Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 08
Sự bất ổn xã hội-chính trị ở một số nơi trên thế giới như Trung Đông và châu Phi đang đẩy giá dầu thô trên thế giới tăng mạnh, gần chạm mức 100 USD/thùng vào tối hôm thứ Năm trong tuần này, nhưng sự bứt phá mạnh mẽ của giá dầu đã không tác động đến thị trường thép thế giới như trong quá khứ, thay vào đó thị trường vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu “chờ” do giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ kể từ nửa cuối tuần qua.
Các nhà sản xuất lẫn giới kinh doanh thép trên thế giới đã bắt đầu thấp thỏm lo sợ giá thép sẽ lập lại lịch sử như hồi năm 2008, lên cao rồi bất ngờ đổ dốc không phanh. Sự lo sợ này không phải thừa bởi diễn biến giá cả trên thị trường hiện nay chủ yếu bị chi phối bởi chi phí sản xuất đầu vào, lạm phát … trong khi nhu cầu từ người tiêu dùng trực tiếp dường như không có.
Người tiêu dùng thì “lắc đầu” vì giá đã tăng quá cao, vượt khả năng mua vào, vì vậy phần lớn họ đều giảm giao dịch để chờ xem liệu giá có điều chỉnh không sau khi giá phế nhập khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hạ nhiệt trong tuần này. Trong khi đó, các nhà sản xuất dẫu biết giá phế, quặng thế giới đang dần hạ nhiệt, lực mua yếu nhưng đó vẫn chưa đủ lý do để kéo họ giảm giá bán ra vì ít nhất chi phí xăng dầu, than đá, lạm phát gần đây đang là thách thức lớn để tiếp tục nâng giá bán. Điển hình trong tuần rồi, đồng loạt các nhà sản xuất của Mỹ và Trung Quốc nâng giá bán.
Bắc Phi và Trung Đông là các thị trường tiêu thụ thép lớn nhất của các nhà cung cấp châu Âu lẫn CIS, sự rối ren về tình hình chính trị cũng như xã hội ngày một lan rộng ở các khu vực này khiến lượng thép tiêu thụ giảm đi đáng kể vì nhiều dự án xây dựng, hay sản xuất đều bị gián đoạn. Theo dự báo của một số chuyên gia, tuần tới khả năng chào giá xuất khẩu của các nước sẽ giảm.
Theo số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Thế giới, sản xuất thép thô toàn cầu trong tháng 01/2011 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 05/2010, đạt 119 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,8% so với mức 116 triệu tấn của tháng 12/2010, chủ yếu đóng góp bởi châu Âu và châu Á. Riêng sản lượng thép thô Trung Quốc đạt 52,8 triệu tấn, tăng 2,5% so với tháng trước đó.
Thị trường thép châu Á
Mặc dù sức mua trên tổng thể thị trường đang ngày một yếu hơn, nhưng các nhà xuất khẩu trong khu vực không muốn từ bỏ phong trào nâng giá bán. Nâng giá thì cứ nâng còn mua hay không lại là một vấn đề khác, vì hiện các nhà nhập khẩu vẫn chưa có động thái nhập hàng với khối lượng lớn kể từ sau tết đến nay, đa số vẫn còn trong trạng thái nghe ngóng vì đã nhận được lời cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro nếu book hàng thời điểm này. Thay vào đó, một số nhà nhập khẩu, chẳng hạn như Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái xuất khẩu cho các mặt hàng thép công nghiệp nhập từ trước tết nhân lúc đang được giá.
Thị trường cũng dự báo khả năng các nhà xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc sẽ hạ giá nếu như không có đơn đặt hàng trong vài tuần tới.
Nhật Bản
Mặc dù lực mua từ thị trường nước ngoài đang dần yếu đi theo tổng thể nhu cầu thế giới, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng giá xuất khẩu do giá bán trong nước cũng đã tăng mạnh do bị chi phối bởi giá phế tại thị trường nội địa liên tục lập kỳ lục mới.
