Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 16

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 16

Xu hướng đi xuống của thị trường thép thế giới vẫn chưa dừng lại trong tuần giao dịch thứ 16 vừa qua do nền kinh tế trì trệ đang tác động mạnh đến nhu cầu. Bên cạnh đó, sự suy yếu của giá nguyên liệu thô và tình trạng sản xuất quá mức cũng là yếu tố tác động lên giá.

Tuy nhiên triển vọng thị trường quý 02 được cho là sẽ có sự cải thiện nhẹ. Mặc dù giá giao dịch trên thị trường vẫn duy trì đà đi xuống nhưng các chào bán tháng 05, tháng 06 đang được các nhà sản xuất nhắm đến tăng giá.

Đông Nam Á

Thị trường thép thế giới trong tuần này tiếp tục theo xu hướng đi xuống và dường như chưa có dấu hiệu cải thiện. Đông Nam Á cũng nằm trong diễn biến chung này, hầu hết các chào bán đều có giá thấp hơn trước nhưng vẫn chưa thuyết phục được khách hàng đặt mua.

Bên cạnh sự ế ẩm của nhu cầu, niềm tin thị trường suy yếu cũng là nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến số lượng giao dịch trong tuần này. Đa số các nhà nhập khẩu Đông Nam Á đều cho rằng giá sẽ còn giảm nữa và quyết định đặt mua trong lúc này chẳng khác gì chuốc lấy rủi ro lớn. Một số đang tham gia thị trường thì tìm kiếm các đơn hàng giá thấp nhằm phòng dư giá còn xuống nữa.

Tại Việt Nam, thái độ hờ hững, thờ ơ với các chào bán từ nhà cung cấp HRC nước ngoài được thể hiện rất rỏ. Nhiều người thậm chí không quan tâm đến việc các nhà xuất khẩu muốn chào giá bao nhiêu. Đơn giản là họ không có nhu cầu và cũng không thấy lợi ích gì để gom hàng tích trữ trong lúc này.

HRC SAE 1006B của Trung Quốc hiện đang được chào bán phổ biến ở mức 580-590 USD/tấn cfr Việt Nam, còn HRC SS400B là 570-580 USD/tấn cfr.

Còn tại Thái Lan, không khí lễ hội Songkran (diễn ra vào giữa tháng 4) đang lấn át tinh thần làm việc của các nhà kinh doanh thép. Giá chào phôi từ CIS và Đài Loan đã giảm xuống thấp hơn so với tháng trước nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến điều này. Thị trường vẫn trầm lắng và rất ít giao dịch thành công.

Giá chào bán phôi thanh từ CIS hiện là 550 USD/tấn cfr và chào bán của Đài Loan là 555 USD/tấn cfr.

Chào ban thép dầm hình H sang Đông Nam Á cũng giảm xuống so với tháng trước. Sản phẩm S275 khổ lớn đang được Đông Á chào bán ở mức 720-730 USD/tấn cfr, giao cuối tháng 05, đầu tháng 06. Mức giá tháng trước là 730-740 USD/tấn cfr.

Đài Loan

Nhu cầu đặt mua thép cây tại thị trường Đài Loan đã cải thiện hơn trước nhờ chính sách áp dụng chiết khấu từ một số nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên trong tuần này một số nhà sản xuất đã bỏ chiết khấu và áp dụng lại mức giá cũ vì cơ bản đã nhận được một số đặt mua nhất định.

Dù vậy thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng suy yếu trong những tuần tới do xu hướng chung của thế giới cũng như chịu tác động tiêu cực từ giá phế liệu.

Giá thu mua phế HMS 1&2 (80:20) của Feng Hsin hiện vẫn duy trì ở mức 10.500 Đài tệ/tấn, không có gì thay đổi so với tuần rồi. Tuy nhiên phế nhập khẩu 80:20 đã giảm 9 USD/tấn so với tuần trước, xuống còn 359 USD/tấn cfr.

