Mặc dù phải đương đầu với những khó khăn do thiên tai bão lụt và nhất là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho nhu cầu hàng hoá trên thị trường toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng của nước ta trong năm 2008 vẫn đạt kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cả năm 2008, Việt Nam đã nhập khẩu 5,7 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá hơn 5 tỉ USD, tăng 3,36% về lượng và 34,97% về trị giá so với năm 2007.
Có thể thấy, diễn biến lượng nhập khẩu thép năm 2008 của Việt Nam hoàn toàn trái ngược với năm 2007. Đón đầu được sự tăng giá mạnh của thị trường thế giới, các doanh nghiệp đã tranh thủ nhập rất nhiều trong 3 tháng đầu năm với tổng cộng 2,78 triệu tấn, gần bằng một nửa lượng nhập khẩu trong cả năm 2007. Từ tháng 4 trở đi, do lượng hàng tồn kho lớn và giá thế giới tăng cao nên lượng nhập khẩu giảm rất mạnh trong hầu hết các tháng còn lại của năm. Đến tháng 12, lượng tồn kho và giá giảm, các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại. Dự báo trong năm 2009, nước ta vẫn cần phải nhập khẩu thêm 5 triệu tấn sắt thép bởi theo tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, trong năm nay, dự kiến nhu cầu thép các loại trên cả nước là hơn 10,5 triệu tấn. Tuy nhiên, dự kiến sản xuất trong nước mới đạt khoảng 5,5 triệu tấn, còn lại 5 triệu tấn vẫn phải nhập khẩu. Cụ thể đối với thép xây dựng, năm nay trong nước và xuất khẩu cần khoảng 4,95 triệu tấn, trong đó sản xuất nội địa đáp ứng 4,15 triệu tấn. Với phôi thép, nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 4,9 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước đạt gần 2,9 triệu tấn, đáp ứng trên 60% nhu cầu trong nước. Số còn lại là các loại thép khác như thép hình, thép chế tạo, thép dẹt…
Để đảm bảo mức cân đối trên, Bộ Công Thương yêu cầu ngành thép tập trung rà soát quy hoạch ngành, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phôi và cán thép đang triển khai, đảm bảo cân đối nguyên liệu cho sản xuất phù hợp yêu cầu thị trường, trong đó có khai thác quặng, thu mua và nhập khẩu thép phế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thép cũng cần củng cố, phát triển và đổi mới hệ thống phân phối để đảm bảo kiểm soát được nguồn hàng và giá cả, nắm bắt cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về giá nhập khẩu: Năm 2007, giá thép nhập khẩu khá ổn định trong suốt cả năm thì năm 2008 lại có sự biến động rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2008, giá thép nhập khẩu liên tục tăng mạnh, lên gấp 2 lần. Tháng 10 và tháng 11, giá nhập khẩu giảm dần và đến tháng 12 thì giảm gần 1 nửa về mức 699 USD/T, thấp hơn so với đầu năm 2008 và cả cùng kỳ năm 2007. Tính chung cả năm 2008, giá thép nhập khẩu tăng trung bình 30,6%, đạt 875 USD/T.
Về chủng loại nhập khẩu: thép cuộn cán nóng vẫn là loại thép được nhập khẩu nhiều nhất với 1,63 triệu tấn, trị giá 1,2 tỉ USD, giảm 3,52% về lượng nhưng tăng 41,83% về trị giá. Tiếp đến là chủng loại thép tấm cán nóng với lượng nhập khẩu 1,12 triệu tấn, trị giá 852,7 triệu USD, tăng 0,61% về lượng và 27,98% về trị giá. Bên cạnh đó, một số loại có lượng nhập khẩu tăng mạnh so với năm 2007 như thép tấm cán nguội (tăng 267,86%), thép lá cán nóng (tăng 30,15%), thép không gỉ (tăng 26,3%), thép dây (tăng 21%)…
Năm 2008, giá các loại thép nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm 2007. Trong đó, tăng mạnh nhất là thép thanh (tăng 57%), thép dây (tăng 51,54%), thép cuộn cán nguội (tăng 47%), thép lá cán nguội (tăng 40,43%)…
Về thị trường nhập khẩu: năm 2008, thị trường cung cấp thép cho Việt Nam có sự chuyển dịch lớn. Chính sách hạn chế xuất khẩu thép của Trung Quốc trong những tháng đầu năm đã khiến cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tìm kiếm đối tác từ các nước khác. Đến cuối năm, Trung Quốc thả lỏng xuất khẩu thì Việt Nam lại hạn chế nhập khẩu do tồn kho nhiều. Do vậy, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2008 đã giảm mạnh 21,25% so với năm 2007, xuống còn 2,3 triệu tấn, chiếm tỉ trọng 39%. Giảm mạnh so với năm 2007 (với tỉ trọng về lượng nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,5%). Trong khi đó, lượng nhập khẩu thép từ các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Ucraina, Mêhicô, Thuỵ Điển và nhiều thị trường khác trong năm 2008 tăng rất mạnh.
(Vinanet)