Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 45
Trong khi Châu Âu vẫn đang chật với gói cứu trợ Hy Lạp thì nền kinh tế lớn thứ ba khu vực là Italia cũng bắt đầu khó kiểm soát với các khoản nợ khổng lồ. Hơn ai hết, giới lãnh đạo trong vực hiểu rỏ giải cứu Italia là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn thậm chí là nằm ngoài khả năng của mình vì nguồn quỹ bình ổn có hạn trong khi không dễ thuyết phục các nước lớn như Trung Quốc và Nga chung tay cứu giúp.
Với tình hình trên, nguy cơ khu vực đồng tiền chung có thể sẽ bị thu hẹp đang là mối lo lớn nhất đối với các nhà đầu tư và họ bắt đầu bán tháo các tài sản đang sở hữu bởi quan ngại đồng EUR sẽ mất giá trị.
Như một hệ quả tất yếu, thị trường đã chứng kiến sự lao dốc khá mạnh của hầu hết các hàng hóa như vàng, dầu lửa, chứng khoán trong tuần này.
Giá kim loại vàng chốt phiên hôm thứ Tư tại sàn Comex, New York mất 7,6 USD/ounce xuống còn 1,791,6 USD/ounce do chịu ảnh hưởng từ lãi suất trái phiếu của Italia tăng mạnh 7,5%, mức kỷ lục trong kỷ nguyên đồng euro. Cùng với kim loại quý, giá dầu thô WTI giao tháng 12 cũng bốc hơi 1,1 USD/thùng xuống còn 75,96 USD/thùng tài sàn giao dịch New York mặc dù các phiên giao dịch trước đó có lúc giá đã vượt mốc 97 USD. Tuy nhiên, sự trượt giảm mạnh nhất có thể kể đến là thị trường chứng khoán. Dow Jones giảm tới 389,24 điểm, tương ứng 3,2%, xuống 11.780,94 điểm. S&P 500 hạ 46,82 điểm, tươngứng 3,67%, xuống 1.229,10 điểm. Nasdaq trượt 105,84 điểm, tương ứng 3,88%, xuống 2.621,65 điểm.
Quay lại thị trường thép thế giới tuần này, giá cả tất cả các mặt hàng bắt đầu chững lại và có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, các giao dịch vẫn còn hạn chế và hầu hết khách hàng đều ở trạng thái nghe ngóng.
Châu Á
Đông Nam Á
Trong tuần này, giá chào HRC sang Đông Nam Á tiếp tục giảm xuống khiến giá nội địa khu vực này cũng phải chìm theo.
Tính đến thời điểm này giá HRC đã mất khoảng 80-100 USD/tấn so với đỉnh cao hồi đầu năm. Tuy nhiên, giới thị trường chưa tin mức giảm có thể dừng lại.
Hồi cuối tuần trước Việt Nam đã chào mua HRC SAE 1008 2mm từ Hàn Quốc với giá 645 USD/tấn cfr nhưng giá tiếp tục đi xuống trong tuần này.
Không chỉ các chào bán từ Hàn Quốc là giảm giá mà ngay cả chào bán từ Nhật, Trung Quốc hay quốc gia phục thuộc vào nguồn phôi đắt đỏ như Đài Loan cũng phải điều chỉnh giá chào của mình chỉ nhằm kiếm được những hợp đồng đặt mua hiếm hoi tại thị trường Đông Nam Á.
Kỳ vọng giá lên không hoàn toàn bị dập tắt bởi các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhắm đến việc cắt giảm sản xuất, hơn nữa thị trường quặng cũng dần phục hồi trở lại. Có thể giá HRC sẽ sớm ổn định và mạnh lên trong vài tuần tới.
