Sau những cam kết có vẻ chắc chắn của phía Chính Phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như dự báo về mở rộng đường ray xe lửa năm nay đã đưa thị trường thép Trung Quốc khởi sắc trở lại kể từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, cho đến tuần này, thị trường dường như đã dần rơi vào trạng thái trầm lắng với triển vọng kinh tế quá mong manh, cũng như niềm tin của giới trong nghề suy giảm do vẫn chưa nhận thấy tín hiệu phục hồi nào được phát ra từ nền kinh tế nội địa.
Trong tuần, thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến sự tăng giá chào bán các mặt hàng thép nội địa cũng như xuất khẩu của các nhà máy thép do tham vọng tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn, mặc dù mức giá giao dịch thực sự thì vẫn ở mức thấp hoặc không thu hút được mối quan tâm của người mua. Thêm vào đó, việc giá thép tăng cũng đã đẩy người mua về lại với tâm thế bị động trước đó.
Động thái tiếp tục tăng giá tuần này của các nhà máy có thể xem là hành động dũng cảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vẫn còn suy yếu trong hè và triển vọng kinh tế trong nước vẫn chưa lấy gì làm chắc chắn. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu do các báo cáo lượng hàng tồn kho trên thị trường đã giảm, cũng như dựa vào đà tăng từ những tuần trước khiến cho các nhà máy không dễ gì mà lại hạ giá chào xuống.
Thị trường thép trong nước
Thép xây dựng
Có thể thấy, những dự án mà Chính Phủ Trung Quốc tung ra trong năm nay về việc mở rộng đô thị hóa cũng như chi 520 tỷ NDT cho xây dựng đường ray xe lửa đã có tác dụng tích cực tới tình hình thị trường thép xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thả nổi lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại từ ngày 20/7, đã có tác động tích cực đối với tình hình tín dụng trong nước, giúp giảm chi phí vay vốn của các doanh nghiệp, dỡ bớt gánh nặng đã đè lên giới kinh doanh thép trong thời gian gần đây. Qua đó, tạo diều kiện hỗ trợ giá thép nội địa tiếp tục đà tăng từ đầu tháng 7.
Cụ thể, trong ngày 23/7, giá thép cây HRB400 18-25mm giao ngay tại thị trường Bắc Kinh do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất đã tăng lên mức 3.500-3.510 NDT/tấn (567-569 USD/tấn) đã gồm 17% VAT, từ mức giá 3.450-3.470 NDT/tấn của ngày trước đó (22/7).
Tương tự, giá giao ngay cuộn trơn Q195 6.5mm tại thị trường Thượng hải cũng đã tăng lên mức 3.520-3.530 NDT/tấn (571-572 USD/tấn) đã gồm 17% VAT, so với mức giá tuần trước 3.480-3.500 NDT/tấn.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng thép cây giao kỳ hạn, đã có một sự giảm nhẹ trở lại sau khi duy trì đà tăng được 9 ngày trước đó do ảnh hưởng của giá quặng suy yếu. Trong ngày 22/7, giá thép cây giao kỳ hạn tháng 1/2014 tại sàn Shanghai Futures Exchange đã giảm 0.38%, xuống còn 3.661 NDT/tấn (597 USD/tấn) theo sau sự sụt giảm 30 NDT/tấn của giá phôi thanh tại Đường Sơn.
Thép công nghiệp
Ngược lại với các mặt hàng khác, trong tuần này, giá thép công nghiệp Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm giảm nhẹ trong ngày thứ ba (23/7) sau các dự báo tiếp tục suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu của HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) sơ bộ tháng 7 của nước này tiếp tục giảm từ 48.2 điểm trong tháng 6 xuống 47.7 điểm, đánh dấu 3 tháng giảm liên tiếp và đồng thời cũng là mức thấp nhất trong 11 tháng. Như vậy, chỉ số PMI Trung Quốc đã nằm ở mức thấp dưới 50 diểm, cho thấy nền kinh tế trong nước bị thu hẹp lại, cũng như chỉ số tiêu dùng suy yếu.
Tuy nhiên, hưởng ứng bối cảnh tăng giá chung của thị trường trong nước, đến ngày 25/7, giá HRC Q235 5.5mm tại thị trường Thượng Hải đã tăng lên mức 3.610-3.630 NDT/tấn (588-592 USD/tấn) đã gồm 17% VAT, tăng10 NDT/tấn so với ngày trước đó. Tuy nhiên, theo nhận định của các thương nhân trong khu vực, phần lớn các đơn hàng được chốt đều ở mức thấp, và cũng có rất ít giao dịch diễn ra trong tuần. Như vậy, việc giá tăng tại thị trường giao ngay kể từ đầu tháng này chỉ là nhờ sự hỗ trợ từ lượng hàng tồn kho giảm, chứ sức mua thì không hề tạo được động lực để đẩy giá.
