Trái với thị trường vàng và dầu lửa đang tăng nóng trong tuần qua, mặt hàng nhạy cảm khác như thép vẫn theo từng bước đi chậm rãi và khó đoán biết xu hướng nếu nhìn theo tổng thể thị trường trên toàn thế giới.
Ở mỗi nơi đều có những diến biến khác nhau chứ không hội tụ thành một để nhìn thị trường nơi này đoán biết được xu hướng thị trường nơi khác.
Trong khi Châu Âu đang đau đầu với hàng nhập khẩu vì phải nhận bất lợi về phía mình do biến động tỷ giá, thì các nước Châu Á điển hình như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn có thể kiểm soát được thị trường nội địa của mình.
Tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn ở Trung Đông và Bắc Mỹ khiến cho thị phần thép Châu Âu tại các khu vực này bị thu hẹp, hơn nữa hàng ngoại nhập lại cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa nên giá thép tại các nước đồng tiền chung tuần qua giảm xuống sau những nỗ lực giữ giá hồi giữa tháng 03.
Thường thì thị trường thép Trung Quốc rất dễ ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường thế giới, nhưng trong tuần qua, Trung Quốc đơn lẻ theo hướng đi lên cả về nhu cầu lẫn giá bán bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ để rồi bỏ lại đằng sau các nước lân cận đang chống chọi với cảnh đìu hiu ế ẩm trên thị trường.
Châu Á
Tổng thể thị trường Châu Á tuần này vẫn chuyển biến theo xu hướng của tuần trước. sự rối rắm đan xen giữa các thị trường vẫn chưa chấm dứt và hiện đang ở trạng thái phân kỳ.
Mặc dù thị trường Quốc tuần này có nhiều dấu hiệu ấm lên tại thị trường giao ngay ở cả hai chiều mua bán, giá cả lẫn nhu cầu, nhưng ở một số nước khu vực Đông Nam Á chưa thể nói là đã khởi sắc.
Đông Nam Á
Tuần này, Đông Nam Á vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm của mấy tuần trước đó. Lực mua tại thị trường nội địa yếu nên các nhà nhập khẩu khu vực này tỏ ra rất dè dặt trước quyết định gom thêm hàng từ nước ngoài.
Do các khu vực lân cận đã ấm lên nên giá chào bán từ những nơi này sang Đông Á cũng được điều chỉnh tăng. Được biết, các nhà cung cấp Trung Quốc tuần này chào bán SS400B sang Việt Nam với giá cao hơn 10 USD/tấn so với tuần trước, ở mức 720-730 USD/tấn cfr. Không chỉ Trung Quốc mà Đài Loan và Hàn Quốc cũng có ý định nâng giá xuất khẩu HRC cán lại sang Việt Nam lên mức 780-790 USD/tấn cfr. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Việt Nam khó có thể chấp nhận các giá chào trên vì thị trường trong nước vẫn trầm lắng.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, doanh số bán các sản phẩm thép dài xây dựng trong tháng 03 rồi chỉ đạt mức 328.000 tấn, giảm 30,8% so với tháng trước, đồng thời giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như chính sách tăng lãi suất và sự suy yếu của VNĐ khiến cho người mua dè dặt hơn tại thị trường Việt Nam, thì ở Thái Lan nhu cầu thép giảm là do ảnh hưởng từ sự bất ổn chính trị khiến các nhà đầu tư không mạnh tay chi vốn cho các hoạt động xây dựng và đầu tư bất động sản.
Với nguyên nhân trên, nhu cầu thép dài của Thái Lan trong 02 tháng đầu năm giảm 17,6% đã kéo theo mức tiêu thụ thép thành phẩm giảm 2,6% xuống còn 2,31 triệu tấn.
Tại thị trường Singapore, nhu cầu thép nhìn chung cũng không khá hơn mấy. Mặc dù các nhà cung cấp nước ngoài đã nhún nhường chào giá thấp hơn trước nhưng vẫn không đủ hấp dẫn lực mua tại nước này vì khách hàng mang nặng tâm lý giá sẽ còn giảm nữa.
