Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 45
Một tuần nữa trong tháng 11 kết thúc và đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp kể từ đầu tháng. Tuy nhiên sức tăng duy trì mạnh nhất nửa đầu tuần và dần giảm tốc vào nửa cuối tuần.
Các nước đạo hồi bước vào kỳ nghỉ lễ ăn chay bắt đầu từ ngày 11/11, nên mọi hoạt động giao dịch được tất toán trước đó một ngày. Giá cả thị trường thế giới tăng mạnh trong tuần qua và kéo dài đến nửa đầu tuần này đều xuất phát từ lực mua thép, phôi của Trung Đông và phế từ Thổ Nhĩ Kỳ, việc nghỉ lễ khiến các thị trường xuất khẩu truyền thống như CIS và châu Á lắng dịu hơn.
Hơn nữa, Trung Quốc, đầu tàu của thị trường thép thế giới cũng đang bận rộn với đại hội thể thao lớn nhất châu Á khai mạc vào hôm nay 12/11, nên sức bật của giá chậm hơn đôi chút sau khi tăng tốc những ngày đầu tuần.
Đà tăng của thép Trung Quốc tuần qua và tuần này ngoài yếu tố lèo lái bởi giá cả nguyên vật liệu thô tăng cao, đồng NDT mất giá, yếu tố chính vẫn là do đầu cơ vì lực cầu thực tế vẫn yếu.
Quyết định bơm thanh khoản hàng trăm tỉ USD vào nền kinh tế của Mỹ khiến giới thương nhân Trung Quốc lo ngại các dòng tiền nóng USD sẽ chảy vào nền kinh tế quốc gia Đông Á, và làm căng thẳng thêm tình trạng lạm phát ở nước này, do đó giới thương nhân đi trước một bước mua các loại hàng hóa như vàng để tích trữ phòng tránh rủi ro, vô hình chung kéo giá sắt thép đi lên.
Thị trường châu Á
Trong bối cảnh thị trường thép Trung Quốc nhảy nhót, cũng như giá nguyên vật liệu thô tăng cao, các nhà xuất khẩu châu Á đều nâng giá bán. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá lại khiến khách hàng thờ ơ, nhưng nếu không tăng thì không theo kịp tốc độ của giá trong nước.
Giá phế liệu nhập khẩu vào các nước Đông Á đã tăng nhanh trong gần đây do giới thu mua từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và các nước ASEAN đồng loạt tham gia giao dịch. Hiện giá phế HMS 1&2 (80:20) của Mỹ xuất khẩu sang các nước châu Á có giá 420 USD/tấn cfr, và sớm tăng lên 425 USD/tấn C&F.
Trong khi đó, nguồn cung quặng theo quý từ các hãng khai khoáng hàng đầu trên thế giới không thỏa mãn nhu cầu các nước, vì vậy cứu tinh duy nhất là mua quặng ngoài thị trường tự do. Nhưng đâu cũng có cái giá của nó, khi có sự tranh mua ắt giá hình thành mũi tên đi lên, mà đích ngắm đầu tiên là 170 USD/tấn cfr sau khi giá quặng Fe 63,5% hiện giao dịch ở mức 162-164 USD/tấn cfr.
Nhật Bản
Tuần này, các nhà sản xuất thép Nhật Bản ganh nhau nâng giá thu mua phế liệu trong nước để đảm bảo nguồn cung. Riêng Tokyo Steel Manufacturing đã nâng giá thu mua kế hai lần trong tuần. Lần đầu vào ngày 09/11 và lần hai vào ngày 12/11, mỗi lần từ 1.000-1.500 Yên/tấn (12-18,5 USD/tấn) và hiện đang dao động từ 29.000-31.000 Yên/tấn (360-378 USD/tấn).
Trước đó, các nhà sản xuất nhỏ hơn đã bí mật nâng giá chào mua cao hơn để bảo đảm ổn định nguồn cung, khiến nguồn cung phế cho Tokyo Steel giảm đi. Lực mua mạnh tạo cơ hội làm giá cho các nhà kinh doanh phế bằng cách ngưng bán ra để chờ giá cao hơn nữa.
Theo dự báo, xuất khẩu thép của Nhật Bản có thể đạt kỷ lục 40 triệu tấn trong năm nay bất chấp sự mạnh lên của đồng Yên làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Đồng USD yếu hơn đồng Yên đã ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các nhà sản xuất Nhật Bản do xuất khẩu chủ yếu được trả bằng USD. Hiện các nhà sản xuất đang khó khăn trong việc thiết lập mức giá xuất khẩu mới đối với thép tấm không gỉ cán nguội cho các khách hàng châu Á. Mọi thương lượng về giá giao tháng 12 vẫn đang diễn ra, không biết mức 3.200 USD/tấn fob có được các khách hàng chấp nhận hay không.
