Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 12-2011

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 12-2011

Tuy những thảm họa ở Nhật đã qua nhưng hậu quả của nó vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và của nhân dân Nhật Bản nói riêng. Văn phòng nội các Nhật Bản hôm qua đã ước tính con số thiệt hại khoảng 309 tỷ USD, còn Ngân hàng thế giới cũng dự báo ở mức 239 tỷ USD. Trong đó tính riêng ngành bảo hiểm của nước này cũng bị thảm họa vừa qua ngốn hết khoảng 39 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tình hình chiến sự ở Libya tiếp tục chi phối lên thị trường thế giới sau khi sản lượng dầu 1,6 triệu thùng của nước này giảm hơn 3/4 xuống chỉ còn 400.000 thùng/ngày. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc giá dầu tăng cao có thể khiến tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến giảm 0,5 điểm phần trăm vào năm 2012, đồng thời đẩy lạm phát tăng 0,75 điểm phần trăm.

Còn đối với thị trường thép, sau một tuần ngắn ngủi được sưởi ấm, thị trường thép thế giới đã trở yếu lại từ hôm thứ Sáu tuần rồi và tiếp tục duy trì tình trạng tương tự cho đến thời điểm hiện tại do phải chịu hệ lụy từ nhiều vấn đề khác nhau trên toàn cầu.

Các chính sách tiền tệ được xem như là giải pháp chủ lực và đi đầu đối với tất cả các ngành kinh tế. Với quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc được xem là một trở ngại khá lớn cho các giao dịch của thương nhân nước này vì dòng vốn lưu thông hạn chế và khả năng mua dự trữ cũng không được nhiều.

Còn tại Châu Âu, ngành thép nội địa cũng chịu nhiều áp lực từ tỷ giá hối đoái. Sức mạnh của đồng EUR tiếp tục lấn át USD, qua đó cũng đã làm cho các nhà sản xuất châu Âu phải lao đao vì nhu cầu yếu và sự kén chọn của khách hàng do thép ngoại nhập đang được chào bán rẻ hơn.

Theo báo cáo từ Hiệp Hội Sắt Thép thế giới, sản xuất thép thô trong tháng 02 tiếp tục tăng tại 64 quốc gia thành viên với 116 triệu tấn, cao hơn 9% so với tháng 02/2010. Trong đó sản xuất của Trung Quốc đạt 54,3 triệu tấn, tăng 10% so với tháng 02/2010. Các nước Châu Á khác như Hàn Quốc tăng 25,7%, Đài Loan tăng 20,4% và Nhật Bản tăng 5,7%. Duy chỉ có Ấn Độ được ước tính là có sản lượng thép vẫn ổn định. Sản xuất thép thô của Châu Âu tăng 8% so với tháng 02/2010, dẫn đầu là Đức, kế đến là Italia, Pháp, Tây Ban Nha. Nhưng sản xuất ở Romania và Slovakia thì giảm xuống. Còn sản xuất ở CIS tăng 6,5%. Bắc Mỹ cũng đóng góp mức tăng là 3,9%, Nam Mỹ là 14%, trong đó đứng đầu là Brazil với mức tăng 11%.

Thị trường thép Châu Á

Thị trường thép Châu Á tuần này hầu như đều hướng nhìn từ các động thái của Nhật và phản ứng của Trung Quốc sau thảm họa động đất.

Sau thất bại với chiến lược nâng giá thép của Trung Quốc vì nhu cầu cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Giá HRC nội địa lẫn xuất khẩu đã suy yếu trở lại trong tuần này. Tuy nhiên các nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn điềm tĩnh chờ xu hướng và chưa đưa ra các giá chào mới.

Nhật Bản

Trước động thái điều chỉnh thu mua phế của Tokyo Steel giảm 2.000 Yên/tấn, hầu hết các nhà tham gia thị trường dự đoán nhà sản xuất này sẽ giảm giá thép thành phẩm vì mỗi khi nâng giá phế là nhà sản xuất này đều có chiến lược điều tăng giá thép sau đó. Tuy nhiên lần này, hành động hạ giá mua phế không đi kèm với việc điều chỉnh giá thép.

Theo đó, chính sách giá của Tokyo Steel trong tháng 04 là sẽ giữ nguyên giá thép dài và thép dẹt ổn định ngang bằng với giá tháng 03. Thép dầm H vẫn ở mức 81.000 Yên/tấn (1.048 USD/tấn), đã bao gồm phí vận chuyển, còn thép cuộn cán nóng HRC 1,7-22mm vẫn không thay đổi ở mức 72.000 Yên/tấn (888 USD/tấn).

