T
ổng quan thị trường thép thế giới tuần 37Đông Nam Á
Sau khi chính phủ Trung Quốc phê duyệt gói ngân sách hơn 1 ngàn tỷ NDT vào xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, thị trường thép nước này đã phục hồi trở lại cả về số lượng giao dịch lẫn giá bán. Tuy nhiên điều này cũng không khuyến khích các giao dịch tại Đông Nam Á sôi động trở lại.
Hầu hết các chào bán của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong tuần này tăng giá so với những tuần trước đó. HRC SS400B 3-12mm đã tăng 10-15 USD/tấn so với tuần trước lên 500-505 USD/tấn fob nhưng chưa có hợp đồng nào được yết với giá mới này.
Nhu cầu yếu kém là gốc rễ của vấn đề chứ không phải giá bán. Do đó nếu không giải quyết được đầu ra, tiêu dùng thép trực tiếp tiếp tục trì trệ thì thị trường khu vực này sẽ còn kéo dài sự ảm đạm cho đến cuối năm.
Thị trường thép xây dựng tại Đông Nam Á cũng đang be bét, hàng loạt dự án bất động sản bị ngưng lại do thiếu vốn đã kéo theo sức mua thép giảm chóng mặt.
Tất cả các nhà kinh doanh thép đều rơi vào tình trạng bi đát vì không bán được hàng. Trong khi đó lượng tồn kho tăng cao và sự hoành hành của thép nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Dù đã tăng giá thêm 10 USD/tấn trong tuần này nhưng phôi thanh Trung Quốc hiện chỉ ở khoảng 510 USD/tấn fob, tức khoảng 535-540 USD/tấn cfr. Còn giá thép cây giá khoảng 530 USD/tấn cfr.
Đài Loan
Sự tuột dốc của giá quặng và phế liệu trong những ngày gần đây đã kéo theo hàng loạt các sản phẩm thép thành phẩm tại thị trường Đài Loan đi xuống.
Không thể cưỡng lại xu hướng chung, nhà sản xuất thép hàng đầu Đài Loan- Feng Hsin tuần này tiếp tục phải điều chỉnh giá thép cây giảm thêm 500 Đài tệ tấn (17 USD/tấn), đưa giá về mức 18.000 Đài tệ/tấn. Thị trường ảm đạm và giá nguyên liệu thô lao dốc là những nguyên nhân chính để Feng Hsin đi đến quyết định này. Tuy nhiên điều người ta lo ngại nhất là nếu giá liên tiếp được điều chỉnh giảm qua các tuần sẽ vô tình đánh mất niềm tin của người mua.
Còn đối với thép dầm hình H, mặc dù các nhà sản xuất vẫn giữ nguyên giá bán nhưng trên thị trường giao ngay một số thương nhân buộc phải hạ giá bán nhằm giữ khách. Mức giá phổ biến đang ở khoảng 25.000-26.000 Đài tệ/tấn nhưng khách hàng vẫn có thể tìm kiếm mức 23.800 Đài tệ/tấn ở một số nhà kinh doanh nhỏ hơn.
Bên cạnh sự suy yếu của giá nguyên liệu thô, hiện tượng thép nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc ồ ạt sang cũng tác động đến sự đi xuống của giá thép nội địa Đài Loan. Với những thách thức nói trên, cộng với lực mua ngày càng yếu, thị trường thép Đài Loan cũng không được đánh giá cao về khả năng phục hồi vào tuần tới.
Hàn Quốc
Mặc dù đã bước vào mùa tiêu thụ cao điểm, sức mua thép cuộn cán nóng nội địa Hàn Quốc vẫn rất yếu ớt do bị cạnh tranh bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Các chào bán thép nội địa tuần này đã giảm 20.000-30.000 Won/tân so với cuối tháng 08. Song, mức giá hiện tại vẫn khó cạnh tranh với thép Trung Quốc.
Dù vậy, thị trường HRC tuần tới được dự đoán sẽ đỡ nghẹt thở hơn bởi Trung Quốc đã tạm ngưng xuất khẩu và đang xem xét đến khả năng tăng giá sau khi thị trường nội địa nước này phục hồi trở lại.