Đối với phôi thanh, mặc dù giá chào tuần trước từ các nhà cung cấp nước ngoài đã giảm khoảng 5-10 USD/tấn nhưng với mức chào bán 610-630 USD/tấn cfr trong tuần này vẫn không được khách hàng Đông Nam Á nhiệt tình đón nhận. Sự yếu kém trong tiêu dùng thép thành phẩm cộng với bất ổn tài chính toàn cầu làm họ mất khả năng phán đoán xu hướng. Do đó tâm lý chung chỉ muốn mua với giá rẻ mạt đảm bảo không bị “hớ” như tại mức 580-590 USD/tấn cfr mà thôi.
Tuy nhiên thị trường phôi thanh CIS bắt đầu phục hồi cùng với sự thắt chặt trong nguồn cung thì giá chào mua phôi thanh từ khách hàng Đông Nam Á khó có thể trở thành hiện thực.
Nhật Bản
Do một số nhà sản xuất thép hình điều chỉnh giá giảm cộng với sự suy yếu của phế liệu khiến giá thép hình tại thị trường giao ngay tuần này bị kéo xuống. Khách hàng đã tạm ngưng các giao dịch vì cho rằng giá sẽ còn giảm nữa.
Chính sách giữ giá ổn định trong tháng của nhà sản xuất Osaka Steel cũng không làm thị thị trường ổn định hơn bởi các ông lớn như Tokyo Steel đã công khai hạ giá thép hình chữ U 100x50mm giảm 5.000 Yên/tấn. Tuy mức điều chỉnh không lớn nhưng cũng đủ để gây hoang mang cho các nhà đầu tư và có tâm lý bán xả hàng, tạo thêm nhiều cơ hội cho khách hàng tiếp tục hạ thấp giá trị của thép và chưa muốn mua ngay.
Cơ hội cho giá thép hình phục hồi dường như chỉ còn dựa vào nhu cầu từ các dự án xây dựng vừa và nhỏ, nhưng với số lượng ít ỏi mà họ sẳn sàng mua chắc chắn sẽ khó nâng đỡ thị trường trong tình trạng kiệt quệ như bây giờ.
Hàn Quốc
Mặc dù đã cân nhắc kỹ lưỡng trong từng động thái của mình nhưng một số nhà sản xuất thép xây dựng tại Hàn Quốc vẫn không đạt được các mục tiêu như mong muốn, nhất là trong tình trạng kinh doanh ngày một khốn khó như hiện nay.
Sự trì trệ của thị trường và thái độ kén chọn của người mua đã không thể ngăn cản quyết định của nhà sản xuất Huyndai Steel nâng giá thép hình tháng 11 thêm 30.000 Won/tấn. Tuy nhiên, mục tiêu nâng giá thép cây của nhà sản xuất này đã bị thất bại khi gặp “lực cản” giữ giá ổn định của đối thủ Dongkuk Steel Mill.
Thép dầm hình H cỡ lớn của Hyundai Steel hiện có giá bán lẻ là 1-1,05 triệu Won/tấn (889-993 USD/tấn), còn thép của Dongkuk Steel có giá thấp hơn 10.000-20.000 Won/tấn (8-18 USD/tấn). Tuy nhiên thép cây của hai nhà sản xuất này vẫn được duy trì giá ổn định so với tuần trước.
Trong thời gian gần đây giá niken liên tục lao dốc buộc nhà nhà sản xuất Posco Specialty Steel tuần này phải thông báo giảm giá cuộn trơn không gỉ austenitic khoảng 100.000 Won/tấn (88 USD/tấn), áp dụng đối với hợp đồng tháng 11. Như vậy, dù chưa công bố giá chính thức nhưng cuộn trơn dòng 300-series được dự đoán có giá cơ bản khoảng 4,8-4,9 triệu Won/tấn (4.262-4.351 USD/tấn), còn thanh không gỉ vẫn ổn định tại mức 3,8-3,9 triệu Won/tấn.
