Bảng niêm yết lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân ở hầu hết ngân hàng lớn nhỏ đều để mức 14% một năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Thế nhưng, trên thực tế, mức lãi suất "ngầm" mà các nhà băng áp dụng cho khách trong khoảng hai tuần trở lại đây lại cao hơn đáng kể.
Vào ngày lễ Tết, nhà hàng, quán sá, cửa hiệu đua nhau giảm giá thì việc một số ngân hàng cũng nhập cuộc khuyến mãi nhằm hút khách gửi tiền là chuyện bình thường. Song, vì việc nâng lãi suất vượt trần là phá luật nên nhiều nhà băng chỉ dám huy động "chui". Chị Hiền, ngụ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, ngày 28/4, chị ra phòng giao dịch của ngân hàng thương mại A. gia hạn khoản tiền gửi 400 triệu đồng. Lúc tìm hiểu lãi suất của kỳ gửi mới, nhân viên ngân hàng sợ khách có ý định chuyển qua chỗ khác, liền chào mời chị Hiền gửi tiếp, với lãi suất lên tới 16,5% một năm.
Theo chị Nguyễn Thị Bích Vân, nhân viên giao dịch Ngân hàng Đại Á, không phải chỉ một số ngân hàng ngầm tăng lãi suất tiền gửi cho khách, mà không ít trường hợp khách hàng đi gửi tiền hoặc gia hạn khoản tiền gửi cũng chủ động “đòi” cộng thêm lãi suất, với lý do thứ gì cũng tăng mà lãi suất cả năm nay không lên theo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trần lãi suất huy động phải tăng thêm 3 - 4% nữa thì mới đủ bù trượt giá. Ảnh: Đông Nhiên.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), việc các ngân hàng đang tăng ngầm lãi suất hiện nay là xuất phát từ lý do "đói" vốn, thanh khoản yếu. Thực ra, nhìn vào bảng niêm yết lãi suất huy động của các ngân hàng thời điểm này sẽ thấy, nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn về khả năng thanh toán, khi các ngân hàng đồng loạt niêm yết lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tuần đến 12 tháng ở mức kịch trần 14%, còn kỳ hạn trên 12 tháng lại thấp hơn 1 đến 2%. Ở giai đoạn thị trường tiền tệ hoạt động bình thường, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài sẽ cao hơn kỳ hạn ngắn, nhưng trong giai đoạn khó khăn về vốn và thanh khoản, các nhà băng sẽ huy động kỳ hạn ngắn cao hơn.
Cũng theo ông Toại, với thời buổi trượt giá như hiện nay thì mức trần lãi suất huy động 14% không đảm bảo cho người gửi tiền hưởng mức lãi thực dương, tuy nhiên quy định đã đề ra thì các nhà băng phải tuân theo. “Tôi khẳng định ACB không huy động vốn quá mức trần cho phép. Song với cương vị là lãnh đạo một ngân hàng lớn, tôi mong muốn cơ chế lãi suất sẽ được tự do hóa trong tình hình hiện nay và mỗi ngân hàng được phép áp lãi suất huy động tùy theo nhu cầu vốn của họ. Vì mỗi ngân hàng có chiến lược kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng khác nhau, đối tượng khách hàng khác nhau, quan điểm về rủi ro và lợi nhuận cũng khác nhau, nhưng lại chịu một khung trần chung về lãi suất huy động thì quả là khó cho họ”, ông Toại nói.
Còn chuyên gia kinh tế cấp cao, tiến sĩ Lê Trọng Nhi cho rằng, nguyên nhân của đợt sóng ngầm lãi suất lần này là do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát khiến nguồn cung dòng tiền đang bị giảm, các ngân hàng nhỏ có thanh khoản kém đã tìm cách đẩy lãi suất lên cao nhằm thu hút nguồn tiền tiết kiệm. Những ngân hàng khác không thiếu VND cũng phải đua theo để giữ chân khách hàng.
Theo ông Nhi, lãi suất huy động thực tế đã vượt trần 14% như hiện nay (thậm chí cả lãi suất không kỳ hạn) không còn là vấn đề có chấp nhận được hay không mà đó là một dấu hiệu của mức lãi suất “thất bại”. Bởi nó tác động rất nhiều đến lãi suất đầu ra, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và có thể làm tê liệt, hao tổn nhiều nguồn lực kinh tế, như lĩnh vực kinh tế tư nhân - nơi được xem là tạo ra thu nhập và tài sản cho nền kinh tế đất nước trong năm nay.
“Đúng là mức trần lãi suất huy động 14% không đủ bù lạm phát, mà phải tăng thêm 3 - 4% nữa. Nhưng trong những giai đoạn đặc biệt như hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước không áp dụng những biện pháp mang tính hành chính để quản lý thị trường, thì thị trường có thể náo loạn. Bởi thực tế, lãi suất tăng cao không giúp cho nguồn vốn ngân hàng tăng lên, bởi cũng chỉ từng ấy lượng tiền gửi. Các nhà băng tăng lãi suất chỉ vì muốn giữ chân khách hàng, đảm bảo nguồn vốn cho các loại hình dịch vụ khác của nhà băng. Song việc đẩy mạnh lãi suất huy động lại kéo theo nhiều hệ lụy khác, như các nhà băng phải nâng lãi suất vay lên theo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất”, ông Nhi nói.
Thực tế, khi các ngân hàng ngầm đua tăng lãi suất huy động, thì cũng là lúc không ít doanh nghiệp và các khách hàng vay tiêu dùng tiếp tục điệp khúc kêu than về lãi suất cho vay lên cao “quá trời”. Chị Cao Thị Thủy, giáo viên một THPT ở Thanh Hóa cho biết, vừa rồi chị làm đơn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn với mức vay 6 tháng lương, lãi suất chị phải trả lên tới 1,8% một tháng (tương đương 21,6% một năm), trong khi trước Tết mức lãi vay chỉ 18% một năm.
Theo khảo sát của Đất Việt, lãi suất vay thực tế của các ngân hàng, kỳ hạn ngắn đã lên tới 20 - 22% một năm, trong khi đó vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh lên đến 23 - 24% một năm.
Các ngân hàng cũng thừa nhận đang rất khó khăn trong cả khâu huy động vốn và cho vay. Đại diện Ngân hàng phát triển nhà TP HCM, ông Đàm Thế Thái, cho biết, đúng là thời điểm này ngân hàng gọi vốn khó hơn trước đây, và nhà băng đang phải nổ lực trong công tác truyền thông, tiếp thị ra bên ngoài và cả trong nội bộ để huy động vốn. Song theo nhận định của các chuyên gia, “trong cái rủi vẫn có cái may”, bởi thời điểm này nhiều người có tiền nếu không gửi ngân hàng thì cũng không còn lựa chọn nào khác, khi các kênh đầu tư như USD bị cấm giao dịch, vàng và chứng khoán lình xình, bất động sản chưa rõ xu hướng, lại bị xiết vốn.
Nguồn: baodatviet