Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 32
Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua một tuần với những đợt dao động dữ dội sau khi Standard & Poor lần đầu tiên hạ bậc tính dụng Mỹ xuống AA+ kéo theo đó là sự đổ dốc của thị trường chứng khoán và dầu lửa vì quan ngại kinh tế thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng như hồi năm 2008.
Theo đó, thị trường thép thế giới cũng hứng chịu nhiều hệ lụy, giá nguyên liệu thô như quặng, niken liên tục rời mốc cao làm giới thị trường cũng e ngại cho các giao dịch thép.
Tâm lý chung của khách hàng cũng như nhà cung cấp thép đều ở trạng thái chờ xem diễn biến mới. Kinh tế bấp bênh và tỷ giá dao động lên xuống hàng ngày khiến cho giá bán cũng không ổn định nên hầu hết đều tỏ ra ngại đầu tư vào kênh hàng hóa này.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ hè và lễ chay vẫn chưa kết thúc nên các doanh nghiệp cũng chưa thật sự nỗ lực trong các chiến lược kinh doanh của mình.
Châu Á
Đông Nam Á
Tuần này, thị trường nhập khẩu phôi thanh sang Đông Nam Á diễn biến còn chậm, mặc dù khách hàng khu vực này đã chấp nhận mua với giá cao hơn trước đó, nhưng vẫn chưa thể thích ứng kịp thời với giá chào bán cao từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Phôi thanh Hàn Quốc được Philipene đặt mua với giá 680 USD/tấn fob, còn phôi Việt Nam là 690-695 USD/tấn cfr, trong khi giao dịch hồi cuối tháng 07 chỉ ở mức 680-685 USD/tấn cfr.
Khả năng giá sẽ không thể giảm xuống vì nguồn cung hạn hẹp, và nếu đồng USD tiếp tục mất giá thì giá phôi có thể sẽ được đẩy lên cận mức 700-710 USD/tấn fob, đó là chưa tính đến trường hợp Iran sẽ quay lại thị trường sau lễ chay.
Tại Singapore, triển vọng thị trường thép cây rất khó đoán vì giá chào từ các nhà sản xuất nước ngoài chênh lệch nhau khá nhiều trong khi nhu cầu tại nước này chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thép cây trọng lượng lý thuyết được Thổ Nhĩ Kỳ chào bán sang nước này với giá 760-770 USD/tấn cfr, còn giá chào từ Hàn Quốc thì ở mức 750 USD/tấn cfr, trong khi đó Trung Quốc đang nhắm đến mức giá 730 USD/tấn cfr xuất khẩu sang nước này từ mức giá tháng trước là 690-700 USD/tấn cfr.
Tại Việt Nam, chính sách thắt chặt tiền tệ và nhu cầu từ các nhà sản xuất như đồ điện gia dụng, đóng tàu, xây dựng xuống thấp khiến ngành thép chưa thể lấy lại sức từ đợt sụt giảm mạnh trong tháng 05 và tháng 06. Doanh số bán thép tháng 07 đạt 359.000 tấn, có tăng so với tháng trước nhưng giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát tăng cao cộng với những bất ổn của tình hình kinh tế trong nước và thế giới sẽ còn đè nặng lên ngành thép nước nhà trong thời gian tới mặc dù quý Bốn được cho là thời điểm nhu cầu tiêu thụ mạnh hơn.
Ấn Độ
Ngành xây dựng và sản xuất ô tô của Ấn Độ hầu như vẫn dậm chân tại chổ, dù cải thiện đi chăng nữa thì cũng với mức không đáng kể vì chính phủ nước này vẫn nghiêm khắc với chính sách thắt chặt tính dụng nhằm kiềm chế lạm phát. Như vậy, ngành công nghiệp thép của nước này sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng giá.
Dù lực mua quặng từ khách hàng Trung Quốc đã co thắt trong tuần này do quan ngại thị trường chứng khoán Mỹ trượt dốc sẽ tác động tiêu cực lên thị trường thép thế giới, tuy nhiên các nhà cung cấp quặng không thể chào bán loại nguyên liệu này với giá thấp vì nguồn cung ngày một khan hiếm.
Quặng 63.5%/63% Fe của Ấn Độ hôm thứ Tư được giao dịch với mức giá trung bình khoảng 183-184 USD/tấn cfr Trung Quốc, không thay đổi so với giá tuần trước.
Nhật Bản
Các nhà phân phối Nhật Bản dự định nâng giá thép hình vào giữa tháng 08 khoảng 2.000-3.000 Yên/tấn, nhu cầu từ ngành xây dựng phục hồi không đáng kể nhưng khách hàng sẽ quay lại thị trường sau kỳ nghỉ hè quả là thời điểm thích hợp để các nhà phân phối điều chỉnh giá bán.
Tuy nhiên, có thể họ sẽ không đạt được mức nâng ít ỏi này vì tồn thép hình trên thực tế có giảm xuống nhưng vẫn còn nằm ở mức cao đáng báo động và khả năng đe dọa đến giá bán.