Đối với thị trường xuất khẩu: giá HRC xuất khẩu tuần này tiếp tục đi xuống và có lúc chạm mức thấp 600 USD/tấn cfr. Tuy nhiên với sự phục hồi của giá quặng trong thời gian gần đây đã tạo thêm niềm tin để các nhà sản xuất Hàn Quốc giữ giá ổn định và dần tiến đến việc điều chỉnh tăng. Hơn nữa, một số nhà sản xuất lớn như Posco cũng đã nhận đủ đơn hàng tháng 12 và tháng 01 nên số lượng chào bán HRC từ Hàn Quốc sẽ không ồ ạt như trước.
Trong khi đó, phôi thanh xuất khẩu cũng bị ứ lại ở các kho hàng do giá chào mua từ khách hàng quá rẻ mạt. Dù cuối tháng 10 các nhà sản xuất phôi thanh Hàn Quốc có thể dễ dàng chốt hợp đồng với giá 640 USD/tấn thì giờ đây mức 605-610 USD dù có tìm mỏi mắt cũng không thấy ai đặt mua vì đa số chỉ muốn chốt tại ngưỡng 590 USD mà thôi.
Ấn Độ
Cơ hội xuất khẩu thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng đang ở phía trước khi mà vài ngày nữa thị trường Trung Đông được dự báo sẽ phục hồi trở lại sau lễ EID kết thúc vào đầu tuần tới. Lực mua từ Châu Âu vài ngày tới chắc cũng cải thiện hơn vì họ thường gom hàng vào nửa cuối tháng 11 để tích trữ cho nhu cầu vào tháng 01 năm sau.
Trước những thông tin khả quan trên, giá thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng của Ấn Độ tuần rồi đã ngừng giảm và bắt đầu đi vào ổn định. Tuy nhiên triển vọng thị trường vẫn khó đoán vì kinh tế bất ổn vẫn là rào cản lớn ngăn khách hàng đến với thị trường.
Thép cuộn mềm dày 0,3mm 90 g/m2 mạ kẽm hiện được chào bán ở mức trung bình 920-930 USD/tấn fob cho các lô hàng sản xuất tháng 12 và giao vào tháng 1/2012. Tuy nhiên, hợp đồng được chôt mức 900-920 USD/tấn fob tùy vào khối lượng đặt mua.
Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đang là nỗi ám ảnh lớn nhất của các nhà kinh doanh và ngành thép là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ hệ quả này.
Trong 07 ngày vừa qua, thị trường thép cuộn liên tục xuống dốc vì niềm tin bị sụp đỗ. Một số nhà sản xuất đang cố giữ giá HRC ở mức 500 EUR/tấn nhưng xem ra đó là điều không thể và họ đành chấp nhận chốt hợp đồng ở mức thấp hơn.
Tuy nhiên, thị trường thép cuộn tại Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán sẽ khởi sắc hơn vào tuần tới sau khi kết thúc lễ Eid, đây là thời điểm các nhà dự trữ đặt mua thép tích trữ cho năm 2012 nên cũng không loại trừ khả năng giá tuần tới sẽ tăng lên nếu lực mua phục hồi mạnh.
Đối với CRC, giá nội địa khu vực Tây Bắc Âu đang ở 540-550 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản, nhưng khả năng giá tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới, ít nhất là đến quý Một/2012.
Đã không ít người trước đây mua thép tích trữ giờ phải hối hận với quyết định này khi nhận thấy thị trường không ngừng lao dốc.
Tại Anh, một số nhà phân phối thép cuộn có khuynh hướng bán tháo vì cho rằng thà chịu lỗ còn hơn là trữ hàng tồn. Động thái này càng gây sức ép lên lên giá bán và làm tổn thương niềm tin của khách hàng.
Trong khi đó, thị trường thép cây tại khu vực này vẫn còn nhiều bất ổn. Khách hàng trong nước vẫn tránh xa thị trường nên các nhà sản xuất buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chào xuất khẩu đang được điều chỉnh giảm 10 EUR/tấn nhằm khuyến khích lực mua. Giá chào sang Algeria tuần này ở khoảng 490-495 EUR/tấn (666-673 USD/tấn) fob.
