T
ổng quan thị trường thép thế giới tuần 12Tăng trưởng kinh tế của các nước đầu tàu trên thế giới đang chậm lại cùng với đó là khủng hoảng trầm trọng trong hệ thống tài chính công của Châu Âu đã đẩy thị trường thép toàn cầu rơi vào tình trạng bế tắc.
Cùng với sự đi xuống của nguyên liệu thô, giá thép thành phẩm đang được một số nhà cung cấp, đặc biệt là Trung Quốc và CIS, điều chỉnh giảm xuống. Song tình hình không được cải thiện là mấy và thậm chí còn tạo cơ hội cho khách hàng gây sức ép giảm giá với các nhà cung cấp còn lại.
Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong tuần tới vì cho đến thời điểm này vẫn chưa xuất hiện bất kỳ yếu tố tích cực nào có thể cải thiện niềm tin giới đầu tư.
Đài Loan
Thị trường thép cây Đài Loan tuần này đã phục hồi trở lại nhưng các nhà sản xuất chưa có ý định điều chỉnh giá bán do thị trường phế liệu không ổn định.
Mặc dù nhập khẩu phế từ Mỹ đã giảm xuống nhưng nhập khẩu từ Nhật lại tăng lên, gây nhiều khó khăn cho việc xác định xu hướng giá thép thành phẩm. Hơn nữa, tâm lý khách hàng vẫn chưa ổn định hoàn toàn, sự điều chỉnh giá lúc này sẽ gây nên phản ứng không tốt và dễ khiến họ quay lưng với các đặt mua.
Với các lý do trên, Feng Hsin đã quyết định giữ giá thép cây cơ bản tuần này ở mức 18.700 Đài tệ/tấn (627 USD/tấn) trong khi Hai Kwang cũng không thay đổi giá bán là 18.200 Đài tệ/tấn.
Ấn Độ
Xuất khẩu HDG của Ấn Độ không còn diễn ra suôn sẽ như trước nữa do ảnh hưởng từ sự xuống dốc của thị trường thép thế giới.
Phần lớn các khách hàng đã tạm ngưng đặt mua để tiện nghe ngóng diễn biến mới trên thị trường quốc tế, làm ảnh hưởng lớn đến số lượng chốt hợp đồng của các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
Giá chào bán trong tuần này vẫn được giữ ổn định nhưng nếu tình hình tiếp tục kéo dài chắc chắn các nhà sản xuất Ấn Độ cũng không còn cách nào khác là phải điều chỉnh giá đi xuống.
Tại thị trường nội địa, giao dịch HRC trong tuần này vẫn rất hạn chế. Tình trạng thiếu tiền mặt dường như vẫn chưa được giải quyết và gây nhiều khó khăn cho giới thương nhân. Mới đây chính phủ đã quyết định hạ lãi suất cho vay qua đêm 25 điểm cơ bản đối với các Ngân hàng thương mại, nhưng điều này không khuyến khích lực mua hàng hóa tăng lên bởi các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Hiện HRC IS 2062 A/B 3mm vẫn đứng ở mức 34.000-34.500 Rs/tấn (627-636 USD/tấn). Sự xuống dốc của thị trường thép Trung Quốc cũng đang gây sức ép lớn cho các nhà sản xuất thép Ấn Độ.
Cũng như HDG, giá HRC rất có khả năng sẽ phải giảm xuống vào những tuần tới.
Hàn Quốc
Sự xuống dốc của thị trường xây dựng đang ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch thép dài tại Hàn Quốc.
Mặc dù giá phế nhập khẩu từ Nhật Bản đang có chiều hướng tăng, song giá thép cây nội địa Hàn Quốc vẫn được giữ ổn định vì sức ép nguồn cung ngày càng dồi dào càng gây bất an cho các nhà sản xuất.
Thép cây SD400 10mm của Hyundai Steel hiện vẫn đang được chào bán ở mức không đổi là 690.000-700.000 Won/tấn (617-626 USD/tấn) và chưa có tính hiệu cho dự báo tăng.
Thị trường thép cuộn cũng không mấy khả quan. Các nhà sản xuất HRC đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp sự ế ẩm của thị trường trong nước. Tuy nhiên áp lực cạnh tranh tại thị trường nước ngoài là khá lớn nên số lượng hợp đồng thu về không đáng kể. Còn đối với CRC, các chào bán từ Trung Quốc liên tục xuống dốc khiến cho khách hàng càng né tránh các đặt mua. Thị trường được dự đoán sẽ tiếp duy trì sự đìu hiu trong tuần tới.
Nhật Bản
Trong bối cảnh giá quặng suy yếu và thị trường thép Trung Quốc đang xuống dốc, nhiều người cho rằng sự duy trì ổn định của thị trường thép Nhật Bản là một thành công lớn mà không phải bất kỳ nước nào cũng có thể làm được.