Thị trường CRC cũng chẳng khá khẩm hơn. Nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô, đồ điện gia dụng xuống thấp đang gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất thép. Do sự cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ nên phương án giá cũng không được tiết lộ. CRC 1.2mm được dự đoán ở khoảng 900.000-950.000 Won/tấn (792-836 USD/tấn).
Nhật Bản
Các nhà phân phối thép cây Nhật Bản đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể giải quyết vấn đề của mình để có thể lưu thông hàng hóa.
Mặc dù các nhà sản xuất đã nâng giá xuất xưởng, song để có thể nâng giá bán tới tay người tiêu dùng là điều không dễ dàng cho các nhà phân phối vì giá phế liệu đang suy yếu. Trong khi đó giới sản xuất đang gặp khó khăn về tài chính nên họ sẽ không có ý định điều chỉnh giá xuất xưởng cho dù giá phế liệu có giảm thêm đi chăng nữa.
Phần vì thiếu nhu cầu, phần vì không có tiếng nói chung nên thị trường thép cây Nhật Bản hiện rất chệch choạc. Dù giá ổn định nhưng thị trường đang mất dần lực mua.
Đối với thép không gỉ, giá trên thị trường không có gì thay đổi trong 02 tuần qua. Thị trường được cho là đã chạm đáy và khả năng các nhà sản xuất sẽ nâng giá bán trong thời gian tới.
Ấn Độ
Thị trường thép cuộn cán nóng Ấn Độ được dự đoán là sẽ ảm đạm cho đến cuối năm. Sự suy yếu của thị trường thép thế giới cũng như lực mua trong nước yếu hơn đang gây nên những trở ngại lớn cho các hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ.
HRC IS 2062 A/B 3mm đang ở mức trung bình là 34.000-34.500 Rs/tấn (613-622 USD/tấn) nhưng giá thực tế nghe nói thấp hơn 1.000 Rs/tấn (18 USD/tấn).
Còn đối với thị trường HDG, hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì ổn định và không có chuyển biến mới tích cực. Xuất khẩu sang Châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi điều tra chống bán phá giá đối với hàng giá rẻ Trung Quốc, còn sang Mỹ cũng không có nhiều thay đổi so với những tuần trước.
Châu Âu
Mặc dù trước đó hầu hết các nhà tham gia thị trường đều cho rằng thị trường sẽ phục hồi trong tháng 09, nhưng dù đã kết thúc tuần thứ hai của tháng, thị trường thép Châu Âu vẫn chưa thể phục hồi trở lại.
Nguyên nhân đã được người ta nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, nào là thiếu sức mua, thiếu sự cạnh tranh với thép nhập khẩu, giá nguyên liệu suy yếu… Song nguyên nhân sâu xa và bao trùm lên tất cả những vấn đề này có thể chỉ được tóm ngắn gọn là do khủng hoảng nợ công trong khu vực.
Chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ vô tình đã tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp và đồng thời cho người dân, chi tiêu ngày càng trở nên hạn hẹp hơn khiến cho hoạt động kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực rơi vào tình trạng ế ẩm. Có lẽ cũng chẳng ai biết được khi nào thị trường thép ở khu vực này mới được đánh thức.
Quay về tình hình thị trường trong tuần này, nhìn chung các giao dịch vẫn ở mức khiêm tốn. Khách hàng tiêu dùng trực tiếp thì hoãn mua, nhà phân phối cũng muốn giảm thiểu lượng tồn dự trữ. Phản ứng thu mình lại trong võ bọc của các nhà tham gia thị trường khiến cho không khí càng im ắng hơn.
Đối với thị trường thép tấm, chẳng ai biết được phải cần thêm bao nhiêu thời gian nữa các giao dịch mới trở lại với các nhà kinh doanh. Ngay cả thép giá rẻ từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ giờ đây cũng rất khó lấy lòng khách hàng.
Thị trường thép cây cũng không khá khẩm hơn, các hoạt động giao dịch đang bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ của các dự án xây dựng. Hiện các nhà sản xuất đang hạn chế các chào bán nhằm giữ giá ổn định. Tuy nhiên đây cũng không phải là giải pháp có thể ứng dụng về lâu về dài.
