Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 24

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 24

Đông Nam Á

Xu hướng giá thép Trung Quốc ngày một thấp hơn cộng thêm đó là các thị trường trong khu vực đang bước vào mùa thấp điểm khiến cho các giao dịch thép tại Đông Nam Á càng trầm lắng hơn trong tuần này.

Tại Thái Lan, từ tháng 06 đến tháng 09 hàng năm thường là thời điểm mùa tiêu thụ xuống thấp do mưa lũ khiến cho hoạt động xây dựng trì trệ. Do đó các giao dịch trong tuần này bắt đầu có dấu hiệu cầm chừng mặc dù giá liên tục đi xuống.

So với đầu tháng 05, mức giá thép cây nội địa hiện đã giảm 200 THB/tấn xuống còn 18.200-18.300 THB/tấn (588-591 USD/tấn) trọng lượng lý thuyết. Tương tự, giá nhập khẩu cũng được chào mua tại mức rất thấp. Với cuộn trơn SAE 1006B 5.5mm của Trung Quốc giao tháng 9 hiện chỉ được chấp nhận tại mức 520 USD/tấn cfr, thấp hơn so với giá chào 10 USD/tấn, trong khi đó mức chốt hợp đồng hồi đầu tháng 05 là 560-565 USD/tấn cfr.

Còn tại Việt Nam, số lượng nhập khẩu hàng từ các nước Đông Á cũng như Trung Quốc đang ngày một ít dần.

Trong khi giới thương nhân đang sống dỡ chết dỡ với các lô hàng đặt mua giá cao từ trước, xu hướng đẩy giá mua đồng USD tăng lên từ các ngân hàng thương mại trong mấy ngày nay càng khiến cho giá thép nhập khẩu bị đội lên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với gói giải cứu bất động sản 30.000 tỷ đồng từ chính phủ, thị trường sẽ chưa thể phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Trong khi các dự án đầu tư từ khối ngành tư nhân bị teo dần do thương nhân làm ăn bết bát, bội chi ngân sách khổng lồ như hiện này buộc nhà nước phải cẩn trọng hơn trong việc phê duyệt các dự án đầu tư công, không khuyến khích nhu cầu tiêu thụ thép trong ngắn hạn.

Cuộn trơn 6.5mm/8mm nhập khẩu hiện đang được bán cho khách hàng Việt Nam với giá 500-505 USD/tấn cfr.

Còn HRC SAE 1006B xuất xứ Trung Quốc hồi đầu tháng 05 được bán với giá 550 USD/tấn CFR.

Đài Loan

Các nhà sản xuất thép cây lớn của Đài Loan đã quyết định giữ nguyên giá bán trong tuần này do số lượng các giao dịch vẫn ổn định và giá phế không có biến động lớn.

Thép cây xây dựng của Feng Hsin vẫn giữ ổn định ở mức 17.100 Đài tệ/tấn (574 USD/tấn) và giá của Hai Kwang là 16.500 Đài tệ/tấn.

Trong khi đó giá thu mua phế nội địa HMS 1&2 80:20 vẫn ở mức như tuần trước là 9.900 Đài tệ/tấn và phế nhập khẩu chỉ giảm 2 USD/tấn.

Ấn Độ

Trong tuần này, hoạt động nhập khẩu HRC vào Ấn Độ tiếp tục hạn chế  do bị ảnh hưởng bởi đồng Rupee suy yếu.

HRC SS400 3mm tiêu chuẩn thương mại của Trung Quốc tuần này vẫn cố định ở mức trung bình 540-550 USD/tấn cfr Mumbai. Nhưng rỏ ràng với tỉ giá USD:INR đã trượt xuống 1:58,98 vào từ mức 1:56,58 đầu tháng 6, khách hàng sẽ phải gánh thêm một khoản chênh lệch tương đối lớn nếu mua hàng nhập khẩu.

Trong khi đó các nhà sản xuất cũng phải nâng giá để bù đắp lại khoản chênh lệch tỉ giá do phải nhập khẩu nguyên liệu thô.

HRC IS 2062 A/B 3mm đang ở mức trung bình là 33.750-34.250 Rs/tấn (581-590 USD/tấn). Tuy nhiên các nhà sản xuất nội địa dự định nâng giá thêm khoảng 1.000-1.200 Rs/tấn (17-21 USD/tấn).

Với nhu cầu èo uột như hiện nay, thị trường sẽ rất khó chấp nhận giá cao hơn. Trước đó, các nhà sản xuất cũng đã thất bại trong việc nâng giá thêm 1.000-1.500 Rs/tấn (17-26 USD/tấn) do nhu cầu ế ẩm, mặc dù lúc đó thép thế giới có giá cao hơn nội địa đến 100 USD/tấn.

Nhật Bản

Sự tăng giá của đồng Yên so với USD đang đẩy các nhà xuất khẩu thép Nhật Bản tới chốn khó khăn do không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Đa số các thương nhân đều nói rằng các đơn hàng xuất đi gần đây nhất là khoảng 1 tháng trước và dường như luôn ở tình trạng về không trong các cuộc đàm phán gần đây với khách hàng Đông Nam Á. Thị trường khu vực này đang bước vào mùa thấp điểm, cùng với đó là sự cạnh tranh của thép Trung Quốc khiến cho thép Nhật Bản và Hàn Quốc luôn bị lép vế.

