Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 46
Sau khi tăng mạnh trong hai tuần đầu tiên trong tháng 11, thị trường thép thế giới tuần này đã đón cơn gió chướng do các nước đạo hồi vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Đông …, còn Trung Quốc đang bận rộn với đại hội thể thao châu Á.
Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông được xem là một trong những quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường thép thế giới, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ do giá phế nhập khẩu của nước này thường làm thước đo xu hướng thế giới. Nhưng hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nghỉ lễ nên phương hướng đã chuyển sang Trung Quốc.
Việc buông một số chính sách mới cuả chính phủ đã giáng một đòn mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán và hàng hóa Trung Quốc, qua đó đẩy giá thép không ngừng giảm trong tuần này.
Người ta lo ngại rằng thị trường thép Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đà suy yếu trong tuần tới, cộng với việc các quốc gia đạo hồi vẫn chưa quay lại thị trường, trong khi thời tiết càng trở lên băng giá hơn sẽ tạo áp lực lên thị trường thế giới về cả giao dịch lẫn giá cả.
Thị trường thép châu Á.
Tổng thể của thị trường thép châu Á trong tuần qua diễn biến theo thị trường Trung Quốc. Các nhà xuất-nhập khẩu bắt đầu lui về trạng thái nghe ngóng để xem diễn biến thị trường Trung Quốc sau khi giá cả tại đây tạm biệt đỉnh cao để quay về các mức thấp trở lại.
Nhật Bản
Thị trường thép Nhật Bản tuần này không tập trung đến giá mà hầu như tập trung vào thị trường phế liệu. Các nhà sản xuất nước này thi nhau nâng giá thu mua để tranh nhau nguồn cung.
Trong hai tuần qua, nhà sản xuất Tokyo steel đã nâng giá thu mua phế H2 đến bốn lần tổng cộng 3.500-4.500 Yên/tấn và hiện đang dao động quanh mức 30.500-33.500 Yên/tấn.
Việc liên tục nâng giá thu mua phế cho thấy dấu hiệu khả năng Tokyo steel sẽ điều chỉnh giá bán thép thành phẩm vào ngày 22/11, tức thứ Hai tuần tới.
Hàn Quốc
Thị trường thép xuất khẩu của Hàn Quốc tuần này trầm lắng vì giá cao hơn hẳn các nước khác. Hàn Quốc buộc phải nâng giá vì biến động của tỉ giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận, trong khi chi phí nguyên vật liệu thì tăng chưa có điểm dừng.
Hyundai Steel dự kiến sẽ nâng giá xuất khẩu thép dài sang Đông Nam Á 20-40 USD/tấn vào tháng 12 và 01 năm tới. Trong đó thép dầm hình H loại kích thước cơ bản sẽ có giá xuất khẩu sang Đông Nam Á được nâng lên 720 USD/tấn cfr, cọc cừ là 750 USD/tấn cfr, còn thép cây đang được cân nhắc điều chỉnh sau khi chào bán ở mức 630 USD/tấn cfr trước đó.
Các nhà sản xuất Hàn Quốc đang đứng trước tình thế lưỡng nan, nếu tăng giá thì sẽ rất khó cạnh canh với các nước xuất khẩu khác, mà cũng khó tìm được khách mua, nhưng nếu không tăng thì chi phí sản xuất sẽ là gánh nặng trong bối cảnh đồng nội tệ đang mất giá.
Đài Loan
Các nhà sản xuất thép ống Đài Loan cho biết họ đang bị lỗ 20-30 USD/tấn khi xuất khẩu ra nước ngoài do đồng Đài tệ tăng giá so với USD.
China Steel Corp (CSC) của Đài Loan cũng đang tính hạ giá xuất khẩu thép tấm từ 30-45 USD/tấn giao tháng 01 và tháng 02 năm sau do đồng nội tệ tăng.
Trong khi đó, tình hình tiêu thụ trong nước cũng rất chậm, nhất là thép xây dựng, dẫn đến sự thận trọng của các nhà sản xuất đối với các chính sách giá.
Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang Enterprise Corp đã chọn giải pháp không nâng giá bán dù giá phế tăng. Feng Hsin thì giữ nguyên giá bán, còn Hai Kwang hạ giá 200 Đài tệ/tấn.
Hiện thép cây SD280 kích thước trung bình của hai nhà sản xuất này có giá lần lượt 19.200 Đài tệ/tấn (634 USD/tấn) và 18.500 Đài tệ/tấn.
Ấn Độ
Tình hình tiêu thụ của Ấn Độ những tháng cuối năm thường chậm hơn vì đang trong cao điểm mùa cưới. Do đó, hoạt động nhập khẩu của nước này cũng khá trầm lắng.
Ấn Độ dãy nảy khi Trung Quốc thông báo nâng giá xuất khẩu giá thép tấm 10-15 USD/tấn vào nước này. Thay vào đó, Ấn Độ muốn Trung Quốc hạ giá bán 20 USD/tấn.
Ngược lại, thị trường xuất khẩu quặng của Ấn Độ vẫn giữ được nhiệt. Hiện giá quặng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng lên 167-169 USD/tấn cfr.
