Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 20

Tổng  quan thị trường thép thế giới tuần 20

Trong khi nợ công Châu Âu chưa được giải quyết triệt để và Hy Lạp đang trên bờ vực vỡ nợ thì vụ bê bối của tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế, ông Dominique Strauss-Kahn, như đổ thêm dầu vào lửa thiêu rụi niềm tin các nước đồng tiền chung Euro có thể vượt qua cơn khủng hoảng nợ công.

Ngoài yếu tố kể trên, nhiều vấn đề khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế thế giới trong thời gian qua như lạm phát, bất ổn chính trị hay những thảm họa thiên tai cũng thay nhau làm chao đảo thị trường hàng hóa thế  giới, mà trong đó có cả ngành thép, một trong những ngành kinh tế đại diện cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong tuần này, thị trường thép thế giới không có nhiều thay đổi. Sức bật chỉ đến với một số nước ở Châu Âu và CIS như Nga, Italia và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ mà thôi.

Còn tại Châu Á, nơi mà thị trường vốn không được nhu cầu hỗ trợ lại cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không những gây cản trở đến nguồn tiền mặt của giới kinh doanh mà còn làm giảm niềm tin đối với thị trường góp phần làm nhu cầu vốn đã yếu này lại càng yếu hơn.

Bên cạnh đó, xu hướng thị trường nguyên liệu thô không rỏ ràng và thêm vào đó là các chính sách điều chỉnh giá thép ở mỗi nơi mỗi khác khiến giới đầu cơ không muốn mạo hiểm mua vào, mặc dù tồn thép của họ đã xuống thấp.

Hầu như giá phế liệu và quặng sắt chỉ tăng ở các thị trường Châu Âu mà thôi, còn ở Châu Á vẫn đang theo chiều hướng xuống.

Châu Á

Đông Nam Á

Nhu cầu thép tại thị trường Đông Nam Á vẫn duy trì ở mức thấp trong những tuần gần đây, nhưng điều đáng nói là chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng trên sớm được cải thiện.

Mặc dù lượng thép dự trữ của các nhà sản xuất đã xuống thấp vì gom hàng nhỏ giọt trong thời gian qua,nhưng các thương nhân cũng như nhà nhập khẩu chưa có ý định tái bổ sung tồn vì dự đoán giá sẽ tiếp tục hướng xuống.

Dù vậy, các nhà sản xuất nội địa cũng như các nhà cung cấp nước ngoài không có ý định điều chỉnh giá bán giảm vì thà họ không bán được hàng còn hơn là phải chịu lỗ.

Thép cây: Hàn Quốc tuần này đã chào bán thép cây sang Singapore 710 USD mỗi tấn, các chào bán từ Thổ Nhĩ Kỳ sang nước này đã tiến đến mức 730-740 USD/tấn cfr nhưng chưa có ai đặt mua.

Thép cây tiêu chuẩn tại Indonesia hiện có giá trước thuế là 6.800 IDR /tấn (796 USD/tấn).

Hôm thứ sáu tuần trước, thép cây đường kính 16-32mm tại Malaysia có giá chính thức là 2.180 MYR/tấn (725 USD/tấn), còn với đường kính 10-12mm thì có giá 2.330 MYR /tấn.

HRC/CRC: Hầu như nhu cầu tất cả các sản phẩm thép tại thị trường Đông nam Á đều yếu và HRC cũng không ngoại lệ. Nhưng khả năng sức mua sẽ bật tăng trở lại vào tháng 07 vì tồn thép của khách hàng không còn nhiều. Trong tuần này, các nhà sản suất Đài Loan và Hàn Quốc chấp nhận chào bán sang khu vực này với giá thấp 750 USD/tấn fob. Còn giá chào bán HRC 3-12mm SS400B từ Trung Quốc sang Việt Nam là 710-715 USD/tấn cfr.

CRC cũng không thoát khỏi xu hướng này, các nhà sản xuất Đài Loan đang có giá chào ở khoảng 890 USD/tấn cfr, còn Trung Quốc là 780-800 USD/tấn cfr. Các nhà nhập khẩu Indonesia tuần này đã đặt mua loại 1mm từ Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á với giá 850-870 USD/tấn cfr.