Tuy nhiên thị trường thép nội địa Nhật Bản được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong tháng 07 tới.

Theo dự đoán của các bộ ngành liên quan, nhu cầu thép xây dựng trong tháng 07 tới sẽ đạt 1,9 triệu tấn, tăng gần 9% so với tháng 06 và tăng 16% so với tháng 07/2012.

Thép dầm hình H SS400 tại Tokyo vẫn đang ổn định ở mức 70.000-71.000 Yên/tấn, còn thép thanh xây dựng SD295 16-25mm là 60.000-61.000 Yên/tấn. Các mức giá này có thể sẽ được giữ nguyên trong tháng tới.

Châu Âu

Thị trường thép cuộn Bắc Âu được dự đoán sẽ sớm chạm đáy do giá bán từ các nhà sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý I/2012.

Mức giá chào HRC hiện nay đang phổ biến ở 450-460 EUR/tấn xuất xưởng, nhưng các nhà sản xuất Đức dự kiến sẽ tăng giá thêm khoảng 20 EUR/tấn nhằm cải thiện nguồn lợi nhuận đang bị suy kiệt.

Tuy nhiên, với các đơn đặt mua xuống thấp và phải chịu áp lực từ các chào bán giá thấp của Italia, việc giữ giá ổn định cũng đã là một thành công lớn và dường như đây cũng là dụng ý nâng giá của các nhà sản xuất Bắc Âu.

HRC của Italia tuần này ở khoảng 420-435 EUR/tấn xuất xưởng. Chào bán từ Trung Quốc cũng tương đối hấp dẫn nhưng phải đến tháng 09 mới nhận được hàng.

Đối với thép xây dựng, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để giành giật từng đơn hàng càng khiến thị trường bết bát hơn.

Thép cây 12mm của Bắc Âu đang được chào bán tại mức 470-475 EUR/tấn thực tế, giao tận nơi. Tuy nhiên đây chỉ là mức giá tượng trưng, còn trên thực tế các hợp đồng đều được thỏa thuận ngầm với mức thấp hơn khoảng 10-15 EUR/tấn.

Ngoài yếu tố cạnh canh và nhu cầu yếu, sự xuống dốc của thị trường phế liệu cũng gây áp lực không nhỏ cho thị trường xây dựng. Giá phế trong tháng này được dự đoán sẽ giảm ít nhất là 10-15 EUR/tấn nữa, như vậy thép cây cũng có rất ít cơ hội để bám chắc tại ngưỡng nói trên.

Thị trường xuất khẩu gần đây cũng trị trệ, bất ổn chính trị ở khu vực Trung Đông đã kìm hãm các dự án đầu tư lớn phát triển, do đó nhập khẩu thép cũng què quặt theo. Trong khi đó xuất khẩu sang Bắc Phi gần đây cũng chịu sự cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu Trung Quốc.

Giá tuần này đã giảm thêm 5-10 EUR/tấn và hiện đang ở khoảng 430 EUR/tấn fob, giao tháng 07.

Thổ Nhĩ Kỳ

Bất ổn chính trị ngày càng leo thang đã nhấn chìm thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ gần đây và cho đến thời điểm hiện tại dường như xu hướng này vẫn chưa thể chấm dứt.

Sự phất lên của thị trường phế liệu nhập khẩu buộc các nhà sản xuất phải gánh chi phí sản xuất đắt đỏ hơn, song hiện tượng mua bán ế ẩm trong nước buộc họ phải giữ nguyên giá bán thép thành phẩm. Hơn nữa vẫn còn đó các chào bán từ CIS với giá rất cạnh tranh.

HRC từ Ukraina hiện vẫn ổn định tại mức 510-520 USD/tấn cfr, còn từ Nga là 525-535 USD/tấn cfr.

Còn đối với xuất khẩu, giá HRC tuần này đã giảm xuống còn 555-565 USD/tấn fob do đồng lira suy yếu. Trong khi xuất khẩu thép cây sang Thị trường Mỹ gần như đã chạm đáy. Giá chào tuần này vẫn ổn định ở mức 575-580 USD/tấn cfr Houston nhưng có thể sẽ tăng trở lại vào tuần tới khi giá phế liệu chính thức được phản ánh lên giá thép cây.

CIS

Xuất khẩu phôi thanh CIS đang theo hướng ổn định và tăng nhẹ trở lại mặc dù chưa có sự phản ánh của giá phế liệu phục hồi.

Trước đây, mức chốt hợp đồng là dưới 480 USD/tấn fob Biển Đen nhưng tuần này giá đang tiến về mốc 490 USD/tấn fob, giao tháng 07.

Các nhà sản xuất kỳ vọng sự phục hồi của thị trường phế liệu nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là động lực lớn đẩy giá phôi xuất khẩu tăng trở lại trong thời gian tới. Xuất khẩu sang các thị trường Ả Rập Saudi hiện đang ở khoảng 520-525 USD/tấn cfr.

Xuất khẩu thép cuộn cũng đang theo xu hướng tương tự. Hầu hết các nhà sản xuất đã hoàn tất các đơn hàng tháng 07 nên áp lực về doanh số bán dường như đã giảm đi ít nhiều.

HRC giao tháng 08 của Nga được dự đoán sẽ ổn định như tháng 07 là 520-540 USD/tấn fob Biển Đen, còn giá chào CRC thì ở khoảng 600-640USD/fob biển Đen.