Trong tuần này, giá thép cây nhập khẩu tại Singapore đã về dưới ngưỡng 700 USD/tấn. Trong đó giá chào từ Thổ Nhĩ Kỳ là 680 USD/tấn từ mức trước đó là 700-710 USD/tấn. Đài Loan cũng giảm giá chào xuống còn 690 USD/tấn từ mức 720 USD/tấn trước đó.
Đối với thị trường nguyên liệu thô, mặc dù các giá chào bán duy trì ổn định nhưng hầu hết khách hàng đều dự báo giá sẽ giảm xuống trong ngắn hạn do nguồn cung hiện đã dồi dào hơn vì thời tiết ở bắc bán cầu đã ấm trở lại.
Các nhà cung cấp Mỹ hiện đang hướng đến mức giá chào 470 USD/tấn đối với phế tháo dỡ từ container xuất sang thị trường Đông Nam Á. Nhưng các nhà nhập khẩu khu vực này muốn mua loại nguyên liệu trên từ các nhà cung cấp khác vì có giá chào thấp hơn từ Mỹ. Phế Trung Đông hiện đang được chào bán sang khu vực này với giá 460 USD/tấn cfr, còn giá chào từ Trung Mỹ là 440-450 USD/tấn cfr. Phế từ Tây Phi bán sang Indonesia tuần này cũng có giá là 455 USD/tấn cfr.
Ấn Độ
Tuần này, thị trường thép Ấn Độ diễn biến khá tốt. Nhờ nhu cầu tăng ổn định nên các nhà sản xuất tự tin với chiến lược nâng giá của mình.
Các nhà sản xuất thép hình Ấn Độ trong 02 tuần qua đã nâng giá thép dầm hình H, thép hình chữ U thêm khoảng 600-800 Rs/tấn (13-18 USD/tấn. Trong đó thép hình chữ V 50x50mm, thép dầm 125x70mm và thép hình chữ U hiện đang có giá bán khoảng 34.000-36.000 Rs/tấn (767-812 USD/tấn), chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Còn đối với thép hình chữ V 90x90mm, thép dầm 200x100mm và thép hình chữ U 150x75mm thì có giá khoảng 35.500-37.000 Rs/tấn, chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT.
Bên cạnh đó, nhu cầu HRC tại thị trường nước này cũng đang duy trì khá tốt. Tuy nhiên, các giao dịch đối với HRC nhập từ nước ngoài không nhiều lắm vì hàng nội địa có khả năng cạnh tranh khá cao.
Cũng trong tuần này, các nhà cung cấp Trung Quốc đã chào bán HRC sang Ấn Độ với giá 750 USD/tấn cfr nhưng các nhà nhập khẩu nước này chỉ đồng ý mua ở mức 730-735 cfr mà thôi. Còn HRC nội địa có giá xuất xưởng là 34.500-35.500 Rs/tấn (776-798 USD/tấn).
Nhật Bản
Trong tuần này, các nhà sản xuất Nhật Bản đang lăm le việc nâng giá xuất khẩu thép ống không gỉ vì cho rằng chi phí nguyên liệu thô đang tăng cao nên phải điều chỉnh giá nhằm bù đắp các chi phí đầu vào. Hơn nữa, động thái nâng giá có thể sẽ làm nhu cầu ổn định hơn vì ít ra niềm tin thị trường cũng được cải thiện.
JFE Steel và Sumitomo Metal Industries (SMI) dự định sẽ nâng giá thép ống không gỉ xuất khẩu thêm 400-500 USD/tấn đối với các giao hàng từ tháng 04 đến tháng 09 năm này. Đối với thép ống không hàn và thép chuyên biệt giao từ tháng 04 đến tháng 06, công ty quyết định tăng giá thêm 200 USD/tấn và dường như được khách hàng chấp nhận. Hiện tại công ty này đang lên kế hoạch nâng giá thêm 200-300 USD/tấn đối với các giao hàng từ tháng 07 đến tháng 09. Nhưng ngược lại, SMI hiện vẫn chưa có chiến lược cụ thể đối với việc điều chỉnh giá bán của mình.
