Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 10/2011
Như vậy thị trường thép cho đến tận tuần này vẫn chưa thoát khỏi đà giảm kể từ cuối tháng 02. Cả người bán lẫn người mua hoang mang hơn bao giờ hết khi xu hướng thị trường trở lên rối rắm và khó đoán hơn trước những luồng dự báo về triển vọng thị trường trong thời gian tới tăng-giảm khác nhau.
Những yếu tố lý giải cho giá thép tăng và giảm đều có lý lẽ chặt chẽ nên hầu hết các nhà tham gia thị trường chỉ còn biết hoãn mọi giao dịch để chờ thêm những tín hiệu mới tuần tới.
Những người theo trường phái tăng thì cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ giá dầu thô tăng vọt, kéo theo giá nhiên liệu cùng các vật liệu thô dùng trong sản xuất khác như than, quặng cùng leo thang.
Theo tin gần đây Nhật Bản là nước thử nghiệm trong việc nâng giá bán than cốc đầu tiên của các hãng khai khoáng khổng lồ trên thế giới. Nghĩa là trong quý Hai, Nhật buộc phải sử dụng nguồn cung than với cái giá trên trời 330 USD/tấn, cao hơn 46% so với giá quý Một. Đó chưa kể là các nhà sản xuất ở Trung Quốc muốn mua được quặng có chất lượng tốt từ Ấn Độ thì họ phải trả thêm một khoản nữa để bù vào mức thuế xuất khẩu mà chính phủ Ấn Độ nâng lên 20% từ mức 5-15% áp dụng trong năm tài khóa mới 2011 (bắt đầu tù ngày 01/04).
Tuy nhiên những người theo trường phái giảm giá thì cho rằng áp lực từ nhu yếu đi do giá cao sẽ đẩy thị trường rơi xuống vực. Tình trạng nguồn cung là vấn đề gây lo lắng nhất khi hàng sản xuất ra không tiêu thụ được.
Ở Trung Quốc, chính sách thắt chặt tiền tệ và hạ nhiệt thị trường bất động sản đang đẩy các nhà kinh doanh thép rơi vào thế bí vì lực mua đã giảm đi thấy rõ. Nhưng các công ty thép vẫn nỗ lực sản xuất để thu lời trong bối cảnh giá thép lên cao.
Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết hoạt động xây dựng đang bị ngưng trệ do tác động bởi hoàn cảnh khủng hoảng chính trị-xã hội, khiến các nhà sản xuất châu Âu lo sốt vó vì vẫn chưa thể tìm ra được thị trường thay thế mới.
Chỉ duy có thị trường thép của Mỹ hiện nay được xem là khả quan hơn cả bởi nhu cầu vẫn còn khá tốt, vì vậy việc nâng giá của các nhà sản xuất ở nước này hầu như không gặp sự trở ngại nào, và giá bán trên thị trường giao ngay cũng được lèo lái theo. Hiện giá HRC của nước này đã tăng lên 850-880 USD/tấn short (937-970 USD/tấn).
Thị trường thép châu Á
Lại một tuần ảm đạm nữa đối với thị trường thép châu Á khi mà hầu hết các nước đều đang nhìn vào thị trường trọng tâm là Trung Quốc tiếp tục duy trì đà giảm kể từ cuối tháng 02. Vẫn chưa có một tín hiệu nào cho thấy sự khởi sắc trở lại vì các giao dịch tại thị trường nội địa gần như đóng băng. Các nhà sản xuất nỗ lực chữa cháy bằng cách chào hàng ra nước ngoài, nhưng tình hình cũng không khả quan bởi nhu cầu các nước cũng chậm, hơn nữa giới thương nhân cũng không muốn mạo hiệm nhập hàng trong bối cảnh xu hướng không rõ ràng, mà giá lại quá cao.
Theo báo cáo, sản lượng thép thô bình quân mỗi ngày trong tháng 01 của Châu Á đạt khoảng 2,4 triệu tấn, tăng 2.4% so với tháng 12/2010. Sản lượng bình quân tháng 2 dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng không nhiều do nguồn cung than và quặng hạn chế.
Nhật Bản
Sản lượng quặng và than của Úc giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng bởi mưa lũ nên không đáp ứng đủ nhu cầu lớn mạnh trên thế giới, vì vậy các nhà khai của Úc đã đồng loạt đề nghị nâng giá bán đến các khách hàng, và Nhật là nước đầu tiên thí điểm việc nâng giá này.
Theo thông tin từ SBB và một số nguồn tin khác, Nhật Bản đã chấp nhận mua than cốc của GermanCreek với giá 330 USD/tấn FOB vào quý Hai tới, tăng 46% so với quý Một. Bên cạnh đó, trong tháng 04, Nhật cũng phải chấp nhận mua quặng với giá cao hơn khoảng 25% so với quý Một, tức 170 USD/tấn FOB.
