Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 327,6 ngàn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% (cao hơn mức tăng 8,4% của cùng kỳ năm 2016) thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.248,9 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 244,3 ngàn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 ngàn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 11,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,4 ngàn tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 15,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,4 ngàn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 10,4%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm nay ước tính đạt 1.685,6 ngàn tỷ đồng (hơn 74 tỷ USD), chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; may mặc tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,9%; phương tiện đi lại tăng 7,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 327,6 ngàn tỷ đồng.
Đánh giá của ngân hàng HSBC cho biết lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, với doanh thu hằng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD theo ghi nhận vào năm 2016. Thu nhập khả dụng không quá cao vì nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng thu nhập chưa cao. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn với sự tham gia của nhiều tên tuổi nước ngoài, đáng chú ý thời gian gần đây có sự góp mặt của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven.
Theo đó, triển vọng trên nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 USD/năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.
Nguồn tin: Người tiêu dùng