T
ổng quan thị trường thép thế giới tuần 33
Sự sa sút của nền kinh tế toàn cầu dường như ngày càng trở nên trầm trọng và khó có thể cứu vãn hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó.
Trong khi Mỹ vẫn đang lăn lộn với đà tăng trưởng quá chậm thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới-Trung Quốc cũng chẳng khá khẩm hơn và Châu Âu vẫn chưa thể thoát khỏi sự rối ren về hệ thống tài chính sau phát biểu “sẽ hành động” cách đây 02 tuần của chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Những khó khăn nói trên khiến cho thị trường hàng hóa bấp bênh và các nhà kinh doanh phải lên bờ xuống ruộng mới có thể tồn tại được. Các nhà đầu tư vào những mặt hàng nhạy cảm như vàng, bạc, xăng dầu, chứng khoán thì càng chiếm tỷ lệ bị phá sản nhiều hơn.
Quay lại thị trường thép tuần này, thị trường nhìn chung vẫn ảm đạm và chưa tạo được bước đột phá mới. Đa số là thay đổi về chiến lược giá bán, còn nhu cầu vẫn im ỉm như những tuần trước đây.
Xu hướng đi lên của giá phế liệu đã lèo lái giá hầu hết các sản phẩm thép xây dựng tăng. Còn đối với thép công nghiệp và các loại thép khác thì có chiều ngược lại do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp và bị tác động bởi nhiều yếu tố khác.
Hàn Quốc
Hàn Quốc luôn được đánh giá là nhà xuất khẩu thép lớn trong khu vực cũng như trên thế giới do chất lượng và giá cả phù hợp. Chính vì lợi thế về xuất khẩu nên thị trường nội địa cũng nhận được hậu thuẫn lớn.
Tuy nhiên trong năm này ngành công nghiệp thép Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn vì nhu cầu trong và ngoài nước thấp, kéo lợi nhuận của họ sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi nhu cầu từ thị trường Đông Nam Á dường như bị tắt hẳn, xuất khẩu CRC sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Sự tuột dốc của thị trường nội địa Trung Quốc khiến giá xuất khẩu CRC Hàn Quốc sang nước này giảm xuống.
CRC 1mm giao tháng 09 của Posco đã về mức 675-680 USD/tấn cfr Trung Quốc, từ mức giá cuối tháng 07 là 680-685 USD/tấn.
Đối với thị trường thép dầm hình H, do ảnh hưởng trực tiếp đến giá phế liệu nên các nhà sản xuất đang nhắm đến nâng giá xuất khẩu tăng 20-30 USD/tấn đối với các hợp đồng giao giữa tháng 09. Theo đó, giá xuất khẩu thép dầm hình H của Huyndai sẽ có giá khoảng 770 USD/tấn cfr.
Đài Loan
Tuy Nhật Bản và Hàn Quốc đang rục rịch tăng giá các sản phẩm thép xây dựng, nhưng Đài Loan lại chọn cho mình giải pháp riêng đó là giữ giá duy trì không đổi so với tuần trước đó.
Sở dĩ phải quyết định như vậy trong thời điểm giá phế tăng cao là do nhu cầu tại thị trường nội địa quá yếu. Các nhà sản xuất giờ đây đang rất chật vật để có thể giành lấy các hợp đồng đặt mua từ khách hàng.
Giá thép hình của Feng Hsin tuần này được chào bán ở mức 21.100-21.300 Đài tệ/tấn xuất xưởng, còn thép cây là 19.200 Đài tệ/tấn.
Châu Âu
Thị trường thép Châu Âu tuần này không có nhiều biến động. Đa số các nhà tham gia thị trường đang trong thời gian nghỉ hè nên số lượng chào bán không nhiều và nhu cầu chốt hợp đồng cũng rất thưa thớt.
Giá thép cuộn cán nóng vẫn được duy trì ổn định tại Bắc Âu với mức 505-530 EUR/tấn (623-654 USD/tấn) còn tại nam Âu là 494-505 EUR/tấn.
Thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng cũng không có nhiều thay đổi. Hầu hết các giao dịch đều được giữ nguyên giá như tuần trước, ở mức lần lượt ở cả hai thị trường là 595-615 EUR/tấn (734-759 USD/tấn) và 550-560 EUR/tấn.
Trong khi đó thị trường thép cây có vẽ như đang chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng giá phế liệu. Các nhà sản xuất đã nâng giá xuất khẩu thép cây thêm 05 EUR/tấn, mặc dù mức điều chỉnh này là tương đối thấp nhưng cũng có thể bù đắp phần nào cho chi phí phế liệu tăng cao trong thời gian gần đây.
Ngay sau khi giá xuất khẩu tăng, thị trường nội địa khu vực cũng đường điều chỉnh ở mức tương tự. Thép cây giao tháng 09 hiện có giá khoảng 500-515 EUR/tấn fob.