Thông tin về việc các nhà cung cấp nguyên liệu thô nâng giá bán quý Hai đang đặt nhiều thử thách lên vai của các nhà sản xuất thép của Nhật Bản đối với các chính sách giá bán trong nước và xuất khẩu thời gian tới, mà gần nhất là tháng 04. Nippon, JFE và một số nhà sản xuất khác của Nhật cho biết sẽ nâng giá thép quý Hai trong nước thêm 242 USD/tấn và xuất khẩu 250-300 USD/tấn nữa để giảm bớt áp lực chi phí từ nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Tại thị trường trong nước, thép thanh vằn tiếp tục tăng giá chậm. Tokyo Steel bán ra ở mức 771-783 USD/tấn, còn Osaka Steel khoảng 756-768 USD/tấn.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã xuất khẩu 450.000 tấn thép cuộn cán nóng trong tháng 01 năm nay. Trong đó có 71.000 tấn được xuất sang Nhật, tăng 28,8% so với tháng 01/2010. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 83.000 tấn, tăng 95,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc thương lượng giá xuất khẩu thép tấm đóng tàu trong quý II giữa các nhà máy thép Nhật Bản và Hàn Quốc đã được bắt đầu. Theo các nguồn tin, giá được đưa ra là 1.000-1.050 USD/tấn FOB, tăng 300 USD so với mức giá 780-790 USD/tấn hồi quý I. Ngoài ra, trong cuộc đàm phán giá HRC nguyên liệu quý II giữa nhà cung ứng Nhật Bản với khách hàng Hàn Quốc cũng đang đặt lên bàn cân với giá 1.000 USD/tấn FOB, tăng từ 250-300 USD/tấn so với quý trước. Nhật Bản cho rằng gần đây Mexico nâng giá phôi tấm sang Hàn Quốc lên mức 830 USD/tấn, sẽ giúp Nhật có nhiều lợi thế trong đàm phán. Tuy nhiên Hàn Quốc chắc chắn sẽ không dễ dàng chấp nhận, bởi nước này có nhiều nguồn hàng để nhập, mà tiêu biểu như Trung Quốc gần đây chào bán với giá rẻ bất ngờ.
Phía Hàn Quốc cho rằng giá HRC chỉ nên ở mức 800-850 USD/tấn, trong khi giá của Trung Quốc đối với HRC có boron chỉ ở mức 740-750 USD/tấn fob, Do vậy Hàn Quốc sẽ kéo dài thời lượng đàm phán để gây sức ép cho các nhà cung cấp Nhật Bản.
Về thép xây dựng. Giá chào xuất khẩu thép cây của Trung Quốc sang Hàn Quốc cũng điều chỉnh giảm xuống còn 675 USD/tấn CFR, tức giảm 25-30 USD/tấn so với trước đây nhưng vẫn chưa thu hút được các nhà nhập khẩu Hàn Quốc. Tuy nhiên, thép hình H xuất sang Hàn Quốc vẫn giữ giá như hồi đầu tháng, trong đó thép hình H cỡ nhỏ vẫn ở mức 801 USD/tấn CFR, còn cỡ trung khoảng 811 USD/tấn CFR.
Đài Loan
Đài Loan: ChinaSteel sẽ tăng giá các sản phẩm thép công nghiệp từ 100-170 USD/tấn trong quý II. Mặc dù không thông tin chi tiết về giá nhưng thép cuộn cán nóng HRC sẽ không có giá dưới 800 USD/tấn FOB.
Tình hình tiêu thụ thép xây dựng cũng khá yếu, mà giá cả lại quá cao đã dẫn đến quyết định giữ nguyên giá bán của hai nhà sản xuất Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang Enterprise Corp. Trong đó thép cây SD280 được hai nhà sản xuất duy trì ở mức 21.600 Đài tệ/tấn và 21.100 Đài tệ/tấn.
Người mua thận trọng hơn vì chính phủ Đài Loan được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát mức tăng trưởng thị trường bất động sản, và điều này sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu thép cây trong nước.
Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ đã thừa nhận rằng Ấn Độ khả năng sẽ rơi vào nguy cơ thiếu than khoảng 269 triệu tấn trong giai đoạn 2021-2022 do hoạt động khai thác và sản xuất không đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh của nước này. Theo dự báo, nhu cầu than của Ấn Độ trong năm 2021-2022 được kỳ vọng vào khoảng 1,353 tỉ tấn, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 1,084 tỉ tấn, và lượng thiếu hụt là 269 triệu tấn.
Tình hình tiêu thụ thép của Ấn Độ cũng không mấy lạc quan. Ngay khi các nhà sản xuất phát đi tín hiệu nâng giá bán thì ngay lập tức nhận được phản ứng từ thị trường. HRC SS400 3mm, tiêu chuẩn thương phẩm chào bán xuất xưởng tại Ấn Độ vào khoảng 37.500-38.500 Rs/tấn (830-853 USD/tấn) từ mức giá hồi tháng 02 là 37.000-38.500 NDT/tấn (820-853 USD/tấn).