Đối với HDG, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chào bán sang khu vực này với giá 820-850 USD/tấn cfr nhưng khả năng sẽ chấp nhận các chiết khấu nếu khách hàng muốn đặt mua.

Ngay cả giá thép dầm cũng vậy, dù chi phí phế liệu đã dịu bớt và nhu cầu không mấy khả quan nhưng các nhà xuất khẩu thép dầm sang khu vực này vẫn giữ nguyên giá chào bán.

Trong tuần này, các thương nhân Việt Nam đã đặt mua thép dầm 150~350mm từ Trung Quốc với giá 730 cfr, còn thép dầm 350~600mm ở khoảng 785 USD/tấn cfr.

Ấn Độ

Ngành thép Ấn Độ đang trải qua thời kỳ khó khăn vì nhu cầu xuống thấp không chỉ vì mùa mưa cận kề mà còn là do chịu ảnh hưởng từ các ngành liên quan.

Trong đầu tháng này, chính phủ Ấn Độ đã nâng tỷ lệ lãi suất lên 7,25% nên việc xoay vòng vốn của giới kinh doanh, trong đó có cả thương nhân thép, không phải là điều dễ dàng. Chưa hết, việc điều chỉnh giá xăng cũng có thể làm chậm sự phát triển của ngành ô tô, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến nhu cầu tiêu dùng thép của nước này.

Trong tuần, các nhà sản xuất vẫn duy trì giá chào bán HRC SS400 3mm tiêu chuẩn thương phẩm với giá không đổi từ tháng 03, ở mức 34.000-35.500 Rs /tấn (754-787 USD/tấn) xuất xưởng.

Tuy nhiên, thị trường thép ống hàn kháng điện dường như ít chịu ảnh hưởng hơn nên vẫn duy trì khá tốt trong 02 tuần qua, thậm chí một số nhà sản xuất còn muốn điều chỉnh giá tăng thêm 300-400 Rs/tấn (7-9 USD/tấn).

Ống hàn đen đường kính ngoài 0.5-6 inches đang được các nhà sản xuất bán với giá 37.500-39.500 Rs/tấn (831-876 USD/tấn), còn ống ERW mạ kẽm có cùng kích thước trên thì ở mức 41.500-43.000 Rs/tấn. Tất cả đều tính theo giá xuất xưởng, chưa bao gồm VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với thị trường phôi thanh, dù dao động với biên độ hẹp nhưng với tần số liên tục nên các thương nhân rất khó đoán xu hướng.

Dù các nhà sản xuất tuyến hai điều chỉnh phôi 100x100mm giao động quanh mức 29.500-31.500 Rs/tấn (657-701 USD/tấn) xuất xưởng, nhưng các nhà sản xuất  tuyến một vẫn giữ giá ổn định. Phôi 125x125mm của RINL vẫn ở mức giá 35.200 Rs/tấn, đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10,3% nhưng chưa VAT.

Nhật Bản

Tuần này, một số nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản đã công bố các chính sách giá tháng 05 và tháng 06 của mình. Tuy nhiên, các điều chỉnh của họ không đồng hướng mà hoàn toàn ngược lại, qua đó cho thấy xu hướng giá tháng 06 tại thị trường Nhật sẽ có những hướng đi bất ngờ.

Trong khi Tokyo Steel mạnh tay điều chỉnh giá thép tháng 06 giảm sâu thì Osaka Steel vẫn giữ lập trường duy trì giá ổn định. Tuy nhu cầu không mạnh nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều nóng lòng muốn điều chỉnh giá lên nhằm cải thiện nguồn lợi nhuận. Do đó chính sách giá của Tokyo Steel khiến giới trong ngành rất  bất bình và chắc chắn sẽ theo sau xu hướng của Osaka Steel.

Như vậy, giá thép dầm hình H kích thước lớn của Tokyo Steel áp dụng cho các hợp đồng tháng 06 là 76.000 Yên/tấn (938 USD/tấn), HRC 1.7-22mm của nhà sản xuất này sẽ giảm xuống còn 67.000 Yên/tấn (830 USD/tấn), thép cây 16-25mm cũng giảm xuống còn 59.000 Yên/tấn c&f.