Đài Loan
Bối cảnh giá thép tăng chung ở châu Á, các nhà sản xuất Đài Loan cũng nâng giá bán 300 Đài tệ/tấn (10 USD/tấn) thép cây, nhưng khả năng giá sẽ sớm trở lại vì thiếu sức mua.
Dù lo sốt vó khối lượng tồn đang ngày một nảy nở, các nhà sản xuất cương quyết không hạ giá xuống 18.500 Đài tệ/tấn như chào mua của khách hàng trong nước. Sự cứng nhắc về giá càng đẩy người tiêu dùng quay về trạng thái đợi chờ và nghe ngóng, bởi trước đó có tin China Steel Corp nói có thể sẽ hạ giá bán các sản phẩm thép một lần nữa, trong đó HRC sẽ hạ xuống ít nhất là 60-70 USD/tấn.
Xuất khẩu của Đài Loan gần đây cũng rơi vào tình trạng tắc nghẽn vì giá cao hơn những nơi khác. Chẳng hạn thép cây của Hàn Quốc xuất khẩu sang Singapore trong tuần này có giá 630 USD/tấn cfr, trong khi giá xuất khẩu của Đài Loan là 645-650 USD/tấn cfr, do đó Đài Loan bị lép vế trước các đối thủ khác.
Ấn Độ
Mặc dù thị trường thép của Ấn Độ không được nhắc đến nhưng quặng sắt của nước này đang hâm nóng các thị trường châu Á khác. Trung Quốc mất ăn mất ngủ sau khi Ấn Độ tái khẳng định sẽ cắt dần xuất khẩu quặng ra nước ngoài. Hàng loạt các biện pháp sẽ được chính phủ đưa ra vào thời gian tới nhằm thắt chặt nguồn cung, chỉ để dành cho sản xuất trong nước.
Theo Liên đoàn Công nghiệp khai khoáng Ấn Độ (FIMI), xuất khẩu quặng Ấn Độ sẽ giảm 32% trong năm nay, tức giảm từ 117 triệu tấn trong năm tài khóa 2009/2010 xuống còn 80 triệu tấn trong năm 2010/2011 do nhu cầu trong nước tăng mạnh.
Vì vậy cơn sốt quặng cũng là điều dễ hiểu vì khách hàng Trung Quốc đang cố tăng lượng mua vì sợ nguồn cung khan hiếm hơn trong tương lai nếu như Ấn Độ chốt lại đường ngạch xuất khẩu, nhưng trước mắt, các nhà sản xuất Trung Quốc cần bổ sung dự trữ trước khi thời tiết trở lên băng giá hơn.
Đông Nam Á
Thị trường thép Đông Nam Á cũng đang nghiêng theo xu hướng của thị trường thế giới. Hàng loạt các nhà xuất khẩu ở các khu vực như CIS, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản … đang tranh nhau hòng giành giật thị trường béo bở, nhưng tâm lý người mua thì ở đâu rẻ thì mua ở đó, vì vậy nước nào nâng giá xuất khẩu thì bất lợi hơn.
Thép cuộn
Tuần này, Trung Quốc đã nâng giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC sang các nước Đông Nam Á cùng đà với sự phục hồi của thị trường trong nước và giá phế liệu thế giới. Trung Quốc muốn bán HRC SS400B 3-12mm tiêu chuẩn thương mại với giá 600-610 USD/tấn fob (620-640 USD/tấn cfr). Tuy nhiên nhu cầu hàng nhập khẩu ở các nước Đông Nam Á vẫn khá trầm lắng và chưa sẵn sàng mua ở giá mà Trung Quốc chào bán.
Trong khi đó các nhà sản xuất của Đài Loan và Hàn Quốc cũng đang nhắm đến xuất khẩu HRC cán lại cho Đông Nam Á với giá 620 USD/tấn fob (640-650 USD/tấn cfr), nhưng theo một số thương nhân, có vài nhà máy chào chỉ chào bán ở mức 625 USD/tấn cfr, còn các nhà nhập khẩu đang thương lượng ở mức 610-620 USD/tấn cfr.
Thép cây
Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm đến việc nâng giá xuất khẩu thép cây vào Singapore lên 630 USD/tấn cfr từ mức 600-610 USD/tấn cfr cuối tháng 10 sau khi giá phế liệu và USD giảm. Mặc dù Hàn Quốc hiện chưa đưa ra giá chào, nhưng giới thương nhân Singapore nói khả năng các nhà sản xuất của nước này cũng sẽ nâng giá bán lên 630 USD/tấn cfr vào cuối tháng.
Phôi
Tuần trước, giá phôi nhập của Philippines từ Hàn Quốc là 580 USD/tấn cfr, trong khi Thái Lan nhập từ Biển Đen là 575 USD/tấn cfr và nhập từ Nga là 540-550 USD/tấn cfr, nhưng hiện giá phôi nhập vào Đông Nam Á đã tăng và có giá thấp nhất là 585-590 USD/tấn cfr, tuy nhiên các nhà nhập khẩu đang cố thương lượng ở mức 555-560 USD/tấn cfr.