Giá thép cây khổ cơ bản của Feng Hsin sau khi bỏ chiết khấu đã khôi phục lại mức 17.800 Đài tệ/tấn (594 USD/tấn).

Nhật Bản

Tình hình tiêu thụ thép tại Nhật Bản trong tháng 04 này vẫn diễn biến chậm nên các chào bán từ các nhà sản xuất nội địa dường như không có điều chỉnh mới.

Giá thép dầm hình H tại Tokyo vẫn ổn định ở mức như tháng 03, ở khoảng 70.000-71.000 Yên/tấn.

Tuy nhiên giá bán trong tháng tới có thể sẽ tăng lên bởi một số nhà sản xuất đã đặt mục tiêu nâng giá trong quý 2 và 3 năm này. Điển hình là Nippon, nhà sản xuất này dự định sẽ nâng giá thêm 10.000 Yên/tấn (100 USD/tấn).

Về nhập khẩu, Posco Hàn Quốc dự định sẽ nâng giá HRC và CRC xuất khẩu tháng 05-tháng 07 sang Nhật thêm 5.000-7.000 Yên/tấn (50-70 USD/tấn). Các nhà sản xuất Hàn Quốc đang thắt chặt số lượng xuất khẩu để tập trung cho thị trường trong nước, do đó khả năng họ chấp nhận mức giá thấp hơn có thể sẽ không xảy ra. Hiện sức mua tại thị trường Nhật Bản đang chậm, nhưng với sự cứng rắn của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc rất có thể sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nội địa nâng giá, đẩy giá tại thị trường nội địa đi lên.

Hiện HRC SS400 3mm nội địa đang dao động quanh mức 54.000-55.000 Yên/tấn.

Còn đối với xuất khẩu, giá CRC giao tháng 05 và tháng 06 đang được các nhà sản xuất Nhật Bản nhắm đến mức 620 USD/tấn cho khách hàng Hàn Quốc. Cuộc đàm phán giữa hai bên đã được khởi động trong tuần này, song phía Hàn Quốc đang đề xuất giá về mức 590-600 USD/tấn fob. Ngoài CRC, các sản phẩm như phôi và phế liệu cũng đang được các nhà xuất khẩu Nhật Bản đặt mục tiêu nâng giá.

Ấn Độ

Trong tháng 04 này, hầu như nỗ lực nâng giá HRC thêm 1.000 Rs/tấn (18,4 USD/tấn) của các nhà sản xuất Ấn Độ đã thất bại hoàn toàn, chỉ một số rất nhỏ là chấp nhận giá tăng 200-300 Rs/tấn và số còn lại buộc phải chấp nhận giá như tháng 03.

Sở dĩ như vậy cũng không có gì lạ và thất vọng, xu hướng đi xuống đang bao phủ khắp toàn cầu và việc giữ giá ổn định trong lúc này cũng đã là một thành công lớn. Hơn nữa nhu cầu tại Ấn Độ đang chậm chạp và không hậu thuẫn cho giá.

Tuy nhiên hiện nay thép nhập khẩu của Trung Quốc không có tính cạnh tranh, mang đến nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất nâng giá bán khi thị trường phục hồi trở lại.

Về tình hình xuất khẩu,  các chào bán HDG của Ấn Độ sang Mỹ vẫn ổn định nhưng giá chào mua từ khách hàng quá thấp. Mức chênh lệch giữa chào mua và chào bán hiện đang ở khoảng 50-60 USD/tấn nên rất ít hợp đồng được chốt. Xuất khẩu sang Châu Phi cũng gặp khó khăn tương tự, nhiều khách hàng vẫn có nhu cầu đặt mua song không mấy tin tưởng vào thị trường và luôn có thái độ ép giá.

Châu Âu

Châu Âu vẫn là thị trường thép đứng đầu về mức độ ảm đạm trong tuần qua. Hầu như các giao dịch vẫn chưa được khơi thông trở lại do chịu nhiều tác động xấu cùng một thời điểm.