Giá thép dầm hình H tại thị trường Tokyo hiện là 83.000-84.000 Yên/tấn.

Còn đối với Nippon Steel, dù giá thép cao ngất ngưỡng so với sản phẩm cùng loại của các đối thủ cạnh tranh nhưng công ty này quyết định giữ nguyên giá tháng 05 đối với một số sản phẩm như thép xây dựng và thép dầm. Giới thị trường dự đoán giá thép dầm kích thước lớn của nhà sản xuất này đang đứng vững ở mức 100.000 Yên/tấn (1.235 USD/tấn).

Cũng trong tuần này, các nhà cung cấp Đài Loan và Hàn Quốc quyết định điều chỉnh tăng giá HRC xuất khẩu quý Hai sang thị trường Nhật Bản thêm 12.000 Yên/tấn/tấn (149 USD/tấn). Nhưng chắc chắn đây không phải là điều dễ dàng vì khách hàng nước này rất ít thiện cảm với thép ngoại nhập,  đó là chưa kể đến nhu cầu hiện đang yếu.

Đài Loan

Không thể kiên nhẫn trước lực mua quá yếu, các nhà nhà sản xuất thép Đài Loan liên tiếp điều chỉnh giảm trong những phiên giao dịch gần đây.

Sau khi điều chỉnh giảm 300 Đài tệ/tấn vào tuần trước, giá thép cây nội địa nước này tiếp tiếp tục được các nhà sản xuất hạ xuống một bậc 200 Đài tệ vào tuần này.

Thép cây SD 280 kích thước vừa trong tuần này được Feng Hsin Iron & Steel hạ xuống còn 20.000 Đài tệ/tấn (693 USD/tấn) xuất xưởng, Hai Kwang Enterprise Corp cũng lùi về 19.500-19.600 Đài tệ/tấn xuất xưởng.

Còn giá thép cây giao dịch trên thị trường là 19.500 Đài tệ/tấn, chưa bao gồm thuế VAT, và giá xuất khẩu thì khoảng 690 USD/tấn fob.

Châu âu

Thị trường thép Châu Âu đang có sự phân cực rỏ ràng. Trước áp lực về nhu cầu và thép nhập khẩu, các nhà sản xuất nam Âu đã có sự điều chỉnh giá thép đi xuống trong những ngày đầu tuần nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hấp dẫn lực mua trên thị trường. Tuy nhiên, mức điều chỉnh với biên độ không lớn và được cầm chừng tại các giao dịch cuối tuần, thậm chí một số nhà sản xuất muốn đẩy giá tăng nhẹ trở lại do đồng USD đã lấy lại sức mạnh nên giá thép nhập khẩu từ Châu Á cũng được điều chỉnh lên.

Các nhà sản xuất nội địa đang bán HRC với giá xuất xưởng là 540-550 EUR/tấn (769-784 USD/tấn), CRC giá 610-630 EUR/tấn và giá cơ bản của HDG ở khoảng 580-600 EUR/tấn xuất xưởng.

Tuy nhiên tại bắc Âu, dù phải đau đầu vì sự chênh lệch quá lớn của giá thép tấm trên thị trường, các nhà sản xuất nội địa khu vực này vẫn duy trì giá bán ổn định và chưa mảy may với kế hoạch điều chỉnh giá xuống.

Dù đã nỗ lực nâng giá thép tấm thương phẩm lên 790 EUR/tấn xuất xưởng trong quý Hai này nhưng dường như giới thị trường chỉ chấp nhận giao dịch quanh mức 750 EUR/tấn mà thôi, lệch gần 100 EUR/tấn so với giá nhập từ Italia và một số khu vực khác.

Tuy nhiên, thị trường thép cuộn ít chịu áp lực hơn vì các chào bán từ Ấn Độ và những nơi khác không còn tính cạnh tranh như trước. Hơn nữa, đồng USD đã hỗ trợ cho giá xuất khẩu sang Đông Á và các nước Trung Đông. Giá ổn định, nhu cầu khá tốt nhưng chưa ai biết được ngày mai ra sao vì tất cả chỉ rỏ ràng khi các nhà sản xuất ký được các hợp đồng với các nhà chế tạo ô tô, và ngay khi đạt được điều này các nhà sản xuất có ý định nâng giá bán  thêm 50-60 EUR/tấn.