Riêng Tokyo Steel đã nâng giá phế thêm 1.000 Yên/tấn (12 USD/tấn) bắt đầu từ ngày 23/02. Đây là lần nâng giá thứ tư trong tháng 02 này với tổng cộng 2.500-3.500 Yên/tấn (30-42 USD/tấn) lên mức 42.000 Yên/tấn (506 USD/tấn), cao hơn so với giá thế giới.
Giá phế tăng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất cũng phải nâng giá thép thành phẩm. Tokyo Steel nâng giá thép hình U thêm 3.000 Yên/tấn vào tháng 03, trong đó thép hình U 100x50mm được điều chỉnh lên 78.000 Yên/tấn.
Osaka Steel, nhà sản xuất thép hình lớn nhất Nhật Bản cũng quyết định nâng giá thép hình 3.000 Yên/tấn (36 USD/tấn) cho các hợp đồng giao tháng 03.
Còn JFE Steel quyết định nâng giá bán thép cuộn cán nóng HRC, thép cuộn cán nguội CRC và thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG thêm 20.000 Yên/tấn (243 USD/tấn) cho các hợp đồng giao tháng 04.
Ngoài ra, các nhà sản xuất của Nhật Bản cũng sẽ nâng giá thép xuất khẩu lên 1.000 USD/tấn cho các các khách hàng châu Á cho các hợp đồng giao vào quý Hai năm nay, tăng 200 USD/tấn so với giá quý Một
Hàn Quốc
Trong tuần này, các cuộc đàm phán về giá thép tấm đóng tàu giao quý Một giữa hai đối tác Hàn-Nhật đã khép lại, nhưng kết quả đàm phán vẫn còn giữ kín. Theo một số nguồn tin khả năng giá thỏa thuận giữa hai đối tác đạt được là 750 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với quý trước. Ban đầu, Nhật đưa ra chào giá 850 USD/tấn, nhưng phía Hàn Quốc đã không chấp nhận và sau đó là hàng loạt các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai bên và đến tuần này kết quả mới ngã ngũ.
Theo thống kê, lượng nhập khẩu HRC trong tháng 1/2011 của Hàn Quốc tăng mạnh, đạt gần 71 nghìn tấn, trong khi lượng nhập trong tháng 12/2010 khoảng 35 nghìn tấn. Do dự đoán giá thép thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, các đại lý thép Hàn Quốc mới cho nhập khẩu một lượng lớn như vậy.
Hàn Quốc cũng đang chào bán thép tấm cán nguội không gỉ 304 vào Trung Quốc với giá 3.800-3.850 USD/tấn cfr, tăng 100 USD/tấn so với cách đây hai tuần.
Đài Loan
Tuần này, thị trường thép Đài Loan đã mất phương hướng do ảnh hưởng bởi thị trường thép Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì không xác định xu hướng tiếp theo bởi giá quặng, phế giảm nên đã ngừng nâng giá, nhưng nhiên liệu, than đá vẫn tăng nên số khác vẫn nâng giá bán trong tháng tới.
Trong đó hai nhà sản xuất Hai Kwang và Tung Ho Steel cũng giữ nguyên giá thép cây xuất xưởng, ở mức lần lượt 20.800 Đài tệ/tấn và 21.300 Đài tệ/tấn. Việc hai nhà sản xuất này giữ nguyên giá bán còn do nhu cầu chậm, hầu hết đều muốn chờ thêm diễn biến thị trường.
Tuy nhiên nhà sản xuất China Steel Corp (CSC) lại nâng giá bán tháng 04 và tháng 05 khoảng 12%, tức 2.811 Đài tệ/tấn. Trong đó HRC được nâng giá 2.945 Đài tệ/tấn và CRC là 2.747 Đài tệ/tấn. Ngoài ra, thép tấm và cuộn trơn cũng sẽ được nâng giá thêm lần lượt 2.949 Đài tệ/tấn và 2.500 Đài tệ/tấn.
Thị trường thép xây dựng của Đài Loan trong tuần này nhìn chung ổn định. Trong đó thép cây SD280 kích thước trung bình của nhà sản xuất thép cây lớn nhất Đài Loan hiện có giá xuất xưởng là 21.300 Đài tệ/tấn (721 USD/tấn).
