TP.HCM hiện có tốc độ tăng trưởng cao, môi trường đầu tư được cải thiện, tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, năng lực cạnh tranh còn thấp.
Giai đoạn 2015– 2017, tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt 8,2%/năm, năm sau cao hơn năm trước. Thế nhưng, trong cơ cấu kinh tế thành phố, công nghiệp phát triển vẫn còn dựa trên cơ sở tăng vốn và lao động chứ không phải do năng suất lao động, công nghệ, tri thức… Các doanh nghiệp trong nước chưa liên kết mạnh để chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản phẩm hay hỗ trợ nhau về nhiều mặt.
GS. TS. Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thành phố cần chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang chú trọng đến hiệu quả, đổi mới, sáng tạo trên cơ sở phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, cần sớm đầu tư phát triển Trung tâm điều hành đô thị thông minh và kho dữ liệu dùng chung theo cơ chế mở và đảm bảo khâu thực thi hiệu quả hơn trên cơ sở hạ tầng hiện đại.
TPHCM: Gỡ các rào cản để kinh tế tăng trưởng bền vững (Ảnh minh họa: KT)
“Khâu giải quyết là thực thi ở các sở, ban ngành, các khâu thực hiện nhiệm vụ công. Đề xuất cho ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 4 cho các dịch vụ công là điều tiên quyết”, GS Nguyễn Trọng Hoài cho biết.
Theo PGS. TS. Đỗ Phú Trần Tình, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, trên thực tế, TP.HCM không còn nhiều không gian phát triển, nên việc hợp tác, liên kết vùng để mở rộng dư địa phát triển là đặc biệt cần thiết. Trong đó, TP.HCM cần xác định trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, tiêu thụ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuyển dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động sang các địa phương lân cận, các vùng nông thôn và xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh thay vì tập trung và thu hút quá nhiều người nhập cư.
“Không nên tập trung quá nhiều chức năng mà chia sẻ cho các địa phương trong vùng. Cần phải có chiếc áo pháp lý tương xứng về thể chế liên kết, phát triển vùng thì nó sẽ tháo gỡ được việc nâng cao chất lượng tăng trưởng”, PGS Đỗ Phú Trần Tình nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác đề nghị TP.HCM thu hút các nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ.
Trên phương diện quản lý nhà nước, TP.HCM cần một mô hình kinh tế có cơ cấu ngành dịch chuyển theo hướng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phân bổ nguồn lực hợp lý. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn hữu hiệu hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
GS. TS. Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Tài chính, Đại học Kinh tế - Luật cho biết, hiện nay vẫn còn có nhiều yếu tố tiềm ẩn hạn chế tăng trưởng như: tăng trưởng vẫn đang dựa vào vốn và lao động, yếu tố năng suất tổng nhân tố (TFP) còn thấp và chưa bền vững. Vì thế, thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, phân cấp chức năng tránh chồng chéo giữa các cấp.
“Hiện thành phố đã được quyền tự chủ cải cách về lĩnh vực này. Tôi nghĩ thành phố phải làm sao để giảm đầu mối ở quận, sở. Theo kết quả điều tra, so với Đà Nẵng và một số thành phố khác thì tiếp cận của doanh nghiệp để nhận kết quả kinh doanh, nhận các quyết định ở TP.HCM lâu hơn”, GS Nguyễn Thị Cành cho biết thêm.
Hiện nay, các doanh nghiệp muốn tồn tại đều không thể đứng ngoài cuộc cuộc cách mạng 4.0. Doanh nghiệp mong TP.HCM tháo gỡ không chỉ về vốn, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực… mà còn là vấn đề định hướng vùng phát triển. Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy và sản phẩm thép Việt cho biết, hiện nay việc phát triển các ngành theo hướng nào đang rất mờ nhạt và làm cho doanh nghiệp bối rối trong đầu tư.
“Về hạ tầng, TP.HCM phải phân ra vùng nào phát triển dịch vụ, tài chính, IT, sản xuất công nghiệp. Ví dụ, trong công nghiệp thì Củ Chi, hay Quận 9, 12... nếu loạn cả lên thì không thể đầu tư có trọng điểm”, ông Kiều Huỳnh Sơn nói.
Thông điệp của TP.HCM là luôn lắng nghe và cam kết nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để chuyển các đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thành hiện thực. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sẽ giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất quy chế phối hợp giữa các nhà khoa học, chuyên gia với các đơn vị của thành phố.
Sắp tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu thành lập Tổ tư vấn kinh tế để giúp thành phố phát triển kinh tế trong dài hạn.
“Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất và làm hết sức để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố. Mong các chuyên gia, nhà khoa học đồng hành, cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, góp ý kiến để các cơ chế chính sách ban hành gắn liền với thực tiễn, có cơ sở lí luận”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Rõ ràng, để giữ vững sự tăng trưởng kinh tế, hướng đến bền vững, TP.HCM cần phải chủ động nhìn ra những rào cản để từng bước gỡ bỏ. Phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, dựa vào nội lực, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động là hướng đi đúng và thể hiện vị thế đầu tàu của mình./.
Nguồn tin: VOV