Thị trường phế tại Nhật Bản ấm lên trong tuần này, và dường như các hoạt động thu mua diễn ra sôi nổi hơn trước.
Để chuẩn bị nguồn phế cho sản xuất trong suốt kỳ nghỉ tuần lễ vàng kéo dài từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 05, nên các nhà sản xuất Nhật Bản tăng cường gom phế tích trữ. Gía loại nguyên liệu này cũng được các nhà thu mua nâng lên nhằm đảm bảo hoạt động thu mua diễn ra được thuận lợi.
Với quyết định nâng giá thu mua phế thêm 1.000 Yên/tấn (12 USD/tấn) bắt đầu áp dụng từ ngày thứ Hai tuần này, hiện giá thu mua phế H2 của Tokyo Steel là 39.000 Yên/tấn (447 USD/tấn) nếu giao hàng tại Okayama, Kyushu và Tahara, còn giao tại Takamatsu và Utsunomiya thì có giá 38.000 Yên/tấn.
Tuy nhiên, giá thép dầm hình H trong tháng 04 này chỉ có thể dậm chân tại chổ. Nippon Steel đã quyết định giữ nguyên giá bán không đổi vì mức giá hiện tại là quá cao nên tăng giá là điều khó có thể được khách hàng chấp nhận dẫu biết rằng mức giá hiện tại rất có thể sẽ đóng băng nguồn lợi nhuận của nhà sản xuất.
Dù vậy Nippon Steel cũng không thể làm gì hơn vì nhu cầu chưa cải thiện mà lượng tồn thì cứ chất đầy thêm. Một điều chắc chắn là công ty này sẽ không chịu đứng nhìn lợi nhuận biên “què quặt” mà sớm muộn rồi cũng sẽ nâng giá để nhân rộng khoản tiền lời, tuy nhiên điều cấp thiết lúc này là phải nỗ lực giải phóng lượng thép tồn.
Nippon Steel đã nâng giá thép dầm hình H giao tháng 03 thêm 20.000 Yên/tấn (238 USD/tấn và đang nhắm đến mức giá 100.000 Yên/tấn (1.190 USD/tấn) cho các giao dịch thép dầm hình H kích thước lớn. Hiện loại nguyên liệu này được Nippon Steel bán với giá thấp hơn nhiều, ở mức 81.000 Yên/tấn (964 USD/tấn). Còn giá tại thị trường Tokyo hiện đang ở khoảng 83.000-84.000 Yên/tấn.
Nhà máy Kamaishi của Nippon Steel ở phía bắc Nhật Bản cũng bắt đầu hoạt động trở lại hôm 13/04 rồi. Nhà máy sản xuất thép cuộn trơn chuyên biệt với công suất 60.000 tấn này đã bị tàn phá sau thảm họa sóng thần hôm 11/03.
Đài Loan
Không có dấu hiệu khởi sắc như các thị trường lân cận, thị trường thép cây Đài Loan tuần này vẫn trượt dài theo đà giảm của 03 tuần trước đó. Giá phế đi xuống, nhu cầu chưa cải thiện được cho là những nguyên nhân chính kéo giá thép tại thị trường nước này tiếp tục tuột dốc.
Hơn nữa, các nhà sản xuất lân cận cũng đang theo xu hướng điều chỉnh giá giảm, do đó các sản phẩm thép của Đài Loan phải giảm theo nhằm đảm bảo tính cạnh tranh.
Giá thép cây nội địa tiếp tục hạ bậc, ngay cả nhà sản xuất đàn anh như Feng Hsin Iron & Steel cũng phải điều chỉnh giá giảm 400 Đài tệ/tấn (14 USD/tấn), kéo giá thép cây SD280 kích thước vừa tuần này về mức 20.300 Đài tệ/tấn (697 USD/tấn).
