Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 11/2011
Tuần này, thế giới đang theo dõi sát sao các diễn biến về trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật kể từ hôm thứ Sáu tuần rồi. Hậu quả của nó quá tàn khốc mà có thể gây gián đoạn sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường hàng hóa kể từ phiên giao dịch cuối tuần cũng bị chao đảo, bởi các nhà đầu tư thấy lo sợ lực cầu hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm đi do ảnh hưởng dây chuyền từ sự cố nhiễm phóng xạ tại Nhật.
Kèm theo hàng loạt các thông tin tiêu cực về thảm họa bong bóng nợ của các nền kinh tế phát triển trên thế giới có nguy cơ bị vỡ, mà Mỹ cũng là một cái tên được liệt vào danh sách này. Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ mới đây công bố thâm hụt ngân sách năm 2011 của nước này khả năng sẽ lên tới 1.500 tỷ USD và các nhà hoạch định chính sách đang điên đầu với các kế hoạch cấu trúc nợ.
Đó chưa kể là hệ thống liên minh châu Âu tiếp tục nổi sóng khi Tây Ban Nha hứng chịu thêm một lần hạ bậc tín dụng từ cơ quan định mức Moody. Muốn cứu sống các ngân hàng ít nhất Tây Ban Nha phải cần thêm một núi tiền nữa khoảng 50 tỷ EUR (69 tỉ USD), nhưng với nền tài chính rệu rã, thì số tiền đó cũng chỉ như muối bỏ bể. Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang đứng bên bờ vực hạ tín nhiệm tín dụng.
Về tình hình Trung Đông, khủng hoảng chính trị lan rộng cũng đang xô đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do lèo lái giá năng lượng đi quá xa.
Quay lại thị trường thép tuần này. Trận động đất tại Nhật đã thắp lửa cho thị trường thép thế giới ấm hơn một chút. Nhật là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu thép, nhưng việc phong tỏa xuất khẩu khả năng sẽ kéo dài trong nhiều tuần tới đang tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, châu Âu và CIS chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên thị trường nguyên liệu khả năng sẽ điều chỉnh giảm bởi nhu cầu từ quốc gia sản xuất đứng thứ hai thế giới như Nhật sẽ bị gián đoạn sau động đất. Thêm vào đó, căng thẳng nguồn cung từ Ấn Độ sẽ dịu bớt sau khi có tin đồn chính phủ đang cân nhắc hạ thuế xuất khẩu quặng từ 20% xuống 10%.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội thép Thế giới, tổng sản lượng thép thô toàn cầu trong năm 2010 đạt 1,4 tỷ tấn, tăng trưởng 15% so với năm 2009. Trong đó, sản lượng của Trung Quốc là 627 triệu tấn, Nhật là 110 triệu tấn, Mỹ đạt 80.6 triệu tấn, Nga khoảng 67 triệu tấn và Ấn Độ khoảng 66.8 triệu tấn. Mỹ, Đức, Nhật, Brazil, Hàn Quốc là những nước có sản lượng thép tăng mạnh nhất so với năm trước và đều đạt mức tăng trưởng hai con số.
Thị trường thép châu Á
Sau thảm họa sóng thần tại Nhật, thị trường thép châu Á có phản ứng tích cực hơn đôi chút. Các nhà nhập khẩu ở khu vực Đông Nam Á đã tăng chào mua từ các nhà cung cấp còn lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan vì sợ nguồn cung bị gián đoạn từ Nhật. Chỉ một tuần trước đó, thị trường thép châu Á hoàn toàn mất xu hướng, hàng loạt các dự báo trái chiều khiến các nhà kinh doanh và người tiêu dùng lo lắng.
Giá thép tại Trung Quốc cũng đã nhích nhẹ trong tuần này, triển vọng tăng giá sẽ còn kéo dài thêm vài tuần nữa bởi các nhà nhập khẩu sẽ tập trung vào nguồn cung từ Trung Quốc sau khi Nhật phong tỏa xuất khẩu. Nhật cũng được kỳ vọng sẽ trở thành khách hàng nhập thép từ Trung Quốc để phục vụ cho công cuộc tái thiết.
