Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 13/2011
Mặt trận thị trường hàng hóa thế giới đã có một tuần tăng giá liên tiếp trong tuần này, mà phần lớn do lèo lái bởi giá dầu thô điều chỉnh ấn tượng trong hai ngày giao dịch cuối cùng.
Câu chuyện lạm phát dường như đã trở thành đề tài bàn tán nóng bỏng nhất hiện nay, bởi nó đang lan rộng ra hầu hết các châu lục. Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, phân tích… đều cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc và để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, đó vẫn là một bài toán khó bởi tiền vẫn được nhiều nước đổ vào nền kinh tế.
Ở các nền kinh tế mới nổi, một thực trạng báo động về tăng trưởng quá nóng, đẩy lạm phát tại các quốc gia ngày càng trở nên trầm trọng. Giá cả leo thang đó nhưng nhu cầu vẫn chậm chạp vì người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu.
Đó chưa kể là khủng hoảng chính trị ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đang xô đẩy thế giới vào thế hỗn loạn. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu ở hai thị trường này, nhưng nhu cầu hàng hóa đã giảm mạnh. Bắc Phi và Trung Đông là cái nôi của dầu mỏ và là nhà cung cấp chính trên toàn thế giới. Sự bất ổn leo thang đang khiến nguồn cung dầu căng thẳng và đẩy giá leo thang vượt mức cao hơn hai năm qua.
Trong khi đó, tại châu Âu, các thị trường tài chính cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn. Tây Ban Nha thì vẫn chưa thể khẳng định có thành công trong việc tái cấu trúc nợ như đã hứa hay không, trong khi Bồ Đào Nha đang đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Đứng ở góc độ đó, thị trường thép thế giới cũng có những phản ứng khác nhau ở các khu vực. Tại châu Âu, giá hầu như không có biến động vì vẫn đang theo dõi diễn biến tiếp theo của thị trường năng lượng, các chỉ số kinh tế trong khu vực, trong khi ở châu Á (Trung Quốc là tăng đôi chút, trong khi các nước khác vẫn giảm.
Tuy nhiên, giá dầu thô tăng, các nước cũng điều chỉnh giá xăng dầu đã dẫn đến bước nhảy vọt của giá hàng hóa. Do vậy, giá thép được dự báo là sẽ tăng trong tuần tới do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đó chưa kể là giá nguyên liệu thô như quặng, than đá sẽ áp dụng giá mới tăng trong quý Hai, bắt đầu vào tháng Tư năm nay.
Thị trường thép châu Á
Ngay từ thứ Hai tuần này, giá thép ở châu Á (chủ yếu vẫn là Trung Quốc) đã nhích nhẹ sau một tuần giảm giá vào tuần trước đó. Niềm tin của các nhà kinh doanh đã tích cực hơn vào triển vọng nhu cầu trong tương lai sẽ tăng lên bởi quý Hai là cao điểm mùa xây dựng do thời tiết ấm áp và khô ráo hơn. Thêm vào đó, giá năng lượng được dự báo sẽ còn tăng nữa trong bối cảnh chiến sự và bất ổn ở các nước sản xuất dầu leo thang, mà nhu cầu được cho là sẽ cao hơn do Nhật sẽ cần một lượng nhiên liệu lớn cho hoạt động tái thiết sau động đất, chưa kể là sản xuất bắt đầu đi vào ổn định ở các nền kinh tế.
Nhật Bản
Nhiều dự án xây dựng ở nước này dự kiến được khởi động vào mùa hè ấm áp, vì vậy các nhà máy thép Nhật đang chạy hết công suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng dù vậy, Nhật chơi “đẹp” là không có chủ trương nâng giá thép dù nguồn cung của nước này có phần hạn chế vì nhiều nhà máy vẫn đang khắc phục như hư hỏng trong trận động đất hôm 11/03 vừa qua.
Mặc dù các nhà máy Nhật Bản có thể tự cung cấp thép cho thị trường trong nước, nhưng nước này vẫn cần nhập khẩu một lượng thép từ nước ngoài, nhất là thép của Trung Quốc, vì vậy thị trường thép Nhật Bản và cả khu vực châu Á sẽ ấm lên khi Nhật Bản khởi động mùa xây dựng trong quý Hai.