Tương tự, Hai Kwang ở phía nam Cao Hùng cũng đã giảm thép loại trên khoảng 400 Đài tệ tấn, và hiện giá bán của nhà sản xuất này chỉ còn 19.800 Đài tệ/tấn mà thôi.
Tuy nhiên, Đài Loan lại nâng giá xuất khẩu thép tấm không gỉ sang Trung Quốc thêm 50 USD/tấn lên mức 3.650-3.750 USD/tấn từ mức giá tuần trước là 3.600-3.700 USD/tấn vì giá thép tại nước này đang tăng lên.
Hàn Quốc
Với nhận định thị trường thép Hàn Quốc tương đối tốt và sớm muộn rồi Posco cũng sẽ nâng giá bán tại thị trường nội địa nên các nhà xuất khẩu đã nâng giá bán sang nước này. Trung Quốc tuần này quyết định nâng giá HRC SS400B lên 730 USD/tấn cfr sang Hàn Quốc, từ mức giá giữa tháng 03 là 690 USD/tấn cfr.
Ngược lại, Hàn Quốc cũng đang nhắm đến mức giá 780-790 USD/tấn cfr cho các xuất khẩu HRC cán lại sang Việt Nam. Tuy nhiên, vì thị trường nội địa rất yếu nên các nhà nhập khẩu Việt Nam khó lòng để nhận mua với giá trên.
HRC tiêu chuẩn thương phẩm hiện được các nhà cung cấp Hàn Quốc xuất sang phía nam Trung Quốc với giá 760-790 USD/tấn fob và họ đang nhắm đến mức giá cao hơn trong tháng tới, ở khoảng 800 USD/tấn fob nhằm bù đắp khoản chi phí nguyên liệu thô cao hơn.
Cũng tại thị trường phía nam Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang chào bán thép tấm cán nóng không gỉ 304 với giá 3.650-3.750 USD/tấn cfr, không có gì thay đổi so với trước đó.
Đối với phôi xuất khẩu, do đang hưởng lợi từ mức thuế 3 % nhập khẩu sang Philippines nên sản phẩm của Hàn Quốc có tính cạnh tranh hơn so với của Đài Loan và Nga khi nhập sang nước này. Hiện giá phôi chào sang Philippines là 660-665 USD/tấn cfr.
Châu Âu
Tuần này, thị trường thép cuộn Châu Âu giảm mạnh, giá HRC ở cả hai thị trường đều tuột khỏi mốc 600 EUR/tấn. Giá xuất xưởng tham khảo đối với HRC tại Bắc Âu giảm xuống còn 598 EUR/tấn (854 USD/tấn), còn HDG xuống còn 724 EUR/tấn (1.034 USD/tấn). Còn tại Nam Âu CRC cũng mất khoảng3-5%, và hiện đang có giá khoảng 671 EUR/tấn (958 USD/tấn).
Giá thép cây tại nam Âu cũng giảm xuống còn 508 EUR/tấn nhưng tại bắc Âu, giá đã nhích thêm 08 USD/tấn.
Còn đối với thép tấm, mặc dù hàng ngoại nhập tràn sang khu vực này và có giả rẻ hơn so với sản phẩm nội địa, nhưng xem ra khách hàng cũng như các thương nhân vẫn ưa chuộng thép nội địa hơn. Hiện giá thép tấm nhập khẩu và nội địa chênh lệch nhau khoảng 50-70 EUR/tấn.
Giá xuất xưởng tham khảo thép tấm Châu Âu tuần này giảm 1,5%, ở xuống còn 705 EUR/tấn (1.007 USD/tấn).
Tuy các nhà sản xuất thép tấm tây bắc Âu thông báo nâng giá thép tấm giao tháng 04 và khả năng thép S235 sẽ có giá xuất xưởng tăng lên 790 EUR/tấn (1.145 USD/tấn) nhưng chưa ai dám chắc mức điều chỉnh mới này có được khách hàng chấp nhận hay không vì hiện giá S235 chỉ ở mức 730-750 EUR/tấn mà thôi.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà sản xuất thép bắt đầu đặt mua phế nhập khẩu trở lại nhằm tái bổ sung lượng dự trữ đang xuống thấp.