Nhật Bản
Theo báo cáo, mọi xuất khẩu thép của nước này hoàn toàn đóng băng trong tuần này, các cửa ngõ vận chuyển đều bị san bằng sau khi sóng thần quét qua. Còn sản xuất trong nước, mọi hoạt động sẽ chưa thể khôi phục trở lại trong nhiều tháng tới vì còn đang trong giai đoạn khắc phục hư hỏng.
Đồng nghĩa với trong ngắn hạn Nhật trở thành nước nhập khẩu ròng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng giới quan sát cho rằng Nhật luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ít nhất phải đủ tiêu chuẩn của Nhật vì vậy lượng thép nhập khẩu của nước này sẽ không nhiều.
Biến cố thiên tai ở Nhật cũng khiến dư luận lo ngại về giá nguyên liệu trên thị trường thế giới sẽ giảm trở lại trong quý Ba, vì Nhật là nước tiêu thụ đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Sau khi khi nhận được tin động đất ở Nhật Bản, giá quặng giao sau ngay lập tức đã rớt 7% vào ngày 11/03, mức sụt giảm lớn nhất từ đầu năm 2011 đến nay. Trong vòng 6 tháng tới, lượng cầu quặng ước tính giảm khoảng 3,5 triệu tấn/tháng, than đá giảm khoảng 1,7 triệu tấn/tháng.
Rồi đây khi trở lại thị trường, các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ tiếp tục nâng giá bán, và chuyển đổi hình thức thanh toán từ quý sang tháng vì giá nguyên liệu cũng đã thay đổi từng ngày.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng là một cái tên được nhắc đến thứ hai sau Trung Quốc thế chỗ cho Nhật xuất khẩu sang thép sang các nước, chủ yếu vẫn là thị trường béo bở Đông Nam Á.
Tuần này, một số nhà sản xuất thép Hàn Quốc đã nâng giá xuất khẩu thanh vằn gồm Huyndai Steel, Dongkuk Steel và Korea Steel. Trong đó, Korea Steel nâng giá thêm 28 USD/tấn lên 716 USD/tấn FOB cho loại 10mm. Việc nâng giá xuất khẩu là hiển nhiên bởi giá phế của Hàn Quốc liên tục tăng, đẩy chi phí sản xuất cao hơn. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá phế đã tăng 104–112 USD/tấn nhưng giá thép thanh vằn chỉ tăng khoảng 40 USD/tấn, do đó các nhà máy đã quyết định nâng giá xuất khẩu.
Do trận động đất tại Nhật Bản vừa qua làm ảnh hưởng đến sản lượng HRC xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc, công ty thép Rizhao của Trung Quốc đã tăng nhẹ báo giá HRC xuất khẩu. Hiện nay, HRC SS400 xuất sang Hàn Quốc được chào với giá 735 USD/tấn CFR.
Trước khi xảy ra động đất ở Nhật, một nhà cán lại Hàn Quốc đã chào bán thép tấm mạ kẽm mạ điện giao tháng 04 và tháng 05 sang Trung Quốc với giá 1.080 USD/tấn fob, cao hơn 50 USD/tấn so với tháng trước đó. Mức giá trên được cho là quá cao để khách hàng Trung Quốc có thể chấp nhận, nhưng hiện giờ điều này là hoàn toàn có thể. Trung Quốc cũng lo ngại rằng, khả năng Hàn sẽ còn nâng giá nữa do mức độ chia sẻ từ Nhật không còn.
Còn về giao dịch thép với Nhật, mọi đàm phán về giá HRC giao quý Hai sẽ được hai bên lùi lại đến tháng sau hoặc tháng sau nữa. Ban đầu Nhật đưa ra giá chào 900-1.000 USD/tấn fob, cao hơn 200-300 USD/tấn so với giá tháng 03, nhưng phía Hàn Quốc chỉ muốn mua ở mức 750 USD/tấn fob.
Khả năng Nhật sẽ có thay đổi giá chào sau khi trở lại, bởi sau động đất lượng hàng của nước này giảm vì phải dùng cho việc tái thiết đất nước. Thêm vào đó, việc hư hỏng ở các nhà sản xuất vẫn đang trong giai đoạn khắc phục, sản lượng chắc chắn sẽ giảm đi.
