Tổng quan thị trường thép thế giới tuần thứ 02 năm 2011
Thị trường thép thế giới tuần này hầu như vẫn giữ được đà tăng giá ổn định chủ yếu được lèo lái bởi giá nguyên liệu thô đầu vào vẫn cao và lực mua trong giới thương nhân để đầu cơ tích trữ chờ trượt giá, chứ nhu cầu từ người tiêu dùng rất thấp vì giá đã quá cao.
Giá nguyên liệu thô trong tuần này tiếp tục là chủ đề chính dẫn dắt thị trường. Dự báo về nguồn cung than thiếu hụt trong nay mai càng khiến thị trường than nóng hơn.
Nhà phân tích Daniel Brebner thuộc Ngân hàng Deutsche Bank ở London cho rằng sự thiếu hụt tiềm năng có thể trở lên tồi tệ trong quý hiện tại, và nó sẽ tác động đến những thị trường khác, đặc biệt thị trường thép và quặng sắt.
Brebner dự báo giá than cốc loại cứng sẽ có giá bán bình quân 265 USD/tấn trong năm 2011, cao hơn 11% so với dự báo trước đó. Còn hợp đồng than quý Hai năm nay sẽ chạm ngõ 300 USD/tấn.
Trong khi một Ngân hàng khác là Credit Suisse cũng dự báo giá quặng trong năm nay cũng có thể chạm mức 250 USD/tấn.
Với dự báo của hai Ngân hàng có uy tín cho thấy triển vọng về nguồn nguyên liệu thô đang thúc đẩy các nhà đầu cơ gom hàng vì biết chắc các nhà sản xuất sẽ nâng giá. Tuần rồi, các nhà sản xuất ở các nơi như Arcelor Mittal, AK Steel Corporation, ThyssenKrupp, Nippon Steel và Tata đều đã nâng giá, còn trong tuần này có Nuco, Baosteel… cũng có quyết định tương tự.
Thị trường thép châu Á
Tuần này, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đều đã nâng giá bán, mà chờ đợi nhiều nhất vẫn là Baosteel. Trước khi có quyết định cuối cùng thị trường đã rộn tin đồn về mức nâng của nhà sản xuất này sẽ kéo theo hàng loạt các nhà sản xuất khác không chỉ ở Trung Quốc mà cả nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Đài Loan cũng sẽ đua nhau nâng giá, dẫn đến phản ứng của thị trường giao ngay và đẩy giá tăng cao hơn.
Trong tuần này, thị trường xuất khẩu vẫn là nóng nhất. Hầu hết các nhà sản xuất ở khu vực Đông Á đều tăng chào giá xuất khẩu, mà khối lượng chào ra không nhiều vì các nhà cung cấp vẫn muốn chờ thêm thông tin về giá nguyên vật liệu còn kéo dài đà tăng đến mức nào.
Hàn Quốc và Nhật Bản được xem là có nguồn hàng rẻ nhất và cạnh tranh khá mạnh với Trung Quốc. Vì vậy, gần đây Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ Nhật-Hàn đang có hành động bán phá giá tại Trung Quốc, các nhà sản xuất đang thu thập chứng cứa để khép tội hai quốc gia này.
Nhật Bản
Sau hàng loạt nỗi lo về giá phế, các nhà sản xuất Nhật Bản nay tiếp tục gánh thêm nỗi lo về nguồn cung than nhập khẩu từ Úc sẽ giảm, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong thời gian tới.
Giá than, cùng các nguyên liệu thô khác trong tuần này vẫn tiếp tục tăng, khiến các nhà sản xuất phải thích ứng và nâng giá xuất khẩu các sản phẩm thép ra nước ngoài. Do triển vọng giá còn tăng cao, Nhật Bản không vội vàng đẩy hàng ra, thay vào đó cố gắng kéo dài thời gian thương lượng với khách hàng, thậm chí là ngưng luôn chào giá.
Nhật Bản đang nhắm đến mức giá 700-750 USD/tấn fob xuất khẩu sang Hàn Quốc cho sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC trong cuộc đàm phán giá vào tuần tới, tuy nhiên phía Hàn Quốc cũng phát đi tín hiệu họ không thể đặt mua với mức giá trên 700 USD/tấn.