Đồng thời nhà sản xuất này cũng sẽ tạm rút khỏi thị trường xuất khẩu nhằm tập trung sản xuất cho công cuộc tái xây dựng lại cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá trong trận động đất và sóng thần hôm 11/03.

Do bị ảnh hưởng từ thảm họa thiên tai, động sản xuất thép dầm hình H ở Utsunomiya khả năng bị gián đoạn, nhưng thay vào đó Tokyo Steel sẽ đẩy mạnh sản xuất tại 02 nhà máy ở phía tây Nhật Bản. Được biết các nhà sản xuất nhỏ ở đông bắc Nhật cũng phải tạm ngưng hoạt động, hoặc chỉ sản xuất với công suất thấp vì thiếu nguồn cung cấp điện. Do đó khả năng giá phế tại nước này sẽ tiếp tục hướng xuống.

Ấn Độ

Nhìn chung, thị trường thép Ấn Độ tuần này vẫn duy trì trạng thái từ tuần trước đó, không biến động lên xuống thất thường như thị Trường thép Trung Quốc và các thị trường lân cận khác. Giá thép thành phẩm cũng như nguyên liệu thô tính đến thời điểm này tại vẫn khá ổn định.

Mặc dù nhu cầu cải thiện không nhiều nhưng các nhà sản xuất nước này vẫn giữ lập trường đối với chính sách giá của hầu hết các sản phẩm thép. Trong đó, thép thanh 5.5mm chứa hàm lượng carbon cao được các nhà sản xuất chào bán với giá xuất xưởng là 36.000-37.000 Rs/tấn, bao gồm thuế VAT và các loại thuế khác.

Tuy vậy, triển vọng thị trường trong vài tuần tới vẫn chưa thật sự rõ ràng vì các yếu tố hỗ trợ cho hai xu hướng đan xen lẫn nhau. Nhu cầu có cải thiện nhưng cơ hội giá lên chưa thật sự chín muồi, do đó khả năng giá sẽ duy trì ổn định ở mức hiện tại. Nhưng nếu suy luận theo kiểu giá xuống cũng không hoàn toàn là phi logic vì nếu nhu cầu không tăng mạnh trong vài tuần tới chắc chắn các nhà sản xuất cũng không thể khoanh tay đứng nhìn lâu hơn nữa mà buộc phải điều chỉnh giá giảm nhằm cải thiện doanh số bán trước ngày kết thúc năm tài khóa đang đến gần.

Tuần này, Ấn Độ cũng đã xúc tiến hoạt động xuất khẩu HDG nhằm giảm áp lực hàng tồn. Tuy nhiên họ gặp phải sự cạnh tranh không nhỏ đối với HDG của Trung Quốc vì khách hàng Mỹ và Châu Âu nhận thấy giá chào từ nước này rẻ hơn từ Ấn Độ ít nhất là 20 USD/tấn.

Hàn Quốc

Các nhà sản xuất Hàn Quốc tỏ ra thận trọng đối với quyết định đưa ra giá chào bán xuất khẩu ra nước ngoài vì muốn chờ xem xu hướng thị trường ảnh hưởng như thế nào từ trận động đất hôm 11/03 tại Nhật. Khi chưa xảy ra thảm họa, nước này chào bán CRC tháng 04 sang Hong Kong ở mức không đổi là 920-930 USD/tấn cfr.

Còn đối với nhập khẩu, trong tuần này Hàn Quốc đã nhận được các giá chào bán phôi tấm từ Brazil với giá 740-750 USD/tấn cfr, cao hơn 10 USD/tấn so với các chào bán trước đó. Còn giá chào từ Mexico là 830 USD/tấn cfr.

Đài Loan

Tuần này, hầu hết các nhà sản xuất xứ Đài đã điều chỉnh giảm giá hàng tuần 300 Đài tệ/tấn nhằm phản ứng lại sự suy yếu của giá phế và mức độ chậm chạp của nhu cầu.

Trong đó, giá thép cây SD280 kích thước vừa được nhà sản xuất ở trung tâm phía tây Đài Trung là Feng Hsin giảm xuống còn 21.300 Đài tệ/tấn (721 USD/tấn). Giá bán từ nhà sản xuất Hai Kwang ở phía nam Cao Hùng và Wei Chih ở phía nam Đài Nam cũng hồi về mức 20.800 Đài tệ/tấn.