Đài Loan
Tuần này, tín hiệu tăng giá cũng đã xuất hiện tại Đài Loan, một số nhà sản xuất ở nước này cũng đã nâng giá bán sau khi thị trường Trung Quốc khởi sắc hơn, nhưng một số thì vẫn không có thay đổi nào vì nhu cầu thị trường yếu, mà giá lại cao.
Nhà sản xuất thép hình lớn nhất Đài Loan - Tung Ho Steel Enterprise Corp đã nâng giá bán trong nước đối với các sản phẩm thép hình trong tháng 03 năm nay thêm 500 Đài tệ/tấn (17 USD/tấn) do giá phế tăng cao hơn. Được biết đây là lần thứ 6 công ty tăng giá thép dầm kể từ tháng 11/2010 với tổng cộng 3.000 Đài tệ/tấn. Nhà sản xuất này nói việc nâng giá là do công ty kỳ vọng Nhật sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ đối với sản phẩm thép xây dựng sau động đất.
Tuy nhiên, việc giá nâng sẽ là sự hạn chế đối với lực cầu. Thời gian qua, thị trường thép Đài Loan trầm lắng hơn xuất phát từ lý do giá cao. Điều này, khiến một số nhà sản xuất e ngại nên quyết định giữ nguyên giá bán thép xây dựng, tiêu biểu như Feng Hsin Iron Works và Hai Kwang Enterprise Corp. Cả hai đều giữ nguyên giá thép thanh vằn SD280 cỡ vừa ở mức 21.600 Đài tệ/tấn (731 USD/tấn) và 21.100 Đài tệ/tấn, và đây cũng là tuần duy trì giá bán không thay đổi qua tuần thứ hai liên tiếp.
Ấn Độ
Năm tài khóa Ấn Độ đang cận kề và các nhà kinh doanh của nước này đang cố gắng tất toán hoạt động giao dịch để thu về tiền mặt để tiếp tục với các dự án mới cho năm tài khóa tiếp theo, và thị trường thép không ngoại lệ. Các nhà cung cấp vẫn chưa xác định được liệu giá cả thị trường có khởi sắc hơn trong thời gian tới hay không, hay vẫn tiếp tục lờ đờ như thời điểm hiện tại, vì vậy hầu hết đang cố thanh lý hàng tồn và hạn chế nhập khẩu để tránh rủi ro.
Để kích cầu, các nhà sản xuất đã hạ giá bán HRC trong nước 1.000 Rs/tấn (22 USD/tấn) kể từ hơn hai tuần qua, HRC SS400 3mm loại thương phẩm hiện có giá 37.500-38.500 Rs/tấn (831-853 USD/tấn). Vài ngày tới nữa, giá khả năng còn điều chỉnh giảm thêm 1.000-1.500 Rs/tấn vì các nhà cung cấp xả hàng.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ giảm bớt lượng hàng nhập. Vì vậy, chào giá tái xuất của Việt Nam cho mặt hàng HRC SS400 có boron ở mức 700-710 USD/tấn cfr vẫn chưa khiến các khách hàng Ấn Độ lay động.
Các nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng “lờ” đi các chào bán từ Nga cho sản phẩm HRC 2mm SAE1006 cán lại với giá 750-760 USD/tấn cfr vì người mua chỉ muốn mua với giá 710-720 USD/tấn cfr, còn giá giao dịch cuối tháng 02 là 770-780 USD/tấn cfr.
Đông Nam Á
Khả năng cắt xuất khẩu của Nhật sang Đông Nam Á là rất lớn sau khi nước này trải qua thảm họa động đất và sóng thần. Mọi thương lượng về giá cũng đã được hoãn lại, trong khi các khách hàng Đông Nam Á phải đi tìm các nhà cung ứng mới và tham khảo xem giá đâu là tốt nhất. Tuy nhiên các nhà cung cấp sẽ xem xét nâng giá chào lên vì bị chia sẻ nguồn hàng.