Trong quý Tư năm 2010, các nhà sản xuất và các nhà cán lại đã thỏa thuận mặt hàng này ở mức giá 650-670 USD/tấn fob, tuy nhiên, diễn biến của nguyên liệu thô, cũng như tác động của đồng yên Nhật mạnh lên, các nhà sản xuất Nhật Bản muốn đẩy giá bán cao hơn để cân xứng với chi phí sản xuất đầu vào.
Không chỉ nâng giá xuất khẩu, giá trong nước cũng được nâng lên. Các nhà sản xuất thép cây lớn của nước này bao gồm Kyoei Steel đã nâng giá giao tháng 01 để phù hợp với chi phí sản xuất, nhất là giá phế. Hiện giá xuất xưởng thép cây kích thước cơ bản của Kyoei đã là 65.000 Yên/tấn (793 USD/tấn) sau khi nâng 10.000 yên/tấn (120 USD/tấn).
Việc nâng giá bán cũng đã ảnh hưởng đến thị trường giao ngay tại hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka. Tại Tokyo, giá thép cây kích thước cơ bản đã tăng 1.000 Yên/tấn (12 USD/tấn) so với thời điểm cuối tháng 12 lên mức 59.000-60.000 yên/tấn (711-723 USD/tấn) và tại Osaka, giá tăng 4.000 Yên/tấn lên 58.000-59.000 Yên/tấn.
Hàn Quốc
Cũng như Nhật, Hàn Quốc cũng kiệm hơn các đơn chào hàng ra nước ngoài trước diễn biến mạnh của chi phí nguyên vật liệu. Mặc dù cũng tiến hành nâng giá như những nhà sản xuất khác, nhưng mức nâng của Hàn Quốc không nhiều, nên phần lớn sản phẩm của nước này vẫn được ưa chuộng.
Tiêu biểu với sản phẩm tẩy gỉ của nhà máy Posco chào bán sang Đài Loan chỉ có giá 720 USD/tấn C&F và đang nhận được phản ứng tích cực từ người mua ở nước này, bởi với giá sản phẩm này lẽ ra là phải ở mức 750 USD/tấn C&F.
Trong khi nhà sản xuất Hyundai Steel Co cũng dự định nâng giá chào thép dầm hình H vào Trung Đông lên mức 810 USD/tấn C&F, đồng thời nâng giá chào vào Đông Nam Á lên mức 800 USD/tấn C&F. Ngoài ra, nhà sản xuất này cũng có ý định nâng giá vào các nước Phương tây ở mức 830-840 USD/tấn C&F.
Hiện Hàn Quốc cũng đang nâng giá chào bán thép tấm cán nguội không gỉ với giá 3.350-3.450 USD/tấn sang Trung Quốc.
Đài Loan
Một tuần đầy khó khăn đối với quyết định chính sách giá bán của các nhà sản xuất Đài Loan. Nếu tiếp tục nâng giá sẽ càng khiến người tiêu dùng rời bỏ thị trường, nhưng nếu không nâng chi phí sản xuất sẽ tạo thêm sức ép lên vai nhà sản xuất.
Hai nhà sản xuất thép cây Đài Loan - Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang Enterprise Corp đã duy trì giá bán không đổi trong tuần này do quan ngại giá tăng sẽ càng hãm lực mua của người tiêu dùng.
Thép cây khổ vừa SD280 vẫn được Feng Hsin duy trì giá xuất xưởng ở mức 21.300 Đài tệ/tấn (733 USD/tấn), dù không thay đổi so với tuần trước nhưng so với cuối tháng 12/2010 cao hơn 300 Đài tệ/tấn. Trong khi cùng loại sản phẩm được Hai Kwang duy trì ở mức 20.800 Đài tệ/tấn, tăng 200 Đài tệ/tấn so với cuối tháng 12.
Còn nhà sản xuất China Steel Corp quyết định nâng giá sản phẩm HRC và CRC thêm 973 Đài tệ/tấn và 661 Đài tệ/tấn, còn thép tấm và HDG nâng 824 Đài tệ/tấn. Như vậy, HRC tiêu chuẩn SPCC của CSC sẽ có giá bán mới trong tháng 03 là 21.533 Đài tệ/tấn (742 USD/tấn) và CRC tiêu chuẩn SPCC là 25.380 Đài tệ/tấn.
Tuần này, Đài Loan vẫn duy trì giá bán thép tấm không gỉ cán nguội vào Trung Quốc với giá 3.350-3.450 USD/tấn.