Hiện giá chào bán thép dầm S335 600x300mm của Nhật sang khu vực Đông Nam Á vẫn giữ nguyên ở mức 680 USD/tấn cfr giao tháng 06, không có gì thay đổi so với giá 860-880 USD/tấn cfr giao tháng 04 và tháng 05.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng không nâng giá bán nội địa. Cụ thể, Kyoei Steel, nhà sản xuất thép cây lớn nhất Nhật Bản, quyết định giữ nguyên giá thép cây kích thước vừa ở mức 70.000 Yên/tấn (859 USD/tấn) đối với các giao dịch tháng 04, dù lợi nhuận biên đang bị đe dọa.
Hàn Quốc
Gần đây, Hàn Quốc đang tăng cường đẩy mạnh nhập khẩu thép từ Trung Quốc vì lo ngại khả năng giá sẽ tăng trong thời gian tới khi Nhật bước vào công cuộc tái thiết đất nước bắt đầu từ quý Hai, qua đó sẽ lèo lái giá thép khu vực Đông Á biến động mạnh theo. Lượng hàng đặt từ Trung Quốc gần đây đã tăng mạnh đến 200.000-300.000 tấn. trong đó HRC có bo được Hàn Quốc nhập về với giá 710-730 USD/tấn cfr, còn hàng không có bo thì giá vào khoảng 800 USD/tấn cfr.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang khuyến khích lực mua của khách hàng xứ Kim Chi bằng cách hạ giá xuất khẩu tấm bản dày 30 USD/tấn xuống 710 USD/tấn cfr sau khi lực cầu của nước này giảm mạnh thời gian gần đây.
Thông tin gần đây về việc nhà sản xuất Posco sẽ nâng giá thép công nghiệp. Trong đó, HRC được dự báo là sẽ được nâng thêm 160.000 Won/tấn. Còn giá bán xuất hưởng của nhà sản xuất này hiện đang ở mức 900.000 Won/tấn (808 USD/tấn), còn CRC thì có giá 1,02 triệu Won/tấn (916 USD/tấn).
Đài Loan
Thị trường nhập khẩu của Đài Loan đang chững lại, mọi chào giá từ Trung Quốc cũng đều nhận lại sự e dè của các nhà nhập khẩu, bởi xu hướng thị trường chưa rõ ràng, mà giá thép tại Trung Quốc thì cũng chỉ mới nhích nhẹ trong tuần này.
Một số thương nhân cũng muốn mua vào sau khi có tin đồn Trung Quốc sẽ bãi bỏ chính sách hoàn thuế nhập khẩu các sản phẩm thép có boron, giá sẽ đội lên. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là tin đồn và mọi thứ sẽ sớm sáng tỏ vào đầu tháng Tư, vì vậy các nhà nhập khẩu tiếp tục chờ đợi.
Hiện giá thép HRC có bo đang được Trung Quốc chào bán vào Đài Loan với giá 720-730 USD/tấn cfr, còn HRC không có Bo chào bán ở mức 770-780 USD/tấn cfr.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng chào bán HRC 0,4mm vào Đông Nam Á với giá 860 USD/tấn cfr, nhưng nhu cầu ở Đông Nam Á vẫn yếu nên chưa có giao dịch ở mức này.
Do thị trường trong nước yếu, các nhà sản xuất cũng không còn đủ kiên nhẫn để giữ giá bán ở mức cao, vì vậy hậu hết đều đã điều chỉnh thấp xuống một chút để kích thích lực cầu.
Yieh United Steel Corp (Yusco), nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Đài Loan sẽ giảm giá bán trong nước 4.000 Đài tệ/tấn (136 USD/tấn) đối với thép tấm và thép cuộn cán nóng lẫn cán nguội dòng 300-series xuất khẩu trong tháng 04. Như vậy, HRC 304 2mm và CRC 304 2B 2mm sẽ có giá mới lần lượt là 115.000 Đài tệ/tấn (3.900 USD/tấn) và 119.000 Đài tệ/tấn (4.035 USD/tấn).