Trước tình hình phôi lên giá nhanh, nhà cán lại ở Indonesia và Việt Nam chuyển qua dùng phôi sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu.
Đại diện một nhà cán lại của Indonesia nói rằng phôi trong nước nếu tính luôn chi phí vận chuyển có giá tương đương 570 USD/tấn, trong khi chào bán của Nhật là 575 USD/tấn cfr.
Giám đốc điều hành của một nhà cán lại ở Việt Nam nói, đồng nội tệ trong nước yếu trở lại so với USD dẫn đến việc trở lại dùng phôi sản xuất trong nước có giá không xê xích nhiều. phôi sản xuất trong nước có giá 12,1-12,2 triệu đồng/tấn (590-595 USD/tấn), bao gồm VAT, trong khi chào bán của Đài Loan là 590 USD/tấn cfr, chưa kể 7% thuế nhập khẩu.
Riêng tại Việt Nam
Do lượng phôi nhập khẩu trước đó của Việt Nam còn nhiều, trong khi các nhà cán lại đang ưu ái phôi sản xuất trong nước, do đó một số nhà nhập khẩu đã tái xuất khẩu lại lượng phôi nhập từ Hàn Quốc sang các nước Đông Nam Á với giá 580-585 USD/tấn cfr, nhưng vẫn chưa có nơi nào chào mua.
Hoạt động nhập khẩu thép cuộn cán nóng HRC từ Trung Quốc của Việt Nam cũng giảm trong tuần này vì các nhà cung cấp nâng giá chào bán. Tuần trước khó khăn lắm Việt Nam mới chịu nhập HRC SS400B của Trung Quốc với giá 585-590 USD/tấn cfr huống chi là điều chỉnh giá tăng một lần nữa.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép dài của Việt Nam đã hồi phục mạnh trong tháng 10 với 448.000 tấn, tăng 58% so với tháng trước và tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ trong nước cao hơn mức sản lượng 444.000 tấn trong tháng 10.
Tổng tiêu thụ thép dài của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2010 đạt 3,9 triệu tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng đạt 4 triệu tấn, tăng 17,4%.
Một tin tốt cho thị trường đó là hai tháng cuối năm, nhiều dự án xây dựng đẩy mạnh kế hoạch hoàn thiện, nhưng ông Tam cảnh báo rằng đồng nội tệ trong nước yếu đi, cũng như lãi suất ngân hàng cao có thể sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu thép. Lãi suất Ngân hàng hiện đang ở mức 12-16%.
Thị trường thép châu Âu
Mặc dù thị trường thép thế giới sôi động, nhưng thị trường thép châu Âu lại gặp nhiều khó khăn trong việc nâng giá vì nhu cầu của các nước vẫn chưa có tín hiệu cải thiện, trong khi phải chịu thêm nhiều áp lực từ các tin xấu của nền kinh tế.
Nhiều nhà sản xuất Châu Âu bắt đầu thông báo nâng giá thép hình thêm 20-30 EUR/tấn, nhưng giá khó đạt được vì người tiêu dùng trực tiếp sẽ không chấp nhận.
Chi phí sản xuất đang trở thành gánh nặng cho các nhà sản xuất, nếu không tăng các nhà sản xuất sẽ bơi trong thua lỗ. Như đại diện một nhà sản xuất nói, chi phí sản xuất trong tháng này có thể tăng 15-20 EUR/tấn do giá phế quay đầu tăng cao hơn, khiến sản xuất của chúng tôi bị áp lực.
Còn về thị trường thép cuộn, khả năng các nhà máy cũng sẽ thông báo tăng giá trước khi kết thúc năm. Hiện giá HRC và CRC xuất xưởng cơ bản tại thị trường giao ngay lần lượt là 470-500 EUR/tấn (642-683 USD/tấn), và 550-600 EUR/tấn.
Thị trường thép CIS
Các khách hàng thân thuộc Trung Đông bước vào kỳ nghỉ lễ ăn mặn, thì thị trường phôi và thép xuất khẩu của các nước thuộc khối CIS cũng yên ắng hơn về dần cuối tuần. Tuy nhiên, giá cả vẫn ổn định.
Trong đó giá chào bán tại Biển Đen vẫn ổn định quanh mức 555-565 USD/tấn fob, nhưng các nhà nhập khẩu đang nỗ lực thương lượng ở mức 550 USD/tấn fob.
Thay cho Trung Đông tuần này, CIS chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á. Nhà sản xuất Evraz cho biết phôi của họ hiện đang bán sang Đông Nam Á với giá 575 USD/tấn cfr, đặc biệt là nhu cầu khá mạnh ở Philippines.
(Sathep.net tổng hợp)