Ấn Độ
Mặc dù Ấn Độ đã hạn chế việc chào giá sản phẩm chủ lực của nước này là thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG ra nước ngoài vì họ nhận thấy triển vọng giá còn tăng nữa, nhưng ngay bản thân họ lại không muốn nhập các loại thép khác với giá cao.
Một nhà sản xuất hàng đầu ở miền tây Ấn Độ đã tạm ngưng chào giá xuất khẩu kể từ thứ Hai tuần này. Trước đó, hồi cuối tuần trước, nhà sản xuất này chào bán sang Mỹ với giá 1.040-1.050 USD/tấn cfr cho sản phẩm HDG 0,3mm mạ kẽm 90g trên một mét vuông và chào bán HDG 0.2mm full hard mạ kẽm 90g trên một mét vuông sang Trung Đông là 1.050 USD/tấn cfr.
Còn một quan chức của JSW Steel cho biết hiện nhà sản xuất này đang chào bán HDG 0.2mm full hard, mạ kẽm 120g trên một mét vuông sang châu Phi với giá 1.050-1.060 USD/tấn fob.
Tuy nhiên họ vẫn chưa chấp nhận việc nâng giá chào từ các nước. Trung Quốc chào giá xuất khẩu HRC SS400 3mm tiêu chuẩn thương mại, giao kỳ hạn cuối tháng 03 và đầu tháng 04 vào Ấn Độ ở mức 720 USD/tấn cfr, trong khi tuần trước giá chỉ 680-690 USD/tấn cfr và Ấn Độ cũng chỉ muốn đặt mua ở mức này.
Đông Nam Á
Mặc dù sức tiêu thụ tại thị trường Đông Nam Á vẫn rất chậm, nhưng các nhà kinh doanh thép vẫn đang tích cực gom hàng vì sợ giá còn lên nữa, bởi chi phí nguyên liệu thô đầu vào được dự báo còn tăng.
Thép cây
Giá chào bán thép cây vào khu vực Đông Nam Á đã tăng mạnh trong tuần này. Trong đó, thép cây trọng lượng lý thuyết của Hàn Quốc chào bán vào Singapore ở mức 750 USD/tấn cfr, trong khi chào bán của Thổ Nhĩ Kỳ là 730-760 USD/tấn cfr. Tuần rồi, Đài Loan chào bán ở mức 730 USD/tấn cfr, còn trong tuần này giá chào của nước này tin rằng đã tăng lên 750 USD/tấn cfr.
Một thương nhân Singapore nói rằng hiện họ đang bị quay cuồng trước giá, không biết phản ứng ra sao và cũng không biết nên đặt mua ở mức nào.
Phôi
Tuần này, Hàn Quốc chào bán phôi vào Đông Nam Á với giá 660 USD/tấn, còn CIS trong thời gian gần đây thì giảm khối lượng chào ra bởi rơi vào kỳ nghỉ lễ giáng sinh muộn, nhưng giá chào của họ cũng ở mức 640-650 USD/tấn.
Philippines cho biết họ chỉ sẵn sàng mua ở mức 630 USD/tấn cfr. Trong khi Indonesia và Việt Nam cũng khá e ngại với các giá chào cao và cũng chỉ muốn mua với giá trên mức 600 USD/tấn cfr. Trước giá chào cao từ các nước, các nhà cán lại Indonesia quay lại dùng hàng sản xuất trong nước với giá 620 USD/tấn.
Thép dầm
Giá nhập khẩu thép dầm khổ rộng ở khu vực Đông Nam Á gần đây giao dịch ở mức 780-800 USD/tấn cfr, tăng từ mức 710-720 USD/tấn cfr hồi đầu tháng 12. Hiện tại, thép dầm hình H khổ cơ bản từ Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan chào bán vào Đông Nam Á ở mức 800 USD/tấn cfr
Tại Việt Nam
Trong nước
Tình hình tiêu thụ thép của Việt Nam trong tuần này vẫn chưa có gì khá hơn, dù phần lớn các công ty thép vẫn giữ nguyên giá bán theo yêu cầu của chính phủ để bình ổn thị trường, nhưng giá bán lẻ trên thị trường vẫn tăng từng ngày do được dẫn dắt bởi sức bật của thị trường thế giới.