Trong khi đó, giá mặt hàng này tại thị trường Le Cong ( Quảng Đông) vẫn không đổi so với tuần trước, đạt mức 3.730-3.760 NDT/tấn đã gồm VAT, do sức mua trì trệ.
Theo báo cáo của CISA cho thấy, tổng hàng tồn kho thép cây, cuộn trơn, HRC, CRC, và thép tấm tại 22 thành phố Trung Quốc đã giảm liên tục trong 4 tháng gần đây, xuống còn 12.37 triệu tấn vào giữa tháng 7, giảm 6% tương đương với 784.200 tấn so với cuối tháng trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm lượng hàng tồn kho trong tháng 7 này lại diễn ra chậm hơn so với tháng 6, đặc biệt, hàng HRC tồn kho hiện tại đã ngưng giảm do sức mua trì trệ. Và điều này đã góp phần gây sức ép giảm giá lên mặt hàng này.
Thị trường thép xuất khẩu
Dựa trên bối cảnh chung giá thép nội địa tăng và niềm tin thị trường được cải thiện sau những lời hứa hẹn của Chính Phủ, trong tuần này, giá chào bán cuộn trơn SAE1008B 6.5mm xuất khẩu Trung Quốc đã nhích thêm 10 USD/tấn, đạt mức 525-535 USD/tấn FOB. Mặc dù cũng đã có nhiều đơn hàng đơn hàng được chốt ở mức giá cao, tuy nhiên, chúng đều thuộc về các khách hàng ở khu vực Nam Mỹ và Châu phi, nơicó ít đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc. Trong khi đó, tại Đông Nam Á- thị trường nhập khẩu lớn thép cuộn trơn của Trung Quốc, sức mua vẫn còn rất trì trệ, do người mua vẫn chưa tìm được lý do thúc đẩy giá thép tăng lên trong thời gian gần đây trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn phát đi tín hiệu suy yếu.
Trong khi đó, giá SAE1008 xuất xứ Trung Quốc cũng đã tăng 10 USD/tấn so với tuần trước, chạm mức 520-525 USD/tấn FOB. Thậm chí, nhiều nhà máy nhỏ còn đẩy giá chào bán lên tới 530 USD/tấn FOB.
Trong tuần, đã có một số đơn hàng đơn hàng được chốt với mức giá cao, tiêu biểu là với các khách hàng Brazil đạt mức 535 USD/tấn FOB, khu vực Châu Phi với mức giá 525 USD/tấn FOB, Philippines là 540 USD/tấn CFR đã gồm 20 USD/tấn phí vận chuyển, còn lại phần lớn các khu vực khác đều không hứng thú với các mức giá này.
Trong khi đó, bắt nhịp tăng từ đầu tháng, giá CRC Trung Quốc xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng ổn định.Theo các nguồn tin cho biết, hiện có một số nhà máy CRC lớn Trung Quốc đã tăng giá chào bán xuất khẩu CRC SPCC 1.0mm lên mức 610-620 USD/tấn FOB, tăng thêm 20 USD/tấn so với đầu tháng 7 trong khi các nhà máy khác vẫn đang cân nhắc điều chỉnh giá mới.
Được biết, một nhà máy lớn tại miền Bắc Trung Quốc đã chốt được đơn hàng CRC SPCC 1.0mm ở mức 630 USD/tấn CFR Hàn Quốc, tương đương với mức 615 USD/tấn FOB. Tuy nhiên, đây là dành cho một khách hàng làm ăn lâu năm và họ cũng khẳng định sẽ không chấp nhận mức giá chào cao hơn từ phía Trung Quốc.
Tương tự, giá chào bán xuất khẩu HRC Trung Quốc cũng đã tăng lên vào tuần này. Cụ thể, nhà máy Anshan Iron & Steel (Angang) đã tăng giá HRC giao tháng 9 xuất khẩu sang Nhật Bản thêm 35 USD/tấn, đẩy giá mặt hàng HRC SPHC 3.2-12mm lên mức 615 USD/tấn CFR Nhật Bản, một thương nhân Nhật Bản cho biết. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa được các khách hàng Nhật chấp nhận do họ không thể chốt được đơn hàng trong nước với mức giá cao hơn.
Như vậy, mặc dù giá thép nội địa và cả xuất khẩu Trung Quốc đều tăng lên trong tuần, tuy nhiên, thị trường giao dịch đã có phần kém sôi nổi hơn những tuần trước do vẫn còn tồn đọng nhiều mối lo ngại. Với sức mua vẫn còn trì trệ như hiện tại, có thể trong hôm nay, giá thép nội địa Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trở lại do các thương nhân muốn nhanh chóng bán hàng để thu hồi lợi nhuận.