Hiện Đài Loan cũng đang chào bán tấm cán nguội không gỉ 304 vào Trung Quốc với giá 3.750-3.850 USD/tấn cfr, tăng 50-100 USD/tấn so với tuần trước.
Ấn Độ
Giá quặng giao ngay của Ấn Độ tiếp tục giảm do xu hướng giá vẫn chưa ổn định. Trong những ngày qua, người mua vẫn khoanh tay đứng nhìn mặc cho thị trường trầm lắng. Quặng 63.5/63 của Ấn Độ xuất sang Trung Quốc có giá 191 USD/tấn cfr, giảm 05 USD/tấn
Về thép cây, sau khi tăng liên tục kể từ đầu tháng 11/2010, cuối cùng giá đã có dấu hiệu chững lại. Các nhà sản xuất không nâng giá bán thêm nữa kể từ 02 tuần trước do nhu cầu xuống thấp.
Các nhà sản xuất tuyến hai cho biết sẽ không tăng giá thép ít nhất là trong khoảng 02-03 tuần tới vì sợ mất khách. Hiện, thép cây 10-12mm của các nhà sản xuất tuyến hai có giá xuất xưởng khoảng 34.000-36.500 Rs/tấn, chưa thuế VAT và các thuế khác.
Đông Nam Á
Thị trường nhập khẩu Đông Nam Á trong tuần này cũng chưa có gì cải thiện do các nhà nhập khẩu lo ngại rủi ro trong bối cảnh thị trường thép Trung Quốc hạ nhiệt kể từ nửa cuối tuần qua. Hơn nữa giá phế nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và giá quặng xuất khẩu của Ấn Độ cũng đang giảm.
Các chào giá nhập khẩu thép cây từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Singapore trong tuần này ở mức 700 USD/tấn cfr, giảm so với mức giá chào trước đó là 730-750 USD/tấn đầu tháng 02. Trung Quốc chào bán các sản phẩm có thành phần boron vào Singapore với giá cao hơn là 750-760 USD/tấn cfr. Trong khi giá bán trong nước đối ở mức 710-718 USD/tấn (đã gồm phí vận chuyển). Tất cả giá bán thép cây ở thị trường Singapore là thép cây trọng lượng lý thuyết 16-25mm.
Bên cạnh đó, giá phôi chào nhập khẩu vào Đông Nam Á tuần này cũng giảm 10 USD/tấn so với tuần trước xuống mức 660-680 USD/tấn cfr. Cũng không có gì lạ khi các nước chào mua phôi với mức giá thấp như hiện nay. Hàn Quốc được tin là sẽ chấp nhận bán vì không có tín hiệu cho thấy thị trường sẽ cải thiện trong vài tuần tới
Hàn Quốc đang chào bán phôi sang Phillippine với giá 660-670 USD/tấn cfr, nhưng hiện khách hàng Phillippine vẫn chưa đặt mua. Còn phôi từ vùng Viễn Đông Nga và Biển Đen được chào bán sang Thái Lan với giá 680 USD/tấn cfr trong khi phôi nội địa có chất lượng tương đương thì có giá 620 USD/tấn.
Phôi Nga được chào bán sang Việt Nam với giá 670-675 USD/tấn cfr và phôi SD390 Nhật Bản có giá chào 675 USD/tấn cfr. Tại thị trường Việt Nam, phôi Hàn Quốc được mua với giá 660 USD/tấn và phôi Malaysian có giá 680-685 USD/tấn cfr.
Bên cạnh đó, Tokyo Steel cho biết sẽ tái tham gia xuất khẩu và hiện nhà sản xuất này đang chào giá thép cuộn cán nóng HRC tháng 03 sang Đông Nam Á với 830 USD/tấn fob. Còn thép dầm hình H cũng đang hướng đến mức 920 USD/tấn fob nhưng chưa có ai đặt mua.
Thị trường thép châu Âu
Thị trường thép châu Âu hiện cũng đã mất dần phương hướng bởi những bất ổn của thị trường phế, quặng thời gian gần đây. Cộng thêm lực mua yếu ở các nước trong khu vực lẫn nước ngoài, nhất là Bắc Phi, cái nôi tiêu thụ chính của châu Âu đang trong tình trạng hỗn loạn về chính trị, càng đẩy thị trường thép châu Âu rơi vào khó khăn, đó là chưa kể khu vực đang bị cạnh tranh mạnh từ thép nhập khẩu tràn vào.