CIS
Các nhà sản xuất phôi thanh CIS tuần này quyết định giữ giá ổn định so với tuần trước đó vì cho rằng giá đã chạm đáy. Dù nhận được số lượng đặt mua từ khách hàng không nhiều nhưng một số nhà sản xuất thậm chí còn nâng giá phôi thanh lên 600 USD/tấn fob và từ chối ký hợp đồng dưới ngưỡng 590 USD/tấn fob.
Trên thực tế, phôi thanh sản xuất tháng 12 đã được một số nhà cung cấp CIS bán hết hoặc gần hết, số khác cũng chấp nhận cắt giảm sản xuất chứ không chịu hạ giá xuống thấp hơn nữa.
Với nỗ lực giữ giá của các nhà sản xuất và nguồn cung thị trường eo hẹp chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội cho phôi thanh ổn định hơn và sớm phục hồi trở lại.
Trong khi đó, phôi tấm lại không được các nhà sản xuất khu vực này thống nhất về chiến lược giá bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Đối với các nhà sản xuất đã có sẵn nguồn cung nguyên liệu thô thì muốn điều chỉnh giá phôi tấm giảm xuống nhằm kích cầu. Tuy nhiên, đó là một quyết định khó khăn đối với các nhà sản xuất phải dựa vào nguồn nguyên liệu đắt đỏ nhập từ nước ngoài và nếu hạ giá phôi tấm thêm nữa sẽ đẩy họ tới tình trạng thua lỗ.
Chính vì nguyên nhân này khiến giá phôi tấm trên thị trường chênh nhau khá nhiều. Một số nhà sản xuất chào bán với giá 530-545 fob nhưng mức 590-600 USD/tấn fob cũng là mức chào khá phổ biến trên thị trường.
Thị trường nguyên liệu thô
Phế liệu: giá phế liệu tuần này tiếp tục giảm tại Châu Á, tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng giá tuần tới sẽ chững lại và sớm phục hồi. Tại Nhật, tần số thay đổi giá thu mua phế của nhà sản xuấtTokyo Steel đã giảm xuống trong tuần này, thay vì điều chỉnh giá trung bình khoảng 03 lần/tuần thì giờ chỉ khoảng 02 lần/tuần.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà sản xuất vẫn đang hạn chế nhập khẩu phế liệu do thị trường thép thành phẩm quá yếu. Tuy nhiên, phế dự trữ của các nhà sản xuất này chỉ còn đủ dùng khoảng 15 ngày nữa mà thôi, do đó muốn hay không họ cũng sẽ gom phế trở lại. Phế hỗn hợp từ Châu Âu tuần này được chào sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá 406 USD/tấn cfr. Giá phế vụn nội địa tuần trước của Mỹ giảm mạnh 18 USD/tấn dài so với tuần trước đó xuống còn 423 USD/tấn dài.
Quặng sắt: do thị trường thép tại Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi bởi tín dụng được nới lỏng hơn trước, đã tạo lực đẩy giá quặng tiếp tục hướng lên trong tuần này. Tuy không khí giao dịch trên thị trường không tấp nập nhưng đa phần các nhà cung cấp quặng vững tin vào thị trường tương lai và muốn găm hàng chờ giá tăng thêm nữa.Tính đến thứ Năm tuần này, giá quặng 62% Fe từ TSI đã tăng thêm 12,1 USD/tấn so với tuần trước đó lên 134,8 USD/tấn cfr. 63.5/63% Fe hôm qua cũng được chốt tại mức 141,4 usd/tấn.
Nguồn tín dụng được nới lỏng và thị trường thép thành phẩm tại Trung Quốc phục hồi sẽ vẫn là hai nhân tố chính tiếp tục hậu thuẫn tốt cho giá quặng vào tuần tới. Nếu kinh tế thế giới bớt lao đao chắc chắn giá quặng sẽ còn tiến xa hơn nữa trong việc chinh phục các mốc mới.