EU quyết định đánh thuế từ 17,7 đến 39,2% vào ống thép và giấy bọc tráng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu sang EU. |
Có người gọi đó là "chiến tranh thương mại", có kẻ coi đó mới là "tranh chấp thương mại", nhưng dù với tên gọi gì thì chuyện đó giữa Mỹ và Trung Quốc cũng vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Vậy mà chuyện tương tự lại bùng phát giữa Trung Quốc và EU sau khi EU quyết định đánh thuế từ 17,7 đến 39,2% ống thép và giấy bọc tráng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU.
EU lập luận cho những biện pháp bảo hộ mới này thông qua thuế quan giống hệt những lần xảy ra chuyện tương tự với Trung Quốc: đó là thuế quan chống dumping và để đối phó với việc Trung Quốc bù trợ cho sản phẩm để đè bẹp sản phẩm của EU trên chính thị trường của EU.
Đương nhiên, phản ứng của Trung Quốc không chỉ là phản đối và thể hiện sự bực bội mà chắc chắn còn thể hiện ở những biện pháp trả đũa - như Trung Quốc đã áp dụng đối với EU trong những lần xảy ra tranh chấp thương mại cho tới nay và trong câu chuyện mới rồi với Mỹ. Đối với cả hai đối tác này thì tác dụng hay phản tác dụng của những quyết sách ấy là kết quả của cách nhìn nhận của từng bên và tuỳ thuộc vào thời điểm trước mắt hay lâu dài.
Nhưng dù thế nào thì đó cũng là một trận chiến mới giữa các đối thủ cũ và chắc chắn không phải lần cuối cùng. Có thể nhận ra từ thực trạng đó hai kết luận mang tính chất và dáng vẻ của cả xu thế. Thứ nhất, bảo hộ mậu dịch phục hưng mạnh mẽ trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đến mức dường như nó được không ít đối tác sử dụng như một phương cách đối phó. Thứ hai, tiến trình tự do hoá mậu dịch trên bình diện song phương, khu vực hay toàn cầu không phải là sự đảm bảo để có thể loại trừ được tranh chấp, thậm chí cả chiến tranh thương mại kiểu như vậy.