Riêng thị trường thép cuộn, do lượng tồn còn khá ít nên giữa cung và cầu hiện vẫn tương đối cân bằng, điều này làm giảm áp lực cho các nhà sản xuất và giữ giá bán ổn định hơn.
HRC hiện có giá khoảng 500-510 EUR/tấn xuất xưởng. CRC và HDG giá khoảng 580-590 USD/tấn xuất xưởng.
Giá thép từ Trung Quốc khá hấp dẫn nhưng do thời hạn giao hàng quá lâu nên khách hàng cũng chẳng mặn mà.
Thổ Nhĩ Kỳ
Trong tuần này, thị trường thép dài của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo chiều đi xuống do nhu cầu tại thị trường nội địa chưa phục hồi cộng thêm đó là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Thép Trung Quốc giờ đây đã lấn sang các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu khiến cho sức mua thép Thổ Nhĩ Kỳ từ những thị trường này bị hạn chế lại. Giá thép cây trong tuần này đã giảm xuống còn 590-595 USD/tấn fob trong khi đó thép thanh và một các loại thép bán thành phẩm cũng được các nhà sản xuất điều chỉnh giá tại thị trường nội địa đi xuống.
Tuy nhiên thị trường thép công nghiệp đang đổi hướng đi lên. Sực phục hồi của thị trường thép Trung Quốc đang tiếp thêm niềm tin, kích thích lực mua tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. HRC nội địa đang ở mức 620-630 USD/tấn xuất xưởng. Sau 02 tháng hoãn mua, lượng thép tồn trên thị trường không còn nhiều, đây cũng là cơ hội cho giá thép bước lên mức cao hơn trong thời gian tới.
Mỹ
Với sức ép từ các chào bán nhập khẩu giá thấp cùng với lực mua tại thị trường nội địa chậm lại, giá thép tấm mỏng tại Mỹ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống trong tuần này.
HRC hiện chỉ khoảng 640-660 USD/tấn nhưng khả năng sẽ sớm về mức 620 USD/tấn vì thép nhập khẩu từ Trung Quốc có giá chưa tới 600 USD/tấn. CRC và HDG đang ở mức lần lượt là 650-660 USD/tấn ngắn và 760-770 USD/tấn ngắn xuất xưởng từ mức giá tuần trước là 660-680 USD/tấn ngắn xuất xưởng và 760-780 USD/tấn ngắn xuất xưởng.
Trong tuần này chỉ có cuộn trơn là đang theo chiều hướng lên, tuy nhiên mức tăng không được như các nhà sản xuất mong đợi. Giá đang ở mức 680-700 USD/tấn ngắn, một số nhà sản xuất chào bán ở mức 720 USD/tấn ngắn nhưng không nhận được sự ủng hộ từ giới thị trường.
CIS
Xuất khẩu phôi thanh và các sản phẩm thép khác của CIS không tăng về số lượng tuy nhiên giá bán đang bị ảnh hưởng bởi sự biến hóa của thị trường thép Trung Quốc.
Đối với phôi thanh, xuất khẩu sang Trung Đông và Bắc Phi đang gặp khó khăn vì khách hàng khước từ mua với mức giá cũ. Sự thâm nhập của thép dài Trung Quốc khiến cho các nhà sản xuất nội địa khu vực này phải điều chỉnh giá mua phôi thanh từ CIS nhằm tăng tính cạnh tranh.
Tại sàn Platts, giá phôi thanh CIS tuần này cũng bị giảm 2,5 USD/tấn xuống mức 535 USD/tấn fob.
Trong khi đó, thép cuộn đang theo diễn biến tốt hơn. Giá trong tuần này đã tăng 2,5 USD/tấn đối với HRC và 5 USD/tấn đối với CRC lên mức lần lượt là 545 USD/tấn fob và 630 USD/tấn fob. Sỡ dĩ niềm tin được cải thiện là do được lèo lái bởi thị trường thép cuộn Trung Quốc. Do vậy sự ổn định có được duy trì lâu dài hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến sắp tới của đại lục này.