Tuần này, cuộn trơn của Trung Quốc chào bán có sự chênh lệch khác nhau sang Đông Nam Á, phía thương nhân hạ giá chào xuống 690-695 USD/tấn cfr, nhưng các nhà máy vẫn giữ nguyên giá chào bán ở mức 730-740 USD/tấn cfr như giữa tháng 02. Với khoảng chênh lệch 40 USD/tấn là khá lớn, nhưng các thương nhân dường như không có sự lựa chọn nào tốt hơn chấp chịu bán thấp để đẩy hàng ra trong bối cảnh lực mua yếu đi. Hơn nữa, họ cũng dự báo về triển vọng giá sẽ rơi xuống dưới 700 USD/tấn cfr.
Dù giá tại thị trường Trung Quốc cải thiện hơn chút ít, nhưng cũng không làm các thương nhân lạc quan hơn. Họ cho rằng động đất ở Nhật chỉ là yếu tố tác động tạm thời chứ nguồn cung và sức mua vẫn là yếu tố quyết định cho tất cả.
Thép cây có boron được thương nhân Trung Quốc chào bán vào Việt Nam là 690 USD/tấn cfr, chào bán vào Philipine là 695 USD/tấn cfr, còn thép cây boron chào bán vào Singapore là 685 USD/tấn cfr.
Việc hạ giá chào của Trung Quốc đối với các sản phẩm thép từ tuần trước ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thị trường thép Việt Nam. Giá HRC loại dày từ 3mm trở lên tại thị trường nội địa đã điều chỉnh xuống 17 triệu VND/tấn, chưa bao gồm 2% phí chuyển tiền qua ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển, nhưng đã gồm 10% phí VAT.
Hiện Việt Nam cũng nhận được chào giá HRC 2mm loại cán lại từ Trung Quốc với giá 792 USD/tấn cfr, trong khi giá này hồi giữa tháng 02 là 800-830 USD/tấn cfr. Ngoài ra, Đài Loan cũng đang chào giá ở mức 815 USD/tấn cfr và Hàn Quốc chào bán là 790-795 USD/tấn cfr.
Thị trường thép CIS
Chính sách xuất khẩu của CIS hiện nay là không còn bán đại chà như trước, mà bây giờ hầu hết các nhà cung cấp tập trung chủ yếu cho thị trường Biển Đen.
Phôi
Giá phôi vuông chào bán vào Biễn Đen được điều chỉnh lên 615 USD/tấn fob, trong khi giá đầu tháng 03 là 610 USD/tấn fob. Việc Nga tập trung bán phôi vào Biển Đen là do lực mua cải thiện hơn so với những khu vực khác.
CIS không còn đủ kiên nhẫn với các thị trường ở Caspian và Viễn Đông vì lực mua ở đây vừa yếu mà ai cũng chăm chăm hạ giá chào mua xuống thấp. Trong đó có Iran hạ giá chào xuống 590-600 USD/tấn fob.
Thép công nghiệp
Hiện các nhà cung cấp đã bán các hợp đồng giao tháng 05, trong đó giá xuất sang Biển Đen của Ukraina là 780-800 USD/tấn fob. Thép tấm Nga được chào bán sang Biển Đen với giá khoảng 800-850 USD/tấn fob.
Thị trường thép châu Âu
Thị trường thép châu Âu tuần này không có nhiều thay đổi do thị trường vẫn chưa xác định được xu hướng. một số người lo ngại giá thép đổ dốc vì tình hình kinh tế khu vực châu Âu ngày một diễn biến xấu hơn, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, đó chưa kể lực cầu từ các thị trường xuất khẩu chính Trung Đông và Bắc Phi đang trong giai đoạn khủng hoảng chính trị tồi tệ. Nhưng số khác cho rằng giá sẽ ổn định cho đến tăng vì giá nguyên liệu thô, chí phí nhiên liệu, điện đang đặt thêm gánh nặng lên vai nhà sản xuất, đồng thời xuất khẩu sang Đông và Nam Á sẽ dễ thở hơn sau khi Nhật tạm rời khỏi.
Tại Nam Âu, giá xuất xưởng HRC của các nhà sản xuất trong khu vực vào khoảng 620 EUR/tấn (866 USD/tấn). Tại Bắc Âu giá là 600-620 EUR/tấn. Sản phẩm CRC được các nhà sản xuất chào bán ở mức 730-750 EUR/tấn.