Tại Tokyo, thép dầm hình H có giá trung bình khoảng 78.000-80.000 Yên/tấn (987-1.013 USD/tấn), còn tại Osaka là 74.000-75.000 yên/tấn. Giá thép hình chữ U (100x50mm) và hình chữ V (50mm) tại Tokyo là 81.000-82.000 Yên/tấn và tại Osaka là 77.000-78.000 yên/tấn.
Đối với thị trường xuất khẩu, tuy Đài Loan và Hàn Quốc hạ giá chào bán CRC 304 2mm 2B sang Trung Quốc vì niken suy yếu, nhưng Nhật Bản tuần này chào bán loại thép trên sang Trung Quốc với giá cao hơn 100-150 USD/tấn so với giá hồi cuối tháng 07, ở mức 3.500-3.550 USD/tấn cfr.
Bên cạnh đó, cuộc đàm phán giá thép tấm giao quý Ba giữa Nhật và Hàn dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng Yên gần đây tăng mạnh nên chắc chắn giá bán từ Nhật sẽ bị đẩy lên cao hơn. Tuy nhiên khách hàng Hàn Quốc sẽ không vội vàng mua ngay vì nguồn cung của họ hiện vẫn đủ dùng, hơn nữa sản xuất thép từ các nhà sản xuất lớn trong nước như Posco, Huyndai đang dần phục hồi.
Giá hợp đồng quý Hai được chốt ở mức 900 USD/tấn nhưng khả năng mức giá này sẽ không làm hài lòng cả nhà cung cấp Nhật lẫn khách hàng Hàn Quốc trong hợp đồng quý Ba này.
Hàn Quốc
Lực mua thép cây phục hồi chậm khiến các lại lý bán lẻ tuần này đã điều chỉnh giá giảm 10 USD/tấn. Nhưng giới trong ngành nhận định giá bán sẽ theo chiều hướng tăng vì nhu cầu từ ngành xây dựng, đặc biệt là từ khối ngành tư nhân, đang dần được cải thiện. Bên cạnh đó, công suất sản xuất từ các nhà máy với mức hoạt động hiện hành đã về dưới 60% cũng được cho là yếu tố hỗ trợ giá lên.
Thép cây đường kính 10mm SS400 từ các nhà sản xuất tuần này có giá ở khoảng 800.000-810.000 Won/tấn (731-740 USD/tấn).
Trong khi đó, giá thép dầm hình H tại thị trường nước này đã tiệm cận mức 892-910 USD/tấn, tăng 18-27 USD/tấn so với cuối tháng 07. Lực mua yếu nhưng giá trong nữa cuối năm này có thể sẽ ít dao động vì nguồn cung hạn hẹp do ảnh hưởng bởi công tác bảo trì từ các nhà sản xuất, hơn nữa ngành xây dựng cũng được dự báo sẽ phục hồi trong mùa thu.
Chưa hết căng thẳng với thị trường thép trong nước, các nhà sản xuất thép Hàn Quốc đang đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Các nhà cung cấp nước này đã thêm boron vào HRC xuất khẩu để được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Vấn đề này cũng được các nhà sản xuất Hàn Quốc đưa ra trong cuộc hội đàm ngành thép được tổ chức tại Busan, nhưng xem ra vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.
Châu Âu
Đang rơi vào kỳ nghỉ hè và mùa lễ chay Ramada nên tình hình giao dịch tại thị trường thép Châu Âu trong tuần này vẫn đìu hiu. Bất ổn kinh tế toàn cầu đang gây rối loạn thị trường thép do chịu hệ lụy từ tỷ giá dao động mạnh. Cả người mua lẫn người bán đều rất dè chừng với các giao dịch nhất là đối với các thị trường xuất-nhập khẩu.
Có khi, tỷ giá thay đổi khiến giá thép tấm nhập khẩu vào nam Âu chỉ trong một ngày dao động với biên độ lớn từ 10-15 EUR.
Thép tấm S235 từ Ấn Độ tuần này nhập khẩu sang khu vực này với giá 580-610 EUR/tấn.
Các nhà sản xuất nội địa cũng đang nhắm đến nâng giá HDG tháng 09 30-50 EUR/tấn vì khoảng giá giữa HRC và HDG hiện rất hẹp, đe dọa đến nguồn lợi nhuận của các nhà sản xuất mặt hàng này. Nhưng với mức tiêu thụ còn khiêm tốn như hiện nay thì cần phải cân đối giữa cung và cầu mới có thể đạt được mục tiêu nâng giá. HDG hiện có giá cơ bản khoảng 570-600 EUR/tấn.
Tại thị trường tây bắc Âu, tình hình buôn bán của giới kinh doanh cũng không khả quan lắm. Dù không còn chịu áp lực về hàng nhập khẩu vì đồng USD suy yếu nhưng khả năng điều chỉnh giá thép tấm cán nóng tăng 20-30 EUR/tấn trong quý Tư là rất khó vì nhu cầu hiện vẫn chậm.
Giá thép tấm cán nóng nội địa giao tháng 09 và tháng 10 hiện ở mức 530-540 EUR/tấn, còn CRC là 590-620 EUR.