Gần đây, 05 lô hàng hổn hợp HMS 1&2 80:20, phế vụn và phế bonus được mua với giá lần lượt là 445 USD/tấn cfr, 450 USD/tấn cfr và 455 USD/tấn cfr. Mỗi lô hàng có khối lượng khoảng 40.000 tấn và có giá không đổi so với tuần trước.
Tuy nhiến giá chào bán từ Mỹ trong tuần này thấp hơn so với tuần trước 5 USD/tấn. Trong đó HMS 1&2 80:20 có giá là 445 USD/tấn cfr và 420 USD/tấn cfr là mức giá phế vụn. Còn các nhà cung cấp khu vực EU hiện đang chào giá 420 USD cho mỗi tấn cfr HMS 1&2 70:30.
Giá HRC tại nước này giảm 100-120 USD/tấn từ tháng trước và trong tuần này có giá xuất xưởng là 710-750 USD/tấn, còn các nguyên liệu tồn thì được chào bán với giá 700 USD/tấn. Gía CRC được các nhà sản xuất nước này bán với giá 840-890 USD/tấn, còn HDG dày 0.5 mm thì có giá 940 USD/tấn.
CIS
Sau nhiều nỗ lực giữ giá từ cuối tháng 03, đến tuần này các nhà sản xuất thép tấm cán nóng CIS quyết định điều chỉnh giá giảm xuống và khả năng xu hướng đi xuống này có thể sẽ kéo dài sang tháng 05.
Sự biến động tỷ giá vẫn đang là án treo lơ lững cho các nhà xuất khẩu, mặc dù MMK đã điều chỉnh HRC bán sang Trung và Đông Âu xuống còn 560 Euro/tấn (806 USD/tấn giảm 20 EUR/tấn so với 02 tuần trước, nhưng nếu tính theo đồng USD thì giá chỉ xuống 12 USD mà thôi, tương tự CRC cũng vậy, dù đã giảm 15 EUR/tấn xuống còn 635 Euro/tấn (914 USD/tấn) nhưng quy theo giá USD thì không những không giảm mà giá bán còn nhích lên.
Do không thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất Đông Nam Á nên thép CIS chủ yếu được xuất khẩu sang Bắc và Nam Mỹ và các nước Châu Âu mà thôi. Giá xuất khẩu HRC của MMK sang các nước, không có hạn ngạch nhập, đã giảm tới 20 USD/ tấn xuống còn 710 USD/ tấn FOB xuất từ cảng Novorossiysk, còn xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ thì có giá cao hơn 10 USD/tấn.
MMK của Nga cũng xuất khẩu HRC sang Đông Á trong tuần này với giá 740 USD/tấn FOB xuất từ cảng Vladivostok, thấp hơn 10–15 USD/tấn so với đơn đặt giao tháng 4, tuy nhiên mức giá này vẫn không hấp dẫn khách hàng khu vực này.
Cũng trong tuần này, con số xuất khẩu phôi CIS đã tăng lên.Các giá chào bán sang Biển Đen đã được điều chỉnh giảm 5-10 USD/tấn, tại mức giá 590-595 USD/tấn các nhà xuất khẩu khu vực này đã bán được khối lượng tương đối lớn, 100.000 tấn sang Biển Đen. Tuy nhiên khả năng xuất khẩu sẽ giảm trong thời gian tới vì tình trạng bất ổn ở Trung Đông vẫn đang tiếp diễn, Iran chưa có tín hiệu cho thấy sẽ sớm quay lại thị trường, cùng lúc Đông Nam Á cũng đang suy yếu tại thị trường nội địa.
Hiện Nga đang chào bán phôi sang Đông Nam Á với giá từ 670-675 USD/tấn CFR, giảm 5 USD/tấn so với một vài tuần qua.