Xu hướng nâng giá cũng đang được các nhà sản xuất thép tấm bám theo. Một số nguồn tin cho rằng giá có thể được điều chỉnh tăng 20 EUR/tấn trong thời gian tới. Các nhà sản xuất cũng rất quyết tâm với chiến lược này. Thậm chí một số còn tung chiêu thắt chặt nguồn cung nhằm đạt được mục tiêu tăng giá.
Tuy nhiên diễn biến thị trường không mấy thuận lợi, một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu giá bán của các nhà sản xuất khó mà đạt được, ít nhất là đến cuối tháng 09.
Tại Thổ Nhĩ Kỹ, các chào bán thép cuộn nhập khẩu ngày càng nhiều nhưng sức mua vẫn hạn chế.
Giá chào HRC từ CIS là 570-615 USD/tấn cfr còn CRC giá là 660-690 USD/tấn cfr.
Mỹ
Sự chèn ép của thép nhập khẩu giá rẻ buộc các nhà cung cấp thép tấm dày nội địa Mỹ phải điều chỉnh giá giảm xuống trong tuần qua.
So với các giao dịch hồi tháng 07, giá hiện tại đã giảm 20 USD/tấn và đang dao động ở mức 780-800 USD/tấn ngắn. Trong khi đó thép nhập khẩu có mức giá rất hấp dẫn là 740-760 USD/tấn cfr.
Bên cạnh đó, sự ế ẩm từ nhu cầu tiêu dùng trực tiếp càng khiến thị trường thép tấm nội địa đì đẹt hơn. Rất hiếm khi các nhà sản xuất nhận được đơn đặt mua từ các khách hàng mới, trong khi đó những người mua quen biết thì cắt giảm số lượng đáng kể.
Tuy nhiên đây không phải là tình trạng của thị trường tấm mà cuộn trơn cũng đang chịu chung số phận. Nhưng may mắn hơn chút xíu đó là tránh được sự o ép của thị trường nhập khẩu.
Có lẽ cũng vì vậy mà các nhà sản xuất trong nước ít bị lệ thuộc hơn và đang tự tin với kế hoạch nâng giá bán thêm 70-80 USD/tấn vào đầu tháng 09 tới.
Một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại về khả năng thành công của các nhà sản xuất, tuy nhiên cơ hội cho giá cuộn trơn giảm xuống ngày càng bị thu hẹp nếu như giá phế liệu vẫn diến biến theo chiều tăng như thời gian gần đây.
Hiện phế HMS 80:20 (1&2) xuất khẩu đang đứng ở mức 390-415 USD/tấn cfr, tùy từng điểm đến, còn phế tại thị trường nội địa cũng có giá cao hơn 50-80 USD/tấn so với đầu tháng.
CIS
Kinh tế toàn cầu khó khăn đã đánh mạnh vào ngành công nghiệp thép của Nga và Ukraina do nhu cầu từ khách hàng nước ngoài giảm mạnh.
Trong khi đó, khách hàng từ Đông Nam Á, Châu Âu và Trung Đông cũng không còn mặn mà với các sản phẩm chào bán từ CIS do có nhiều nhà cung cấp có giá cạnh tranh hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất từ Trung Quốc và Nam Âu.
Một số nhà sản xuất đã tìm đến các thị trường mới nhằm bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường tuyền thống. Nhưng dù là Trung Đông hay Mỹ Latin thì thép Nga cũng khó tránh khỏi các đối thủ cạnh tranh đeo bám.
Xuất khẩu thép cây tuần này nghe nói có giá 595 USD/tấn fob Biển Đen, còn thép cuộn trơn xuống mức 600-615 USD/tấn fob, giảm 5-20 USD/tấn so với trước đó.
Trong một môi trường mà khách hàng kén mua như hiện nay, cuộc đua giảm giá giữa các nhà sản xuất khó mà đi đến hồi kết và có lẽ đó chính là lý do vì sao giá thép của CIS nói riêng và của thế giới nói chung vẫn chưa chạm đáy.
Trung Đông
Giữa lúc tiêu thụ phôi thanh trên toàn cầu đang suy yếu do ảnh hưởng của nhu cầu thép thành phẩm xuống thấp, Iran lại nổi lên như một thị trường tiềm năng nhất về sức tiêu thụ mặt hàng này do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất thép xây dựng.
Tuy nhiên thời điểm khát hàng xuất khẩu của Iran không còn nữa do phế nhập khẩu trên toàn cầu đã dội về quá nhiều. Các giao dịch hiện tại đang ở quanh mức 16.000 IRR/tấn nhưng xu hướng giá rất khó để xác định vì tăng-giảm thất thường.
Tại Ai Cập, thị trường thép cuộn dẹt (cán phẳng) cũng đang trong trạng thái “nghỉ ngơi”. Hầu hết các nhà tham gia thị trường đều đang tận hưởng lễ chay Ramada nên giá giao dịch tuần này không có sự điều chỉnh mới.
Giá thép cuộn cán nóng đang được CIS chào bán sang khu vực này với giá 560-580 USD/tấn cfr nhưng số lượng đặt mua không nhiều.