Không chỉ thép tấm mà thị trường thép dài tại khu vực này cũng đang chịu áp lực lớn trước doanh số bán thấp trong những ngày hè vừa qua. Tuy nhiên giá vẫn được bảo vệ vì chi phí sản xuất thép thành phẩm khá đắt đỏ.
Giá thép cây tại Đức và Benelux tuần này là 550-560 EUR/tấn, còn cuộn kéo lưới là 610-630 EUR/tấn.
Thổ Nhĩ Kỳ
Dù không có ai hưởng ứng trong việc mua hàng nhưng giá chào bán thép từ các nhà cung cấp nội địa lẫn xuất khẩu nước ngoài vẫn ở mức cao ngất ngưỡng.
Giá chào bán HRC từ Ukraina tăng lên mức 715 USD/tấn cfr. Nga cũng đang chào bán loại thép này sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá 760-775 USD/tấn, còn CRC giá là 800-875 USD/tấn cfr.
Đối với thị trường xuất khẩu, giá thép cây xuất khẩu sang Dubai đã tăng lên mức 720 USD/tấn fob Marmara nhưng hiện các giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn vì biến động tỷ giá.
CIS
Nguồn cung phôi thanh hạn hẹp nên vẫn hỗ trợ cho giá đứng vững trong tuần này.
Phôi thanh 125mm giao cuối tháng 09 đang được chào bán với giá 685-690 USD/tấn fob, còn giá chào từ Thổ Nhĩ Kỳ là 694-695 USD/tấn fob nhưng khách hàng chỉ chấp nhận giao dịch tại mức 680 USD/tấn mà thôi.
Tỷ giá USD/Lira dao động mạnh rất có thể sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh giá giảm nhẹ trong tuần tới để hút lực mua.
Tương tự, phôi tấm CIS cũng rơi vào trạng thái hạn hẹp nguồn cung nên các nhà sản xuất đang lăm le đến việc nâng giá, thậm chí một số còn dự đoán giá có thể chạm mức 640 USD/tấn
Một số khách hàng từ Châu Âu đã sẵn sàng mua phôi CIS với giá 620 USD/tấn fob Biển Đen, còn khách hàng Đông Nam Á mua với giá 650-655 USD/tấn cfr.
Bắc Mỹ
Thị trường thép tại Mỹ tiếp tục với một tuần giảm thảm bại do nền kinh tế bấp bênh và chứng khoán lao dốc.
Giá HRC giảm mạnh 40 USD/tấn ngắn so với tuần trước xuống còn 640 USD/tấn ngắn, CRC giảm khoảng 20 USD/tấn ngắn xuống còn 760-800 USD/tấn ngắn duy chỉ có HDG là vẫn ổn định tại mức 790-840 USD/tấn ngắn.
Ngoài ra, giá giảm cũng một phần vì sản xuất quá mức. Sản lượng và công suất sản xuất thép tại các nhà máy của Mỹ tăng liên tục trong hai tuần qua.
Sản xuất thép thô trong tuần kết thúc vào ngày 06/08 đạt khoảng 1,88 triệu tấn ngắn, trong khi công suất làm việc là 76,8%, tăng từ mức 76% trong tuần kết thúc vào ngày 30/07, khi lượng sản xuất đạt khoảng 1,86 triệu tấn ngắn.
Thị trường nguyên liệu thô
Lực mua phế của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tuần này vẫn duy trì chậm, tuy nhiên các chào bán của Mỹ, Châu Âu sang nước này cơ bản vẫn duy trì ổn định. Giá chào bán phế HMS 1&2 80:20 từ Mỹ cuối tuần trước là 469-474 USD/tấn cfr, còn giá phế vụn cao hơn 5 USD/tấn.
Còn tại Châu Á, phế Mỹ xuất khẩu sang Đông Nam Á không có nhiều thay đổi tuy nhiên thị trường phế nội địa Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục đi xuống trong tuần này. Nhà sản xuất Tokyo Steel tiếp tục hạ giá thu mua phế xuống 500 Yên/tấn (6,5 USD/tấn) kể từ ngày 11/08, đồng thời các nhà sản xuất khác cũng hạ giá thu mua vì nguồn cung hiện khá dồi dào, hơn nữa đồng Yên tăng giá nên không hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu.
Đối với thị trường quặng, nguồn cung thắt chặt đang là yếu tố hàng đầu hỗ trợ cho giá. Tuy nhiên sau đợt sụt giảm mạnh tại thị trường chứng khoán trên toàn cầu, giá quặng không còn tăng vọt như trước vì khách hàng không muốn mua trong thời điểm kinh tế chưa ổn định. Quặng 63.5%/63% Fe của Ấn Độ tuần này giao dịch với mức giá trung bình khoảng 183-184 USD/tấn cfr Trung Quốc, không có gì thay đổi so với giá tuần trước.
Tuy nhiên, giá niken tại sàn giao dịch LME giảm 3.000 USD/tấn và hôm thứ Ba tuần này được chốt tại ngưỡng 21.600-21650 USD/tấn.