Thị trường thép xây dựng tháng 9/2020 bị tác động mạnh bởi thời tiết mưa bão trong tháng ngâu, gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ, đồng thời giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao gây giảm lợi nhuận của ngành.
Biến động giá
Giá nguyên liệu sản xuất thép đã tăng trong 3 tháng gần đây, nhưng do nhu cầu thấp khiến các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thép buộc phải giữ giá thành hoặc giảm nhẹ để cạnh tranh thị phần. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ nhờ Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công giúp tăng nhu cầu.
Tháng 9/2020 giá phôi thép nhập khẩu có xu hướng tăng khoảng 20-25 USD/tấn so với tháng 8/2020. Giá nhập khẩu quặng sắt loại 62% sắt giao dịch ở mức 128-129 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng 13-15 USD/tấn. Giá than luyện cốc đạt 110 USD/tấn, tăng nhẹ.
Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á tăng 20-30 USD/tấn đạt 310 USD/tấn CFR Đông Á. Nhìn chung, giá thép phế chào bán tại các thị trường Đông Á đặc biệt tăng cao, trong khi Châu Âu, Châu Mỹ có xu hướng đi ngang trong 4 tháng gần đây.
Giá thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu tăng 40-45 USD/tấn đạt 525-529 USD/tấn, CFR cảng Đông Á.
Trong tháng 8/2020, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thép đều tăng trở lại. Trong 8 tháng đầu năm 2020, sản xuất, tiêu thụ trong nước và nhập khẩu các sản phẩm thép giảm lần lượt 5%; 6,9% và 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng xuất khẩu sắt thép tăng 30% về lượng và giá trị. Đặc biệt xuất khẩu thép sang Trung Quốc tăng 1.827% về lượng, tăng 1.469% về kim ngạch.
Liên quan tới hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư sản xuất nguyên liệu nhằm tận dụng tối đa thuế suất ưu đãi 0% dành cho sản phẩm có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Với những nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn cung từ các nước đã ký FTA với EU hoặc thành viên của EVFTA. Nguồn nguyên liệu này có giá thành cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ổn định cho doanh nghiệp thép.
Biểu đồ giá nguyên liệu sản xuất thép từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2020
Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam (VSA)
Sản xuất - tiêu thụ
Trong tháng 8/2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,35% so với tháng liền trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019. Trong 8 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt hơn 16 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất thép từ tháng 1/2018 đến 8/2020
Đơn vị: Nghìn tấn
Nguồn: VSA
Trong tháng 8/2020, tiêu thụ thép các loại đạt 2,34 triệu tấn, tăng 11,36% so với tháng 7/2020, và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019. Trong 8 tháng đầu năm, tiêu thụ trên 14,43 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu thụ thép từ tháng 1/2018 đến 8/2020
Nguồn: VSA
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2020 cả nước xuất khẩu 1,16 triệu tấn sắt thép, thu về 577,64 triệu USD với giá trung bình 496,7 USD/tấn, tăng 31,4% về lượng, tăng 29,2% về kim ngạch, nhưng giảm 1,6% về giá so với tháng 7/2020.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắt thép cả nước đạt trên 5,96 triệu tấn, thu về 3,12 tỷ USD, giá trung bình 522 USD/tấn, tăng 36,8% về lượng, tăng 9,6% kim ngạch, nhưng giảm 19,8% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sắt thép nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 9,3 triệu tấn, trị giá 5,43 tỷ USD, giá trung bình 580 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với 8 tháng đầu năm 2019, mức giảm lần lượt 3,1%, 15,9% và 13,3%. Riêng tháng 8/2020, nhập khẩu đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 653,31 triệu USD, giá 547,3 USD/tấn, giảm 15,9% về lượng, giảm 13% về kim ngạch, nhưng tăng 3,5% về giá so với tháng 7/2020.
Dự báo
Tháng 10 thường có diễn biến thời tiết mưa bão không thuận lợi, ảnh hưởng tới với hoạt động tiêu thụ thép xây dựng trong nước. Tuy nhiên, do giá chào bán nguyên liệu sản xuất thép nhập khẩu đang tăng sẽ khiến các công ty tăng giá bán thép. Xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao do nước này đang thiếu hàng.
Nguồn tin: vinanet.vn