìn chung lực mua thì vẫn đi xuống.
Tại Đường Sơn (Hà Bắc), giá phôi xuất xưởng của các nhà máy giảm 10 NDT/tấn (1,54 USD/tấn) so với thứ Năm tuần trước xuống mức 4.430 NDT/tấn (681 USD/tấn), gồm 17% VAT và thanh toán băng tiền mặt đối với phôi Q235 150x150mm.
Các nhà sản xuất phôi cũng than phiền về việc không nhận được đơn hàng đặt mua trong tuần này. Các nhà cán lại không chỉ vì kinh doanh yếu, mà còn vì giá quặng giảm gần đây nên khiến họ trì hoãn mua mua phôi để cán thép. Vì vậy khả năng các nhà cung ứng phôi sẽ phải hạ giá đôi chút để đảm bảo doanh số bán.
Nhờ thị trường phôi ổn định, nên thị trường thép ống Trung Quốc cũng ổn định hơn trong tuần này dù nhu cầu vẫn thấp. Theo dự báo, giá sẽ biến động nhẹ trong ngắn hạn cùng với giá phôi và thép băng hẹp. Còn việc hạ giá sẽ khó xảy ra vì áp lực chi phí cao.
Ống hàn kháng điện Q235 114x3.75mm sản xuất tại Hà Bắc được chào bán tại Thượng Hải với giá 5.050-5.100 NDT/tấn (778-785 USD/tấn), gồm VAT 17%, không có gì thay đổi so với tuần trước. Còn giá xuất xưởng của các nhà sản xuất ở Đường Sơn đối với ống hàn 114x3.75mm ERW vào ngày 19/05 là 4.820 NDT/tấn.
Do nhu cầu Nhật vẫn yếu, nhà sản xuất Anshan Iron & Steel (Angang) đã quyết định giữ nguyên giá thép cuộn cán nóng HRC giao tháng 06, tháng 07 và 08 sang Nhật. Như vậy HRC 1.6-22mm tiêu chuẩn hàng hóa sẽ vẫn ở mức 850 USD/tấn cfr như trong tháng 05.
Thị trường thế giới
Trong các cuộc đàm phán về giá hàng niên, các nhà sản xuất đồ hộp Nhật Bản đã đồng ý mua thép tấm thiếc với giá cao hơn từ 8-13%
Trong đó, các nhà sản xuất nước ống đóng lon hàng đầu Nhật Bản bao gồm Hokkai Can và Daiwa Can chấp nhận nâng giá 20.000 Yên/tấn (247 USD/tấn), tuy nhiên số khác như Toyo Seikan thì vẫn còn đang thương lượng. Việc các nhà sản xuất đồ hộp phải nhượng bộ vì cần đẩy mạnh sản xuất đáp ứng cho nhu cầu thức uống đóng lon trong mùa hè.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện vẫn đang nhập khẩu thép dầm khổ rộng S275 của Hàn Quốc và Thái Lan với giá 880 USD/tấn cfr, không có gì thay đổi so với thời điễm cuối tháng 03. Một nhà cung cấp Thái Lan nói, dù giá phế đã hạ nhiệt, nhưng đã không ảnh hưởng đối với giá thép dầm.
Hiện Hàn Quốc đang chào bán thép dầm hình H S355 vào Singapore với giá 860 USD/tấn cfr, còn Đài Loan chào bán từ 850-860 USD/tấn cfr.
Tại Việt Nam, thép dầm 150~350mm từ Trung Quốc được nhập vào thị trường trong nước với giá 730 USD/tấn trong tuần này. Trung Quốc hiện cũng đang chào bán dầm 350~600mm với giá 785 USD/tấn cfr vào Việt Nam.
Các nhà sản xuất thép cuộn ở khu vực Nam Âu vẫn duy trì ổn định và đang nỗ lực nâng giá lên đôi chút vì giá thép nhập khẩu vào khu vực đã tăng nhẹ.
Hiện giá bán xuất xưởng của các nhà sản xuất trong khu vực vào khoảng 540-550 EUR/tấn (769-784 USD/tấn), thép cuộn cán nguội CRC vào khoảng 610-630 EUR/tấn, còn HDG là 580-600 EUR/tấn.
Trong khi đó, giá thép nhập khẩu tăng nhẹ do biến động bởi tỉ giá EUR/USD. Trong đó HRC của Ấn Độ chào bán vào châu Âu đã nhích lên 550 EUR/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ là 570-585 EUR/tấn.
Các nhà sản xuất cho biết nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, họ sẽ nâng giá trong nước thêm 10-20 EUR/tấn.
Thị trường thép xây dựng ở Nam Âu cũng theo xu hướng tăng kể từ đầu tháng 05 theo xu hướng giá phế. Hầu hết các nhà máy trong khu vực đều nâng giá bán trong nước và cả xuất khẩu thêm 10-15 EUR/tấn.
Giá thép cây tại thị trường nội địa Italia vào khoảng 520-525 EUR/tấn (741-748 USD/tấn), còn cuộn trơn là 535-540 EUR/tấn. Tại Tây Ban Nha là 520-540 EUR/tấn và 545-550 EUR/tấn cho thép cây và cuộn. Còn tại Hy Lạp, giá thép cây là 530-560 EUR/tấn.
Còn về xuất khẩu, giá thép cây ở khu vực này tất cả vào khoảng 505-515 EUR/tấn fob và cuộn trơn là 525-530 EUR/tấn fob.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ đã xuất khẩu thép thanh vằn trong tuần này khoảng 60,000 tấn, và giá vào khoảng 705-710 USD/tấn fob, không có gì thay đổi so với tuần trước. Hiện một số nhà cung cấp đang nhắm đến mức giá chào là 715 USD/tấn fob.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chào bán phôi với giá 660-670 USD/tấn fob.
Theo nguồn tin từ Ai Cập, các nhà cán lại ở nước này đang thiếu nguyên liệu phôi cho sản xuất, trong khi các nhà sản xuất phôi thì lại nói đang thiếu phế để nung phôi. Do đó, mà giá thép cay bán đến tay người tiêu dùng cũng vì thế mà bị đôn lên mức 4.650-4.700 EGP/tấn (781-789 USD/tấn) từ mức 4.500 EGP/tấn trong tuần trước đó.
Giới kinh doanh cũng cho rằng giá thép cây từ các nhà máy có thể sẽ tăng lên 4.700 EGP/tấn cho các hợp đồng giao vào tháng 06 tới nếu như tình trạng cung không đủ cầu như hiện nay.
Ngay từ đầu tuần này, Ai Cập đã phải nhập đến 50,000-60,000 tấn thép cây từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó xuất khẩu phôi của CIS đến vùng viễn đông tiếp tục tăng trong tuần này, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Hiện giá phôi của Nga đã điều chỉnh lên 650-655 USD/tấn fob Vladivostok, tương đương với 670-675 USD/tấn cfr từ mức 640-645 USD/tấn fob trước đó.
Nhu cầu ở Đông Nam Á thì đã xác định rõ về chiều hướng tăng sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 06 nữa, trong khi tại Biển Đen vẫn chưa thể xác định được tình hình có khả quan hơn không trong tháng tới đây. Nga hy vọng, lực cầu ở Iran sẽ khuyến khích xuất khẩu của nước này.
Tại Mỹ, các nhà cung cấp phế của nước này có khả năng sẽ phải giãm giá phế xuất khẩu khoảng 20 USD/tấn short do tình hình thị trường đang rơi vào bất ổn.