Tung Ho, Feng Hsin và Hai Kwang quyết định giảm giá thép cây 300 Đài tệ/tấn (10 USD/tấn). Thép cây SD280 của Feng Hsin còn 21.000 Đài tệ/tấn (712 USD/tấn), của Hai Kwang còn 20.500 Đài tệ/tấn và Tung Ho còn 21.500 Đài tệ/tấn.
Ấn Độ
Tình hình tiêu thụ thép ở Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện sau khi chững lại vài tuần gần đây. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất trong nước cũng buộc giữ nguyên giá hoặc hạ giá để phù hợp với bối cảnh thị trường. Thép cây 10-12mm vẫn có giá xuất xưởng vào khoảng 744-800 USD/tấn chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng giảm nhu cầu đối với thép ngoại dù giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước. Hiện thép CRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga cũng có sự điều chỉnh xuống 979-990 USD/tấn, thấp hơn giá trong nước khoảng 89 USD/tấn.
Đông Nam Á
Thị trường Đông Nam Á được nhắc nhiều nhất trong tuần này, vì đây là một trong những khu vực tiêu thụ thép nhiều nhất thế giới. Trong mấy tuần qua, tình hình nhập khẩu thép vẫn được mộ tả với hai từ “trầm lắng”. Mặc dù trong thời gian tới là mùa xây dựng cao điểm, nhưng hầu hết các nhà nhập khẩu vẫn chưa dám gom hàng mạnh tay vì xu hướng thị trường chưa rõ ràng.
Vả lại giá thép Trung Quốc nhích nhẹ trong tuần này chỉ là phép thử đối với thị trường, chủ yếu bị lèo lái bởi lạm phát, chứ thực tế lực cầu không có. Hơn nữa Bắc Kinh rất quyết tâm đối với chính sách thắt chặt tiền tệ để xoa dịu lạm phát, vì vậy giá thép sẽ khó tăng.
Về thép xây dựng
Các nhà nhập khẩu trong khu vực vẫn tin rằng giá thép xây dựng sẽ giảm giá, vì vậy họ đã hạ giá chào mua xuống thấp, nhưng các nhà cung cấp vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang chào bán thép cây vào Singapore với giá 700-710 USD/tấn, nhưng gần đây vẫn chưa có thông tin nào về giao dịch vì khách hàng Singapore muốn mua với giá thấp hơn khoảng 20 USD/tấn.
Trong khi đó, thép cuộn trơn có boron từ Trung Quốc chào bán vào Philippines với giá 700 USD/tấn cfr, nhưng sẽ không có ai mua nếu như giá không giảm xuống mức 690 USD/tấn cfr, một thương nhân ở nước này nói.
Về thép công nghiệp
Giá CRC giao ngay tại thị trường Đông Nam Á đã hồi về dưới ngưỡng 900 USD/tấn cfr do niềm tin thị trường cũng như giá HRC suy yếu.
Giá chào CRC 0.4mm (full hard) từ Đài Loan hiện có giá 860 USD/tấn cfr, vẫn không có gì thay đổi so với trước đó. Các nhà sản xuất tuyến một của Trung Quốc hiện đang chào bán CRC đã ủ kích thước 0.7mm với giá 850-880 USD/tấn, còn giá chào từ các nhà sản xuất tuyến hai là 830-850 USD/tấn cfr.
Nhà cung cấp Ukraina chào bán thép tấm đóng tàu sang Singapore với giá 860-880 USD/tấn cfr, không có gì thay đổi so với đầu tháng 03. Trong khi đó, các giá chào gần đây đối với thép tấm cắt khổ chứa boron từ nhà sản xuất Trung Quốc bán sang Singapore với giá 770 USD/tấn.
“Hiện vẫn chưa có ai đặt mua hàng, thị trường vẫn trầm lắng.” một thương nhân Singapore nói. Lực mua không mạnh vì các nhà nhập khẩu dự đoán giá thép sẽ sớm suy yếu. Tuy nhiên, các nhà cung cấp vẫn giữ nguyên giá chào bán vì chi phí sản xuất cao, hơn nữa họ kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trở lại.