HRC Ấn Độ hiện có giá chào bán là 540-550 EUR/tấn cfr, CRC Trung Quốc giao tháng 09 là 620-630 EUR/tấn. Giá HRC nội địa đang được bán ở mức 580 EUR/tấn (825 USD/tấn) xuất xưởng.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tuần này, thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì đà tăng nóng. Lực mua chưa có dấu hiệu chậm lại nên các nhà sản xuất khá tự tin với chiến lược nâng giá của mình. Tuy nhiên mức độ ổn định kéo dài được bao lâu thì chưa ai dám chắc vì một số sản phẩm được dự đoán là gần chạm đỉnh.

Kể từ đầu tháng tới nay, giá thép dẹt liên tục được điều chỉnh qua các phiên giao dịch. HRC tuần trước có giá là 770-790 USD/tấn từ mức giá hồi đầu tháng 740-770 USD/tấn. Tuy nhiên các đơn thép tháng 06 và tháng 07 đã được bán hết và hiện các nhà sản xuất đang chào bán HRC tháng 08 với giá 770-800 USD/tấn. Nhưng khả năng giá sẽ không thể vượt qua mốc 800 USD tấn vì khách hàng sẽ quay sang dùng thép nhập khẩu nếu như các nhà cung cấp tiếp tục nâng giá. Đó là chưa kể đến chính sách miễn thuế nhập khẩu HRC 9%của chính phủ nước này cũng sẽ cản trở đà tăng của thép nội địa.

Tương tự, giá thép thanh thương phẩm cũng leo thang trong thời gian vừa qua do được hỗ trợ từ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường cuối tháng 05 có thể gặp nhiều khó khăn vì giá tăng quá nhanh trong những tuần gần đây ắt hẳn sẽ khiến khách hàng dè chừng với quyết định thu mua thêm nữa. Giá thép thanh thương phẩm tuần này đã tiến sát mốc 807-814 USD/tấn xuất xưởng, còn giá chào xuất khẩu là 750-770 USD/tấn fob.

Tuy nhiên, thị trường cuộn trơn được cho là vẫn duy trì đà tăng mạnh trong vài tuần tới do nguồn cung có thể bị thắt chặt bởi các kế hoạch bảo trì của các nhà sản xuất. Hơn nữa, triển vọng xuất khẩu cũng rất khả quan vì Mỹ, Châu Phi và cả Châu Âu đều đang nhắm đến sản phẩm thép cuộn trơn Thổ Nhĩ Kỳ. Giá cuộn trơn xuất khẩu tuần này đã tiến đến 730-770 USD/tấn từ mức 700-710 cuối tháng 04.

CIS

Nhu cầu phôi thanh từ CIS đang diễn biến rất tốt và khả năng sẽ dùy trì đà tăng trong vài tuần nữa do khách hàng Iran đã bắt đầu tái tham gia thị trường với lực mua khá mạnh, đồng thời các chào mua từ Biển Caspian cũng đang tăng lên.

Giá phôi thanh CIS xuất khẩu sang Biển Đen tuần này đã phục hồi trở lại mức 635 USD/tấn fob, nhưng các nhà xuất khẩu đang nhắm đến mức xuất khẩu 650 USD/tấn fob.

Tuy nhiên, tại thị trường nội địa Nga, mặc dù giá các sản phẩm thép cơ bản vẫn duy trì ổn định nhưng xu hướng đi xuống của thị trường thế giới cộng với sự mất cân bằng giữa lượng xuất khẩu và doanh số bán trong nước đã tác động xấu đến niềm tin của giới thị trường, qua đó có thể kéo giá thép trong tháng 06 đi xuống.

Còn tại Ukraina, do kế hoạch bảo trì máy móc có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất thép thành phẩm nên các nhà sản xuất nước này đang nhắm đến mức giá xuất khẩu HRC sang Biển Đen là 690-710 USD/tấn fob, tuy nhiên có thể họ sẽ gặp sự phản kháng của khách hàng.