Nhật Bản
Tuần này thị trường thép xây dựng Nhật Bản đang trông chờ vào thông báo giá niêm yết tháng 09 từ tập đoàn Tokyo Steel Manuafacturing dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần sau với dự đoán giá niêm yết sẽ tăng lên 3.000 JPY/tấn nhằm hỗ trợ giá thị trường tăng trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng thép xây dựng mạnh hơn, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng khả năng công ty tăng giá khó có thể xảy ra khi mà khoảng cách chênh lệch giữa giá thực tế và giá niêm yết là vấn đề, nhất là công ty đang cần duy trì mức giá bán thực tế tăng ổn định.
Hàn Quốc
Thị trường Hàn Quốc tuần này cho thấy giá cả tăng đối với mặt hàng thép cây và phế nội địa.
Đối với thị trường phế trong nước, tuần này giá tiếp tục đà tăng từ đầu tháng do cung nội địa và nhập khẩu thiếu hụt; được biết Huyndai tăng giá thu mua phế thêm 10.000-15.000 Won/tấn (9-13.5 USD/tấn) tùy vào từng loại phế còn Posco Specialty Steel thì từ hôm thứ Ba đả nâng giá mua thêm 15.000 Won/tấn đối với tất cả các loại phế; mặt hàng phế H2 được thu mua với giá 360.000-380.000 Won/tấn (323-341 USD/tấn).
Đối với thép cây, Dongkuk đã chính thức thông báo tăng giá bán trong nước thêm 20.000 Won/tấn (18 USD/tấn) từ ngày 19/08 sau động thái tăng giá của Huyndai vì cho rằng giá phế tăng ổn định từ đầu tháng này tới giờ và công ty đang phải cắt giảm công suất sản xuất thép cây theo yêu cầu của chính phủ cho đến hết tháng này.
Đài Loan
Tại thị trường thép cây Đài Loan thì tuần này là tuần thứ tư liên tiếp Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang Enterprise thông báo tiếp tục giữ giá bán thép cây trong nước vì giá phế tăng nhẹ cũng như sức mua chậm trong tuần trước. Theo đó giá niêm yết của Feng Hsin cho thép cây kích cở cơ bản vẫn là 17.300 TWD/tấn (578 USD/tấn) xuất xưởng Đài Trung còn giá niêm yết của Hai Kwang cũng không đổi cho sản phẩm cùng loại tại mức 16.700 TWD/tấn xuất xưởng Cao Hùng.
Đông Nam Á
Tuần này tại Đông Nam Á, giá phôi thanh nhập khẩu tăng chậm lại do các khách hàng đang do dự trước khả năng chập thuận giá chào mới trên mức 540 USD/tấn cfr, trước đó đã có 1 số giao dịch được thực hiện với giá 537-538 USD/tấn CFR hồi cuối tháng 07 do nhu cầu tái bổ sung hàng dự trữ tăng. Còn tại thị trường HRC, nhiều nguồn tin cho biết giá nhập khẩu tiếp tục tăng lên tiêu biểu là hàng xuất xứ Trung Quốc trong khi nhu cầu tiêu thụ đang rất yếu.Cụ thể giá chào bán của Hàn Quốc và Nhật Bản là 590-600 USD/tấn cfr Việt Nam, của Trung Quốc là 580-585 USD/tấn cfr Việt Nam.
Trung Đông
Thị trường thép Trung Đông tuần này vẫn duy trì mức tăng 20 USD/tấn của cuộn cán nóng nhập khẩu, tuy nhiên giao dịch vân còn chậm vì hàng tồn kho nhiều; chào giá loại SS400/St37 chốt tại mức 560-600 USD/tấn cơ bản cfr UAE, giao tháng 10 tuy thuộc nguồn vật liệu. Trong thời gian tới ước tính mức giá 580-600 USD/tấn cfr UAE là mức giá sẽ được chấp thuận rộng rãi và ổn định trong suốt một thời gian dài cho đến tháng 11 khi các nhà nhập khẩu đặt các lô hàng cho quý I/2014.
Mỹ
Trong tuần này các tin tức trên thị trường thép của Mỹ chủ yếu tập trung vào thép tấm mỏng, có thể nói việc tăng giá liên tiếp của các nhà sản xuất đã gây tâm lý thận trọng, dè chừng cho giới thị trường ở đây. Từ giữa tháng 07 các nhà máy đã đưa ra thông báo tăng 30 USD/tấn ngắn nhưng cho đến nay mới chỉ có thể nỗ lực tăng được một nửa tức 15 USD/tấn ngắn vì không có nhiều người mua. Thế nhưng đến thứ Sáu tuần trước SSAB Americas đã thông báo tăng thêm 25 USD/tấn ngắn đối với các sản phẩm thép tấm, sau đó Nucor cũng tiếp bước tăng theo vào thứ Ba.
Tại Platts hôm thứ Hai, HRC và CRC lần lượt được chốt tại 655-665 USD/tấn ngắn và 765-775 USD/tấn ngắn. Cả hai giá này đều xuất xưởng từ một nhà máy ở Trung Tây (Indiana). Thép tấm A36 có giá 695-715 USD/tấn ngắn xuất xưởng từ nhà máy Đông Nam Mỹ.
Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh xu hướng giá trong thời gian tới, một số thì cho rằng giá sẽ giảm vì không có lý do gì để tăng mãi như hiện nay được nhất là khi các vấn đề tại nhà máy US Steel’s Lake Erie và sản lượng của AK Steel liên tục tăng có lẽ sẽ gây áp lực làm giá giảm trong tháng tới. Tuy nhiên, cũng có người đang tỏ ra khá lạc quan về sự phục hồi của thị trường, nhất là khi có một số nhà máy sẽ tạm ngưng trong những tháng cuối năm khiến nguồn cung hạn chế sẽ hậu thuẫn cho việc duy trì được mức giá như hiện nay. Vả lại, tuy hàng nhập khẩu có rẻ hơn nhưng với thời gian giao hàng kéo dài lên đến 4 tháng thì tiềm ẩn quá nhiều rủi ro đối với các thương nhân nên xem ra mức giá này không đủ hấp dẫn để các nhà nhập khẩu có thể mạo hiểm. HRC và CRC nhập khẩu có giá lần lượt là 580-600 USD/tấn ngắn và 630-650 USD/tấn ngắn.
Châu Âu
Giá phế tăng nên các nhà sản xuất đã nâng giá bán thép hình và thép thanh thương phẩm thêm 20 EUR/tấn so với tháng trước mặc dù thị trường hiện vẫn khá trầm lắng do đang vào kỳ nghỉ nên xem ra rất khó để có thể đạt được mức giá tăng mới.
Đối với thép hình loại 1, các nhà sản xuất ở Bắc Âu hiện đang yết ở mức 550-560 EUR/tấn giao thực tế. Tại Nam Âu thì các nhà máy đã thông báo tăng giá lên 200-220 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản trước khi tạm ngưng sản xuất trong hè. Còn thép thanh thương phẩm có mức giá thấp nhất là 150 EUR/tấn cơ bản giao hàng, và thay vì giá thực tế bình quân trước đây là 380 EUR/tấn thì hiện nay đã ở khoảng 400 EUR/tấn.
Thổ Nhĩ Kỳ
Sau lễ Eid các nhà sản xuất đã tăng giá thu mua phế do giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng như nhu cầu tái bổ sung hàng tồn ở khu vực Địa Trung Hải đều tăng vọt. Phế từ ô tô cũ (DKP) và phế nấu chảy từ tàu cũ trong nước hiện được bán với giá lần lượt là 640-735 TRY/tấn (331-380 USD) và 375-380 USD/tấn gồm phí vận chuyển tới nhà máy.
Trong những ngày tới giá có thể tăng 5-10 USD/tấn theo đà tăng của giá phế nhập khẩu, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm cũng được dự đoán là sẽ dần được cải thiện. Do đó các nhà sản xuất đã nâng giá chào bán thép cây xuất khẩu lên khoảng 600-605 USD/tấn FOB cảng Thổ Nhĩ Kỳ, và mức giá 600 USD/tấn đã được nhiều người chấp nhận.
Ngược lại lực mua trên thị trường thép cuộn khá yếu mặc dù niềm tin đã được ổn định sau khi các cuộc đình công kết thúc, gây sức ép giảm giá, nhưng theo quan sát của giới thị trường thì sắp tới nhu cầu tiêu thụ sẽ cải thiện cũng như chào giá nhập khẩu từ CIS đã tăng nên HRC nội địa sẽ không thể giảm dưới 600USD/tấn được.
HRC có giá 600-615 USD/tấn xuất xưởng; CRC được bán với giá 725-750 USD/tấn xuất xưởng, giảm 5 USD/tấn so với trước lễ Eid. HDG dày 0.5mm có giá 840-860 USD/tấn xuất xưởng; HDG dày 1mm chốt tại 800-810 USD/tấn xuất xưởng; còn PPGI 9002 dày 0.5mm được bán với giá 990-1.020 USD/tấn xuất xưởng.
CIS
Nhìn chung các thị trường xuất khẩu chính của CIS vẫn khá trầm lắng sau lễ Eid, khách hàng chưa muốn giao dịch trở lại mà đang trong tâm trạng chờ đợi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã đồng loạt tăng giá các sản phẩm thép thành phẩm.
Đầu tiên là tăng giá thép cuộn trơn xuất khẩu sang Trung Đông và Châu Phi thêm 15 USD/tấn lên 595-600 USD/tấn FOB Biển Đen. Sau đó là dự định tăng giá chào bán thép cuộn cán nóng và cán nguội sang Châu Âu lên lần lượt là 420 EUR/tấn (560 USD/tấn) và 480 EUR/tấn FOB Biển Đen. Giá HRC xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tăng lên khoảng 580 USD/tấn CIF Thổ Nhĩ Kỳ. Phôi thanh giao tháng 10 cũng đang được chào giá ở mức cao 520 USD/tấn FOB Sebastopol.
Ngoài ra, MMK đang có ý định tăng giá thép cuộn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu lên 555-560 USD/tấn FOB Biển Đen đối với hàng giao trong tháng 10, mức giá này tăng 35 USD/tấn so với tháng trước.
Nguyên nhân là do giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể và phế liệu nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng trở lại trong tuần này đang hậu thuẫn cho việc tăng giá. Hiện có rất ít giao dịch được thực hiện nhưng các nhà sản xuất lại tỏ ra khá lạc quan, cho rằng thị trường sẽ phục hồi và sẽ sớm chấp nhận mức giá mới này thôi.