Trong đó khủng hoảng nợ công vẫn là yếu tác động sâu nhất và dài nhất lên thị trường thép. Hoạt động sản xuất từ các ngành tiêu dùng thép của Châu Âu trì trệ cũng như việc thiếu vốn đầu tư đã kéo doanh số bán thép của Châu Âu sụt giảm nghiêm trọng tại thị trường nội địa.

Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt càng làm cho các giao dịch trở nên khó khăn hơn. Các công trình xây dựng theo lý do này cũng bị ngưng trệ và làm việc với tiến độ rất chậm. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án khác bị xỏa sổ vì môi trường kinh doanh yếu kém.

Đối với các sản phẩm thép dài, giá chào bán tại các thị trường nội địa vẫn ổn định như tháng 03 nhưng đang chịu áp lực đi xuống bởi hàng nhập khẩu và sự đi xuống của phế liệu.

Hiện xuất khẩu được các nhà sản xuất chú trọng hơn và có xu hướng đẩy mạnh nhằm bù đắp cho tình hình kinh doanh chậm chạp ở trong nước. Thép cây xuất khẩu đầu tuần rồi của Nam Âu được chốt tại mức 465 EUR/tấn fob, cuộn trơn dạng lưới có giá khoảng 485 EUR/tấn fob.

Còn đối với thép cuộn, mặc dù các nhà sản xuất nội địa đã chấp nhận hạ mức chào bán nhưng hiện vẫn chưa đấu lại với thép nhập khẩu.

Chào bán HRC của Nam Âu đang ở mức 480-485 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản, còn giá chào từ Nga là 460-465 EUR/tấn cif Châu Âu, Ukraina là 440 EUR/tấn cif Italia giao tháng 05.

Các chào bán giao cuối tháng 06/tháng 07 từ Châu Á là 470 EUR/tấn cif Antwerp.

Thép tấm cũng mất 20 EUR/tấn so với tháng trước và S235 thương phẩm tại Italia hiện có giá 470-480 EUR/tấn xuất xưởng.

Thị trường đang chịu áp lực bởi số lượng thép nhập khẩu từ Châu Á đang ở cảng Châu Âu được bán với giá tương đối hấp dẫn, ở khoảng 460 EUR/tấn xuất cảng.

Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù các nhà xuất khẩu CIS tiếp tục hạ giá chào bán xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các nhà sản xuất nội địa nước này cương quyết sẽ không điều chỉnh giá chào xuống dưới 600 USD/tấn.

HRC nội địa hiện đang được chào ở khoảng 600-615 USD/tấn nhưng giá giao dịch thấp hơn khoảng 10 USD/tấn.

Đa số các giao dịch chủ yếu là nhằm mục đích dùng ngay nhưng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Còn đối với CRC, nhu cầu những ngày gần đây cũng đang tăng lên do số lượng thép tồn kho đã xuống thấp. Các chào bán nội địa hiện là 720-730 USD/tấn và các nhà sản xuất không có ý định giảm thêm nữa mặc dù chào bán từ Nga đã giảm xuống mức thấp 660-670 USD/tấn cfr.

CIS

Dù giá chào thép cuộn xuất khẩu đã giảm 20 USD/tấn so với tháng trước nhưng số lượng đặt mua từ khách hàng nước ngoài cho đến thời điểm này tăng không đáng kể.

Nhiều người cho rằng giá sẽ tiếp tục giảm thêm nữa trong thời gian tới nên cũng chẳng vội vã với quyết định đặt mua.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, CIS cũng đang mở rộng xuất khẩu sang các nước ở khu vực Nam Âu và Đông Âu.

Giá HRC tại Platts hôm thứ Ba tuần rồi là 540 USD/tấn fob Biển Đen, CRC là 630 USD/tấn fob biển Đen, cả hai giảm lần lượt ở các mức 7,5 và 4 USD/tấn so với trước đó.

Còn đối với xuất khẩu phôi thanh, giá bán sang Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống còn 530 USD/tấn cfr, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khoảng 550-560 USD/tấn cfr.