Thép cuộn cán nóng HRC 2mm tiêu chuẩn thương mại được giới kinh doanh trong nước nâng giá bán lên tương đương 650-660 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn kể từ đầu tháng 01.
Dù tiêu thụ rất chậm, nhưng giới kinh doanh trong nước cũng không lấy gì lo lắng bởi hầu hết đều cho rằng giá còn tăng, cho dù không bán được nhưng vẫn hưởng được mức chênh lệch về giá.
Nhập khẩu
Tình hình nhập khẩu HRC ở Việt Nam vẫn rất trầm lắng trong tuần này bởi chào giá từ nước ngoài tăng đều đặn từ 20-30 USD/tấn mỗi tuần. Giá chào mới nhất từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 730 USD/tấn cfr cho mặt hàng HRC 2mm, Trung Quốc chào 680-690 USD/tấn cfr cho HRC 3mm trở lên.
Trung Quốc hiện đang chào bán thép dầm hình H vào Việt Nam với giá là 770 USD/tấn cfr, tăng từ mức 720-730 USD/tấn cfr hồi đầu tháng 12.
Trong khi Việt Nam thì đang nỗ lực tái xuất các sản phẩm phôi mà đã nhập từ nước ngoài về trước đó do nhu cầu trong nước quá yếu, mà giá thép thành phẩm sản xuất trong nước lại đóng băng. Hiện Việt Nam đang chào giá xuất khẩu ở mức 610 USD/tấn fob.
Còn HRC 2mm tiêu chuẩn cán lại được Việt Nam chào giá tái xuất khẩu ở mức 670-680 USD/tấn fob.
Thị trường thép châu Âu
Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng ở châu Âu đều đang trong tình trạng hoang mang, người mua thì băn khoăn với giá cao, còn người bán vẫn không biết nên bán ở giá nào là hợp lý.
Giá xuất xưởng cơ bản mới nhất đối với HRC được giao dịch tại mức 530-550 EUR/tấn, còn CRC là 630-650 EUR/tấn. Các nhà sản xuất ở khu vực nói họ sẽ tạm ngưng giao dịch ở mức giá cũ này và kỳ vọng lần trở lại vào tuần sau sẽ đưa giá lên mức 700 EUR/tấn.
Các nhà sản xuất Italia dự kiến sẽ nâng giá chào bán thép cuộn cán nóng trong tháng 01 do tác động bởi tỉ giá hối đoái, cũng như chi phí sản xuất và nguyên liệu thô tăng cao.
Một thương nhân khác cũng bày tỏ, hiện giá thép quốc tế cao hơn hẳn giá trong nước, chẳng có lý do nào mà các nhà sản xuất trong nước không nâng giá. HRC nhập khẩu vào Italia hiện đang ở mức 740 USD/tấn cfr, vì vậy chúng tôi kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ điều chỉnh giá chào xuất xưởng lên mức 580 EUR/tấn.
Trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giá HRC xuất xưởng của các nhà sản xuất trong nước ở mức 520 EUR/tấn, còn CRC là 600-610 EUR/tấn và HDG là 620-630 EUR/tấn.
Thị trường thép CIS
Phôi
Mặc dù nhu cầu thép thành phẩm ở các nước vẫn trong tình trạng ảm đạm, nhưng không phải vì thế mà các nhà xuất khẩu của nước này hạ giá chào bán xuống. Giá phôi thép của CIS giao dịch tại Biển Đen đã đạt mức 655 USD/tấn fob trong tuần này, còn giá chào bán hiện đang dao động quanh mức 650-660 USD/tấn fob.
CIS thừa hiểu rằng các nhà sản xuất mà chủ yếu dựa vào nguồn phôi nhập khẩu lại đang thiếu nguyên liệu này cho sản xuất, vì vậy CIS chắc chắn các nhà nhập khẩu sẽ phải chấp nhận mua giá cao.
Thép cây
Không chỉ nâng giá chào thép cây, CIS cũng nâng giá chào bán thép cây tại Biển Đen lên mức 680-700 USD/tấn fob, trong khi giá bán hồi tuần trước chỉ ở mức 650 USD/tấn fob.
ArcelorMittal của Ukraina chào tại vùng Mariupol với giá 680-690 USD/tấn fob. Còn Metinvest vẫn đang xem xét động thái của thị trường để chọn và bán được giá tốt nhất vì hiện tại họ cũng không có nhiều nguồn cung.