Thép tấm
Các nhà sản xuất và cán lại trong khu vực gồm Italia và Tây Ban Nha đang nỗ lực bán ra những tấn thép tấm cuối cùng S235 sản xuất trong tháng 04 với giá xuất xưởng 720-740 EUR/tấn (990-1.018 USD/tấn), còn giá tháng 05 thì vẫn đang thương lượng ở mức cao hơn.
Một stockist nói: “Đối với thép tấm tiêu chuẩn hàng hóa thì chẳng ai chịu mua ở mức giá này, và hàng chỉ để tồn mà thôi. Dù giá không xuống nhưng các nhà sản xuất sẽ khó đạt được mục tiêu nâng giá.
Trong khi giá thép tấm nhập khẩu cũng đang tăng, nếu đặt hàng ở thời điểm này e sẽ rủi ro. Các nhà sản xuất Ấn Độ hiện đang chào bán thép tấm tiêu chuẩn hàng hóa giao tháng 05 với giá 700 EUR/tấn cfr, còn giá chào từ CIS cạnh tranh hơn nhưng khối lượng chào ra rất ít.
HRC
Hiện nay, tại các cảng ở khu vực nam Âu còn tồn rất nhiều các mặt hàng thép cuộn nhập khẩu mà đã đặt mua từ trước đó, mà giá cả lại rất hấp dẫn. Sẽ có hơn 30.000 tấn nữa sẽ cập bến vào tuần tới, chủ yếu là hàng xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu lớn mà giá lại hấp dẫn đang gây nhiều áp lực cho các nhà cung cấp trong khu vực. Giá phổ biến cho mặt hàng ngoại nhập HRC dao động từ 600-620 EUR/tấn, giao tại cảng, nhưng hồi tuần trước một số thương nhân chào bán chỉ ở mức 580-600 EUR/tấn.
Trong khi CRC có giá 700-710 EUR/tấn cfr vì mặt hàng này bán tốt hơn, mà lại không có nhiều chào giá. Một thương nhân ở Italia cho hay Trung Quốc chỉ bán ở mức 670 EUR/tấn cfr.
Còn HDG, chào bán từ Ấn Độ vào khu vực là 680-720 EUR/tấn.
Điển hình như Thổ Nhĩ Kỳ, một số khách hàng nước này thích đặt mua HRC và CRC từ Ukaraina vì giá chào bán thấp hơn so với giá chào bán thép nội địa.
HRC Ukraina được chào bán sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá 760-770 USD/tấn và giá chào từ Nga là 830-860 USD/tấn cfr. Trong khi đó, HRC sản xuất trong nước giao tháng 04 có giá chào 840 USD/tấn.
Thị trường thép CIS
Đầu tháng 02, các nhà xuất khẩu CIS đã tạm ngừng chào giá xuất khẩu vì họ muốn chờ giá tăng mạnh nữa, nhưng thị trường có dấu hiệu chững lại gần đây khiến họ mất kiên nhẫn và bắt đầu chào giá. Dẫu vậy, sự trở lại của CIS không gồm kế hoạch giảm giá mà vẫn tiếp tục theo đuổi xu hướng nâng giá xuất khẩu.
Được biết các nhà sản xuất thép của Ukraina đã nâng giá xuất khẩu thép dẹt bình quân thêm 20 USD/tấn. Còn các nhà sản xuất của Nga nâng giá 90-165 USD/tấn.
Hơn nữa bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi đã làm cho lượng cầu và đơn đặt hàng của CIS giảm mạnh. Nhưng CIS vẫn duy trì chào giá cuộn trơn ở mức 670-680 USD/tấn FOB.
Ngay cả thị trường xuất khẩu phôi của các nước thuộc khối CIS vẫn trầm lắng, dù vậy, các nhà sản xuất cũng không vội vàng hạ giá chào bán. Theo một số nguồn tin, khả năng các nhà cung cấp CIS sẽ nâng giá chào phôi tại Biển Đen lên 630 USD/tấn (457 USD/tấn) fob.