Đông Nam Á

Tuần này, các nhà nhập khẩu Đông Nam Á tỏ ra không mặn mà lắm với sản phẩm HRC của Trung Quốc. Hiện sản phẩm này được các thương nhân Trung Quốc chào bán sang Đông Nam Á với giá 710-720 USD/tấn fob, nhưng sang Việt Nam có giá là 715-725 USD/tấn cfr. Tuy nhiên rất ít giao dịch thành công với mức giá trên vì thị trường HRC Trung Quốc đang theo chiều hướng xuống trong tuần này.

Nhu cầu yếu một phần là do thiếu niềm tin đối với thị trường Trung Quốc, hơn nữa, các nhà nhập khẩu muốn chờ xem thực hư về lời đồn chính phủ nước này sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu thép chứa boron.

Ngoài ra, thị trường phôi nhập khẩu cũng duy trì sự trầm lặng vốn có từ mấy tuần trước. Tuy giá chào bán ổn định nhưng người mua muốn ở mức giá thấp hơn.

Các giao dịch phôi tại khu vực này có giá khoảng 680-685 USD/tấn cfr. Giá chào phôi từ Malaysia xuất sang Viêt Nam là 685 USD/tấn, nhưng chỉ được khách hàng chấp nhận ở mức 680 USD/tấn fob mà thôi. Còn chào từ Hàn Quốc xuất sang Philippines tuần trước là 680-690 USD/tấn cfr, các thương nhân Philipnines kỳ vọng giá chỉ dừng ở mức 680 USD/tấn cfr mà thôi vì loại nguyên liệ này được miễn giảm thuế nhập khẩu tới 03%.

Tuy nhiên phôi nội địa có xu hướng ấm lên trong tuần này do nguồn cung thắt chặt. Hầu hết các nhà sản xuất trong khu vực đã điều chỉnh giá lên 10 USD/tấn. Giá chào từ Đài Loan sang Philipnine đã lên mức 660 USD/tấn fob. Còn Thái Lan cũng thông báo nâng giá bán trên diện rộng.

Trong khi đó nguồn cung từ Nga cung hạn hẹp vì nước này nhắm đến các thị trường khác với giá hâpx dẫn hơn. Hai tuần trước, một nhà sản xuất thép hình Thái Lan cho biết đã nhập phôi từ Nga với giá 685 USD/tấn cfr.

Thị trường thép Châu Âu

Tuần này, toàn cảnh thị trường thép Châu Âu theo xu hướng hỗ trợ giá đi xuống.

Tuy các nhà sản xuất Châu Âu vẫn lập trường giữ giá bán không đổi trong mấy ngày đầu tuần dù cho doanh số bán xuống thấp, nhưng cho đến cuối tuần, một số đã phải điều chỉnh giá bán giảm 20 EUR/tấn, còn số khác cũng chấp nhận mức chiết khấu nhất định đối với các đơn đặt mua hàng.

Một mặt phải đối phó với lực cầu yếu tại thị trường nội địa. Mặt khác phải chịu nhiều áp lực từ hàng nhập khẩu do tỷ giá đồng EUR đang tăng mạnh so với USD.

Giá xuất xưởng đối với HRC của khu vực Tây Bắc Âu là 600-630 EUR/tấn. Mấy ngày giữa tuần các nhà sản xuất khu vực này dự định nâng giá tăng lên 640-660 EUR/tấn, nhưng đến cuối tuần đã có một vài nhà sản xuất giảm 20 EUR/tấn nhằm kích thích lực mua tăng trở lại, hơn nữa động thái điều chỉnh giá là nhằm cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

Trong tuần này, HRC từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina được chào bán sang Châu Âu với giá 580-600 EUR/tấn cfr, còn từ Trung Quốc là 570-590 EUR/tấn cfr.

Tuy nhiên CRC ít chịu ảnh hưởng từ thị trường tiền tệ vì mặt hàng này đang khan hiếm. tại thị trường Tây Bắc Âu, giá CRC được bán với giá 730-750 EUR/tấn, còn CRC từ Trung Quốc chào sang khu vực này là 680 EUR/tấn.

Không chỉ HRC mà giá thép tấm khu vực này cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ sự suy yếu đồng USD. Trong đó CIS được xem như là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của khu vực này vì Ukraina vẫn còn hàng chào bán cho đến cuối quý Hai. Giá S235 nhập từ Ukraina và Ấn Độ sang khu vực này hiện là 625-630 EUR/tấn, giảm đáng kể so với tuần trước. Các đơn đặt mua hiện tại chủ yếu là thép tấm Ukraina giao giữa tháng 06 và thép tấm Châu Á giao cuối tháng 06. Các nhà sản xuất Italia và Tây Ban Nha hiện đang chào bán thép tấm xuất xưởng tháng 05 với giá 700-720 EUR/tấn.