Các nguồn thị trường dự báo nhu cầu nội địa sẽ phục hồi trở lại trong tuần tới do dự trữ của người tiêu dùng đang vơi dần. Hơn nữa, đơn đặt hàng với số lượng lớn đã vắng bóng từ tháng trước.
Sức cầu thấp, các nhà sản xuất đã nhượng bộ hạ giá 1.000-1.500 Rs/tấn (22-33 USD/tấn) cuộn trơn và giảm 33-44 USD/tấn thép thanh vằn nhằm cứu lực mua phục hồi trở lại. Các nhà sản xuất cũng thừa nhận rằng dù giá thép đã được điều chỉnh giảm nhưng nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, khách hàng đang chờ xem giá có giảm thêm nữa hay không trước khi quyết định mua vào.
Xuất khẩu quặng Ấn Độ sang Trung Quốc vẫn trong tình trạng ế ẩm do lực mua từ khách hàng Trung Quốc vẫn còn yếu. Hầu hết các nhà xuất khẩu Ấn Độ muốn găm hàng hơn là bán ra vì cho rằng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong 01 hoặc 02 tuần tới, như vậy sẽ hỗ trợ cho giá giao ngay tăng mạnh trở lại.
Quặng 63.5%/63% Fe được các nhà cung cấp Ấn Độ chào bán với giá trung bình khoảng 182-183 USD/tấn cfr, tuy nhiên khách hàng chào mua với giá không quá 172 USD/tấn cfr. Dường như giới thương nhân Trung Quốc khá thận trọng đối với quyết định mua vào do giá đang trên đà giảm xuống.
Đông nam Á
Thị trường thép khu vực Đông Nam Á nhìn chung giá cả ổn định trong tuần này và sẽ tiếp tục ổn định đến hết tháng 03. Phôi vuông của Nhật chào bán sang Việt Nam có giá khoảng 690-695 USD/tấn CFR, của CIS là 680 USD/tấn CFR. Tuy nhiên lượng giao dịch thành công khá ít.
Thép thanh vằn có Bo của Trung Quốc được chào giá khoảng 750 USD/tấn CFR. trong khi hàng sản xuất trong nước tại thị trường trong nước ở Singapore và Thái có giá khoảng 720 USD/tấn, Malaysia khoảng 790 USD/tấn.
Thị trường thép Châu Âu
Xung đột chính trị gần đây ở các nước Bắc Phi đã gây nhiều căng thẳng cho các nhà sản xuất thép châu Âu, bởi sản xuất ra mà sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu truyền thống lại yếu đi.
Theo các nguồn tin, thép cây của các nước Nam Âu nhập khẩu vào Algeria hiện có giá dao động từ 490-500 EUR/tấn (681-695 USD/tấn) fob, nhưng các nhà cung cấp đang đối mặt với khó khăn vì không bán được nhiều hàng, nhất là Italia và Tây Ban Nha.
Tại thị trường nội địa, thép tấm S235 giao kỳ hạn tháng 05 có giá xuất xưởng phổ biến là 700-720 EUR/tấn (970-998 USD/tấn). HRC khoảng 640-660 EUR/tấn, CRC khoảng 720-750 EUR/tấn. Tuy nhiên, người mua vẫn khá thận trọng vì cho rằng giá quá cao và đang chờ đợi đợt giảm.
Các nhà máy dự định tăng giá thêm trong thời gian tới với lý do là chi phí sản xuất tăng. Thyssen Krupp và Corus đã đánh tiếng sẽ tăng giá trong quý Hai tới.
Thị trường thép CIS
Các nhà sản xuất phôi vuông của Ukraine và Nga cho biết là sẽ giữ giá xuất khẩu trong tháng 03 này sau khi điều chỉnh lên mức 620-630 USD/tấn FOB tại Biển Đen từ mức 610-620 USD/tấn FOB trong tháng 02. Bên cạnh đó, CIS cũng cho biết sẽ duy trì giá chào bán thép thanh vằn tại Trung Đông và Bắc Phi ở mức 660-670 USD/tấn FOB, chứ không có chuyện là hạ xuống thấp hơn dù tình hình tiêu thụ của nước này trì trệ đến đâu đi chăng nữa.
Tình hình bất ổn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông gần đây khiến tiêu thụ thép của các nước ở khu vực này dường như rơi vào vắng lặng. Tuy nhiên trong tháng 04 tới đây, Iran được dự báo là sẽ quay lại nhập hàng và hỗ trợ tăng nhiệt thị trường thép CIS.
Ukraine là Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Địa Trung Hải, nhưng lực cầu của những thị trường này
khá yếu thời gian gần đây.
Các nhà máy thép của Ukraine nhận định, xu hướng thị trường thép tấm dày trong tháng
4 rất khó đoán. Đợt bạo động ở Bắc Phi và Trung Đông có thể sẽ làm tăng lượng thép tồn
ở khu vực này.