Thị trường thép thế giới trong tháng 11/2020 tiếp tục hồi phục mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao bất chấp dịch Covid-19 đang quay trở lại ở nhiều nước, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ và giá nguyên liệu thô tăng do nguồn cung khan hiếm.
So với tháng liền trước, giá các sản phẩm thép tháng 11 tiếp tục tăng trên khắp các châu lục. Giá thép cây dùng trong ngành xây dựng tăng nhẹ 1,7% so với tháng liền trước song vẫn giảm mạnh hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu tiêu thụ thép dây cán nóng (HRC) trên thị trường thế giới đang tăng lên rất cao so với trước đây, đặc biệt là Trung Quốc, gây áp lực lên nguồn cung HRC toàn cầu. Tại Trung Quốc, chính sách cắt giảm sản lượng trong mùa Đông đã chính thức bắt đầu, trong khi nhu cầu tiêu thụ HRC nội địa tăng cao. Việc đồng USD giảm giá so với đồng CNY cũng đã thúc đẩy các nhà máy tập trung vào bán trong nước. Điều này khiến cho nguồn cung HRC trên thế giới bị thiếu hụt.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô thế giới (64 quốc gia sản xuất nhiều thép nhất thế giới) đạt 161,8 triệu tấn vào tháng 10/2020, tăng 7% so với tháng 10/2019. Sản xuất bắt đầu tăng lên tại nhiều quốc gia.
Tại Châu Á, giá thép biến động theo chiều hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục mạnh tại nhiều nước.
Tại Trung Quốc, giá thép cây tăng mạnh do nhu cầu xây dựng tăng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong khi các biện pháp hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm ngặt hơn, tồn kho giảm.
Lượng thép tồn kho ở 184 nhà máy tại Trung Quốc trong tuần kết thúc ngày 21/11/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng còn 5 triệu tấn. Tồn kho thép thanh tiếp tục giảm trong thời gian này do nhu cầu ở Đông Bắc Trung Quốc dần suy yếu do thời tiết lạnh giá, và nhu cầu của người tiêu dùng cuối ở một số thị trường khác, như Hồ Bắc, đã bị ảnh hưởng bởi mưa.
Ngày 22/11/2020, giá thép cây đạt 4.125 CNY/tấn tại Thượng Hải, tăng 475 CNY/tấn so với ngày 22/10/2020.
Hiệp hội Sắt & Thép Trung Quốc (CISA) ước tính sản lượng thép thô của nước này trong 10 ngày đầu tháng 11 ở mức trung bình 3 triệu tấn/ngày, giảm 0,3% so với 10 ngày cuối tháng 10, nhưng cao hơn 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng giảm là do các nhà máy cắt giảm sản lượng và tiến hành công việc bảo trì, nhưng việc tăng cường biên lợi nhuận của các nhà máy có thể dẫn đến sản lượng thép cao hơn trong những tháng còn lại.
Tiêu thụ thép tăng cao từ các ngành tiêu thụ chính. Sản lượng xe hơi của nước này trong tháng 10/2020 tăng 11,1% so với tháng 10/2019 lên 2,48 triệu chiếc, trong khi sản xuất tủ lạnh và tủ đông tăng lần lượt 82% và 25,8%, Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết. Nhu cầu thép cuộn cán nóng tăng lên mức cao kỷ lục chủ yếu từ lĩnh vực hạ nguồn.
Tại Nhật Bản, sau khi tăng giá vào tháng 10 do chi phí sản xuất cao, các nhà sản xuất thép Nhật Bản đã giữ ổn định giá trong tháng này.
Tại Hàn Quốc, cung và cầu thép đều giảm do nhu cầu tiêu thụ ô tô, tàu thủy, xây dựng giảm, sản lượng thép thô trong 9 tháng đầu năm giảm 7,5%.
Tại Ấn Độ, giá thép tăng thêm 750-1000 rupi/tấn trong tháng qua do nhu cầu hồi phục và giá nguyên liệu thô tăng. Các nhà máy đang tìm cách tăng giá thép cuộn cán nóng xuất khẩu thêm 20 USD/tấn vì giá thép này trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối năm.
Tại Đài Loan (TQ), nhu cầu tiêu thụ thép tăng cùng với giá nguyên liệu cao đã khiến các nhà máy nước này tiếp tục tăng giá bán thép. Sau khi E-Sheng Steel tăng giá thêm 500 TWD/tấn, giá thép hình V SS400 cỡ nhỏ đạt 18.900-19.900 TWD/tấn, trong khi thép hình V A36 là 18.900 TWD/tấn. Giá thép thanh dẹt A36 và SS400 là 18.900-20.800 TWD/tấn. Giá sắt tròn A36 là 16.900-17.900 TWD/tấn.
Tại Châu Âu, giá thép cây dùng trong ngành xây dựng tiếp tục tăng cao tại Bắc Âu song giảm ở Nam Âu. Giá thép cây tại Nam Âu giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ chậm lại trong khi giá thép cây tại Bắc Âu tiếp tục tăng do các nhà máy chào bán cao, nguồn cung vẫn khan. Theo Fastmarkets , giá thép cây, giao tại Nam Âu đạt 430-440 Euro (510-522 USD)/tấn, giảm 20 Euro/tấn so với tháng liền trước.
Giá thép cuộn tăng do nguồn cung thiếu hụt và nhiều đơn đặt hàng mới. Giá thép cuộn giao tại Nam Âu tăng 15 Euro/tấn so với tháng liền trước đạt 480-490 Euro (569-581 USD)/tấn. Giá thép cuộn tại Bắc Âu tăng 5 Euro/tấn so với tháng liền trước đạt 490-500 Euro (581-593 USD)/tấn.
Trong khi đó, tại châu Mỹ, nhu cầu tiêu thụ hồi phục đẩy giá thép tăng mạnh tại Brazil trong khi giá thép ổn định tại Mỹ.
Tại Mỹ, theo Fastmarkets, giá thép cây ổn định so với tháng liền trước trong khi giá nhập khẩu tăng. Giá thép thanh vằn ổn định ở mức 29,75 USD/cwt (595 USD/tấn ngắn), Fob Mỹ. Sản xuất thép trong tháng 11 vẫn ổn định so với tháng liền trước mặc dù lượng người nhiễm mới Covid-19 ngày càng tăng cao ở nhiều bang. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất thép giảm 13,3%.
Tại Brazil, giá thép cây tăng mạnh tháng thứ 5 liên tiếp do nguồn cung ngắn hạn khiến giá tăng khoảng 10%. Mặc dù giá nhập khẩu gần bằng giá trong nước, nhưng thời gian giao hàng trong nước kéo dài vẫn khiến nhiều người mua Brazil quyết định đặt hàng từ các nước khác.
Chỉ số giá thép trong tháng 11/2020 của Steelhome
(Năm gốc 2004 = 100)
Khu vực | Tên sản phẩm | Chỉ số giá thép | So với 1 tháng trước đó (%) | So với một năm trước đó (%) |
Thế giới | Các sản phẩm thép | 113,44 | 3,53 | -7,39 |
Thế giới | Thép cán phẳng | 105,01 | 3,2 | -7,34 |
Thế giới | Thép dài xây dựng | 125,56 | 4,39 | -6,8 |
Châu Mỹ | Các sản phẩm thép | 116,64 | 4,11 | -15,08 |
Châu Âu | Các sản phẩm thép | 96,68 | 2,29 | -6,65 |
Châu Á | Các sản phẩm thép | 122,22 | 3,9 | -4,55 |
Trung Quốc | Các sản phẩm thép | 126,09 | 4,5 | -4,55 |
Nguồn tin: Vinanet