Đông Nam Á
Các nhà nhập khẩu thép ở Đông Nam Á trong tuần này đã lui về trạng thái nghe ngóng và theo dõi tình hình sau khi giá liên tục tăng lên. Dù biết nhu cầu thép ở các nướng Đông Nam Á sẽ chậm lại nhưng các nhà cung cấp không thể hạ giá bán vì chi phí sản xuất đầu vào đã vượt dự toán.
Thép xây dựng.
Tuần này Thổ Nhĩ Kỳ nâng giá chào thép cây vào Singapore thêm 10 USD/tấn lên mức 630-640 USD/tấn cfr, còn Đài Loan nâng giá lên 650 USD/tấn cfr. Các giá chào này quá cao nên không nhận được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu.
Còn về thép cuộn trơn, Trung Quốc gần đây nâng giá chào bán thép cây vào Đông Nam Á lên 650-660 USD/tấn cfr, xem ra quá cao đối với các nhà nhập khẩu trong khu vực, trong khi Philippines nhập cuộn trơn từ Nga chỉ 625 USD/tấn cfr
Thép cuộn
Tuần này, thị trường nhập khẩu thép cuộn của khu vực Đông Nam Á quay lại trạng thái trầm lắng, hầu như không có giao dịch. Một vài nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan chào bán lô hàng HRC cán lại với giá 630 USD/tấn, nhưng cũng khó tìm được khách hàng đặt mua.
Phôi
Tình hình nhập khẩu phôi ở khu vực Đông Nam Á tuần này dù vẫn chậm, nhưng giá không ngừng tăng. Các chào bán từ CIS hiện đang ở mức 580-600 USD/tấn cfr, tuy nhiên các nhà nhập khẩu trong khu vực đang nỗ lực hạ giá mua xuống thấp hơn hoặc chuyển qua dùng phôi trong nước.
Tuần rồi, Philippines đã đặt mua phôi của Hàn Quốc giao cuối tháng 12 và đầu tháng 01 năm tới với giá 585-588 USD/tấn cfr, cao hơn từ 5-8 USD/tấn so với cách đó một tuần. Gần đây, Thái Lan cũng nhập khoảng 15.000 tấn phôi của Brazil với giá 580 USD/tấn cfr, trong khi nhập từ Biển Đen là 575 USD/tấn cfr.
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhu cầu phôi nhập khẩu cũng yếu vì các nhà cán lại đã quay về dùng phôi sản xuất trong nước với giá 12,6 triệu đồng/tấn (600 USD/tấn), còn nếu được chiết khấu, giá là 12,4-12,5 triệu đồng/tấn (590-595 USD/tấn).
Hiện các nước khối CIS cũng đang chào bán phôi vào Việt Nam với giá 580-590 IUSD/tấn cfr và phôi từ một số nước Đông Nam Á khác có giá chào 605-610 USD/tấn cfr, chắc chắn giá này sẽ không có người mua.
Tuần này, các thành viên trong Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã nâng giá bán trong nước thép xây dựng khoảng 300.000 đồng/tấn (14 USD/tấn) bắt đầu từ ngày 16/11.
Sau khi nâng, thép cuộn trơn có giá 14,52-14,81 triệu đồng/tấn và thép cây vằn có giá 14,57-15,27 triệu đồng/tấn. Đây chỉ là giá xuất xưởng và chưa có thuế VAT 10%.
Việc nâng giá bán là do đồng nội tệ mất giá, trong khi nguyên liệu thô nhập khẩu bằng đồng USD lại đắt đỏ hơn.
Thị trường thép châu Âu
Ngay sau khi thị trường khởi sắc được vài ngày đầu tuần, thì dần về cuối tuần thị trường thép châu Âu lại đìu hiu trở lại theo thị trường chứng khoán sau khi nỗi lo về tình hình nợ công của các nước trong khu vực.
Hồi đầu tuần, các nhà sản xuất trong khu vực đã nhăm nhe nâng giá bán 20-25 EUR/tấn nữa. Tuy nhiên khả năng này sẽ khó xảy ra trừ khi các nhà sản xuất mạnh tay loại bỏ bớt sản lượng.
Hiện giá thép cuộn cán nóng HRC xuất xưởng trên thị trường giao ngay dao động từ 470-500 EUR/tấn (639-680 USD/tấn), còn giá thép cuộn cán nguội là 550-600 EUR/tấn và cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG là 600-640 EUR/tấn.
Thép tấm ở châu Âu dao động từ 610-670 EUR/tấn, nhìn chung khu vực Nam Âu vẫn ấm hơn so với khu vực Bắc Âu.
Thị trường thép CIS
Do các thị trường xuất khẩu thép và phôi của CIS là Trung Đông vẫn đang đóng cửa nghỉ lễ kể từ tuần trước nên CIS chuyển hướng xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Âu.
Mặc dù phôi xuất khẩu thấp vì các nhà sản xuất trong khu vực chuyển sang dùng hàng trong nước, nhưng Nga và Ukraina khẳng định mặt hàng HRC xuất khẩu của họ rất chạy.
Giá HRC xuất khẩu của Nga hiện đã điều chỉnh lên 615 USD/tấn fob từ mức 550 USD/tấn fob trước đó, trong khi HRC của Ukraina là 600 USD/tấn fob tại Biển Đen.
(Satthep.net tổng hợp)