Nhu cầu thép xây dựng đang phục hồi và sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm do dòng vốn đầu tư tư nhân sẽ được bơm mạnh vào thị trường cũng như nhiều công trình công cộng được xây dựng, chính điều này đang hậu thuẫn lớn cho các giao dịch cũng như giá bán trên thị trường thép thành phẩm.
Một số nhà sản xuất cũng đã đánh tiếng nâng giá thép cuối tháng 03 trong khi vẫn giữ nguyên không đổi giá các hợp đồng tháng 04 nhằm tránh gây sự xáo trộn trên thị trường.
Nhìn chung, thị trường thép Nhật Bản trong thời gian tới sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực, ngoài yếu tố nhu cầu, sự đi lên của phế liệu cũng tác động lớn đến tâm lý gom hàng tích trữ của giới kinh doanh.
Châu Âu
Thị trường thép Châu Âu đang phát triển theo hai ngã rẽ khác nhau. Trong khi các sản phẩm thép xây dựng đang theo chiều hướng lên theo ý chí của các nhà sản xuất thì thép cuộn dường như không thể đạt được điều này và đang rơi vào ngỏ cụt bởi chịu tác động quá lớn từ sự khủng hoảng kinh tế.
Với tình trạng giá phế liệu ngày một lên cao trong khi đồng EUR lại suy yếu, các nhà sản xuất thép cây Nam Âu đã bất chấp nhu cầu yếu và quyết định nâng giá bán thêm 10-15 EUR/tấn so với 10 ngày trước và bước đầu đã được thị trường chấp nhận mức giao dịch cao hơn từ 3-5 EUR/tấn.
Thành công nho nhỏ ban đầu có thể sẽ là động lực để các nhà sản xuất Nam Âu tiếp tục duy trì mức chào cao và nhân rộng xu hướng này sang các thị trường chậm phát triển hơn như ở Bắc Âu và Tây Âu.
Trong khhi đó, thị trường thép cuộn dường như không thể nhích lên, thậm chí là diễn biến theo chiều hướng xấu do nhu cầu từ các ngành công nghiệp tiêu thụ thép đã xuống thấp trong một thời gian dài vì khủng hoảng kinh tế chung trên toàn khu vực.
Ngoài ra, thị trường còn bị chèo kéo bởi các chào bán thấp hơn từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Giá HRC Bắc Âu đầu tuần này đã chính thức về dưới mức 500 EUR/tấn xuất xưởng Ruhr, trong khi chào bán từ Ấn Độ chỉ khoảng 480 EUR/tấn cfr. Tại Nam Âu, thị trường đang nín thở theo dỏi quyết định cuối cùng của tòa án về 1,7 triệu tấn thép của Ilva liệu có được bán ra thị trường hay không. Nếu được chấp nhận, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thừa cung, gây áp lực cho giá đi xuống.
Thổ Nhĩ Kỳ
Mặc dù các chào bán thép cuộn CIS đã xuống thấp hơn nhưng các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mức chào 630 USD/tấn cho HRC tại thị trường nội địa và 615-625 USD/tấn fob cho xuất khẩu sang Châu Âu.
Đây có thể là cách để Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định giá trị và lập trường giá bán riêng của mình, song không thể phủ nhận việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán trong thời gian tới vì đa số khách hàng đều tỏ ra rất quan tâm đến chính sách giá bán của CIS.
Còn đối với thép dài, ngoài thông tin một số nhà sản xuất nâng giá tại thị trường trong nước thêm 8 USD/tấn cho thép cây và cuộn trơn, dường như thị trường cũng không có nhiều thay đổi so với trước đó. Lực mua vẫn duy trì thấp và việc điều chỉnh giá chủ yếu là xuất phát từ đồng nội tệ suy yếu.
CIS
Quyết định hạ giá chào xuất khẩu thép cuộn cán nóng đã thu hút nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm và bước đầu có hiệu quả tương đối tốt. Tuy nhiên xu hướng giá trên toàn cầu đang xuống dốc khiến cho quyết định này dường như bị bảo hòa và khách hàng tuần này cũng đặt mua chậm lại. Nhiều người cho rằng giá giảm thêm 10-15 USD/tấn nữa may ra mới có thể làm hài lòng người đi mua.
Chào bán mới nhất của CIS trong tuần này đối với HRC là 590-600 USD/tấn fob Biển Bantic và CRC là 510 EUR/tấn fob Biển Đen.
Xuất khẩu phôi thanh cũng theo chiều hướng tương tự. Giá bắt đầu tín hiệu giảm kể từ giữa tuần này do bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thị trường quặng sắt và nhu cầu đặt mua từ nước ngoài chậm lại. Hiện Đông Nam Á vẫn chưa muốn nhập phôi trở lại trong khi sức tiêu thụ tại Ai Cập cũng xuống khá thấp.
Diễn biến xấu của thị trường phôi thanh đã ảnh hưởng đến kế hoạch nâng giá thép cây thêm 10-15 USD/tấn của các nhà sản xuất, thậm chí là đang lèo lái giá theo chiều đi xuống. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực du nhu cầu trong thời gian tới dường như sẽ rất khó tăng mạnh trở lại.