Phôi
Giá chào phôi từ Hàn Quốc và CIS sang Đông Nam Á hiện vẫn được giữ nguyên mức 680-685 USD/tấn cfr. Tuy nhiên, giá chào từ Đài Loan đã giảm xuống còn 640-650 USD/tấn cfr (665-675 USD/tấn cfr), từ mức giá tuần trước là 660 USD/tấn, nhưng vẫn không có người mua.
Thị trường phôi cho thấy các dấu hiệu đi xuống kể từ tuần trước do nhu cầu phôi cũng như mức tiêu thụ thép thành phẩm quá thấp. Giá chào phôi từ Malaysia sang Việt Nam hiện ở mức 690 USD/tấn cfr nhưng khách hàng Việt Nam cũng không mặn mà lắm với mức chào này.
Tại Thái Lan, thị trường nhập khẩu phôi cũng khá trầm lắng, hiện đang được giao dịch ở mức 650-660 USD/tấn cfr. Phôi tấm từ CIS được chào bán với giá 680-685 USD/tấn cfr. Một thương nhân Thái Lan cho biết phôi từ Bắc Mỹ hiện có giá là 675-680 USD/tấn nhưng vẫn chưa có hợp đồng nào được thỏa thuận. Người tiêu dùng trực tiếp thích dùng phôi nội địa vì có giá rẻ hơn phôi nhập khẩu.
Thị trường thép CIS
Các giá chào phôi từ CIS sang Biển Đen vẫn duy trì ở mức 610-630 USD/tấn fob, tuy nhiên mức giao dịch thực tế là 610-615 USD/tấn fob. Nhưng đa số khách hàng không muốn mua với giá cao hơn 600-610 USD/tấn nên thị trường vẫn trong tình trạng ế ẩm.
Một số đại lý ở Philippines cho biết, do trạng thái thị trường không lạc quan và giá thép thanh vằn nội địa xuống thấp nên các đại lý hầu như không quan tâm đến việc nhập khẩu phôi.
Tình hình xuất khẩu thép sang khu vực Trung Đông và bắc Phi tuần này vẫn yên ắng do bất ổn chính trị vẫn đang xảy ra. Các quốc gia CIS hiện vẫn đang đi tìm những thị trường thay thế mới.
Thị trường thép châu Âu
Tình hình khủng hoảng tài chính ở châu Âu đang ngày một trầm trọng, vì vậy khó mà khẳng định được nhu cầu thép ở khu vực này sẽ cải thiện trong ngày một ngày hai.
Chưa kể là những thị trường xuất khẩu truyền thống là Bắc Phi và Trung Đông cũng giảm mạnh, nên thép sản xuất ra bị tồn đọng khá nhiều. Mới đây, dù các nhà sản xuất đã tìm đến những thị trường thay thế mới, trong đó có Đông Nam Á, nhưng phải khẳng định rằng họ đang rơi vào thế khó vì Đông Nam Á vốn là thị trường mà các nước Đông Á và CIS chiếm lĩnh. Với lại, giá của họ cũng không mấy cạnh tranh, trong khi địa lý lại quá xa, kéo dài thời hạn giao hàng.
Về thép xây dựng
giá thép cây và cuộn trơn dạng kéo từ nam Âu vẫn duy trì không đổi so với mức giá cuối tháng 02 do nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu suy yếu
Các nhà sản xuất ở Italy và Tây Ban Nha nỗ lực nâng giá thép cây nội địa hồi giữa tháng 03 thêm 5-10 EUR/tấn nhưng không thành. Giá cơ bản tại khu vực này hiện là 250-280 EUR/tấn, tương đương với giá giao tận nơi là 510-520 EUR/tấn (718-732 USD/tấn). Giá cuộn trơn dạng kéo lưới ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 550-570 EUR/tấn.
Thép công nghiệp
Các nhà sản xuất nội địa hiện vẫn giữ nguyên giá ở mức 690-700 EUR/tấn (972-986 USD/tấn) xuất xưởng. Các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn từ hàng nhập khẩu có giá mềm hơn rất nhiều. Trong đó HDG nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thứ ba khác hiện vẫn ở mức thấp 650 EUR/tấn.